Trận lũ lịch sử miền Bắc Việt Nam: Khủng hoảng lòng tin và vai trò của nhà văn (ngột ngạt, nhói lòng và nhiều câu hỏi)

 Trọng Thành

Trận lũ lụt nhiều thập niên mới có một lần tại miền Bắc Việt Nam trong những ngày giữa tháng 9 này đang đẩy hàng triệu, thậm chí cả chục triệu người ở hơn 20 tỉnh vào tình cảnh khốn khổ.

Phong trào từ thiện giúp đồng bào gặp khó dấy lên tại nhiều nơi.

Trong không khí ấy, vấn đề niềm tin và sự bất tín lại được đặt ra. Tin ai, giao phó cho ai, những ai đáng tin cậy để gửi gắm các tương trợ?

Tin tưởng các tổ chức nhà nước (như Mặt trận Tổ quốc – MTTQ), vào các hội nhóm từ thiện với đại diện thường là các nhân vật nổi tiếng, hay chỉ tin tưởng vào bản thân cùng bằng hữu?

Không khí nghi kỵ dường như dâng lên cao độ nhắm vào một số nhân vật thường được gọi là “những người của công chúng”. Ca sĩ Thuỷ Tiên nổi lên trong đợt hỗ trợ bão lụt miền Trung năm 2020, với hơn 170 tỉ đồng đóng góp (có lẽ là số tiền huy động từ thiện kỷ lục mà người Việt từng tin tưởng phó thác cho một cá nhân), một lần nữa trở thành đối tượng bị chỉ trích, lên án mạnh trên các mạng xã hội trong dịp này.[1]

@@@@@

“NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG” BỊ VÙI DẬP?

Không khí ngột ngạt với mũi dùi đả kích nhắm vào những nhóm từ thiện do dân tự quản. Tiêu biểu cho việc lên án hoạt động huy động từ thiện của những nhân vật nổi tiếng là quan điểm rõ ràng và triệt để của nhà văn Trần Thanh Cảnh, không chỉ lên án hay hoài nghi một số cá nhân cụ thể, mà phủ nhận hoàn toàn khả năng “những người của công chúng” có thể đứng ra tổ chức các hoạt động từ thiện minh bạch và bất vụ lợi:

“… gửi tiền cho những ông bà cái gọi là “người của công chúng” đi làm thay? Không bao giờ!

Xin thưa, những thành phần ấy toàn loại “ăn như hạm, tiêu như núi lở, dùng như phá”, lại không có một tổ chức cá nhân nào giám sát “thu – chi”, tin được chăng? Chỉ là lòng tin. Mà “lòng tin”, là cái thứ rẻ rúng nhất hiện nay! Ai là người dám tuyên bố miễn nhiễm, khi trong tay bỗng dưng có núi tiền rơi xuống và được quyền một mình “tự tung tự tác”?”[2].

@@@@@

MINH BẠCH: NỖ LỰC BAN ĐẦU CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC ĐƯỢC HOAN NGHÊNH

Trong những ngày vừa qua, MTTQ dường như đã là nơi thu hút chủ yếu các đóng góp cứu trợ người hoạn nạn. Tính đến ngày 14/09, theo báo chí trong nước, MTTQ đã nhận được hơn 1.000 tỷ đồng do hàng triệu cá nhân và tổ chức đóng góp.[3]

Lòng tin vào MTTQ dường như đã gia tăng sau khi tổ chức này bất ngờ công bố bản sao kê (thu). Đối với nhiều người có thể là lần đầu tiên tổ chức nhà nước này có một hành động minh bạch trong việc tiếp nhận tiền cứu trợ. Thái độ như vậy của MTTQ được nhiều người nhìn nhận như là thức thời. Trận lũ lịch sử đòi hòi một thay đổi đổi lịch sử.

@@@@@

CỔ VŨ cho ĐỘC QUYỀN về “MINH BẠCH”?

Thay đổi ban đầu của MTTQ đáng được hoan nghênh tuy nhiên nhiều người lo ngại việc đề cao duy nhất lòng tin vào tổ chức nhà nước này có nguy cơ đi kèm với việc hạ bệ các hoạt động từ thiện do “những người của công chúng” tổ chức. Nhà văn Trần Thanh Cảnh, sau khi phủ nhận hoàn toàn năng lực từ thiện minh bạch và bất vụ lợi của “những người của công chúng”, kêu gọi đặt tin tưởng hoàn toàn vào MTTQ: “… khi chúng ta không có điều kiện đến tận nơi cứu trợ được, có chútlòng thành cứ gửi trực tiếp vào Quỹ cứu trợ của MTTQTW là yên tâm hơn cả. Có thể giải ngân chậm xíu, nhưng chắc chắn sẽ đến đúng địa chỉ.”

Ông giải thích lý do: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội tập hợp rất nhiều tổ chức thành viên, nhân sĩ trí thức trong nước. Hoạt động bằng hình thức “hiệp thương” rộng rãi. Họ có bộ máy quản lý hoàn chỉnh và chịu sự giám sát của nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Bởi thế, để một ai đó vượt qua các “nguyên tắc quản lý tài chính”, tham ô chiếm đoạt một số tiền lớn là rất khó. Thậm chí hầu như không có khả năng ấy.”

@@@@@

MẶT TRẬN TỔ QUỐC CÓ MẶC NHIÊN ĐÁNG TIN, “NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG” CÓ MẶC NHIÊN ĐÁNG NGHI?

Độc quyền về khả năng minh bạch trong hoạt động từ thiện sẽ là bất công. Hiện tượng nhiều nhân vật tên tuổi sử dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi là có thật, là không ít, và đã bị lên án, nhưng chưa có gì chứng minh là tất cả “người của công chúng” khác, như ca sĩ Thuỷ Tiên đã lạm dụng lòng tin của công chúng[4]. Không khí hoài nghi triệt để, tràn lan, không địa chỉ cụ thể, thiếu cơ sở làm nhói lòng người. Ca ngợi MTTQ có nhất thiết cần đi liền với hạ bệ những người của công chúng?

Bản thân MTTQ nhiều người cũng chưa coi là mẫu mực, thậm chí có những cáo buộc tại một số địa phương là MTTQ duy trì một cơ chế đóng góp bắt buộc cho một số hoạt động cứu trợ. Trong dịp này, nhiều cư dân trên mạng đã hoan nghênh thay đổi bước đầu của MTTQ, nhưng cũng mạnh mẽ đòi hỏi tổ chức này công bố cả sao kê (chi) và hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đến tay người cần, để bảo đảm tính minh bạch đến cùng, bởi lo ngại việc phân phối hỗ trợ thông qua các nhu yếu phẩm, vật dụng có thể tạo điều kiện cho tham nhũng, bớt xén quy mô lớn.

@@@@@

“NHÀ VĂN VIỆT NAM”: AI TIN, TIN AI…?

Trong những ngày buồn đau bão lũ, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều cáo buộc về nhà văn NQV, quỵt tiền, lừa đảo… từ nhiều năm. Bản thân nhà văn, được nhiều người coi là tương đối có tài này, cũng là một “người của công chúng”, và đang một lần nữa vận động quyên góp cho các nạn nhân lũ lụt (và toàn bộ số tiền quyên góp, theo đương sự, cũng sẽ được chuyển cho MTTQ).

Nhà văn Trần Thanh Cảnh nhân sự việc này có bài cảm thán, nhan đề “THẤY CHÁN CHÍNH MÌNH!”[5]. Trong đó, ông chỉ trích con người nhân danh nhà văn “loè thiên hạ kiếm ăn”, “lừa đảo, chầy bửa, ăn chằng, quỵt nợ…”. Nhà văn Trần Thanh Cảnh không dừng ở đó mà còn cảm thấy chán ngán, xấu hổ thay. Và cũng bởi là nhà văn, và là nhà văn Việt Nam, mà ông cho biết chán ngán luôn “cái sự viết lách” của bản thân.

Nỗi chán ngán mênh mông, “nản muốn đến nát người đi” qua câu chuyện người đồng nghiệp bất đắc dĩ, với nghi án quỵt tiền lừa đảo, liên quan đến vị thế của nhà văn ở Việt Nam thời hiện đại, mà theo ông vốn đã thấp kém.

Nỗi chán ngán, chán nản của nhà văn xứ Kinh Bắc bắt rễ trong cảm nhận của ông về lịch sử của giới nhà văn Việt Nam: “Nhà văn An Nam khổ như chó” (Nguyễn Vỹ) hay “văn chương hạ giới rẻ như bèo” (Tản Đà), như ghi nhận của ông trong bài. Nỗi chán ngán, chán nản của nhà văn có thể lan xa lan rộng hơn vùng quê Kinh Bắc, đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của nhà văn Việt Nam trong một xã hội khủng hoảng nhiều về lòng tin.

Lũ lụt và hậu quả lũ lụt vẫn đang trầm trọng. Người dân miền Bắc khắp nơi cần hỗ trợ. Cần hỗ trợ tiền, hỗ trợ nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu đến đúng chỗ, đúng lúc. Theo nhiều bạn Facebook, thay vì đối lập tổ chức nhà nước với các hội nhóm của xã hội dân sự, dồn hết niềm tin vào một bên, nghi ngờ về phía bên kia, rất cần đến các nỗ lực đoàn kết, cùng nhau hướng đến mục tiêu vì cộng đồng. Cùng nhau tăng cường minh bạch.

Lòng tốt không thể độc quyền, và niềm tin cũng vậy. Nhà văn Việt Nam ở đâu trong các nỗ lực ấy? Nhà văn tin ai? Ai tin ở nhà văn? Không tin ở con người, ở xã hội dân sự, liệu nhà văn có đáng tin?…[6].

Trong những ngày này, những chiêm nghiệm của Nguyễn Huy Thiệp trở lại như một gợi nhắc: “… Nói đến chân lý thì ngay cả các nhà văn thiên tài cũng nói sai nhưng thật ra nhiệm vụ của nhà văn không phải là nói ra chân lý mà là thức tỉnh ý thức hướng về chân lý hoặc chí ít cũng là thức tỉnh tình cảm về phẩm giá con người trong họ….”[7].

[1] 1/ Ca sĩ Thủy Tiên lại bị gọi tên giữa ‘bão’ sao kê dù đã ‘xin tha’, 13/09/2024, https://www.saostar.vn/…/ca-si-thuy-tien-lai-bi-goi-ten…

[2] Tại sao tôi kêu gọi hãy gửi tiền từ thiện qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam? https://www.facebook.com/share/p/6gV8px254ed3APhe/

[3] https://baophapluat.vn/hon-1000-ty-dong-ung-ho-dong-bao…

[4] Thấy chán chính mình! https://www.facebook.com/share/p/dR4eREdniQtyGSu7/

[5] Thủy Tiên có động thái đầu tiên trong mùa bão lũ, tuyên bố cực gắt khi bị công kích vụ từ thiện, https://www.techz.vn/187-924-1-thuy-tien-co-dong-thai-dau…

[6] Trên thực tế, kể từ năm 2021, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định về “VỀ VẬN ĐỘNG, TIẾP NHẬN, PHÂN PHỐI VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN HỖ TRỢ KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH, SỰ CỐ…”, theo đó “cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.” Việc bài bác khả năng các cá nhân (người của công chúng hay không) đứng ra đảm đương việc tiếp nhận và phân phối đóng góp từ thiện như vậy thậm chí còn tụt hậu so với chính luật pháp Việt Nam.

https://thuvienphapluat.vn/…/Nghi-dinh-93-2021-ND-CP…

[7] Toàn đoạn trích Nguyễn Huy Thiệp trong tiểu luận Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn(1990):

“… Trong khu vực văn chương ở ta, trừ đôi ba người thực sự xuất chúng, còn nhìn chung văn chương của các cụ ta xưa và những nhà văn hiện đại ngày nay, so với nhiều dân tộc khác, phải thừa nhận là kém cỏi. Song danh hiệu nhà văn lại được nhân dân hết sức tôn trọng, thậm chí còn làm mờ cả nhiều chân dung chính trị, làm mờ cả các quân hiệu quân hàm trên trang phục quân nhân lòe loẹt mọi thời. Vậy thì trong đoàn người đi miên man trên đường kia nhà văn phải là một kẻ ra sao thì mọi người mới tôn trọng chứ? Tôi đã suy nghĩ nhiều và ngỡ rằng điều ấy chỉ có thể giải thích bởi lòng yêu chuộng chân lý của nhân dân mà thôi. Nói đến chân lý thì ngay cả các nhà văn thiên tài cũng nói sai nhưng thật ra nhiệm vụ của nhà văn không phải là nói ra chân lý mà là thức tỉnh ý thức hướng về chân lý hoặc chí ít cũng là thức tỉnh tình cảm về phẩm giá con người trong họ. Một bộ phận nhân dân thậm chí còn đặt kỳ vọng được các nhà văn dẫn dắt và bênh vực khi họ bị đặt vào những tình huống trớ trêu nào đấy, lúc họ bị cơ chế chính trị đương thời bỏ rơi hoặc đánh đập. Thường trong trường hợp này các nhà văn khôn ngoan hoặc bất tài đều chỉ tay vu vơ lên trời…”,

http://tapchisonghuong.com.vn/…/Khoang-trong-ai-lap…

Related posts