Trân Văn (VOA)
23-10-2024
Hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đồng thanh quy trách cho…. “thể chế” sau khi ông Tô Lâm – Tổng bí thư đương nhiệm tuyên bố: Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Ở ngày đầu tiên trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa này, ông Tô Lâm nhận diện ba “điểm nghẽn” đang kiềm chế Việt Nam là “thể chế, hạ tầng và nhân lực”, trong đó “thể chế” là “điểm nghẽn” lớn nhất, nan giải nhất [1].
Tuyên bố của ông Tô Lâm không những không mới mà còn khiến thiên hạ cảm thấy rất… tệ! Tô Lâm chỉ lặp lại điều mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam ra rả suốt từ 2011 đến giờ. Tháng 1/2011, tại Đại hội lần thứ 11 của Đảng CSVN, các đại biểu tham dự đại hội này đã xác định “thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng là ba khâu đột phá chiến lược” [2].
Hãy bỏ ra vài phút dùng “thể chế” như từ khóa kèm với những “Nguyễn Phú Trọng”, “Nguyễn Xuân Phúc”, “Vương Đình Huệ”, “Võ Văn Thưởng”,… để tìm kiếm trên Google ắt sẽ thấy, “thể chế” chẳng khác gì một loại… quái thú vừa làm cho người Việt khốn khổ, vừa giúp tổ chức chính trị giành giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam không những vô can mà còn có cơ hội sắm vai… “hiệp sĩ” xả thân chống… quái thú!
Xin nhìn qua một số kết quả từ Google: Tháng 1/2011, ông Nguyễn Phú Trọng xác định “phải xem đột phá về thể chế, cải cách các chế độ và thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu là khâu trọng yếu, bảo đảm phát huy đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường, tạo xung lực mới cho phát triển nhanh và bền vững”. Năm năm sau (2016) khi BCH TƯ đảng khóa 11 mãn nhiệm, tới lượt BCH TƯ đảng khóa 12 (2016 – 2021), rồi BCH TƯ đảng khóa này (2021 – 2026) nhận nhiệm vụ, đến giờ, “phát triển nhanh và bền vững” vẫn chỉ là… mục tiêu chưa biết lúc nào có thể chạm tới, bởi “hoàn thiện thể chế” vẫn là nhiệm vụ lâu dài. Khởi xướng “đột phá về thể chế” lúc 67 tuổi, ra đi ở tuổi 80 nhưng ông Nguyễn Phú Trọng vẫn thúc thủ trước “thể chế”, thành ra đồng đảng chỉ có thể ca ngợi “dấu ấn” của ông trong “công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế” [3].
Chẳng riêng ông Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng vật lộn với “thể chế” từ lúc còn là Thủ tướng cho tới khi trở thành Chủ tịch Nhà nước (CTNN). Năm 2016 – năm năm sau khi BCH TƯ đảng khóa 11 xác định “thể chế” là một trong “ba đột phá chiến lược” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ gì về thể chế [4]! Người đứng đầu bộ máy hành pháp tại Việt Nam, sau đó là người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam liên tục sáng tạo ra đủ loại “thể chế” để thúc giục “đột phá”, yêu cầu “đổi mới”, đòi hỏi “hoàn thiện”, kể cả “thể chế về rác thải nhựa” [5]! Năm 2018, khi tham dự đối thoại về chính sách do Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu quan điểm của Daron Acemoglu và James A. Robinson trong “Tại sao các quốc gia thất bại” và nhấn mạnh, đó là vì “thể chế, thể chế và thể chế” [6].
Dường như “thể chế” dễ tạo “dấu ấn”, dễ giương danh nên ông Phúc cũng tâm đắc với “thể chế” chẳng thua gì ông Trọng. Đầu năm 2020, ông Phúc nhận định: Nút thắt lớn nhất hạn chế sự phát triển là thể chế, nút thắt về tư duy [7], đến cuối năm ông chỉ đạo: Muốn hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân phải tập trung xây dựng thể chế pháp luật [8]. Những Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng,… tất nhiên không thể đứng ngoài cuộc chiến công kích “thể chế” để vươn lên dẫn đầu công cuộc “đổi mới” và “hoàn thiện”. Có thể tìm thấy trên Internet vô số những tuyên bố rổn ràng về “thể chế” của họ. Chẳng hạn: Thể chế, chính sách, nguồn lực là điểm nghẽn lớn trong phát triển văn hoá [9]. Hay: Sẽ hoàn thiện thể chế để cán bộ không thể tham nhũng [10]…
***
Về ngữ nghĩa, thể chế là hệ thống văn bản lập pháp và lập quy của một quốc gia, xác định phương thức tạo dựng, duy trì, điều chỉnh quan hệ giữa các tập thể bao gồm cả chính quyền với cá nhân. Thể chế ấn định cả quyền lợi lẫn nghĩa vụ cho tất cả các bên và tất nhiên không thể thiếu cách thức chế tài. Một trong những cách thức phổ biến để dân chúng chế tài chính quyền là sử dụng lá phiếu để bày tỏ ý chí, nguyện vọng của họ.
Tại sao ở Việt Nam, thể chế lại chẳng khác gì quái thú bất trị mà những cá nhân hữu trách không thể xác định từ đâu ra, vì lẽ gì mà có thể tác oai, tác quái và lợi hại đến như vậy? “Chiến lược” của đảng CSVN thế nào, năng lực của đảng CSVN ra sao mà sắp tròn 14 năm, “ba khâu đột phá” cùng trở thành ba… “điểm nghẽn”, thậm chí “thể chế” – khâu “đột phá” đầu tiên – còn trở thành “điểm nghẽn của điểm nghẽn”? Khi dõng dạc bảo rằng “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” ông Tô Lâm hoặc vô tình, hoặc cố ý đã phủ nhận toàn bộ cả “dấu ấn” lẫn “công trạng” của những người tiền nhiệm. Giống như các nhân vật tiền nhiệm, ông Tô Lâm chỉ tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của quái thú, đổ sự bế tắc của quốc gia, sự lầm than của dân chúng lên đầu quái thú chứ không đề ra cách thức giải trừ!
Chú thích
[2] https://xaydungdang.org.vn/co-so-dang/dai-hoi-dang-xi-voi-3-khau-dot-pha-3276
[5] https://cebid.vn/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-can-co-the-che-voi-van-de-rac-thai-nhua/
[6] https://tuoitre.vn/tai-sao-cac-quoc-gia-that-bai-the-che-the-che-the-che-20180112080228529.htm
[8] https://baophapluat.vn/the-che-the-che-va-the-che-post372457.html