Đăng tải ảnh xấu của người khác, có khác gì “giết” họ?

Đặng Đình Mạnh

27-9-2024

Người làm từ thiện cần biết

Đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bất công tràn lan, cho nên đồng bào còn rất nhiều trường hợp khổ sở cần được giúp đỡ. Không chỉ vậy, danh sách đồng bào cần được giúp đỡ còn được nối dài thêm hàng năm sau những thiên tai. Như dịp trung tuần tháng Chín vừa rồi, khi cơn bão Yagi và cơn lũ sau đó gây thiệt hại nhiều cho đồng bào mình ở các tỉnh phía Bắc, cả về sinh mạng lẫn tài sản.Tinh thần “Lá lành đùm lá rách” lại được phát huy, đồng bào ở khắp nơi tổ chức quyên góp. Từ đó, tràn ngập trên mạng xã hội về hình ảnh cứu trợ. Nhờ thế, mà chúng ta nhận thấy đồng bào mình không chỉ khổ vì bão lũ, mà còn khổ cả vì sĩ diện, nhân phẩm và danh dự bị xúc phạm theo cách rất hồn nhiên.

Rất nhiều ảnh chụp theo cùng một kiểu rõ mặt: Người dân được giúp đỡ cầm phong bì ghi số tiền trong tay hoặc đứng cạnh túi quà. Khiến chúng ta dễ liên tưởng đến những hình ảnh phá án của cảnh sát hình sự đăng tải trên mặt báo: Tội phạm đứng cạnh tang vật!

Hoặc hình ảnh người nằm trên giường bệnh, cơ thể ốm o, vặn vẹo, trang phục xộc xệch! Hay ảnh thi thể người qua đời vì bệnh tật, thiên tai…

Cho thấy, khá nhiều người trong chúng ta hời hợt hay vô tình trong ứng xử xã hội lẫn pháp luật về đăng tải công khai ảnh của người khác trên trang mạng xã hội. Nếu tạm gác lại vấn đề luật pháp mà chúng ta đang vi phạm một cách hiển nhiên, thì về ứng xử xã hội, chúng ta cứ tự hỏi thì sẽ tìm ra cách ứng xử phù hợp ngay:

– Nghèo khó: Nếu chúng ta lỡ sa vào hoàn cảnh khó khăn, phải ngửa tay cầm đồng tiền trợ giúp từ công chúng với biết bao sự ngại ngùng…

– Bệnh tật: Nếu chúng ta phải nằm trên giường bệnh, ốm o quặt quẹo như que tăm, y phục xộc xệch, không làm chủ được việc vệ sinh cá nhân và là phụ nữ…

– Chết chóc: Nếu người thân hoặc chính chúng ta vừa qua đời vì cơn bạo bệnh, thân thể tím tái, trông xấu xí, ghê sợ…

Thì, chúng ta có muốn những hình ảnh đó bị đăng tải công khai, đập vào hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn đôi mắt trên các trang mạng xã hội để đón nhận những ánh nhìn săm soi hoặc những lời bình phẩm hay không?

Chắc chắn câu trả lời là KHÔNG, vì nó quá độc ác, bất nhẫn với chúng ta. Nếu câu trả lời là KHÔNG, dĩ nhiên, chúng ta cũng đừng làm điều độc ác như vậy cho người khác. Kể cả nhân danh những điều cao thượng, từ thiện, cứu giúp. Vì không có điều cao thượng nào, hoặc đồng tiền nhiều đến mức nào đủ để bào chữa cho sự xúc phạm vào sĩ diện, nhân phẩm và danh dự của người khác cả.

Kể cả được sự đồng ý của họ. Vì tìm sự đồng ý của họ trong hoàn cảnh ngặt nghèo thì cũng có giá trị như sự bắt bí vậy.

“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nôm na, “Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.

Có thể người gởi tặng phẩm giúp đỡ muốn có hình ảnh để minh bạch khoản chi cho những nhà hảo tâm đã bỏ tiền đóng góp cứu trợ, từ thiện được biết. Thật ra, có nhiều cách để minh bạch mà không cần phải trương hình ảnh người nhận tặng phẩm công khai lên mạng xã hội. Ví dụ, có thể lập danh sách giao nhận có chữ ký của người nhận và thông tin liên lạc để phối kiểm nếu cần. Thế là đủ.

***

Trung tuần tháng 6/2021, qua màn ảnh truyền hình, thế giới văn minh vô tình “dạy” cho các quốc gia chậm tiến bài học bảo vệ hình ảnh cá nhân trong một trận túc cầu.

Hôm ấy, sau khi cầu thủ Đan Mạch Christian Eriksen bất tỉnh nhân sự trên sân cỏ, thì đồng đội của anh đã khoác tay nhau đứng quanh để giữ gìn sự riêng tư cho đồng đội đang được các bác sĩ chăm sóc. Họ đã cố gắng giữ gìn hình ảnh Eriksen một cách tối đa trong hoàn cảnh đồng đội của mình lâm vào tình trạng không thể tự bảo vệ hình ảnh cho chính mình.

Trong trận túc cầu, khi cầu thủ Đan Mạch Christian Eriksen bất tỉnh nhân sự trên sân cỏ, thì đồng đội của anh đã khoác tay nhau đứng quanh để giữ gìn sự riêng tư cho đồng đội đang được các bác sĩ chăm sóc. Nguồn: News Channnel 21

***

Xa hơn, nhiếp ảnh gia Kevin Carter đã chọn cách kết thúc cuộc đời của mình bằng tự tử vào năm 1996. Trước đó 3 năm, ông đoạt giải thưởng Pulitzer danh giá cho bức ảnh “Kền kền chờ đợi” ghi lại khoảnh khắc em bé đói khát người Phi đang lê lết trên nền đất và ngay đằng sau, con kền kền đang chực chờ em gục xuống để xông lên… rỉa xác.

Ông tự tử vì không thể chịu được áp lực nghi vấn đạo đức từ công chúng cho rằng ông đã săn bức ảnh với thái độ vô cảm. Vì lẽ, họ cho rằng ông ấy chỉ chực chờ săn ảnh thay vì thực hiện ngay việc giúp đỡ em bé người Phi đó.

Đây là bức ảnh giúp nhiếp ảnh gia Kevin Carter đoạt giải thưởng Pulitzer 1993 danh giá cho bức ảnh “Kền kền và bé gái” (The Vulture and the Little Girl), ghi lại khoảnh khắc em bé đói khát người châu Phi đang lê lết trên nền đất và ngay đằng sau, con kền kền đang chực chờ em gục xuống để xông lên… rỉa xác.

***

Xa hơn nữa, ông Eddie Adams, một phóng viên chiến trường cũng từng đoạt giải thưởng Pulitzer danh giá với tấm ảnh chụp ông tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan, thuộc chính quyền Sài Gòn cũ, bắn súng ngắn thẳng vào đầu một tù nhân bị trói tay vào dịp Mậu thân 1968.

Nhưng ông đã không tự hào về tấm ảnh, vì lẽ “… Nó thu hẹp một khoảnh khắc, tách khoảnh khắc đó ra khỏi những khoảnh khắc trước và sau mà có thể dẫn tới ý nghĩa thay đổi”.

“Có hai người đã chết trong bức ảnh đó,” Adams viết sau khi ông Loan qua đời vào năm 1998. “Ông tướng này giết một người, còn tôi giết ông ta bằng máy ảnh của mình”.

Bức ảnh gây tranh cãi của nhiếp ảnh gia Eddie Adams, chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một VC trên đường phố Sài Gòn năm 1968

Thế nên, phải hết sức cân nhắc khi đưa ảnh công khai của ai đó lên trên trang mạng xã hội, nhất là khi ảnh của họ không được “đẹp”. Nếu không, như Eddie Adams, chúng ta đang ra tay “giết” sĩ diện, nhân phẩm, danh dự của người mà chúng ta tưởng rằng đang giúp đỡ họ!

Ảnh một nạn nhân vùng lũ được giúp đỡ, khuôn mặt của bà được chụp rõ, đưa lên một trang mạng xã hội

______

* Bài viết này chưa bàn về khía cạnh vi phạm luật pháp một cách hiển nhiên trong việc đăng tải ảnh “xấu” về người khác

Related posts