Chương Thiên Lượng
Sau Đại hội 20, trong quân đội Trung Quốc đã xảy ra nhiều hiện tượng bất thường, bao gồm cả việc việc thanh trừng Lực lượng Tên lửa, cho đến việc cách chức Bộ trưởng Quốc phòng là ông Lý Thượng Phúc…
Vào ngày 19/4, ông Tập Cận Bình đã có một động thái lớn, đó là giải thể quân chủng thứ năm của quân đội Trung Quốc – Lực lượng Chi viện Chiến lược. Sau đó tách quân chủng này thành thành ba binh chủng. Ba binh chủng này quy về sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, nói cách khác là đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Tập Cận Bình.
Ở bài trước, chúng ta có đề cập đến Chu Nguyên Chương và ‘Hồ Vi Dung án’. Chúng ta biết rằng, Thủ tướng Chính phủ tương đương với Thừa tướng trong Nội các của triều Minh, sau đó dưới Thủ tướng là các Bộ trưởng, giống như dưới Thủ phụ là Lục Bộ Thượng thư.
Sau khi Chu Nguyên Chương làm Hoàng đế (niên hiệu của Chu Nguyên Chương là Hồng Vũ – 洪武). Vào năm Hồng Vũ thứ 13 đã xảy ra vụ án là ‘Hồ Vi Dung án’, đây là vụ án đầu tiên trong ‘Minh sơ tứ đại án’ (4 vụ án lớn đầu triều Minh). Địa vị của Hồ Vi Dung là Thừa tướng, tương đương với địa vị Thủ tướng Chính phủ.
Bối cảnh khi đó là có người báo cáo Thừa tướng Hồ Vi Dung mưu phản, thế là Chu Nguyên Chương đã dùng Hồ Vi Dung làm bước đột phá, điều tra mười mấy năm, dựng tội cho mấy vạn người liên quan đến ‘Hồ Vi Dung án’, sau đó thảm thủ (chém đầu) toàn bộ. Chỉ riêng ‘Hồ Vi Dung án’ đã giết hơn 30 nghìn người.
Sau khi giết Hồ Vi Dung, Chu Nguyên Chương phế bỏ chức Thừa tướng, sau đó Lục Bộ Thượng thư trực tiếp báo cáo lên Chu Nguyên Chương.
Khi ông Tập phế bỏ Lực lượng Chi viện Chiến lược cũng giống như Chu Nguyên Chương phế bỏ chức Thừa tướng. Ở đây, ông Tập để các binh chủng trực tiếp báo cáo lên mình.
Nhưng trên thực tế, ông Tập Cận Bình không có kiến thức chuyên môn, ông ấy cũng không có thời gian để lãnh đạo như vậy. Nhưng vì sao ông Tập lại làm như thế? Bởi vì Tập không tin tưởng vào quân đội. Đồng thời điều này cũng tiết lộ thêm ba vấn đề lớn của quân đội Trung Quốc.
- Thứ nhất là hệ thống chỉ huy hỗn loạn.
- Thứ hai là lòng trung thành của quân đội có vấn đề.
- Thứ ba là thể diện của ông Tập Cận Bình còn quan trọng hơn khả năng chiến đấu của quân đội. Vì để che giấu sự tham nhũng và vấn đề trung thành trong quân đội, ông Tập đã không ngần ngại ‘cải tổ’ các quân chủng trong quân đội.
Vào năm 2014, ông Tập đã bắt giữ Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, mà Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu là cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Sau đó, vào năm 2015, ông Tập Cận Bình thực hiện việc cải tổ quân đội. Ông Tập Cận Bình đã nhận ra rằng, trên thực tế, quân đội Trung Quốc nằm trong tay của Giang Trạch Dân. Trong 10 năm lãnh đạo, ông Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ kiểm soát được quân đội. Các tướng lĩnh trong quân đội đều là những người do Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu để bạt. Vậy thì ông Tập làm thế nào dọn dẹp được ‘dư độc’ (chất độc còn sót lại) của Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu? Làm thế nào ông Tập biết ai đang ủng hộ phe Giang, ai đang ủng hộ mình, ai là người trung thành với đất nước? Điều này đã làm ông Tập nghi ngờ quân đội.
Nhưng nếu ông Tập điều tra từng người một và sau đó cách chức thì quá phức tạp, bởi vì mỗi khi cách chức phải có lời giải thích cho ngoại giới. Cho nên, ông Tập Cận Bình quyết định tiến hành cải tổ quân đội, sa thải những người mà mình nghi ngờ, sau đó thay thế bằng những người mình tin tưởng. Cách làm này được gọi là ‘quyền mưu chính trị’. Đây chính là điều ông Tập Cận Bình đã làm trong năm 2015 khi thực hiện cải tổ quân đội lần đầu tiên.
Lần này, ông Tập Cận Bình đã diễn lại một màn tương tự bằng cách hủy bỏ Lực lượng Chi viện Chiến lược (mà ông thành lập trước đó chín năm), thay bằng một cái tên mới là Lực lượng Chi viện Thông tin.
Trong lần cải tổ này, ông Lý Vĩ (Chính ủy của Lực lượng Chi viện Chiến lược cũ) sẽ đảm nhận vai trò tương tự tại Lực lượng Chi viện Thông tin mới được thành lập. Còn chỉ huy mới của Lực lượng Chi viện Thông tin là ông Tất Nghị.
Ông Lý Vĩ trước đây là Chính ủy của quân chủng thứ năm là Lực lượng Chi viện Chiến lược, hiện nay làm Chính ủy của binh chủng Lực lượng Chi viện Thông tin, điều này giống như ông Lý Vĩ bị giáng một cấp.
Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình nói việc điều chỉnh quân đội và thành lập Lực lượng Chi viện Thông tin là một quyết định quan trọng của Quân ủy Trung ương. Nhưng đây lại là một thiết kế quân đội rất kỳ lạ của ông Tập Cận Bình.
Chúng ta biết rằng, quân đội hiện nay đã bước vào thời đại thông tin hóa. Tất cả các quân chủng đều rất coi trọng công nghệ thông tin, bởi vì việc điều phối trên chiến trường, truyền phát thông tin, thu thập tình báo, kiểm soát tình hình chiến trường theo thời gian thực đều cần tài nguyên công nghệ thông tin. Cho nên, tài nguyên công nghệ thông tin này nên được phân tán trong mỗi loại binh chủng, càng gần với chỉ huy và tiền tuyến thì càng tốt. Như thế, quân đội mới có thể phản ứng nhanh chóng. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình lại rút đơn vị đó ra khỏi các quân chủng để thành lập một đơn vị thông tin riêng biệt. Đây là điều vô cùng kỳ lạ, tương đương với việc đưa tất các các dây thần kinh của cơ thể tập trung vào não.
Khi ai đó thiết kế cấu trúc quân đội, họ hoàn toàn có thể tham khảo nước Mỹ. Mỹ cũng có Lực lượng Không gian, Trung Quốc có Lực lượng Tên lửa cũng giống như thế. Mỹ có Bộ chỉ huy mạng Hoa Kỳ, nhưng Mỹ không có Lực lượng Chi viện Thông tin, mà những đơn vị hỗ trợ thông tin đã được dung nhập (hòa nhập) vào mỗi binh chủng.
Hiện nay, nhiều người không biết ông Tập Cận Bình làm sao có thể quản lý được nhiều loại quân chủng yêu cầu chuyên môn cao như là Lực lượng Tên lửa, quản lý được các công nghệ truyền thông mã hóa, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo… Ông Tập Cận Bình không có chuyên môn trong lĩnh vực này, nhưng ông lại chỉ huy các quân chủng công nghệ cao. Nhiều người không biết ông ấy làm thế nào để điều hành và ra quyết định.
Ở trên đã đề cập đến ba vấn đề trong việc cải tổ quân đội Trung Quốc của ông Tập, trong đó, vấn đề thứ hai là lòng trung thành của các tướng lĩnh. Ở đây, mọi người có thể chú ý đến một chi tiết, đó là khi Tập Cận Bình thiết lập một Lực Lượng Chi viện Thông tin, ông Tập nhấn mạnh rằng: Cần phải kiên trì dưới sự chỉ huy của Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP), thực hiện toàn diện nguyên tắc cơ bản về sự lãnh đạo tuyệt đối của CCP đối với quân đội, nghiêm túc tuân thủ quy trình kỷ luật, đảm bảo quân đội tuyệt đối trung thành, tuyệt đối trong sạch và tuyệt đối đáng tin cậy. Nhưng ông Tập Cận Bình không đề cập đến việc quân đội có thể chiến thắng hay không.
Điều này chứng tỏ nếu không có vấn đề về lòng trung thành của quân đội, thì không cần phải nhấn mạnh như vậy. Đối với ông Tập Cận Bình, quân đội của ông có thể chiến thắng hay không đã không còn quan trọng nữa. Hiện nay, điều mà ông Tập Cận Bình lo lắng nhất đó là liệu quân đội có tạo phản hay không. Cho nên, theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, lòng trung thành mới là ưu tiên hàng đầu.
Lực Lượng Chi viện Thông tin là một đơn vị kỹ thuật cao, khi thành lập thì ít nhất là nên để những người có chuyên môn như quan chức chỉ huy phát biểu. Nhưng ông Tập lại để Chính ủy, tức là người trong đảng phát biểu. Điều này cho thấy, ông Tập Cận Bình không tin tưởng vào những tướng lĩnh có chuyên môn, mà ông Tập chỉ tin vào Chính ủy trung thành với mình. Điều này tương đương với việc, ông Tập Cận Bình đã gửi ‘giám quân’ (監軍: người giám sát quân đội) vào các binh chủng.
Chúng ta biết rằng, khi đánh trận thì người ta sợ nhất một điều, đó là giám quân có quyền lực quá lớn đồng thời người ấy không biết đánh trận. Giám quân chỉ cần thấy binh sĩ không tạo phản, tướng lĩnh không tạo phản là được. Nhưng trong tình huống như vậy, quân đội ấy không thể chiến thắng.
Do đó, nếu giám quân không hiểu về quân sự và nhận được lòng tin của Hoàng đế, thì đó là thảm họa đối với quân đội. Hiện nay thấy rằng, ông Tập đang thiết kế cấu trúc quân đội theo kiểu giám quân, mà điều này sẽ khiến quân đội có khả năng thất bại cao hơn.
Thuần Phong biên dịch