Lê Học Lãnh Vân
Những năm xa lắm rồi, khoảng sáu mươi năm trước, khi các con hẻm của khu Bàn Cờ còn rộng, đường đất chưa lát xi măng, tụi tui đang thời tiểu học, buổi sáng trời còn mờ tối, tay xách cặp, bình mực, vừa đi tới trường vừa lần theo tiếng dế trong bụi cỏ. Một đám học sinh ríu rít, an hòa, không biết những ngày yên bình đang bị mất đi…
Nhiều sinh viên từ các tỉnh vào Sài Gòn học, thuê chỗ ở trong các con hẻm đó. Các anh chị dễ thương, tổ chức các buổi vui chơi cho đám nhỏ như đánh cầu, tạt lon… mà tụi tui tham gia hết mình, tay quệt mồ hôi trán chân nhảy lò cò. Còn nhớ một chị, lớn hơn tui năm sáu tuổi gì đó, đứng trước nhà ngó tụi tui chơi cười mủm mĩm. Quay đi quay lại, quân Mỹ đổ bộ Miền Trung, dù còn nhỏ tui cũng cảm thấy cuộc sống nóng hơn, thức ăn mắc mỏ hơn, chị kia trổ mã trắng da dài tóc được một anh dẫn đi đâu mất! Ông già chị bắc ghế chửi ra rả cuối xóm còn nghe. Vài bữa sau an ninh tới hỏi thăm, ông già hết chửi. Ông anh trong nhà nói thằng cha ngu quá, con ổng vô bưng chống chánh quyền, càng lớn tiếng chửi thiên hạ càng biết. Bà chị nói vô bưng mà dắt nhau xà nẹo còn đâu thì giờ kháng chiến…
Quay đi quay lại, tụi tui cũng bể tiếng, biết thêm nhiều điều. Mấy anh từ các tỉnh vô Sài Gòn học rớt hoài là cố ý rớt để ở lại trường vận động sinh viên ủng hộ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Trong số các anh chị xẹt qua xẹt lại Bàn Cờ, có một người sau này nổi tiếng ở thành phố, anh Dương Văn Đầy.
Trong thời cuộc đó, tôi nghe một số anh chị nhắc Hoàng Phủ Ngọc Tường, một thầy giáo người Huế, uyên bác, tài hoa, kiên nghị. Cái tên anh khiến tôi nhớ Hoàng Phủ Thiếu Hoa, một nhân vật trong truyện tàu Mạnh Lệ Quân.
Vùn vụt trôi, thời gian! Dồn dập, sự kiện! Mậu Thân máu lửa, tướng Đỗ Cao Trí đánh qua Campuchia, Mùa hè đỏ lửa, Cổ Thành Quảng Trị, An Lộc chiến địa, Phước Long, Buôn Mê Thuột rồi Miền Nam sụp đổ…
Hơn một con giáp sau năm 1975, tụi tui sống trong xã hội gần như tan hoang vì tinh hoa Miền Nam vào trại cải tạo, kinh tế Miền Nam sụp đổ vì bị đánh tư sản, các cuộc đổi tiền, người Việt bỏ nước ào ạt tuôn ra biển… tui cũng tìm được đường cho mình sang châu Âu. Trước khi rời Việt Nam tôi được đọc một số bút ký, thơ của anh Tường, thấy chúng mướt, tươi, vừa giàn giụa hương vị cuộc sống thanh tân vừa ắp mọng nhiều suy nghĩ nhân sinh. Khi trở lại Việt Nam nửa sau thập niên 1990, nghe xã hội nhắc anh Tường nhiều hơn, buồn thay không nhắc vì tài văn chương mà vì các liên quan của anh với tư cách dẫn đường cho cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế! Hoàng Phủ Ngọc Tường là đồ tể còn Nhã Ca là người vấn khăn tang cho Huế!
Đọc và nghe những phát biểu, bài viết của anh Tường về sự có mặt của anh tại Huế trong những ngày tang thương ấy, quan điểm của anh về cuộc thảm sát năm sáu ngàn đồng bào Huế, tôi không biết nói gì hơn là đau đớn và thất vọng! Đọc các bài viết về anh, giận dữ, căm ghét, tôi nói thầm, ôi oan nghiệt, chén nước đã đổ xuống đất biết còn hốt lên được không?
Trong vòng mười năm lại đây, có dịp kết bạn với các nhân vật tôi tin là khí khái, trung thực, biết rõ quá khứ hoạt động của anh Tường, những người này khẳng định anh Tường không liên quan gì tới thảm sát Mậu Thân tại Huế, ít nhất là không liên quan tới vai trò dẫn đường. Bởi vì lúc đó anh có mặt ở Huế đâu! Tôi bị thuyết phục bởi nhiều chứng cớ được đưa ra. Chính anh Tường đã viết một bài trần tình và nhận lỗi rằng trong clip phóng sự “phỏng vấn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vào ngày 28/2/1982”, anh đã “trả lời phỏng vấn với tư cách một nhân chứng Mậu Thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc.”. Nghĩa là “tôi là kẻ mạo nhận”! Tuy nhiên trong clip đó anh tố cáo “Mỹ Ngụy” gây ra cuộc thảm sát, điều mà rất nhiều người tin là không có!
Do đó không lạ khi rất rất nhiều người vẫn tỏ lòng căm hận anh Tường. Với các người thực lòng căm hận anh vì đau xót cho sinh mạng năm ngàn đồng bào, tôi rất thông cảm và cùng đau xót với các anh chị. Thuyết phục người rất khó, huống chi chính anh Tường đã dựng nên những chứng cớ tự tố cáo mình! Nhớ năm xưa, tướng Nguyễn Ngọc Loan phải chịu áp lực dư luận quá nặng vì tấm hình phóng viên Eddie Adams chụp ông bắn ông Bảy Lốp đang bị trói tay. Giờ đây, anh Tường lại tự chính mình làm Eddie Adams chống lại chính mình với số nạn nhân là năm ngàn người bị trói tay! Ông Eddie Adams sau này đã bênh vực cho tướng Nguyễn Ngọc Loan và được một số người thông cảm, anh Tường tự bênh mình có dễ được người ngoài tin không? Giả sử anh thật sự ngoại phạm trong vụ thảm sát thì mối oan nghiệt này lại do chính anh tạo ra!
Nhìn rộng hơn, sự thuyết phục nhau khó còn nằm ở chỗ trong xã hội Việt Nam bây giờ người ta không biết tin ai. Các sự kiện trong xã hội cũng không được thông tin trung thực. Còn rất nhiều mù mờ cố ý về những gì thật sự xảy ra tại dinh Độc Lập trong ngày lịch sử lớn 30/4/1975, vụ loan tin đồn không trung thực rằng ông Thiệu mang 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam, và chính vụ thảm sát Mậu Thân còn được cố sống cố chết cãi, chối tội chứ không có cuộc điều tra độc lập nào…
Khi tính dối trá được dung dưỡng tất tính trung thực, chất keo quan trọng nhất gắn kết các thành viên xã hội, bị lão hóa hư hỏng nặng nề. Có phải đó là lúc xã hội bắt đầu lần lần tự phân rã hay không?
Căm giận hay tha thứ, khinh rẻ hay thông cảm anh Tường giờ là chuyện nhỏ với tôi so với xã hội thiếu trung thực và bị chia rẽ tới như thế này.
Chỉ thấy trước mắt một con người bị quay cuồng trong cuộc chiến hai mươi năm và trong vài mươi năm hậu chiến tiếp theo nữa. Nơi con người ấy có nhiều mặt đối lập nhau, gây đau khổ cho người khác và tự mình cũng chuốc lấy quá nhiều đau khổ!
Chạnh nghĩ, đất nước ta từng có thời ước mơ dân chủ tự do để rồi bây giờ chuyên chính và toàn trị! Có thời đặt mục tiêu mau sánh vai cường quốc năm châu để rồi bây giờ yên phận ao làng ngày càng nhỏ hẹp!
Chạnh nghĩ, nước ta từng có thời thờ cha kính mẹ, tối lửa tắt đèn, thương người như thể thương thân để rồi bây giờ những vụ như Cải cách Ruộng đất xâm phạm thô bạo tất cả giá trị trên!
Chạnh nghĩ nước ta từng tự hào về khái niệm đồng bào độc đáo nhất thế giới để rồi “hai mươi năm nội chiến từng ngày”, người Việt giết người Việt!
Câu thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường “Thời gian sao mà xuẩn ngốc / Mới thôi đã một đời người” là vận vào chính tác giả hay vào cả dân tộc này? Qua cuộc sống và số phận một người, tôi thấy cuộc sống và số phận một dân tộc, một quốc gia với một lời nguyền tự thân không dễ hóa giải…
Ngày 25 tháng 7 năm 2023