Bình luận: Đài Loan rời xa Trung Quốc về kinh tế

Milton Ezrati

Bình luận: Đài Loan rời xa Trung Quốc về kinh tế
Một bức tượng đồng của cựu lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc, ông Tưởng Giới Thạch, được nhìn thấy phía sau lá cờ quốc gia Đài Loan, tại Kim Môn, Đài Loan, vào ngày 24/9/2022. (Ảnh: Annabelle Chih/Getty Images)

Việc các doanh nghiệp Đài Loan rời xa Trung Quốc không những chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế của nước này mà còn mang ý nghĩa về mặt an ninh.

Đài Loan dường như đã quyết định đi theo con đường tương tự như các doanh nghiệp Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.

Vì những lý do tương tự như những bên khác này, cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh của Đài Loan đã thực hiện các bước để đa dạng hóa hoạt động đầu tư, giao dịch và tìm nguồn cung ứng bên ngoài Trung Quốc và định hướng lại hướng tới Đông Nam Á và Nam Á. Một số khoản đầu tư của Đài Loan thậm chí đã chuyển sang Hoa Kỳ. Bắc Kinh không thể vui mừng về những xu hướng này. Nền kinh tế Trung Quốc đang yếu và hiện tại, khi họ cần sự hỗ trợ nhất, vốn đã được các doanh nghiệp Đài Loan cung cấp trong nhiều thập kỷ, thì sự hỗ trợ đó đang bỏ đi.

Trong động thái này, Đài Loan ít thu hút sự chú ý hơn các nước khác. Không giống như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản, Đài Loan ít thu hút sự chú ý hơn trong việc từ chối kinh doanh với Trung Quốc vì những cân nhắc về mặt ngoại giao. Trái ngược với Đài Bắc, Washington đã thể hiện rất rõ thái độ thù địch hoàn toàn với Trung Quốc. Họ đã cấm một số loại hình thương mại với Trung Quốc và những khoản đầu tư công nghệ vào Trung Quốc. Họ đã tăng thêm gánh nặng thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ. EU cũng đã tỏ rõ thái độ khi gần đây công bố mức thuế đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất. Nhật Bản đã dẫn đầu nỗ lực khiến thế giới ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc đối với các nguyên tố đất hiếm quan trọng. Đài Loan một cách chính thức không đưa ra thông báo thù địch công khai nào, nhưng những hành động của cộng đồng doanh nghiệp nước này, giống như ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản, là rất rõ ràng.

Bỏ qua vấn đề chính trị và các thông báo công khai, lý do về kinh doanh của những nền kinh tế này để từ chối Trung Quốc cũng khá giống nhau. Trong nhiều thập kỷ, những nền kinh tế phát triển trên thế giới ở bất kỳ châu lục nào đều coi Trung Quốc là một nơi hấp dẫn. Chi phí sản xuất ở đó rẻ và hoạt động vận hành ở Trung Quốc đáng tin cậy. Bắc Kinh đưa ra yêu cầu đối với người nước ngoài vượt quá mức bình thường trong các quan hệ kinh tế toàn cầu, nhưng chi phí thấp và sự tin cậy đã bù đắp cho những áp đặt của Bắc Kinh. Thương mại và đầu tư phát triển thịnh vượng. Nhưng trong những năm gần đây, cán cân này đã thay đổi đáng kể.

Tiền lương của người Trung Quốc đã tăng nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là những nơi khác ở Châu Á. Xu hướng này đã làm xói mòn lợi thế về chi phí trước đây của Trung Quốc. Mặc dù việc đồng nhân dân tệ mất giá gần đây đã khôi phục một phần lợi thế đó, nhưng các doanh nghiệp nhận ra sự biến động thường xuyên của giá trị về tiền tệ và coi nhẹ điều này trong các quyết định dài hạn cần thiết của họ. Đối với danh tiếng trước đây của Trung Quốc về sự tin cậy, việc cắt đứt các lô hàng trong thời kỳ đại dịch và các biện pháp zero-COVID kéo dài của Bắc Kinh trong nhiều năm sau đó đã xóa bỏ nhiều sự tin cậy này. Đồng thời, nỗi ám ảnh gần đây của Bắc Kinh về an ninh đã khiến tính xâm phạm của chính quyền Trung Quốc lớn hơn bao giờ hết. Sự kết hợp của ít điểm hấp dẫn hơn và nhiều sự áp đặt hơn đã làm thay đổi cán cân ra quyết định theo hướng chống lại Trung Quốc đối với các doanh nghiệp trên mọi châu lục.

Các dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp Đài Loan đang đi trên con đường rời xa Trung Quốc là thực sự rõ ràng, thậm chí còn rõ ràng hơn ở Hoa Kỳ. Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan, nhưng tỷ trọng thương mại của nước này với Đài Loan đã giảm đều đặn kể từ năm 2021. Năm đó, doanh số bán hàng của Trung Quốc ở Đài Loan và doanh số mua hàng của Trung Quốc từ các nhà sản xuất Đài Loan lên tới 208,4 tỷ USD, chiếm khoảng một phần tư tổng số. Đến năm 2023, giai đoạn mới nhất có dữ liệu đầy đủ, con số đó đã giảm gần 20% xuống còn khoảng 166 tỷ USD, chỉ hơn một phần năm tổng số.

Ngược lại, tổng kim ngạch thương mại của Đài Loan với Đông Nam Á đã tăng từ 117,5 tỷ USD vào năm 2021 lên 134,6 tỷ USD vào năm 2022, tăng gần 10% chỉ trong một năm. Sự phụ thuộc về xuất khẩu của Đài Loan vào Trung Quốc cũng đã thu hẹp. Ngay cả khi tính cả Hong Kong, những số liệu gần đây cho thấy mức này đang thấp hơn bao giờ hết kể từ năm 2018. Phần lớn sự chênh lệch đã chuyển sang Đông Nam Á.

Nếu như xu hướng này không đủ để khiến Bắc Kinh lo ngại, thì các số liệu cũng cho thấy sự chuyển hướng đáng kể của dòng tiền đầu tư của Đài Loan. Dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp của hòn đảo này vào Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2010. Năm 2023, chúng đã giảm gần 40% so với năm trước. Ở mức tương đương 4,17 tỷ USD, năm ngoái chúng chỉ bằng chưa đến một phần ba mức năm 2018.

Sự khác biệt trong dòng vốn nằm ở việc một số đã chuyển sang Đông Nam Á, đáng chú ý là Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Những nước này hiện nhận được khoảng 40% dòng vốn đầu tư ra bên ngoài của Đài Loan, một tỷ lệ vượt quá dòng vốn chảy vào Trung Quốc. Đầu tư vào Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, đặc biệt là ở lĩnh vực mà Bắc Kinh quan tâm nhất: điện tử công nghệ cao. Những công ty công nghệ Đài Loan như Foxconn, Wistron, Pegatron và Quanta đều đang có kế hoạch mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam.

Những thực tế kinh tế này không thể không gây lo ngại cho Bắc Kinh, nhưng cũng đáng lo ngại không kém là những tác động về an ninh của sự xoay trục này của Đài Loan. Hoạt động thương mại và đầu tư của Đài Loan càng phát triển ở Đông Nam Á và Nam Á, thì cộng đồng các nước Châu Á càng có nhiều lợi ích ở Đài Loan, và họ càng có khả năng chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm phá hoại các thứ. Không ai có thể giả vờ rằng những nước này có sức mạnh quân sự để kiểm soát việc Trung Quốc liên tục đe dọa chiếm Đài Loan. Tuy nhiên, lợi ích của một nhóm lớn hơn các nước khiến cho thái độ chống lại Đài Loan của Bắc Kinh trở nên khó xử hơn nhiều.

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts