Bản án vụ chuyến bay giải cứu: Phạm Trung Kiên thoát chết nhưng công lý bị treo cổ

Gió Bấc (RFA)

30-7-2023

Vụ án “chuyến bay giải cứu”, cuối cùng tòa cũng tuyên án theo hướng mà dư luận đã dự đoán, nghi ngại. Phạm Trung Kiên thoát chết, so với mức đề nghị của Viện Kiểm Sát, một số bị cáo bị tuyên phạt nặng hơn, có đến bốn án chung thân. Nhưng bản án đầy rẫy bất minh, né tránh vấn đề cốt lõi là quyền lợi của những khách hàng bị hút máu. Công lý bị treo cổ, kẻ thủ ác chính là Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng.

Dù biết trước nhưng người dân vẫn phải theo dõi vở đại hài kịch “xử án vụ chuyến bay giải cứu” đến phiên cuối cùng, để rồi sự phẫn nộ, khinh bỉ những con thú đội lốt người nhân thảm họa đại dịch, sử dụng quyền lực, hút máu dân, sang những người quyền cao chức trọng “nhân danh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.

Bản án thật sự bùng nổ sự căm phẫn trong dư luận. Không thể quy kết đó là những “thế lực thù địch” lợi dụng phiên tòa để bôi xấu chế độ. Đây là tiếng nói của những công dân có trách nhiệm, có liên quan đến đại dịch và nền tư pháp.

Đồng tiền nhuộm máu dân 

Bác sĩ Võ Xuân Sơn, một “hiệp sĩ áo trắng” trong thời đại dịch vừa triển khai chương trình hỗ trợ oxy miễn phí cho người dân, vừa trực tiếp đi cứu chữa bệnh ở các khu cách ly, vừa liên tục đăng ý kiến phản biện với các biện pháp chống dịch hình thức, cực đoan, giả dối hành dân như ngoáy mũi, cách ly tập trung, … đã bày tỏ sự bất bình cao độ với bản án. Bác sĩ Sơn bày tỏ bất bình trên Facebook cá nhân:

Lẽ ra, sẽ phải có rất nhiều án tử hình. Lẽ ra, sẽ phải có thêm nhiều người đứng trước vành móng ngựa. Lẽ ra, những kẻ đề bạt, theo dõi, quản lý số cán bộ này phải lãnh trách nhiệm về những việc làm của những kẻ này… Nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở những kẻ được đưa ra xử mà thôi. Những đồng tiền nhuốm máu người dân được sử dụng để ‘khắc phục hậu quả’, để giảm án cho bọn người vô nhân tính này.

Nói chung, thì còn nhiều cái để các bạn có thể bất bình lắm, hơn là việc đòi hỏi ‘gái điếm phải còn trinh’.

Nhưng vụ án này cho thấy một vấn đề khác. Đó là, chẳng mấy kẻ sợ cái lò đang cháy rừng rực cả. Cứ có cơ hội là chúng đớp, giống như bầy cá dồ, mới lấp ló là đã nhảy lên đớp. Ngay cả khi đám cá dồ này bị truy tố, thì lại có một đám cá dồ khác ngửi thấy mùi, và ‘đớp’ để chạy án. Chúng chẳng sợ bị bắt, chẳng sợ bị lộ, chẳng sợ cái lò đốt cả củi tươi của bác tổng” (1).

Tâm trạng của bác sĩ Võ Xuân Sơn cũng là ưu tư chung của nhiều người về phiên tòa và bản án sơ thẩm này. Vấn đề không chỉ là án nặng, án nhẹ với người này hay người khác, mà điều đáng thất vọng là qua phiên tòa này, một lần nữa cho thấy trong thể chế Việt Nam, công lý không được thực thi, các cơ quan pháp luật không răn dạy người ta ăn ngay làm phải, mà ngược lại.

Hình phạt “nhân văn”, không để có thêm một Xiêng Phênh!

Án tử hình là hình phạt nghiêm khắc, có phần man rợ mà nhiều nước đã bãi bỏ. Không ai muốn ông Phạm Trung Kiên phải bị tử hình, nhưng hành vi nhận hộ của Phạm Trung Kiên quá sức tàn nhẫn, mức hối lộ khủng khiếp, lên tới hơn 41 tỉ đồng. Chỉ là người thư ký, trung chuyển hồ sơ xin cấp chuyến bay mà mỗi mình Kiên đã cưỡng ép các doanh nghiệp chi số tiền khổng lồ như vậy.

Cấp trên của Kiên, thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, người có thẩm quyền ký duyệt lại “trong veo”, không tơ hào một xu nào, thật đáng kính phục. Những sự việc nhận tội và nộp tiền 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả của Kiên trơn tuột, gọn ghẽ đến mức khó tin.

Dư luận chờ đợi bản án tử vì nhớ tới vụ lời khai trước pháp trường của tử tội Xiêng Phênh đã chỉ ra “ông trùm” ma túy, cựu đại úy Vũ Xuân Trường. Nhưng mong muốn như vậy thôi, vì ai cũng biết Đỗ Xuân Tuyên quê ở Hưng Yên, đồng hương với Bộ trưởng và hai Thứ trưởng Bộ Công An, nên mãi mãi sẽ là “người trong sạch”.

Nhà báo Mai Bá Kiếm, cựu Thư ký Tòa soạn báo Phụ Nữ TP.HCM, đã bình luận rất dí dỏm, nhẹ nhàng mà sắc sảo: “Bị VKS cáo buộc đã nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng và đề nghị mức án tử hình! Nhưng, gia đình Phạm Trung Kiên đã nộp 42,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nên Tòa tuyên Phạm Trung Kiên mức án chung thân. Nếu Kiên không kháng cáo án sơ thẩm, coi như manh mối “trùm cuối” không còn. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên không phải là người thường, mà thành người cõi trên, vì có thư ký Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, mà ông vẫn giữ mình trong sạch vững mạnh, nên đạo đức sáng ngời, công đức vô lượng!” (2)

Lê Lai ngày xưa phải chết để cứu Lê Lợi. Ngày nay thì không cần. Đã có những Lê khác đứng sau dàn xếp.

Tăng án chung thân vì hát cương sai kịch bản!

Ở chiều ngược lại, cái án chung thân của cựu trung tá Hoàng Văn Hưng càng làm dư luận bức xúc, bất mãn. Không ai tin Hưng bị oan, không ai than phiền bản án nặng, nhẹ. Thái độ, bản lĩnh điềm tĩnh tự tin, sắc sảo của Hưng trước phiên tòa càng thuyết phục công luận, Hưng là tay lão làng trong lĩnh vực điều tra và không thể nào vô tội. Nhưng điều dư luận bất bình là cung cách buộc tội của cơ quan tố tụng. Chỉ dựa theo niềm tin nội tâm và suy đoán có tội mà thiếu chứng cứ vững chắc.

Nhà báo Nguyen Yen, nguyên Thư Ký Tòa Soạn mãng Nội Chính báo Lao Động đã có ý kiến nhẹ nhàng lửng lơ: “Cãi phăng phăng tại tòa hẳn cũng là một lựa chọn ‘được cân nhắc’ khá kỹ của một điều tra viên dày dạn kinh nghiệm như Hưng. Cũng hơi thắc mắc, sao Hưng không đề nghị thực nghiệm 4 chai rượu vang đặt trong chiếc cặp tài liệu. Giá như nói rằng, trong quá trình điều tra, bị cáo luôn tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội và dẫn chứng bằng số liệu thì rất thuyết phục… rằng là vô tội. Án chung thân hẳn là Hưng không nghĩ đến”.

Ý kiến này thu hút nhiều bình luận, trong đó nick Ky Mai đã thẳng thắn bày tỏ: “Không phục nhất là cái án chung thân dành cho Hưng, thực sự không dựa trên các chứng cứ mạnh mẽ mà gần như chỉ là sự trả đũa của toà án với một bị cáo không chịu nhận tội.

Bị cáo có quyền bảo vệ mình và không nhận tội trong khi trách nhiệm chứng minh bị cáo phạm tội là của bên công tố (chứ cũng không phải của thẩm phán). Việc kết án nặng họ với lý do ‘ngoan cố, không ăn năn hối cải’, mang tính chủ quan nặng nề và có xu hướng đẩy nhiều người vô tội (ở đây không nói tới trường hợp của Hưng) phải nhận tội để tránh bị xử nặng hơn (và nhiều án oan cũng từ đó mà ra). Các kết quả về phía toà án sẽ ‘đẹp’ hơn (vì họ xử được nhiều án hơn, không có án đọng, án tồn…) nhưng cán cân công lý đã bị đặt nặng quá ở một bên từ trước, không còn là cái cân của một vị nữ thần Công lý bịt mắt” (3).

Đó có thể xem là ý kiến cảm tính, chủ quan của dư luận xã hôi. Nhưng với giới luật sư, những người am hiểu pháp luật thì mức độ bức xúc với bản án càng cao hơn và có căn cứ pháp lý, có lập luận phản bác rất vững vàng. Luật sư Trịnh Đình Dũng có bài viết trên Facebook với tưa đề:

“Cựu Trung tá Hoàng Văn Hưng bị buộc ‘nhận 450 ngàn USD’, lãnh án chung thân: Nền tố tụng hình sự như bị ‘đóng đinh’ thêm ‘Tiền lệ suy đoán có tội’.”

Bài viết này có 268 like, 60 bình luận và 18 lượt chia sẻ cho thấy sự quan tâm, đồng tình của xã hội rất cao.

Điểm qua tình tiết vụ án, Luật sư Trịnh Đình Dũng cho rằng: “ ….Về niềm tin nội tâm, mọi người đều cho rằng bên trong không thể chứa 04 chai rượu vang mà phải là mấy xấp USD. Niềm tin như thế là rất xác đáng, đúng với sự việc.

Nhưng dù sao thì cơ quan công tố không đưa ra chứng cứ có tính quyết định rõ trong vali chứa 450 ngàn USD, kiểu như ảnh chụp được ông Hưng mở vali lấy xấp USD.

Phía công tố lập luận theo hướng “xâu chuỗi các sự kiện”“tin bên trong có chứa 450 ngàn USD”.

Các sự kiện xâu chuỗi như: Thời gian nhiều lần gặp gỡ, nhờ vả, trao đổi, hướng dẫn, nhiều lần gặp tại, không ai biếu rượu vang mà mua vali samsonite đắt tiền để chứa, một trưởng phòng nghiệp vụ điều tra viên cao cấp không thể nhân ái đến mức nhiều lần gặp gỡ hướng dẫn cho bị cáo mà chính mình đang phụ trách điều tra chỉ để nhận 04 chai rượu vang, khi nhận ra đường đứng đợi nôn nóng…

Toà đã đồng ý với lập luận của phía công tố và buộc Cựu Trung tá Hoàng Văn Hưng có “nhận 450 ngàn USD”.

Suy đoán có tội

Luật sư Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đến nguyên tắc pháp lý quan trọng là “Pháp luật luôn ‘nhắc nhỡ’ bằng các quy định để người tiến hành tố tụng, đặc biệt là các thẩm phán, không được suy đoán có tội, mà phải suy đoán vô tội.

Bởi suy đoán có tội có khi xử oan người vô tội. Xin thử ví dụ trong trường hợp (nhưng khó tin trong thực tế nó xảy ra), nếu ông Tuấn lúc đầu thỏa thuận chuyển ông Hưng 450 ngàn USD nhưng do lòng tham, nên đã tráo vào đó 04 chai rượu vang thì sao? Nếu nó xảy ra thật thì có oan cho ông Hưng không? Ví dụ như vậy chỉ để nhằm nói rõ hơn tính nguy hại của ‘Suy đoán có tội’…

Cựu Trung tá Hoàng Văn Hưng lãnh án chung thân, thực ra cũng không ai thương tiếc gì, nhưng những người làm công tác liên quan đến tố tụng hình sự cảm thấy như bị dội một gáo nước lạnh vào bộ mặt tố tụng hình sự nước nhà” (4).

Hơn thế nữa, trong trường hợp này cả Viện, Tòa đều bỏ lửng số phận pháp lý của khoản tiền chênh lệch 1,8 triệu USD.

Suốt phần xét hỏi, Hưng nhiều lần thắc mắc, đề nghị Viện kiểm sát làm rõ mâu thuẫn “về số tiền ông Tuấn đưa cho Hưng là hơn 2,65 triệu USD, trong khi Viện kiểm sát chỉ cáo buộc Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD. Vậy hơn 1,8 triệu USD còn lại đang ở đâu?

Tôi đề nghị Viện kiểm sát phải chứng minh số tiền 1,8 triệu USD đã đi đâu về đâu, liệu có phải ông Tuấn cũng lừa đảo không?“, bị cáo Hưng nói và đặt dấu hỏi rằng, nếu ông Tuấn đã nộp lại 1,8 triệu USD thì “có phải cũng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?“. (5)

Bản án đã chấp nhận cho ông Tuấn nộp khoản tiền khổng lồ này mà không xem xét việc ông Tuấn đã dùng nó vào việc gì?

Hợp pháp hóa tội ác hút máu dân trong mùa dịch

Nhưng điều đáng nói nhất là Hội Đồng Xét Xử và cả Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã dân sự hóa, hợp pháp hóa cho sai phạm pháp lý khổng lồ là việc lợi dụng dịch bệnh và danh nghĩa chuyến bay giải cứu để cưỡng đoạt tài sản người Việt ở nước ngoài bằng giá dịch vụ cao cắt cổ.

Tiền tham nhũng, hối lộ mà tòa thu hồi từ các bị cáo không phải từ trên trời rơi xuống, cũng không phải từ của ông của cha các bị cáo để lại. Tất cả đều được tính vào giá dịch vụ “giải cứu”. Thế nhưng, bản án nêu, với quyền lợi của khách hàng đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo, “hồ sơ vụ án không có tài liệu; cũng không có thông tin về chi phí của các khách hàng đã mua. Chẳng hạn, chi phí đưa công dân về nước bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly y tế và các chi phí hợp lý khác của doanh nghiệp, chi phí cho các đại lý bán vé và các khâu trung gian khác. Do đó, HĐXX nói không có cơ sở xem xét, giải quyết tại vụ án này.

Tòa dành cho các công dân đã mua vé quyền yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi cho mình theo quy định pháp luật” (6).

Diễn nôm lại, tuyên bố trên có thể nói gọn lại là “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túí”.

Hành vi nâng giá dịch vụ người dân rên siết, ai cũng biết, nhưng công an không khởi tố, điều tra thì lấy đâu ra tài liệu hồ sơ.

Theo quy định tố tụng, dù chưa đủ chứng cứ, nhưng phát hiện dấu hiệu tội phạm, Hội Đồng Xét Xử vẫn có quyền ra quyết định khởi tố tại tòa. Thế nhưng trước tội ác tày trời, Tòa không khởi tố mà nói văn vẻ dành cho dân quyền yêu cầu giải quyết quyền lợi là cách phủi trách nhiệm, a tòng với tội ác.

Ban Chỉ Đạo là tổng đạo diễn

Đại án này do Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng theo dõi chỉ đạo, nên tất cả các động thái phủi tay của Công An, ViệnKiểm Sát, Tòa Án, đều nằm trong tầm kiểm soát của Ban.

Như vậy, sau khi năm Bộ kết nhau tống tiền doanh nghiệp thì lần này, đến lượt Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng công khai cho phép móc túi dân.

Nhiều ngày trước khi tòa tuyên án, Luật sư Đặng Bá Kỹ đã dự đoán kết quả này và có bài viết: “ĐÒI LẠI TIỀN CHÊNH LỆCH TRONG VỤ ‘CHUYẾN BAY GIẢI CỨU’: ĐƯỜNG XA VẠN DẶM!”

“Những người dân đã bỏ tiền ra để được “giải cứu” thông qua việc xác lập hợp đồng dân sự với doanh nghiệp. Vào thời điểm các bên xác lập hợp đồng, thì giao dịch này không bị khống chế về mức trần giá cả như các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá khác do Nhà nước kiểm soát như xăng, điện. Nên giả định rằng, nếu không xảy ra vụ án hình sự nêu trên, thì giao dịch dân sự mà các bên đã xác lập và thực hiện hoàn thành, coi như xong.

Tuy nhiên, vụ án hình sự xảy ra, với những khoản tiền chung chi, với những lời khai của các bị cáo – hoàn toàn có căn cứ để khẳng định rằng: Đã có việc đẩy giá vé lên cao một cách bất thường, nhằm để doanh nghiệp có những khoản tiền chung chi. Hay nói cách khác, là các bị cáo đã có hành vi biến tài sản hợp pháp của người dân trở thành “Công cụ phương tiện phạm tội” trong vụ án hình sự đang xét xử nêu trên.

Hiểu na ná như: A trộm xe của B, sau đó dùng xe này đi cướp giật tài sản của C, thì A phạm cùng lúc hai tội trộm cắp và cướp giật tài sản, riêng chiếc xe là công cụ phương tiện phạm tội, nhưng vì là xe của B, B là bị hại trong vụ án trộm cắp, nên phải trả lại xe cho B (Giả dụ lúc đầu xe là của A thì xe này sẽ bị tịch thu)” (7).

Còn nhiều và nhiều vấn đề trong phiên tòa này nhưng bao nhiêu đó cũng đủ cho thấy bản án đã treo cổ công lý. Nhưng Hội Đồng Xét Xử của màn kịch này cũng chỉ là một nhóm diễn viên được phân vai. Kẻ thủ ác treo cổ công lý chính là Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng, đạo diễn đứng sau sân khấu.

________

Chú thích:

1- https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/pfbid02ogjFotrJZYm92JSsB3jJgwHEDrCEUJoEcy6WJhBjNGKd1HP2yNSKivmCNUm3LuAXl

2- https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid04J6JVbzroZXwBoD5aAG3Pdfq5EJWfjThykUMgzWQcry4eZRHLzUqcA22wDS4rBVql&id=100089087646024

3- https://www.facebook.com/phuongyen.nguyen.779/posts/pfbid02rnAJKeEv2yDULPwM12m3LshVZrPNXnXoaU4RM1p38PR4LjZhAd8qZCJBE1MnHG6nl

4- https://www.facebook.com/luatsutrandinhdung/posts/pfbid0gkWWQh4WotNzBJXL1isxw7KVDT8pNZ8BDYxVF3uCBYfyD3mFAevMUNSBdjAdCsvxl

5- https://tienphong.vn/phan-quyet-nao-voi-cuu-dieu-tra-vien-hoang-van-hung-va-su-mau-thuan-ve-khoan-tien-chay-an-post1555454.tpo

6- https://vnexpress.net/toa-tuyen-an-vu-chuyen-bay-giai-cuu-4635009.html

7- https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0ErYShQC4wVeLhE2BbxdAbmXAssuRnBk9WwSh3ejvx35GhtZ9Kc9128eSMhz2PjfEl&id=100069398976166

Related posts