Tin thế giới trưa thứ Sáu: Truyền hình Nga: Moscow đang chuẩn bị tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ

Truyền hình Nga: Moscow đang chuẩn bị tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giám sát các cuộc tập trận với các lực lượng hạt nhân chiến lược

Truyền thông Mỹ Newsweek đưa tin, Hôm thứ Tư 26/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giám sát các cuộc tập trận với các lực lượng hạt nhân chiến lược của ông, sau đó truyền hình nhà nước Nga cho rằng họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân vào Hoa Kỳ.

Trong một video được nhà báo Julia Davis của tờ The Daily Beast dịch sang tiếng Anh và chia sẻ trên Twitter hôm thứ Năm 27/10, người dẫn chương trình truyền hình Nga Olga Skabeyeva nói rằng Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga đã thông báo tất cả các tên lửa phóng trong cuộc tập trận đã tìm thấy mục tiêu. Chương trình truyền hình của Nga sau đó đã phát sóng các cảnh quay cho thấy các cuộc tập trận đang diễn ra.

Chuyên gia quân sự Igor Korotchenko cho biết sau khi đoạn video trên truyền hình kết thúc: “Điều rất quan trọng là chúng ta đã chứng minh được kẻ thù chính của mình là ai và điều gì đang chờ đợi họ”.”Tín hiệu đã được gửi đi.”

Người dẫn chương trình Skabeyeva nói: “Cho tôi một giây, chúng ta tiếp tục tránh những lời nói trực tiếp. Hôm nay, chúng ta đã thực hành tiêu diệt Hoa Kỳ và trước đây là Vương quốc Anh, đúng không?”

Ông Korotchenko đáp: “Hoàn toàn chính xác”

Theo Newsweek, cuộc trao đổi trên cho thấy căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây về khả năng leo thang cuộc chiến ở Ukraine thành chiến tranh hạt nhân. Mặc dù đồn đoán về việc TT Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đã lan truyền kể từ khi ông bắt đầu cuộc chiến ở Ukraina vào cuối tháng 2, nhưng những lo ngại đã tăng lên sau khi ông tuyên bố sẵn sàng đáp trả những gì mà ông cho là “tống tiền hạt nhân” từ phương Tây

Ở một diễn biến có liên quan, Ngũ Giác Đài ra lệnh chuyển bom hạt nhân B61-12 đến châu u để đáp trả. Theo Politico, 480 quả bom hạt nhân của Mỹ sẽ được chuyển tới châu u vào tháng 12/2022, thay thế cho loại B61 đã bị lỗi thời.

Trần Phong

Ukraina nói quân Nga không có đủ quần áo ấm, vũ khí lỗi thời, binh sĩ thiệt mạng nhiều do không được đào tạo

Tang lễ của 58 binh sĩ thuộc phe ly khai Luhansk đã thiệt mạng trong cuộc xung đột Ukraine – Nga, ở Luhansk, Ukraine ngày 12/7

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraina tuyên bố quân đội Nga không có đủ quần áo ấm, do đó đã đánh cắp chúng từ dân thường; nhiều binh sĩ Nga thiệt mạng do không được đào tạo, và tình trạng thiết bị quân sự lỗi thời làm gia tăng tình trạng đào ngũ trong quân đội. Như thường lệ, Nga không phản hồi các báo cáo này.

Báo cáo của Bộ Tổng tham mưu được đưa ra trong bản cập nhật chiến sự vào lúc 18h ngày 27 tháng 10.

Bộ cho biết việc hỗ trợ vật chất và kỹ thuật cho các đơn vị chiếm đóng Nga vẫn còn là một vấn đề nan giải. Và theo thông tin quân đội Ukraina có được, việc thiếu quần áo ấm đã dẫn đến sự gia tăng số vụ trộm cắp và cướp bóc của các quân nhân thuộc Lực lượng vũ trang Liên bang Nga ở vùng Kherson bị tạm chiếm.

Bộ Tổng tham mưu Ukraina cũng có thông tin rằng những người Nga được điều động đến khu vực này để chiến đấu, đã không được đào tạo thích hợp và không có kỹ năng thực hành trong việc sử dụng các loại vũ khí cơ bản. Điều này dẫn đến thiệt hại đáng kể về nhân lực của đối phương.

Theo Bộ này, phần lớn vũ khí và trang thiết bị quân sự mà quân chiếm đóng gửi đến mặt trận Donetsk và Novopavlivka có năng lực hạn chế, hoặc hoàn toàn không đủ khả năng sử dụng trong chiến đấu, khiến việc đào ngũ gia tăng. Điều đó đặc biệt liên quan đến xe tăng T-62.

Hôm 27 tháng 10, trong bản cập nhật chiến sự mới nhất, Bộ Quốc phòng Ukraina cho biết số binh sĩ Nga mất mạng đã lên tới hơn 69.000 quân.

Về phía Nga, trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ở Matxcova cùng ngày, Tổng thống Putin tuyên bố tổn thất của binh sĩ Nga trên chiến trường ít hơn gấp 10 lần so với tổn thất của Ukraina, tuy nhiên ông không tiết lộ con số cụ thể binh sĩ Nga mất mạng 8 tháng qua là bao nhiêu.

Trần Phong

Nga cảnh báo có thể tấn công các vệ tinh thương mại của phương Tây

Hình ảnh tàu vũ trụ SpaceX Dragon chụp từ Trạm Vũ trụ Quốc tế vào ngày 10/4/2016. (Ảnh: Tim Peake/Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA)/NASA/Getty Images)

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, các vệ tinh thương mại của Mỹ và các đồng minh có thể trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga nếu các vệ tinh này tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.

Tờ TASS dẫn lời ông Konstantin Vorontsov, Phó Giám đốc Bộ Ngoại giao Nga về không phổ biến vũ khí và kiểm soát vũ khí, cho hay, việc Mỹ và đồng minh sử dụng các vệ tinh của phương Tây để hỗ trợ cho Ukraine là “một xu hướng cực kỳ nguy hiểm”.

“Cơ sở hạ tầng bán dân sự có thể là mục tiêu hợp pháp cho một cuộc tấn công trả đũa. Hành động của phương Tây gây nguy hiểm đến sự ổn định của các hoạt động không gian dân sự, cũng như các hoạt động kinh tế xã hội trên mặt đất. Điều đó ảnh hưởng đến hạnh phúc của người dân, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển”, ông Vorontsov phát biểu trước Ủy ban Thứ nhất của Liên Hợp Quốc, đồng thời nói thêm rằng, việc phương Tây sử dụng các vệ tinh như vậy để hỗ trợ Ukraine là “hành động khiêu khích”.

Liên Hợp Quốc đã lập ra nhiều diễn đàn nhằm giải quyết các vấn đề giải giáp vũ khí đa biên. Các diễn đàn chính là Ủy ban Thứ nhất của Đại hội đồng và Cao ủy về Giải giáp vũ khí Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi đang nói về sự can dự của các thành phần của cơ sở hạ tầng không gian dân sự (bao gồm cả thương mại) của Mỹ và các đồng minh trong các cuộc xung đột vũ trang”, ông Vorontsov nói tại Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, ông Vorontsov không đề cập đến bất kỳ vệ tinh cụ thể nào.

Tỷ phú công nghệ Elon Musk đã tặng các thiết bị đầu cuối Starlink trị giá 80 triệu USD cho Kyiv kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào cuối tháng Hai, biến hệ thống này trở thành công cụ liên lạc chính cho các lực lượng của Ukraine.

Starlink đã cung cấp thông tin cho những vùng đất đen tối của đất nước bị chiến tranh tàn phá, gồm hàng trăm bệnh viện và trạm y tế. Nó cho phép máy bay không người lái của quân đội Ukraine nhắm mục tiêu chính xác vào xe tăng và vị trí của Nga một cách hiệu quả.

Starlink của SpaceX là một mạng lưới vệ tinh tư nhân đang được triển khai, bay lơ lửng trên quỹ đạo thấp nhằm cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao trên khắp thế giới. Hiện có hơn 1.500 vệ tinh Starlink đang hoạt động.

Trong khi đó, ông Elon Musk hôm 15/10 cho biết, ông sẽ tiếp tục tài trợ cho dịch vụ Internet Starlink ở Ukraine bất chấp thua lỗ. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi ông chủ SpaceX nói rằng ông không còn đủ khả năng để cung cấp dịch vụ miễn phí cho Ukraine. Vị tỷ phú công nghệ cũng cáo buộc Nga đang cố gắng tiêu diệt dịch vụ vệ tinh Starlink.

“Mặc dù Starlink vẫn đang thua lỗ và các công ty khác thì đang nhận được hàng tỷ USD tiền thuế, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục tài trợ miễn phí cho chính phủ Ukraine”, ông viết trên Twitter.

Cùng ngày, tờ RT đưa tin, ông Elon Musk đã đổ lỗi cho Nga vì nước này đã nỗ lực vô hiệu hóa dịch vụ vệ tinh Starlink của ông.

“Nga đang tích cực tìm cách tiêu diệt Internet vệ tinh Starlink”, Elon Musk nói.

Trước đó một ngày (14/10), Elon Musk cho biết SpaceX không thể tài trợ vô thời hạn cho dịch vụ Starlink ở Ukraine. Starlink đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho quân đội và người dân Ukraine duy trì hoạt động trực tuyến.

Khi một người dùng Twitter nói với Musk rằng “Đúng là làm ơn mắc oán” (No good deed goes unpunished), ông Musk trả lời “Dù vậy, chúng ta vẫn nên làm những việc tốt”.

Năm 1957, Nga đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào không gian có tên Sputnik 1. Năm 1961, Nga lần đầu tiên đưa con người vào không gian. Năm 2021, Nga tiếp tục phóng tên lửa chống vệ tinh để phá hủy một trong những vệ tinh của chính mình. Với những ưu thế này, Nga được coi là đối thủ cạnh tranh số 1 của Mỹ và Trung Quốc, theo tờ Reuters.

Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, phá hoại sự phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 và gây ra cuộc đối đầu gay gắt nhất với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Lam Giang

Mỹ đẩy nhanh kế hoạch dự trữ vũ khí hạt nhân nâng cấp tại khu vực châu Âu

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Wikimedia/CC0 1.0)

Theo tờ Politico, Mỹ sẽ triển khai việc chuyển giao loại bom hạt nhân B61-12 tại các căn cứ châu Âu của NATO vào cuối năm 2022 thay vì năm 2023.

Cụ thể, kế hoạch chuyển giao phiên bản nâng cấp của bom hạt nhân B61-12 dự kiến diễn ra vào mùa xuân năm 2023. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, trong cuộc họp kín với các đồng minh NATO ở Brussels tổ chức vào tháng 10, các quan chức Mỹ đã thông báo kế hoạch được đẩy sớm hơn, cụ thể là vào tháng 12 năm nay.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine leo thang và Lầu Năm Góc nhận thấy các mối đe dọa xuất phát từ Nga, mặc dù chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng liên kết rõ ràng nào.

Việc nâng cấp chương trình bom hạt nhân B61-12 đã được thảo luận công khai trong các tài liệu ngân sách nhiều năm trước. Các quan chức Lầu Năm Góc cho hay rằng việc nâng cấp là cần thiết để đảm bảo kho dự trữ được hiện đại hóa và an toàn. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Chuẩn Tướng Patrick Ryder tuyên bố: “Mặc dù chúng tôi không được phép thảo luận chi tiết về kho vũ khí hạt nhân, song kế hoạch hiện đại hóa bom hạt nhân B61 đã được Mỹ tiến hành trong nhiều năm. Đây là một phần của nỗ lực hiện đại hóa vũ khí theo kế hoạch và dài hạn. Nó hoàn toàn không liên quan đến các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine và không được đẩy nhanh theo bất kỳ nguyên do nào”.

Trước thông tin trên, một số nhà quan sát kỳ cựu tỏ ra lo ngại điều này có thể đẩy châu Âu vào tình thế nguy hiểm hơn. Thông báo đẩy nhanh việc triển khai bom hạt nhân tại cuộc họp ở Brussels được đưa ra vài ngày trước khi NATO bắt đầu cuộc tập trận hạt nhân kéo dài 2 tuần với sự tham gia của khoảng 70 máy bay các loại. Hôm 26/10, Nga cũng tiến hành tổ chức một cuộc tập trận hạt nhân mà Bộ trưởng Quốc phòng nước này mô tả là cuộc tấn công hạt nhân lớn nhằm đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân vào Nga.

Theo các nhà quan sát, việc Mỹ muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai những quả bom đầu tiên vào tháng 12 là muốn gửi thông điệp đến các đồng minh châu Âu đang cảm thấy đặc biệt dễ bị tổn thương trước Moscow.

Tom Collina, Giám đốc chính sách của tổ chức giải trừ quân bị Plowshares Fund, cho biết: “Tôi đoán là động thái này nhắm vào NATO nhiều hơn là Nga. Tại các căn cứ đó vẫn có bom hạt nhân B61 đời cũ. Nga biết rõ điều đó và chúng hoạt động tốt. Vũ khí được nâng cấp thì mới hơn nhưng không thực sự quá khác biệt. Đây có thể chỉ là một cách để trấn an các đồng minh khi họ đang cảm thấy bị đe dọa”.

Theo tài liệu ghi lại nội dung cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng của NATO, 15 nước đồng minh đều nêu lên lo ngại rằng liên minh không được nhượng bộ trước mối đe dọa hạt nhân của Nga.

Tuy nhiên, nhà quan sát Collina cũng cảnh báo động thái triển khai sớm bom hạt nhân đến châu Âu có thể mang đến những hậu quả không mong muốn, đó là làm leo thang căng thẳng. B61 là một bộ bom hạt nhân được phát triển lần đầu tiên vào đầu những năm 1960 và tham gia các vụ thử hạt nhân ở Nevada. Trong nhiều thập kỷ qua, hàng chục phiên bản ra đời và hầu hết đã hết hạn.

Bộ Năng lượng Mỹ đã được giao cho nhiệm vụ quản lý chương trình nâng cấp B61-12 trị giá 10 tỷ USD nhằm thay thế một số phiên bản trước đó, bao gồm khoảng 100 quả bom đang được cất giữ tại các căn cứ không quân ở Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Phan Anh

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ tập trung vào nguy cơ Trung Quốc

Lầu Năm Góc (Ảnh: Shutterstock)

Được cho phép của Quốc hội Mỹ, ngày 27/10 Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược quốc phòng mới xem Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là nguy cơ lớn nhất đối với an ninh Mỹ, qua đó đề xuất thúc đẩy trong vài thập kỷ tới cần tăng cường hơn nữa năng lực quân sự.

Sau khi vào đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, lần này Chiến lược quốc phòng Mỹ (cứ 4 năm một lần lại có cập nhật) đưa ra nhấn mạnh Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ. “Trung Quốc sẽ vẫn là đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất của chúng tôi trong nhiều thập kỷ tới”, Bộ trưởng Quốc phòng Austin viết trong phần giới thiệu chiến lược. “Tôi rút ra kết luận này dựa trên cơ sở những nỗ lực của ĐCSTQ liên quan thúc đẩy uy quyền độc tài trong định hình lại Ấn Độ Dương và hệ thống quốc tế, đồng thời nhận thức sâu sắc về những ý định được thể hiện rõ ràng của họ trong hiện đại hóa và mở rộng quân sự nhanh chóng.”

Hồ sơ chiến lược của Mỹ cảnh báo ĐCSTQ đang tìm cách phá hoại các liên minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đang tiến hành các hoạt động cưỡng chế đối với Đài Loan và gây ra mối đe dọa tiềm tàng cho nước Mỹ thông qua các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở và hệ thống công nghiệp của Mỹ.

Nguồn tin từ tờ WSJ cho hay, Chiến lược quốc phòng Mỹ được phát hành 4 năm một lần và tài liệu được công bố với 2 bài bình luận kèm theo: Một bài về học thuyết và kế hoạch hạt nhân của Mỹ, bài còn lại về việc bảo vệ lãnh thổ và lực lượng của Mỹ đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa của địch thủ.

Tài liệu chỉ ra khả năng chiến tranh mạng và không gian của ĐCSTQ và Nga có thể đe dọa căn cứ công nghiệp quốc phòng, hệ thống động viên quân sự và công nghệ định vị toàn cầu, gây nguy cơ nghiêm trọng cho Mỹ hơn nhiều những thế lực khủng bố nước ngoài khác.

Chiến lược phòng thủ của chính quyền Mỹ thời ông Trump được công bố vào tháng 1/2018 cũng liệt kê ĐCSTQ và Nga là hai mối đe dọa lớn. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền đương nhiệm Biden cho biết tài liệu chiến lược mới được xây dựng dựa trên chiến lược thời Trump nhưng nhấn mạnh hơn vào tham vọng của ĐCSTQ.

Một số cựu quan chức và nhà lập pháp lưỡng Đảng đã đặt câu hỏi liệu các hành động của Lầu Năm Góc có đủ nhanh để chuẩn bị cho quân đội Mỹ phát triển khả năng hay không. Các cựu quan chức và chuyên gia quân sự của Lầu Năm Góc cũng đã nêu quan ngại về khả năng trong 5 năm tới ngăn chặn xâm lược của Trung Quốc [đối với Đài Loan].

“Vẫn còn thiếu phần then chốt của nan đề răn đe: Trọng tâm của Bộ Quốc phòng để tăng tốc đáng kể và mở rộng việc triển khai các khả năng mới cần thiết để răn đe ĐCSTQ trong 5 năm tới”, hai cựu quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ là Michèle Flournoy và Michael A. Brown vào tháng trước đã viết trên tờ Foreign Affairs. “Lầu Năm Góc đang phát triển các khả năng tấn công và phòng thủ mà để thiết kế, chế tạo và triển khai điều này sẽ mất nhiều thập niên, trong khi các công nghệ mới nổi đang thay đổi bản chất của chiến tranh nhanh hơn thế.”

Các quan chức quốc phòng Mỹ đã bác bỏ những chỉ trích đó trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (27/10), nói rằng việc Lầu Năm Góc chi hàng tỷ đô la cho vũ khí cho thấy họ đang tập trung vào nhu cầu “quản lý rủi ro trong ngắn hạn”.

Ngoài ra, đánh giá tư thế vũ khí hạt nhân đã làm dấy lên cuộc tranh luận trong cộng đồng quốc phòng Mỹ. Nhìn chung, đánh giá biểu dương nỗ lực hiện đại hóa của bộ 3 hạt nhân Lục quân, Hải quân và Không quân Mỹ. Đánh giá tư thế hạt nhân lặp lại quan điểm của chính quyền Mỹ thời Tổng thống Obama rằng vai trò cơ bản của vũ khí hạt nhân là răn đe tấn công hạt nhân và Washington sẽ chỉ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp cực đoan nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh.

Một điểm gây tranh luận là quyết định từ bỏ kế hoạch chế tạo tên lửa hành trình phóng từ biển được trang bị vũ khí hạt nhân, dự kiến ​​được triển khai vào năm 2035. Phe ủng hộ cho rằng kế hoạch đó sẽ cung cấp cho Mỹ giải pháp thay thế là một cuộc tấn công hạt nhân nhẹ hơn.

Về vấn đề này, Ủy viên Mike Rogers của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện lưu ý rằng các quan chức quân đội ủng hộ kế hoạch này, ông cho biết các nhà lập pháp sẽ thúc đẩy tài trợ. Ông nói: “Đất nước chúng ta phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân chưa từng có từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên”.

Trong khi đó Bộ trưởng Austin cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng Mỹ đã có một kho vũ khí hạt nhân khá lớn nên không cần một loại vũ khí như vậy.

Ngoài ra, một báo cáo riêng về đánh giá phòng thủ tên lửa cũng đã được công bố hôm thứ Năm (28/10). Việc ĐCSTQ phát triển tên lửa siêu thanh và việc Nga sử dụng rộng rãi tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái ở Ukraine đã gây chú ý mới đến vai trò tiềm năng của hệ thống phòng thủ.

Từ tháng Ba, cơ quan chức năng Mỹ đã có phiên bản tuyệt mật của Chiến lược quốc phòng mới được lưu hành nội bộ Lầu Năm Góc cho mục đích lập kế hoạch và ngân sách, sau đó phiên bản này được chia sẻ với Quốc hội. Phiên bản đã được giữ kín cho đến khi Nhà Trắng công khai chiến lược an ninh quốc gia.

Tiêu Nhiên, Vision Times

Related posts