Có tiết lộ rằng trong năm qua, khoảng 4500 bài báo khoa học từ Trung Quốc đã bị rút lại. Lâu nay Trung Quốc luôn là nơi nghiêm trọng nhất về nạn gian lận công trình nghiên cứu, một số chuyên gia tiết lộ Trung Quốc thậm chí có cả ‘xưởng bài báo nghiên cứu’ (Essay mill) mua bán công bố học thuật.
Hơn 4000 bài báo của tác giả Trung Quốc bị rút
Caixin.com (trụ sở tại Bắc Kinh – Trung Quốc) hôm thứ Ba (29/8) đưa tin, trong gần một năm từ cuối tháng 8/2022 đến cuối tháng 8/2023, các tạp chí của Nhà xuất bản Hindawi đã thu hồi khoảng 4500 công bố nghiên cứu mà tác giả chủ yếu là từ Trung Quốc. Phạm vi của các bài báo bị rút lại bao gồm các lĩnh vực y sinh, kỹ thuật sinh học, khoa học trái đất, khoa học máy tính, khoa học thần kinh.
Nhà xuất bản Hindawi được thành lập vào năm 1997 tại Cairo – Ai Cập, vào năm 2021 được mua lại bởi John Wiley & Sons – 1 trong 3 nhà xuất bản tạp chí lớn trên thế giới. Hiện Hindawi có trụ sở chính tại London, Anh.
Về những lý do các bài báo đến từ Trung Quốc bị rút lại, vấn đề chủ yếu là: không nhất quán về phạm vi của đối tượng nghiên cứu, lỗi về mô tả nghiên cứu, lỗi về tính khả dụng của dữ liệu, trích dẫn không phù hợp, nội dung bài không đồng nhất, nội dung vô nghĩa và/hoặc không liên quan, và thao túng đánh giá ngang hàng.
Hầu hết các bài báo bị rút lại đều được đăng trong Số đặc biệt (Special Issue). Số đặc biệt là sự kêu gọi của tạp chí dành cho những điểm nóng nghiên cứu cụ thể, được đăng trên một kỳ nhất định của tạp chí hoặc trong nhiều kỳ liên tiếp. Từ góc độ quá trình xuất bản, Số đặc biệt chủ yếu áp dụng cơ chế “biên tập viên khách mời”, do đó có quan điểm trong giới nghiên cứu nghi ngờ rằng các biên tập viên khách mời này có chuyên môn hạn chế nhưng quyền lực lại lớn.
Một năm trước, vấn đề bất thường trong xuất bản trên các tạp chí của Hindawi (đặc biệt là các số đặc biệt) đã khiến công ty mẹ John Wiley & Sons chú ý.
Tháng 9/2022, John Wiley & Sons đã công khai tuyên bố việc phát hiện ra vấn đề công bố nghiên cứu do mua từ “xưởng sản xuất nghiên cứu” quy mô lớn tại Trung Quốc, nguyên nhân chủ yếu là do thừa nhận của các biên tập viên khách mời, dẫn đến sự gia tăng nội dung kém chất lượng trong các số báo đặc biệt.
Tháng 4/2023, John Wiley & Sons bắt đầu đình chỉ việc xuất bản tất cả các số đặc biệt của Hindawi, đồng thời cho kiểm tra nội dung.
Chuyên gia: Trung Quốc là nơi hàng giả nghiêm trọng nhất
Vấn đề bài báo nghiên cứu khoa học gian lận đến từ Trung Quốc đã nhiều lần bị lộ trên quốc tế và bị rút lại.
Ngày 9/5 năm nay, tạp chí Science có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng khoa học đã xuất bản một bài báo có tựa đề “Vấn đề bài nghiên cứu gian lận đang trở nên gây sốc”, cảnh báo vấn đề tràn nan nghiên cứu gian lận trong cộng đồng khoa học.
Bài trên tạp chí Science dẫn phân tích của nhà tâm lý học thần kinh Bernhard Sabel (người Đức, Chủ biên Tạp chí y khoa Restorative Neurology and Neuroscience) đã phân tích khoảng 5.000 bài báo, theo đó phát hiện ra khoảng 34% bị nghi ngờ là giả mạo hoặc đạo văn. Trong các công bố y tế, tỷ lệ này đạt tới 24%. Những con số này lớn hơn nhiều so với một thập niên trước.
Ví dụ, vào tháng 5 [năm nay] Hiệp hội Máy tính (ACM) đã rút 323 bài báo khỏi cơ sở dữ liệu của họ. Những bài báo này bị nghi ngờ đến từ các “xưởng bài báo nghiên cứu” hoạt động lậu tại Trung Quốc. Hầu hết tác giả từ Trung Quốc, các tổ chức nghiên cứu họ làm việc bao gồm các trường hàng đầu của Trung Quốc như Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc.
Cái gọi là “xưởng bài báo nghiên cứu” là nơi hoạt động có tổ chức liên quan mua bán công trình nghiên cứu.
“Chuyên nghiệp hóa” gian lận học thuật
Trung Quốc đã trở thành một trong những nước có số lượng bài viết học thuật cao nhất. Tháng 3 năm nay tờ Financial Times (Anh) đưa tin, gian lận trong công bố nghiên cứu ở Trung Quốc đã hình thành “nghề nghiệp” có thể phá hoại hoạt động văn hóa trao đổi học thuật và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trung Quốc và phương Tây.
Bài phân tích “‘Xưởng bài báo nghiên cứu’ của Trung Quốc – vấn nạn giả dối trên giấy ảnh hưởng thế nào đến sự tiến bộ trong thế giới thực”, cho hay Nhà xuất bản Spandidos có trụ sở tại Athens – Hy Lạp và London – Anh đã chấp nhận một số lượng lớn [công bố gian lận], trong số đó khoảng 90% của tác giả từ Trung Quốc.
Việc các học giả Trung Quốc tập trung vào số lượng hơn là chất lượng đã gây lo ngại, gây lạm phát số công bố nghiên cứu đáng ngờ. Vấn đề là không có nhà xuất bản nào – thậm chí nơi cảnh giác nhất – có khả năng loại bỏ mọi hành vi gian lận, rất hiếm thấy có trường hợp công bố bị rút lại.
Nguy hại là không ít nhà khoa học có thể đang [nghiên cứu] dựa trên [dữ liệu/kết quả] từ những công bố khoa học gian lận. Điều này càng đáng lo ngại hơn trong lĩnh vực y sinh khi phần lớn các nghiên cứu đều nhằm mục đích phát triển các phương pháp điều trị các căn bệnh hiểm nghèo.
Một số học giả độc lập đang theo dõi những kết quả nghiên cứu đến từ Trung Quốc. David Bimler, nhà tâm lý học từng làm việc tại Đại học Massey ở New Zealand, phát hiện ra rằng 150 bài báo y sinh của Đại học Cát Lâm sử dụng dữ liệu trùng lặp, qua đó ông kết luận “ở đó [Trung Quốc] có ‘Xưởng bài báo nghiên cứu’”.
Hai chuyên gia khác được Financial Times phỏng vấn cũng xác định Đại học Cát Lâm là nghi phạm hàng đầu trong việc sản xuất nghiên cứu giả.
Đại học Cát Lâm đã không trả lời yêu cầu bình luận của Financial Times.
Thông tin của Financial Times cho biết, việc kiểm duyệt các nghiên cứu giả mạo ở Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm vấn đề mất lòng tin giữa các tổ chức học thuật phương Tây và Trung Quốc. Tác động nghiêm trọng nhất là đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc chân chính.
Thông tin của Financial Times nhấn mạnh, “Có quá nhiều rác thải đến từ Trung Quốc đến nỗi các nhà nghiên cứu phải ngầm thừa nhận họ thường bỏ qua duyệt công bố đến từ Trung Quốc… Vì các nhà khoa học không có thời gian để xác định đâu là rác, đâu là nghiêm túc”.
Trình Tĩnh, Epoch Times