Chương Thiên Lượng
Ngày 1/5, Đài phát thanh Quốc tế Pháp – RFI đăng bài viết với tiêu đề: ‘Báo cáo về (cuộc vận động) Ngũ phản mới, vì sao Trung Quốc thiếu cảm giác an toàn nghiêm trọng’.
Trong đó đề cập rằng, vào ngày 29/4, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia là ông Trần Nhất Tân đã đăng bài viết trên tờ Thời báo Học tập của Trường Đảng Trung ương với tiêu đề: ‘Quán triệt toàn diện quan điểm an ninh quốc gia’. Trong đó, ông Trần Nhất Tân đề cập về một cuộc vận động ‘Ngũ phản mới’ bao gồm: Phản lật đổ, phản bá quyền, phản chia rẽ, phản khủng bố, phản gián điệp.
Chúng ta biết rằng, Tam phản (三反: 3 chống) bao gồm: Phản tham ô, phản lãng phí, phản chủ nghĩa quan liêu.
Ngũ phản (五反: 5 chống) bao gồm: Phản hối lộ, phản trốn thuế, phản ăn bớt vật liệu, phản trộm cắp tài sản quốc gia và phản ăn cắp thông tin kinh tế quốc gia.
Vậy thì cuộc vận động ‘Ngũ phản mới’ này đã phát đi tín hiệu gì?
Sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc (CCP) giành chính quyền, đã diễn ra một cuộc vận động Tam phản Ngũ phản. Cuộc vận động Tam phản diễn ra vào năm 1951, sau đó là Cuộc vận động Ngũ phản diễn ra vào năm 1952. Ban đầu, cuộc vận động Tam phản chủ yếu nhắm vào các cán bộ của CCP, bởi vì CCP vừa giành chính quyền, cho nên họ rất lo sợ sự tham nhũng từ bên trong của các quan chức sẽ khiến chính quyền sụp đổ, giống như Lý Tự Thành sau khi vào Bắc Kinh thì các quan chức bên dưới tham nhũng đã dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Lý Tự Thành.
Tiếp đó, Mao Trạch Đông nghĩ rằng, sau khi các cán bộ vào thành phố có thể bị những nhà tư bản ‘làm sa ngã’. Từ cuộc vận động Tam phản, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc vận động Ngũ phản, nói cách khác là chuyển lưỡi dao từ bên trong ra bên ngoài. Kết quả của cuộc vận động Ngũ phản là đã ‘loại bỏ’ toàn bộ các nhà tư bản.
Trước đây, khi CCP thực hiện cải cách ruộng đất đã loại bỏ địa chủ. Sau khi tiêu diệt địa chủ thì ở nông thôn có rất ít người biết canh tác. Sau đó, CCP thông qua cuộc vận động Ngũ phản để loại bỏ tầng lớp tư bản, loại bỏ những người biết kinh doanh, biết quản lý. Cho nên, dù là cải cách ruộng đất hay là cuộc vận động Ngũ phản, CCP đều đã làm suy yếu nền kinh tế Trung Quốc. Giờ đây, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trần Nhất Tân lại phát động một cuộc vận động Ngũ phản mới.
Ngày 3/11/2023, mạng Sina Trung Quốc đăng bài viết với tiêu đề: ‘Bộ An ninh Quốc gia: Một số người có dã tâm đang cố gắng gây rắc rối. Cảnh giác với những người ‘nhìn khống’, ‘làm khống’, ‘hát khống’ và ‘thao khống”.
Trong đó đề cập rằng, an ninh tài chính là một phần quan trọng của an ninh quốc gia. Duy hộ an ninh tài chính là đại sự mang tính căn bản, chiến lược, liên quan đến cục diện phát triển kinh tế xã hội nước ta (Trung Quốc).
Nếu bỏ qua những lời nói sáo rỗng thì nội dung chính đó là: Bộ An ninh Quốc gia có ý định can thiệp tài chính. Mà đây lại là một điều vô cùng kỳ lạ. Vì sao? Bởi vì Bộ An ninh Quốc gia là quản lý an ninh quốc gia, quản lý hoạt động gián điệp, phản gián điệp… Bộ An ninh Quốc gia giống như Cục Tình báo Trung ương Mỹ – CIA. Nếu Bộ An ninh Quốc gia quản tài chính thì chẳng khác gì cơ quan tình báo đi quản tài chính. Mà vốn dĩ việc quản lý tài chính là việc của Ủy ban Giám sát Tài chính hoặc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Khoảng cuối tháng 10/2023, Bộ An ninh Quốc gia còn can thiệp vào bầu cử Đài Loan. Bằng chứng là sau khi nhà sáng lập Foxconn là ông Quách Đài Minh ra ứng cử tổng thống Đài Loan, CCP lập tức điều tra Foxconn về vấn đề thuế và sử dụng đất nhằm gây áp lực cho ông Quách Đài Minh phải rút lui. Cơ quan đứng đằng sau sự việc điều tra Foxconn vẫn là Bộ An ninh Quốc gia.
Việc sử dụng cơ cấu đặc vụ như Bộ An ninh Quốc gia can thiệp tài chính, thay thế công việc của Văn phòng sự vụ Đài Loan là điều lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử sau khi CCP giành chính quyền.
Vì là cơ quan tình báo nên Bộ An ninh Quốc hoạt động bí mật. Bộ An ninh Quốc gia là bộ duy nhất không có trang web.
Các nhánh của Bộ An ninh Quốc gia ở tỉnh hay thành phố không quy về chính phủ địa phương quản, mà họ nhận lãnh đạo trực tiếp từ trung ương. Thượng cấp của Bộ An ninh Quốc gia là Tổ Lãnh đạo Công tác An ninh Quốc gia Trung ương, mà tổ này do ông Tập Cận Bình lãnh đạo.
Bộ An ninh Quốc gia vừa không có trang web, vừa hoạt động bí mật, họ không đưa ra thông tin. Nếu họ muốn đưa thông tin thì thông qua kênh truyền thông hoặc bộ phận khác.
Nhưng vào ngày 1/8/2023, Bộ An ninh Quốc gia đã lập tài khoản chính thức trên Wechat.
Trong ngày đầu tiên, Bộ An ninh Quốc gia đã phát đi nội dung như sau: ‘Phản gián điệp cần tổng động viên của xã hội’. Dịch ra ngôn ngữ bình dân là toàn dân sẽ làm đặc vụ.
Đoạn thông báo này đã khiến các doanh nghiệp nước ngoài sợ hãi và rút vốn, bởi vì khi họ làm ăn tại Trung Quốc, họ có thể bị Bộ An ninh Quốc gia bắt giữ vì bị coi là nhân tố gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Trung Quốc.
Bộ An ninh Quốc gia còn quản cả ngoại giao. Vào ngày 4/9/2024, Bộ An ninh Quốc gia đã đăng một bài viết ám chỉ rằng, nếu muốn xuất hiện cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình, thì Mỹ cần phải đủ thành ý.
Ở đây thấy rằng, hiện nay Bộ An ninh Quốc gia đã vượt qua Văn phòng sự vụ Đài Loan để can thiệp bầu cử Đài Loan, quản cả ngoại giao và tài chính… nói chung là quản tất cả. Điều này đã dẫn đến đặc sản trị quốc của ông Tập Cận Bình, đó là ‘đặc vụ trị quốc’.
Dùng cơ cấu đặc vụ để trị quốc không phải là một dấu hiệu tốt. Trên thực tế, vào thời kỳ nhà Minh có ba vấn đề lớn nhất:
- Thứ nhất là ‘hoạn quan loạn chính’ (宦官亂政), hoạn quan (thái giám) làm loạn triều chính.
- Thứ hai là ‘Hoàng đế đãi chính’ (皇帝怠政), Hoàng đế lười biếng giải quyết việc triều chính.
- Thứ ba là ‘đặc vụ trị quốc’ (特務治國).
Khi Chu Nguyên Chương vừa mới thành lập triều Minh đã thành lập Cẩm y vệ (錦衣衛).
Trên thực tế, Vệ (衛) trong Cẩm y vệ là là một đơn vị quân sự vào triều Minh, các địa phương vào triều Minh đều có Vệ. Một Vệ có khoảng mấy trăm người. Ở trung ương, bởi vì đơn vị này mặc đồ đẹp cho nên gọi là ‘Cẩm y vệ’ (錦衣衛, đơn vị quân đội mặc áo gấm). Trên thực tế, Cẩm y vệ tương đương với Cục Cảnh vệ Trung ương. Ngoài chức năng bảo vệ an ninh cho triều đình, Cẩm y vệ còn có chức năng đặc vụ. Từ lúc đó trở đi, Cẩm y vệ là cơ cấu đặc vụ.
Về sau các Hoàng đế khác thành lập Đông Xưởng, Tây Xưởng, Nội Hình Xưởng… Sau đó, Hoàng đế cho thái giám tâm phúc trực tiếp quản lý các xưởng này. Điều này nghĩa là, Hoàng đế không tín nhiệm ai, chỉ tin tưởng thái giám. Hoàng đế thông qua cơ cấu đặc vụ như Đông Xưởng, Tây Xưởng, Cẩm y vệ… để điều tra và giám sát quan chức, giúp Hoàng đế thu thập tình báo của các quan viên.
Hiện nay, Bộ An ninh Quốc gia đã tham gia quản lý tài chính, ngoại giao và quan hệ Đài Loan, đây là một thiết kế cơ sở thượng tầng của ông Tập Cận Bình, thiết lập một mô hình ‘đặc vụ trị quốc’.
Thuần Phong biên dịch