Về buổi tối định mệnh của Dũng Aduku

Thạch Vũ

16-5-2024

Tôi quen Dũng Aduku và Binh Nhì Nguyễn Tiến Nam năm 2011, thời của những cuộc biểu tình sục sôi chống Trung Cộng xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Sau này, vì bận bịu cuộc sống riêng, tôi không còn thời gian gặp gỡ ai trong số những anh em bạn hữu từng xuống đường biểu tình thời ấy.

Ảnh: Nguyễn Văn Dũng trong một lần biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hồi năm 2011. Nguồn: Ảnh trên mạng

Rồi cũng ngót nghét mười năm trôi qua, không ai còn gặp ai nữa. Cho đến hồi tháng hai năm 2024, khoảng sau Tết Nguyên Đán, Binh Nhì liên lạc với tôi, rủ đi uống bia. Ba anh em chúng tôi gặp lại, kỷ niệm như nguyên vẹn. Chỉ khác là ai cũng già đi rất nhiều.

Hồi ấy, chúng tôi ai cũng nghèo nên chỉ mời nhau được chén chè chát hay cốc bia hơi bên vỉa hè. Rồi tán gẫu, nói những câu chuyện không đâu vào đâu mà vui. Dũng không bao giờ hút thuốc, nhưng thích xem tôi rít thuốc lào. Mỗi lần như thế, lại hỏi “Thuốc lào là để trị bệnh hắc lào hay nó được trồng bên Lào?” Hoặc những câu vớ vẩn như “Trong các ký túc xá, sinh viên TL nước nôi có đủ dùng? Hay lại cái cảnh đi vệ sinh thì ‘gió chiều nào khai chiều ấy’…?” Rồi lại tranh luận xem trong bài hát “thành phố buồn” thì có buồn thật không… Đấy, toàn chuyện linh tinh, nói xong cười hô hố với nhau.

Với tôi, và với nhiều anh em bạn hữu, Nguyễn Văn Dũng là người hiền lành, không có máu hơn thua với ai dù khi tranh luận, anh luôn bảo vệ ý kiến của mình. Dũng ít khi nổi nóng và sẵn sàng chịu thiệt về bản thân mình. Dáng người gầy gò, cặp kính cận quá dày, nước da ngăm đen, trước đám đông hay tỏ vẻ trầm tư khiến anh mang vẻ ngoài hơi khắc khổ.

Dũng Aduku cũng là người hết lòng và tận tụy với bạn bè. Khi bạn bè cần giúp đỡ, dù mưa bão hay đêm tối, anh đều lên đường và có mặt ngay. Và một điều nữa, anh không bao giờ than thân trách phận, không kêu khổ, luôn lạc quan, yêu đời và chưa bao giờ ngừng theo đuổi hoài bão của anh.

Khác hẳn với Dũng Aduku, Binh Nhì Nguyễn Tiến Nam là người bộp chộp, phổi bò, nói nhiều đến mức khi rượu vào thì đến việc cung trăng cũng phô ra cho thiên hạ thấy. Binh Nhì từng chia sẻ cho tôi, cho Dũng, cho những anh em cùng cảnh ngộ khi thì điếu thuốc, khi thì gói mì tôm. Những kỷ niệm thời cơ hàn, đẹp đẽ như thế tôi luôn trân quý.

Ngoài cuộc gặp hồi tháng 2 thì buổi tối hôm 22/4/2024 là lần gặp thứ hai sau gần chục năm, và cũng là lần gặp cuối cùng của ba chúng tôi.

***

Nếu ai đã đọc bài viết trên trang Facebook Lý Quang Sơn, có lẽ cũng biết được phần nào diễn biến câu chuyện quanh cuộc gặp định mệnh ấy.

Buổi sáng ngày 22/4, Binh Nhì gọi cho tôi, hẹn tới một quán nào đó ở Hà Nội để gặp nhau. Thường thì tôi luôn bận rộn việc làm ăn và cả công việc của Giáo xứ nên ít khi tôi đi đâu được. Ban đầu, tôi đã từ chối nhưng anh ta nài nỉ.

Vào khoảng 9 giờ tối, khi đang họp cùng cha đặc trách và một nhóm bác ái, Binh Nhì tiếp tục gọi điện cho tôi tới hai lần, nói sắp phải vào Nam làm việc 6 tháng để lo cho vợ đã có bầu. Coi như cuộc hẹn là để chia tay trước khi anh ta đi làm xa.

Một điều bất thường là Binh Nhì nhắc đi nhắc lại rằng tôi phải mời bằng được anh Dũng Aduku. Sau này tôi mới biết Binh Nhì là người thường xuyên liên lạc với Dũng nhưng không hiểu tại sao anh ta không trực tiếp gọi cho Dũng mà phải nhờ tôi. Binh Nhì còn hỏi tôi có biết chỗ ở của Dũng không và ngỏ ý, nếu nhậu xong mà say quá thì cả bọn kéo nhau về chỗ trọ của Dũng ngủ.

Thực sự tôi không biết Dũng ở đâu nên nói thẳng với Binh Nhì là tôi không biết. Nhưng tôi có nhận lời Binh Nhì là gọi cho Dũng để rủ ra quán. Tuy nhiên, Dũng không nghe máy. Tôi nhắn tin cho Dũng, nói Binh Nhì rủ đi nhậu chia tay trước khi anh ta vào Nam làm việc. Khoảng 9 rưỡi, khi xong việc nhà thờ, tôi lấy xe chạy tới địa chỉ Binh Nhì mới nhắn là một quán bia ở Trương Định. Dọc đường, thấy điện thoại rung, tôi mở ra thì nhận được tin nhắn của Dũng, báo rằng anh cũng đang trên đường tới điểm hẹn.

Khi tới nơi, tôi đã thấy Dũng và Binh Nhì ngồi sẵn ở quán. Ngoài hai người, còn có một người đàn ông nữa mặc đồ thể thao, đeo kính. Tôi thấy anh ta quen quen nhưng chưa nhận ra là ai. Điều lạ là anh ta bắt tay, chào và đọc rõ họ tên và cả tên Thánh trong đạo Công giáo của tôi.

Vì vậy, tôi nghĩ anh ta là bạn của Binh Nhì hoặc của Dũng Aduku. Chuyện trò vài câu, tôi mới biết anh ta tên Văn, là an ninh thuộc Bộ Công an. Anh ta còn nói rõ địa chỉ nhà hàng mà chúng tôi gặp nhau lần trước. Điều này làm tôi hết sức bất ngờ, khó hiểu và cảm thấy bất an. Sau lần gặp trước, tôi biết từ khi ra tù năm 2016 cho đến nay, Dũng vẫn bị công an để ý, sách nhiễu. Và khoảng một năm nay, anh đã phải ra khỏi nhà và liên tục thay đổi chỗ ở.

Trong suốt buổi, Dũng trở nên trầm tư, ít nói và khuôn mặt lộ rõ vẻ hoang mang. Khi Văn đi ra ngoài (có lẽ đi vệ sinh), Dũng quay ra trách Binh Nhì tại sao lại gọi anh ra khi có tay an ninh này ở đấy. Binh Nhì giải thích rằng, đang ngồi uống bia với một người khác từng tham gia biểu tình trước đây (tôi xin được giấu tên), thì tay an ninh tên Văn tình cờ đi tập thể dục ngang qua nên ghé vào luôn. Khi thấy Văn tới thì người anh em kia đứng lên ra về. Binh Nhì còn cho chúng tôi xem hóa đơn thanh toán tiền nhậu lượt trước và tiếp tục ngồi với an ninh tên Văn trong khi chờ chúng tôi.

Khi viên an ninh này quay trở lại bàn, câu chuyện chỉ xoay quanh một vấn đề liên quan đến Dũng. Cả Binh Nhì và Văn đều “khuyên” Dũng trở về Phú Thọ làm ăn, không nên dính dáng đến chuyện đấu tranh gì nữa. Cả hai còn bảo đảm là Dũng sẽ không bị bắt, khởi tố hay gặp vấn đề pháp lý gì liên quan đến Nhật Ký Yêu Nước. Lúc này, tôi luôn có cảm giác lo lắng và đoán có thể Dũng đang gặp những rắc rối rất lớn với phía an ninh. Tôi đã cố lái câu chuyện sang hướng khác, với hy vọng Dũng sẽ cảm thấy bớt căng thẳng.

Vì lúc đó điện thoại để trong ba lô nên tôi không tiện lấy ra báo tin cho ai. Mãi đến khi tàn cuộc chuẩn bị thanh toán tiền để về thì xe của an ninh Phú Thọ ập đến. Họ yêu cầu anh Dũng quay trở lại bàn, nói vài câu ra vẻ trấn an và thông báo sẽ đưa anh về Phú Thọ ngay trong đêm.

Xin lưu ý, tất cả những người này đều mặc thường phục. Đến lúc này tôi mới để ý có hai người lạ mặt ngồi bàn đối diện ngay từ đầu, luôn quan sát mọi cử chỉ của chúng tôi. Khi đưa Dũng lên xe ô-tô, một viên an ninh đề nghị đưa xe gắn máy của anh về đồn công an. Tôi không đồng ý nên nói anh Dũng giao chìa khóa xe cho tôi. Tôi nói với anh sẽ mang xe đến tận nhà anh ở Phú Thọ.

Khi Dũng đã bị đưa đi, tôi và Binh Nhì trở lại bàn với an ninh tên Văn. Anh ta trách tôi rằng đang bộc lộ thái độ không tin tưởng đối với lực lượng an ninh. Anh ta hỏi tôi có tin anh ta không, tôi đã thẳng thắn trả lời: “Em tin Dũng sẽ về Phú Thọ đêm nay an toàn, nhưng em lo sau đó sẽ có nhiều việc phát sinh không lường trước được.” Nhân lúc không ai để ý, tôi có lén nhắn tin, báo tình hình của Dũng cho một số bạn bè được biết.

Sự thể sau đó thế nào, trong bài viết đăng trên trang facebook Lý Quang Sơn đã nói khá chi tiết. Điều đáng nói, là trong lần gặp trước, tâm lý Dũng hoàn toàn vui vẻ, thoải mái, khác hẳn với sự lo âu trong lần gặp sau, khi phải ngồi cùng viên an ninh tên Văn.

Việc Dũng trách Binh Nhì tại sao lại có sự xuất hiện của Văn mà vẫn gọi anh tới, cho thấy Dũng đã bị gài bẫy. Cho dù Văn đi tập thể dục ngang qua mà ghé vào, nếu không muốn Dũng gặp nguy hiểm, thì Binh Nhì phải báo cho Dũng để anh tránh mặt. Dù Dũng không làm gì sai, nhưng những người từng biểu tình chống Tàu, từng bày tỏ quan điểm trái với nhà nước đều bị liệt vào “thành phần chống đối”. Hơn thế, Binh Nhì biết rõ tình trạng của Dũng khi ấy, thì tại sao còn bày ra cuộc gặp này, dẫn đến kết cục bi thảm như chúng ta đã biết.

Sở dĩ bây giờ tôi mới lên tiếng vì cần thêm thời gian tìm hiểu và xác minh một số chuyện, tránh những hiểu lầm và những thông tin chưa chính xác. Tôi đã hỏi người anh em mà Binh Nhì nói đã nhậu cùng trước khi chúng tôi đến nhưng người này đã tỏ ra rất ngạc nhiên. Người này khẳng định không hề biết chuyện gì, không hề được Binh Nhì mời hay ngồi nhậu cùng hôm đó.

Ảnh: Binh Nhì Nguyễn Tiến Nam. Nguồn: FB nhân vật

Trong suốt thời gian tôi và một số người quen của Dũng chờ đợi Dũng được thả ra, tôi liên tục gọi và nhắn tin cho Binh Nhì để hỏi thông tin về Dũng, đồng thời cũng tìm cách liên lạc với nhà vợ cũ của Dũng để xác minh thông tin. Kết quả là thông tin từ hai phía luôn có sự khác nhau rất lớn.

Điều này nghĩa là giữa hai bên, sẽ có một bên nói dối, một bên nói thật. Trong thời gian Dũng bị “làm việc” với công an cho đến lúc được cho là tìm thấy xác bên bờ sông, tôi không liên lạc được trực tiếp với anh lần nào. Vì thế, tôi không dám khẳng định giữa Binh Nhì và gia đình anh Dũng (cụ thể là mẹ ruột của anh), thông tin bên nào là chính xác. Nhưng ngay cả khi chưa chắc chắn Dũng được thả hay chưa, tôi vẫn quyết định đi xe của Dũng về Phú Thọ, vừa là để trả xe, vừa để xem tình hình của Dũng ra sao.

Cuối cùng thì tất cả những gì mọi người thấy, là cái chết đầy bi thảm của Nguyễn Văn Dũng (Dũng Aduku). Anh đã gieo mình bên bờ sông, hay một sự thực nào khác thì chỉ có anh và người nào đó trực tiếp liên quan, mới biết được.

Rốt cục, sau cuộc gặp hôm ấy, tôi mất không chỉ một, mà là hai người anh. Tôi coi cả Dũng Aduku và Binh Nhì đều là anh em của mình. Theo thủ tục, người ta còn phải xét nghiệm AND mới kết luận xem xác chết hôm đó có phải của Dũng không? Nhưng sự thực thế nào, mỗi người đều cho mình một câu trả lời.

Ai nằm xuống đã nằm xuống, và ai ở lại tự bản thân có lựa chọn lối đi của riêng mình. Đứng trước nấm mộ mới đắp, tôi thầm khấn: “Dũng ơi, nếu là anh, xin hãy yên nghỉ; còn nếu là ai đó khác, xin phù hộ cho anh Dũng được bình an”.

Nguồn: Tiếng Dân

Related posts