Nguồn:, “Even Xi Jinping is struggling to fix regional inequality.” The Economist, 21/05/2024.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Nếu muốn biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang quan tâm đến vấn đề gì, chỉ cần xem họ đang đi công tác ở đâu. Hồi đầu tháng 5, thủ tướng Lý Cường đã dành ba ngày ở Tân Cương, một khu vực nghèo ở miền Tây Trung Quốc, nơi ông ra lệnh cho chính quyền địa phương phải tăng thu nhập và việc làm. Cùng lúc đó, cấp phó của ông là Đinh Tiết Tường đã tới Thẩm Dương, một thành phố thuộc vùng công nghiệp cũ ở đông bắc Trung Quốc. Ông Đinh kêu gọi “hồi sinh” khu vực. Chỉ hai tuần trước đó, nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đã chủ trì một hội nghị chuyên đề ở thành phố Trùng Khánh, nơi ông công bố một “chương mới” trong sự phát triển của miền Tây Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng giải quyết một vấn đề đã đeo bám đất nước nhiều thập niên qua: làm thế nào để phân bổ của cải đồng đều hơn. GDP đầu người ở miền tây và đông bắc, nơi chiếm phần lớn diện tích đất đai của Trung Quốc và chiếm 1/3 dân số, lần lượt là 70.870 nhân dân tệ (9.800 USD) và 60.400 nhân dân tệ (8.311 USD). Trong khi đó, thu nhập ở các vùng dọc bờ biển là 124.800 nhân dân tệ (17.172 USD). Đơn vị cấp tỉnh giàu nhất Trung Quốc, Bắc Kinh, giàu gấp 4 lần so với tỉnh nghèo nhất là Cam Túc. Và những vùng giàu nhất thậm chí đang tiến xa hơn.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giữa các vùng. Nền kinh tế Ấn Độ được nâng đỡ bởi các khu vực phía nam và phía tây tương đối giàu có, trong khi một số vùng ở miền bắc và miền đông chậm phát triển hơn. Ở Anh, các chính trị gia luôn miệng nói về việc “nâng cấp” các vùng bị bỏ quên. Nhưng các lãnh đạo Trung Quốc có những mối quan ngại đặc biệt. Họ lo lắng về an ninh và ổn định của vùng nội địa, nơi chứa phần lớn tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc. Và họ cảm thấy xấu hổ vì sự bất bình đẳng lớn như vậy lại tồn tại trong một đất nước xã hội chủ nghĩa. Suy cho cùng, ông Tập đã hứa sẽ tạo ra một xã hội bình đẳng hơn dưới khẩu hiệu “thịnh vượng chung.”
Bức tranh không đồng đều ngày nay bắt nguồn từ những cải cách của Đặng Tiểu Bình vào cuối thập niên 1970. Cựu lãnh đạo Trung Quốc đã thành lập các đặc khu kinh tế dọc bờ biển với quyền tự do thử nghiệm kinh tế thị trường. Chính sách này đã thành công vang dội và được mở rộng sang các khu vực khác của vùng duyên hải. Đặng nói: “Hãy để một số người và một số khu vực làm giàu trước.” Ông hứa rằng phần còn lại của Trung Quốc cuối cùng sẽ bắt kịp.
Nhiều năm trôi qua, vùng duyên hải trở nên thịnh vượng nhờ sản xuất hàng hóa giá rẻ và bán đi nước ngoài. Nhưng vùng nội địa của Trung Quốc vẫn còn nghèo. Một số người lo ngại chênh lệch gia tăng có thể dẫn đến bất ổn. Một học giả có ảnh hưởng, Hu Angang, đã cảnh báo Trung Quốc có thể đi theo con đường của Nam Tư, một quốc gia xã hội chủ nghĩa tan rã vào đầu những năm 1990. Vì vậy, vào năm 2000, Trung Quốc đã phát động chiến lược “tây tiến” để giúp đỡ các tỉnh này. Năm 2003, một kế hoạch tương tự đã được công bố nhằm hồi sinh vùng đông bắc.
Trọng tâm khi ấy là các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Kể từ khi tây tiến được triển khai, khoảng 40.000km đường sắt đã được xây dựng ở miền tây Trung Quốc, nhiều hơn tổng chiều dài đường ray ở Nhật Bản. Các quan chức cũng xây dựng đường, cầu và sân bay. Nhiều nỗ lực trong số này gắn liền với Sáng kiến Vành đai và Con đường, một nỗ lực đầy tham vọng nhằm khôi phục lại Con đường Tơ lụa cổ xưa nối Trung Quốc với Trung Á và châu Âu.
Các quan chức đã cấp tiền mặt cũng như bê tông cho các vùng nội địa. Trong khi các tỉnh ven biển chủ yếu dựa vào thuế địa phương, các tỉnh ở miền tây và đông bắc phải nhận tiền từ chính quyền trung ương. Năm ngoái họ đã nhận 5 nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm hơn một nửa ngân sách của một số tỉnh. Các thành phố giàu đã được ghép đôi với những thành phố nghèo ở nội địa và được yêu cầu hỗ trợ trực tiếp cho họ. Chẳng hạn, một số công ty chế biến thực phẩm ở Thượng Hải bị buộc phải mua hàng nông sản từ Tuân Nghĩa, cách đó 1.700 km về phía tây.
Trong một thời gian, những chính sách này đã giúp thu hẹp phần nào chênh lệch giữa các vùng. 15 năm sau khi kế hoạch tây tiến được công bố, GDP bình quân đầu người ở các tỉnh miền tây đã tăng từ mức chỉ bằng 35% thu nhập các tỉnh ven biển lên 54%. Ở vùng đông bắc, tỷ lệ này tăng từ 62% lên 71%. Nghèo đói cùng cực hiện nay rất hiếm ở các vùng nội địa. Nhưng trong mười năm qua, bất bình đẳng vẫn tồn tại dai dẳng – thậm chí trở nên tồi tệ hơn. Ngày nay, thu nhập của cư dân các tỉnh miền tây chỉ bằng khoảng 57% thu nhập của cư dân các vùng ven biển, trong khi người dân vùng đông bắc kiếm được 48% mức đó. Nhiều người dân địa phương dường như đã từ bỏ miền đông bắc, khiến dân số của vùng này giảm 10% từ năm 2010 đến năm 2020 do tỷ lệ sinh thấp và di cư.
Các tỉnh trong nội địa không thể buôn bán để làm giàu dễ dàng như các tỉnh ven biển. Các nước láng giềng nghèo của Trung Quốc – như Mông Cổ, Kazakhstan, và Kyrgyzstan – có nhu cầu tương đối ít đối với hàng hóa của Trung Quốc. Và bất chấp tất cả những lời bàn tán về việc khôi phục Con đường Tơ lụa, chuyển hàng đến châu Âu bằng tàu container vẫn rẻ hơn so với tàu hỏa. Do đó hầu hết các nhà xuất khẩu đều thích đầu tư vào nhà máy gần cảng.
Tình hình bên trong Trung Quốc cũng không thuận lợi. Thông Vị, một huyện nghèo ở tỉnh Cam Túc, đã có ga đường sắt cao tốc nối liền với bờ biển từ năm 2017. Nhưng đường sắt không mang lại cơ hội kinh doanh mới, theo lời Li Hongwei, một người bán tủ lạnh và tivi ở huyện lỵ. Thay vào đó, ông nói, những người trẻ tuổi sử dụng nó để đi tìm việc làm ở các thành phố miền đông. Một nghiên cứu từ năm 2020 cho thấy nhận xét của ông là chính xác. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tài chính và Kinh tế Nam Kinh và Đại học Cambridge đã xem xét 285 thành phố có kết nối đường sắt cao tốc ở Trung Quốc. Họ phát hiện ra rằng, trong khi các thành phố lớn được hưởng lợi vì đường sắt mang đến nhiều nhân công hơn, các thành phố nhỏ chỉ ghi nhận những tác động kinh tế “không đáng kể.”
Điều đó không có nghĩa là chi tiêu của Trung Quốc cho cơ sở hạ tầng là hoàn toàn lãng phí. Các vùng nội địa cần đầu tư công khi chính sách tây tiến được đưa ra. Nhưng chính phủ cũng đã phớt lờ các tín hiệu thị trường khi phung phí tiền vào các dự án phù phiếm. Cách Thông Vị khoảng 200 km về phía tây bắc, các nhà quy hoạch thành phố đã dành hơn một thập niên để xây dựng Tân khu Lan Châu. Các tòa nhà chọc trời và nhà máy ở đây được xây dựng trên những ngọn đồi đã được san phẳng và được cung cấp nước từ ba hồ chứa được đào để phục vụ mục đích này. Nó thậm chí có một bản sao của đền thờ Parthenon. Các quan chức khẳng định người dân đang đổ xô đến thành phố. Song người dân địa phương lại nói nhiều căn hộ vẫn còn trống.
Tất cả những điều này khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng. Như hơn 90% dân số, họ thuộc nhóm dân tộc Hán, trong khi hầu hết người dân tộc thiểu số của Trung Quốc sống ở sâu trong nội địa. Các quan chức nghi ngờ lòng trung thành của người thiểu số và lo sợ họ có thể tìm cách ly khai. Đảng cho rằng kinh tế phát triển sẽ làm cho họ hạnh phúc và ràng buộc họ với Bắc Kinh. Nhưng các chính sách văn hóa và an ninh của chính phủ thường không được lòng các nhóm thiểu số. Và ngay cả những nỗ lực phát triển kinh tế cũng có thể gây ra bất mãn hơn là lòng biết ơn. Ví dụ, những người du mục trên cao nguyên Tây Tạng đã bị buộc phải định cư trong làng. Người Mông Cổ đã bị đuổi khỏi vùng đồng cỏ phía bắc để nhường chỗ cho khai thác mỏ. Và chính phủ đã khuyến khích người Hán di cư vào nội địa. Điều đó tốt cho sự phát triển, nhưng người ta vẫn cho rằng mục đích của Bắc Kinh là làm loãng dân số thiểu số.
Mục tiêu rõ ràng là làm cho 22.000km biên giới đất liền của Trung Quốc trở nên an toàn hơn. Để đạt được mục đích này, chính phủ đã khuyến khích người dân đến định cư ở các khu vực xung quanh biên giới, thường là các vùng nghèo. Nhiều gia đình sống ở những nơi này đã được miễn “chính sách một con” (được bãi bỏ vào năm 2016) và được trợ cấp tiền mặt. Các thị trấn biên giới được lệnh xây thêm các khu công nghiệp, điểm thu hút du lịch, và thư viện.
Các vùng nội địa của Trung Quốc quan trọng không chỉ vì những rủi ro mà chúng gây ra mà còn vì tiềm năng mà chúng nắm giữ. Hầu hết đất hiếm của nước này đều được khai thác ở vùng đông bắc. Dầu và than được tìm thấy ở phía tây. Một số vùng ở miền tây cũng có gió mạnh, ánh nắng mặt trời thường xuyên, và những dòng sông chảy xiết có thể tạo ra điện. Trung Quốc đã xây mạng lưới đường dây siêu cao áp lớn nhất thế giới để chuyển tải điện từ tây sang đông.
Nhưng tất cả sự giàu có tự nhiên này thực sự có thể đang kìm hãm các vùng nội địa. Andrew Batson của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết một số nơi đang phải hứng chịu một loại “lời nguyền tài nguyên.” Nền kinh tế của họ trở nên phụ thuộc quá nhiều vào khai thác, khiến có quá ít vốn và lao động chảy vào các ngành có giá trị cao hơn như sản xuất hoặc dịch vụ. Một phần của vấn đề là các doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu nỗ lực phát triển có xu hướng tập trung vào các ngành sử dụng nhiều tài nguyên.
Các chuyên gia đề nghị làm nhiều hơn nữa để thu hút các công ty tư nhân đầu tư vào miền tây và đông bắc, nhưng không phải lúc nào cũng dễ, vì chính quyền địa phương ở đó thường quan liêu và tham nhũng hơn so với các chính quyền ở vùng duyên hải. Trung Quốc cũng có thể tập trung ít hơn vào cơ sở hạ tầng cứng và chuyển nguồn lực vào tài nguyên mềm. Chi tiêu chính phủ cho mỗi học sinh trung học ở miền tây chỉ bằng 60% so với miền đông. Trong số 100 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, chỉ có 16 trường ở phía tây. Kết quả có thể dự đoán được là một nền kinh tế kém năng động hơn. Các tỉnh và thành phố phía đông Trung Quốc có số lượng công ty công nghệ cao gấp 5 lần vùng nội địa.
Rủi ro đối với ông Tập và Đảng Cộng sản là khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, các vùng nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất và tình trạng bất bình đẳng sẽ còn gia tăng nhanh hơn. Vì vậy chính phủ đã tiếp tục đổ nguồn lực vào các tỉnh phía tây và đông bắc. Hai thập niên trước, những nỗ lực như vậy được so sánh với việc “làm cho nước chảy ngược,” theo hồi ký của một cựu quan chức. Nhưng David Goodman của Đại học Sydney cho biết điều đó sẽ không làm các nhà lãnh đạo đảng nản lòng. “Các đảng Cộng sản phát triển nhờ niềm tin rằng họ có thể thay đổi thiên nhiên”./.