Christopher Balding
Thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn từ Trung Quốc, từ các vấn đề về an ninh quốc gia tới sự phụ thuộc quá mức vào hàng hóa xuất khẩu của nước này. Nhưng muốn đối phó với Trung Quốc, thế giới cần có một cách tiếp cận toàn diện.
Các nhà hoạch định chính sách và phân tích trên toàn thế giới đang vật lộn với việc làm thế nào để giải quyết thách thức từ Trung Quốc. Ngay cả nhiều người vốn thừa nhận mối đe dọa với phạm vi rộng lớn do chính quyền Trung Quốc tạo ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng các kế hoạch rõ ràng để đối phó với những mối đe dọa này. Vậy thế giới nên ứng phó như thế nào trước những mối đe dọa do chính quyền Trung Quốc đặt ra?
Khi thảo luận về rủi ro từ Trung Quốc, chúng ta cần xác định cụ thể ý nghĩa của thuật ngữ này. Vì mục đích của bài viết, chúng tôi sẽ tập trung vào rủi ro đối với các quốc gia và công ty nước ngoài tới từ những liên kết thương mại và tài chính với Trung Quốc và các công ty Trung Quốc, cho dù các công ty đó có trụ sở ở Trung Quốc hay các nước thứ ba.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem xét các tầng lớp rủi ro bổ sung. Chúng tôi sẽ dựa vào hai ý tưởng cụ thể về rủi ro.
Thứ nhất, có nguy cơ an ninh quốc gia không? Thật không may, an ninh quốc gia trong thời đại kỹ thuật số bao gồm nhiều lĩnh vực và sản phẩm với phạm vị lớn hơn nhiều so với điều được hầu hết mọi người thừa nhận, nhưng chúng ta phải xem xét những rủi ro này.
Thứ hai, nếu không có rủi ro an ninh quốc gia thì nguy cơ phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với sản phẩm đó là gì? Liệu sản phẩm đó có thể được mua ở nơi khác một cách dễ dàng và nhanh chóng với số lượng cần thiết nếu Trung Quốc sử dụng sức mạnh thị trường của mình để làm điều xấu, điều mà nước này đã thường xuyên thực hiện?
Trung Quốc đã thiết lập vị trí thống trị trong một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thực sự – ví dụ, sản xuất điện tử cơ bản như tivi, thiết bị di động, thiết bị mạng viễn thông và hàng hóa lâu bền, cũng như các thị trường cao cấp hơn như ô-tô, với các thương hiệu trong và ngoài nước phục vụ xuất khẩu. Vấn đề với những hàng hóa này là chúng có chứa những rủi ro rõ ràng và đã được ghi chép lại đối với việc thu thập và giám sát dữ liệu trái phép. Ô tô điện xuất khẩu đang chờ được chất lên “BYD Explorer NO.1”, một tàu sản xuất trong nước nhằm xuất khẩu ô tô Trung Quốc, tại cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào ngày 10/1/2024. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Cách tiếp cận ban đầu để đối phó với các rủi ro an ninh quốc gia từ việc giám sát và thu thập dữ liệu mang tính rời rạc, tìm cách ngăn chặn các công ty cụ thể. Tuy nhiên, cứ mỗi công ty riêng lẻ bị ngăn chặn, các công ty khác được nhà nước Trung Quốc hỗ trợ lại mọc lên hoặc các linh kiện đáng lo ngại lại được xuất khẩu để lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng ở một quốc gia khác. Cần có một cách tiếp cận toàn diện hơn để đối phó với mối đe dọa về giám sát trái phép và vấn đề an ninh quốc gia từ các thiết bị điện tử Trung Quốc gắn trên các sản phẩm.
Vấn đề cơ bản là Trung Quốc đã đổ nguồn lực khổng lồ vào việc thống trị các lĩnh vực chủ chốt, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và các đầu vào cơ bản. Ví dụ, có nhiều ngành công nghiệp mà họ kiểm soát 90% năng lực sản xuất toàn cầu. Điều này đáng chú ý nhất trong các ngành về các đầu vào quan trọng như kim loại đất hiếm được sử dụng trong hầu hết các linh kiện điện tử, và thậm chí còn mở rộng sang cả lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Không có chiến lược nào để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc thậm chí có thể được coi là đáng tin cậy trừ khi nó giải quyết được sự kiểm soát hoàn toàn của Bắc Kinh đối với nhiều lĩnh vực và tìm ra cách đa dạng hóa nguồn cung.
Có một số cách để giải quyết các vấn đề cơ bản. Đầu tiên, Hoa Kỳ cần xây dựng các quy định về công nghệ sạch cùng với các cuộc kiểm tra rà soát mà chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty điện tử cần tuân thủ theo. Hiện nay, có những quy định tối thiểu về việc bảo vệ kỹ thuật số đối với hàng hóa. Những mối đe dọa mà các công ty Trung Quốc như Huawei và TikTok đặt ra cũng tương tự như những mối đe dọa tới từ nhiều công ty Trung Quốc và các công ty khác. Thay vì cố gắng giải quyết vấn đề theo từng công ty, sẽ tốt hơn nếu áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư dữ liệu cho tất cả các sản phẩm.
Thứ hai, Hoa Kỳ cần chuyển dịch hoạt động của nhiều ngành sản xuất sang các nước thân thiện, để phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc đối với nhiều ngành công nghiệp và giúp chuyển dịch không chỉ hoạt động lắp ráp cuối cùng mà cả hoạt động sản xuất cơ bản. Trên thực tế, rất nhiều hoạt động sản xuất sẽ không quay trở lại về Hoa Kỳ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thể cảm thấy thoải mái hơn với ngành sản xuất của Mexico, Nhật Bản, Ghana hoặc Anh hơn là của Trung Quốc. Để đạt được điều này sẽ đòi hỏi phải khuyến khích các công ty theo những cách khác nhau và ký kết các hiệp định thương mại dài hạn với các nước đối tác để thể hiện cam kết của Mỹ. Các công ty và quốc gia khác đều sẽ không muốn đối mặt với cơn thịnh nộ của Trung Quốc trừ khi Hoa Kỳ có cam kết lâu dài rõ ràng để thay đổi các dòng chảy thương mại và phân bổ nguồn lực để thay đổi mô hình thương mại toàn cầu.
Dù được gọi là tách rời hay giảm rủi ro, các quốc gia đang tích cực tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Cho đến nay, các cách tiếp cận của chính quyền Hoa Kỳ và các nước khác, ngay cả những nước nhận ra vấn đề, vẫn còn lộn xộn và rời rạc.
Nếu thế giới muốn đối phó với rủi ro từ Trung Quốc, thì thế giới cần phải đối phó với toàn bộ mối đe dọa chứ không phải với từng công ty.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch