Viện Pháp tôn vinh nhà văn Dương Thu Hương, ví bà như Aleksandr Solzhenitsyn của Việt Nam

Nhà văn Dương Thu Hương
Nhà văn Dương Thu Hương, ảnh vào năm 2006 tại Pháp. GETTY IMAGES

Nhà văn Dương Thu Hương được Institut de France (Viện Pháp) vinh danh như một cây bút đấu tranh vì tự do, ngang hàng các nhà văn lớn của châu Âu thời Chiến tranh Lạnh.

Buổi lễ ở Pháp hôm thứ Tư 21/06/2023 cũng nhắc lại hành trình văn học, các tác phẩm chính của nhà văn người Việt Nam, hiện sống ở Pháp.

Ngày 21/06, nhà văn Dương Thu Hương đã được trao giải thưởng danh giá Cino del Duca tại Hội trường Mái Vòm của Institut de France.

Phát biểu trong lễ trao giải hôm qua, Giáo sư Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Pháp ngữ đề cao sự can trường của nữ nhà văn quê Thái Bình, miền Bắc VN, khi sự phản kháng của bà đã khiến nhà nước Việt Nam bỏ tù bà, tước quốc tịch và buộc bà phải sống lưu vong tại Pháp từ năm 2006 đến nay.

Đặc biệt, Nữ Giáo sư Carrère d’Encausse đặt cá nhân bà Dương Thu Hương vào hàng các như các nhà văn châu Âu từng bị coi là “bất đồng chính kiến” một thời.

Đó là Vaclav Havel, Milan Kundera và Aleksandr Solzhenitsyn.

Ông Kundera phải bỏ Tiệp Khắc sang Pháp sinh sống, sáng tác, và Aleksandr Solzhenitsyn bị Liên Xô trục xuất.

Bà Hélène Carrère d’Encausse gọi bà Dương Thu Hương là “Solzhenitsyn của Việt Nam”.

Ông Solzhenitsyn được trao Nobel Văn học năm 1970 cho tác phẩm ‘Quần đảo ngục tù’ nhưng không ra khỏi Liên Xô để đến Stokholm nhận giải được.

Buổi lễ trao giải, Les Grands Prix des Fondations de l’Institut de France, là sự kiện văn hóa lớn của Pháp, vinh danh những nhân vật có đóng góp cho nhiều lĩnh vực, từ y tế, xã hội tới văn học, công nghệ. Bà Dương Thu Hương đã lên bục, ôm hôn GS Carrère d’Encausse và nhận giải trong tiếng vỗ tay của cử toạ.

Toàn bộ nội dung có thể xem ở đây.

Trước đó, ngày 21/04, nhà văn Dương Thu Hương được công bố nhận Giải Toàn cầu 2023 (Cino del Duca 2023), trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris (Festival du Livre de Paris).

Giải Cino del Duca 2023 trị giá 200.000 euro đã được trao cho tác giả ‘Đỉnh cao chói lọi’ để “tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc, truyền đi thông điệp về chủ nghĩa nhân văn hiện đại”.

Lễ trao giải tại Viện Pháp
Giáo sư Hélène Carrère d’Encausse, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Pháp ngữ đề cao sự can trường của nữ nhà văn quê Thái Bình trong lễ trao giải vào thứ Tư 21/06. INSTITUT DE FRANCE

BBC News Tiếng Việt có cuộc trao đổi với các nhà thơ, phê bình văn học từ Việt Nam và Mỹ xoay quanh giải thưởng ‘Cino del Duca’ dành cho nhà văn Dương Thu Hương, và tác phẩm của bà.

Trước đó, bình luận với BBC qua email, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng “các sáng tác của nhà văn Dương Thu Hương vẫn rất có ích cho xã hội trong việc nhận thức lại cuộc chiến và những năm hậu chiến tranh [Việt Nam]”.

Sau đây, chúng tôi sẽ trích nguyên văn nhận định của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ và Giáo sư Stephen B. Young từ Mỹ, người cùng vợ đã dịch tác phẩm ‘Au Zénith’ (Đỉnh cao chói lọi), tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Dương Thu Hương dựng lại nhân vật văn học trên cơ sở cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: ‘Cái nước mình nó thế’

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. PHẠM XUÂN NGUYÊN

Nhà văn Dương Thu Hương bị chính quyền Việt Nam coi là phần tử chống đối, ly khai (dissident) nguy hiểm. Bà là nhà văn bị chính quyền Việt Nam thù ghét vì chính kiến của bà và sự tỏ bày công khai chính kiến đó một cách thẳng thắn, quyết liệt. Chính quyền đã bắt bỏ tù bà và buộc bà phải lưu vong ở Pháp. Bà không được về nước. Sách của bà không được in lại trong nước. Tên bà không được nói đến trong các bài viết và trên các diễn đàn học thuật.

“Cái nước mình nó thế!”

Về việc giải “Cino del Duca” có phải là tiền đề cho giải Nobel văn chương không thì tôi không dám chắc. Nhìn vào danh sách những người được giải thưởng này trong nửa thế kỷ qua và nhất là trong những năm gần đây thấy có một số tên tuổi nhà văn mà về sau họ sẽ được giải Nobel thì để thấy giải “Cino del Duca” là một giải thưởng có uy tín. Số tiền thưởng cũng lớn nữa, có lẽ chỉ sau giải Nobel.

Nhưng Ủy ban giải Nobel văn chương có tham khảo đến giải “Cino del Duca” khi quyết định trao giải cho ai đó không thì tôi không biết. Dù sao, tôi cũng vui mừng cho nhà văn Dương Thu Hương được giải thưởng này và hy vọng từ đây các tác phẩm của bà sẽ càng lan rộng trên trường quốc tế.

Nhà văn Dương Thu Hương có hai chặng sáng tác: khi ở trong nước và khi ra ngoài nước. Các sách bà đã in trong nước trước khi phải lưu vong thì tôi thấy đáng chú ý là tiểu thuyết “Những thiên đường mù”. Cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1988 này là một trong những tác phẩm đầu tiên viết trực diện về người Việt đi xuất khẩu lao động và từ đó mở ra một cái nhìn khác về thân phận người Việt, số phận nước Việt. Ba chữ “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương từ đó đã là một thành ngữ được dùng phổ biến.

Còn những sách bà in ở ngoài nước thì tôi thấy nổi bật là tiểu thuyết “Chốn vắng”. Trong quan hệ vợ chồng bi kịch của ba nhân vật: Bôn – Miên – Hoan, trong thái độ giằng xé của Miên đối với Bôn và Hoan, trong sự vật lộn giải thoát của Miên khỏi sự đè nặng của những gọng kìm truyền thống và tư tưởng, trong sự cùng đường hung hãn của Bôn…

Bìa sách 'Terre des Oublis'
Tiểu thuyết ‘Chốn Vắng’ được dịch sang Tiếng Pháp với nhan đề ‘Terre des Oublis’. INSTITUT DE FRANCE

Dương Thu Hương đã làm hiện rõ một “Chốn vắng” khủng khiếp kinh người. Văn của Dương Thu Hương ở cuốn này thực đến sắc lạnh và đau đớn. Đây có lẽ là tác phẩm nặng ký nhất của nhà văn Dương Thu Hương cho đến nay.

Tính cách bộc trực, thẳng thắn của nhà văn Dương Thu Hương đã nổi tiếng từ sớm trong văn giới. Bà yêu ghét rõ ràng, ý kiến dứt khoát. Ngay cách bà trò chuyện với lối xưng hô tưởng như bỗ bã nhưng thực ra lại là cách bà thể hiện sự yêu mến, tin tưởng của mình với các bạn bè, đồng nghiệp, cũng cho thấy tính cách thẳng thắn của Dương Thu Hương.

Bà thẳng thắn có lúc cực đoan. Nhưng con người bà là thế. Bà đã sống thật với con người đó của mình, không giả tạo, che đậy. Và bà đã mang cả con người đời sống đó vào văn chương. Tác phẩm của Dương Thu Hương, vì thế, cũng quyết liệt, thẳng thắn trong chủ đề, trong cách viết, cách xây dựng nhân vật. Văn Dương Thu Hương không nửa vời, và nó buộc người đọc cũng không được nửa vời.

Tôi đồng ý với ý kiến của anh Vương Trí Nhàn.

Dương Thu Hương là nhà văn sớm nhìn ra mặt trái, mặt giả của xã hội mình đang sống. Hay nói cách khác, bà sớm nhìn thấy “mặt thật” của những thứ được che đậy và tô vẽ. Và với tính cách của mình như đã nói trên, bà thẳng thắn lên tiếng công khai trình bày quan điểm của mình trên các diễn đàn hội nghị, hội thảo, trong những bài viết, bài nói, không sợ bị truy chụp, quy kết, đàn áp. Bà nói và viết. Viết chính luận và viết văn chương. Những truyện ngắn, tiểu thuyết của bà giờ đây đọc lại ở độ lùi ba bốn chục năm vẫn có tính thời sự. Như truyện ngắn “Chân dung người hàng xóm” viết sau sự kiện tháng 2/1979 về sự phản bội, tráo trở của người láng giềng phương Bắc.

Như tiểu thuyết “Bên kia bờ ảo vọng” về sự sụp đổ những thần tượng, không chỉ là câu chuyện tình yêu. Và tất nhiên là “Những thiên đường mù”, khi ba năm sau cuốn sách ra đời thì thiên đường Liên Xô đã tiêu tan. Còn những cuốn bà viết khi đã ở Pháp, như “Chốn vắng”, “Đỉnh cao chói lọi”, tiếp tục phơi bày và đi sâu vào hiện thực và những vấn đề cốt tử của đất nước. Đọc Dương Thu Hương để thấy những cái không thấy được ở những cái viết của các nhà văn khác trong nước.”

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, sinh năm 1958 là một cây bút bình luận văn chương nổi tiếng ở Việt Nam. Năm 2017 ông từng tuyên bố từ chức Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội vì “lòng tự trọng và trách nhiệm”.

Nhà thơ Hoàng Hưng: ‘Thật dễ hiểu khi truyền thông Việt Nam im lặng’

Nhà thơ Hoàng Hưng
Nhà thơ Hoàng Hưng. HOÀNG HƯNG

Trước tiên, chúng ta cần hiểu chuẩn xác về Giải ‘Cino del Duca’, không phải là “tiền Nobel” và không phải do Viện Hàn lâm Pháp trao.

Một số người gọi là giải “tiền Nobel” và do Viện Hàn lâm Pháp trao (với ý nghĩa rằng Viện Hàn lâm Pháp là tổ chức hàn lâm cao nhất của nước Pháp, theo kiểu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội & Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên ở các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa).

Theo tôi đã có sự hiểu lầm.

Bản tin tiếng Pháp khi đưa tin đã viết: “Trị giá 200.000 euro, là món tặng thưởng quan trọng về văn học chỉ đứng sau Giải Nobel” (Doté de 200.000 €, il offre la plus importante dotation pour un prix littéraire après le Prix Nobel), tức là giá trị về tiền đứng sau Nobel chứ không phải giá trị văn chương.

Giải ‘Cino del Duca’ không phải giải văn chương thuần túy (như giải Goncourt, vào loại uy tín nhất của Pháp, chỉ có 10 euro tượng trưng).

“Giải thưởng này vinh danh sự nghiệp của một tác giả người Pháp hay nước ngoài mà tác phẩm, dưới hình thức khoa học hay văn chương, là một thông điệp của chủ nghĩa nhân bản hiện đại”, theo bản tin Tiếng Pháp trên trang ViaBooks.

Về tổ chức trao giải thì không phải Viện Hàn lâm Pháp, mà là Institut de France (Pháp quốc Học viện) là cơ quan bao gồm năm Hàn lâm viện thành viên (Académie des Sciences morales et politiques – Hàn lâm viện các khoa học đạo lý và chính trị; Académie des Sciences de France – Hàn lâm viện khoa học Pháp), Académie des Beaux-arts (Hàn lâm viện Mỹ thuật), Académie des Inscriptions et Belles Lettres (Hàn lâm viện nghiên cứu văn khắc cổ và lịch sử, khảo cổ học), Académie Française (Hàn lâm viện Pháp ngữ).

Giải được Institut de France quyết định theo đề xuất của Hàn lâm viện Pháp ngữ, dịch từng tiếng là Viện Hàn lâm Pháp (tiếng Pháp: L’Académie française) là thể chế học thuật tối cao liên quan tới tiếng Pháp.

Hàn lâm viện này được thành lập năm 1635 bởi Hồng y Richelieu, người đứng đầu nội các của Vua Louis XIII.

Sách 'Hành Trình Thời Thơ Ấu'
Sách ‘Hành Trình Thời Thơ Ấu’, tựa đề tiếng Pháp là ‘Itinéraire d’enfance’ của Dương Thu Hương. INSTITUTE DE FRANCE

Vì sao nhà nước và truyền thông chính thống của Việt Nam im lặng tuyệt đối trước vinh dự lớn lao mà nhà văn Dương Thu Hương nhận được, khác hẳn khi Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nhận được cũng Giải này năm 2012?

Theo tôi, điều này thật dễ hiểu.

Có phần do nội dung tác phẩm của nhà văn Dương Thu Hương không phù hợp với đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên cũng không thể nói tác phẩm của bà là “chống Cộng, chống chế độ”. Những nhận xét của bạn đọc Phương Tây mà tôi đọc được chỉ nêu lên tinh thần nhân bản, hiện thực đời sống của người dân Việt Nam dưới gánh nặng của quá khứ, truyền thống và chiến tranh.

Ví dụ về một bình luận từ Donna Seaman (Booklist _ American Library Association) như sau: “Dương Thu Hương gợi lên vẻ đẹp của xứ sở, những truyền thống Việt Nam xưa, và những tiết tấu phi thời gian của đời sống hàng ngày, đối âm với những bi kịch của sự đàn áp và chiến tranh. Chia sẻ những tâm sự đau khổ của mỗi nhân vật bị mắc vào cái mạng thắt nghẹt của tuyệt vọng, bổn phận, ham muốn, cảm thương, và giận dữ, Hương dẫn một câu chuyện quyến rũ, chính xác về chi tiết và có tầm rộng lớn. Một cuốn tiểu thuyết làm ta say đắm, phân tích một cách sắc sảo bản chất của chiến tranh và hòa bình, sự nghèo nàn và giàu có về vật chất và tinh thần, cái tôi và cộng đồng, sự cưỡng bức và tình yêu”.

Vậy cái chính là do “lý lịch chính trị” của tác giả: một nhà văn thẳng thắn, bộc trực, công khai mạnh mẽ chống đối đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, dẫn đến việc bà bị tù đày và phải tị nạn chính trị.

Nhà thơ Hoàng Hưng tên thật là Hoàng Thụy Hưng, sinh năm 1942. Ông nổi tiếng với sự nghiệp cách tân thơ trải dài trong hơn 50 năm qua với nhiều tác phẩm và giải thưởng. Sau khi nghỉ hưu ông cũng được mời nói chuyện thơ ở các nước như Pháp, Đức, Mỹ…

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ: ‘Vết thương sâu hoắm’

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ
Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ trong một bức ảnh phác họa. NGUYỄN TẤN CỨ

Truyền thông Việt Nam im lặng trước việc nhà văn Dương Thu Hương được trao giải Cino del Duca là bình thường, không có gì ngạc nhiên. Nếu có ngạc nhiên là vì sao có quá nhiều người đòi hỏi rằng họ “truyền thông Việt Nam” phải đưa tin cái điều mà họ không thích, nói đúng hơn là “khó chịu” không khác gì buộc họ phải hát nhạc vàng trên nền nhạc đỏ, một điều không tưởng viển vông.

Với giải thưởng này thì Dương Thu Hương có thể như là “một tiền đề cho giải Nobel văn chương” nhưng chỉ là “giới thiệu đề cử” thôi, còn để đoạt cúp thì còn xa xăm lắm vì nhìn vào danh sách “những nhà văn sừng sỏ” của Cino del Duca thì bà Dương Thu Hương với những tác phẩm đã xuất hiện chỉ là một đóm lửa nhỏ trong một đám cháy lớn, và muốn cầm nắm được giải Nobel là một con đường dài, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để hình thành nên một chuỗi tác phẩm đình đám như Murakami là một ví dụ…

Không biết sao tôi vẫn mê đắm những tác phẩm bà đã từng in trong nước “thời mở cửa đổi mới” cùng với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… như “Vĩ nhân tỉnh lẻ”, “Bên kia bờ ảo vọng”, “Thiên đường mù” những tác phẩm luận đề sau này tôi chỉ thấy “dữ dội”, nhưng lại mới là cái “xương sống của sự nghiệp văn chương của bà, nâng đỡ cho cho cái giải thưởng mà Dương Thu Hương đang được đón nhận.

“Tính cách bộc trực thẳng thắn” này đã rèn giũa nên một thanh gươm bén trong văn chương của Nhà Văn Dương Thu Hương, chính vì “đao kiếm” này đã đào nên cả một vết thương sâu hoắm giữa nhà nước Việt Nam và Dương Thu Hương, làm cho chính quyền xã hội chủ nghĩa không thể chịu đựng nỗi với người đàn bà quá quắt không chịu thỏa hiệp nầy .

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn có thể đúng một phần đó là sáng tác của nhà văn Dương Thu Hương “vẫn có ích cho xã hội trong việc nhận thức lại cuộc chiến và những năm hậu chiến” nhưng ông ta vẫn chưa hiểu hết là bà Dương Thu Hương không thể đứng về “một phe bên nào” khi những nhận định về chiến tranh của mình vẫn là “cuộc chiến tranh bất ổn”.

Vì bà ta không thể trở về khi bà vẫn “đối đầu” với chính quyền cộng sản… bà chỉ còn một con đường duy nhất là ra đi “cô độc một mình” cho đến khi khi “cuộc chiến” lụi tàn và thứ còn ở lại đó là văn chương và hận thù không còn đất sống.

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, sinh năm 1956, quê ở Quảng Ngãi, và từng là nhà báo ở Việt Nam. Các tác phẩm được biết đến nhiều của ông bao gồm Cho sinh nhật em và tôi, Thơ Nguyễn Tấn Cứ…

Giáo sư Stephen B. Young nói về ‘Đỉnh cao chói lọi’

Giáo sư Stephen B. Young
Giáo sư Stephen B. Young. STEPHEN B. YOUNG

Tôi và vợ của tôi, Phạm Thị Hoa đã dịch tiểu thuyết ‘Đỉnh cao chói lọi’ của nhà văn Dương Thu Hương từ tiếng Việt sang tiếng Anh cho nhà xuất bản Penguin ở New York.

Đây là một trải nghiệm rất xúc động cho cả hai chúng tôi, cảm thấy trách nhiệm khi giúp độc giả tiếng Anh có trải nghiệm đầy ý nghĩa khi hiểu về “Tính Việt Nam”, vượt hẳn sự thỏa mãn tức thời khi lần theo một cốt truyện bất thường.

Ví dụ, cách dịch tựa đề ‘Đỉnh cao chói lọi’, chúng tôi đã tìm cách diễn đạt tiếng Anh. Chúng tôi đã đề nghị nhiều tựa đề thay thế nhưng nhà xuất bản cuối cùng đã chọn “The Zenith”, theo Tiếng Việt thì tựa đề có nghĩa “đỉnh cao, đôi mắt bị ánh sáng che mù”.

Dương Thu Hương đưa ra những cụm từ mang đầy tính biểu tượng này bao hàm điểm yếu của con người trong việc gìn giữ một quan điểm thực tiễn về cuộc sống khi được đưa lên vị trí cao.

Nếu chúng ta ở vị trí quá cao, chúng ta sẽ đánh mất nhân tính.

Vì vậy tiểu thuyết của Dương Thu Hương đã kể về câu chuyện của lãnh đạo Hồ Chí Minh, người đã không sống đúng theo hình tượng được tôn thờ.

Là tiểu thuyết thuộc thể loại ‘roman-a-clef’ (tiểu thuyết ám chỉ), ‘Đỉnh cao chói lọi’, một là đã hé lộ bi kịch bí mật về cuộc đời của Hồ Chí Minh, và thứ hai, là giúp những độc giả tiếng Anh hiểu được về “Tính Việt Nam [Vietnamness]”…

Bìa sách 'Au Zénith'
Bìa sách ‘Đỉnh cao chói lọi’, được dịch sang Tiếng Pháp là ‘Au Zénith’. INSTITUT DE FRANCE

Xuyên suốt cả tác phẩm, Dương Thu Hương đã cho thấy ngôn ngữ có thể không được trau chuốt nhưng đồng thời có thể mang đầy tính nghệ thuật. Bà ấy đã sắp xếp các sự kiện cấu thành cốt truyện, trong số những trải nghiệm nhân vật mà chúng ta bắt gặp và hiểu về suy nghĩ và cảm xúc của họ.

Cách Dương Thu Hương sử dụng từ ngữ mang chúng ta chạm dưới bề mặt cảm xúc, sự mô tả mang đầy xúc cảm và len lỏi vào ngóc ngách bên trong.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều thách thức trong quá trình dịch thuật để đảm bảo linh hồn cho tác phẩm.

Vợ tôi viết nghĩa câu bằng tiếng Anh, rồi tôi đọc câu tiếng Việt và tự thả lỏng bản thân trong bối cảnh Việt Nam đa sắc màu mà Dương Thu Hương mang đến. Và từ cảm thức sâu xa đó từ những từ ngữ tiếng Việt, tôi đã cố gắng truyền tải cảm xúc của mình bằng tiếng Anh.

Sau đó, bạn tôi, ông Nguyễn Ngọc Bích, một người dịch thơ Việt Nam sang tiếng Anh rất giỏi sẽ xem lại bản thảo của chúng tôi để kiểm tra về độ chính xác và độ tinh tế của ngôn ngữ.

Mỗi người chúng tôi đều cảm thấy phải có trách nhiệm trong việc tôn vinh sự xuất sắc của Dương Thu Hương khi dịch tác phẩm của bà sang tiếng nước ngoài.

Tác giả Stephen B. Young hiện là Giám đốc Điều hành Caux Round Table for Moral Capitalism. Ông từng làm phó khoa Luật Đại học Harvard, Giáo sư Luật tại Hamline University Law School. Các tác phẩm của Giáo sư Stephen B. Young gồm Kissinger’s Betrayal: How America lost the Vietnam War, The Theory and Practice of Associative Power – CORDS, The Tradition of Human Rights in China and Vietnam, Moral Capitalism, The Way to Moral Capitalism…

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd15gqnn98po

Related posts