Nguồn: Bào Thiều Sơn, 鲍韶山:为什么金砖国家需要建立自己的支付系统?, Sina Finance, 26/10/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
Vào lúc kỷ nguyên đơn cực kéo dài 30 năm của Mỹ đi đến hồi kết thì thời đại bá quyền của đồng USD cũng tới hồi hạ màn. Mặc dù con số còn tương đối nhỏ, nhưng tỷ lệ thanh toán thương mại xuyên biên giới bằng các loại tiền tệ khác ngoài USD và Euro đang ngày càng lớn hơn, đồng thời tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương các quốc gia cũng giảm dần. Tất cả những điều này cho thấy xu thế đa cực hóa tiền tệ đang ngày càng trở nên rõ ràng. Khi việc sản xuất và lưu thông giá trị thực tiếp tục rời xa một thế giới bị thống trị bởi đồng USD, những tài sản và công cụ tài chính khổng lồ được tính bằng USD trong các giao dịch toàn cầu sẽ không còn là xu thế chủ đạo và áp lực mà chúng phải đối mặt ở một thời điểm nào đó sẽ là điều không thể tránh khỏi.Bài đang hot29/10/1965: “Tự truyện của Malcolm X” được xuất bản
Vào ngày 22 tháng 10, Hội nghị thượng đỉnh BRICS đã được tổ chức tại Kazan, Nga. Hội nghị lần này thảo luận về việc thiết lập một hệ thống thanh toán để thanh toán thương mại trong nội bộ các quốc gia BRICS bằng đồng nội tệ (thay vì tiền tệ của bên thứ ba như đồng USD). Từ đó, các cơ chế và công nghệ tài chính sử dụng đồng nội tệ để thanh toán thương mại sẽ bắt đầu được ứng dụng vào thực tế. Những cơ chế và công nghệ tài chính này được xây dựng dựa trên nền kinh tế thực có khả năng tạo ra và lưu thông giá trị của các nước BRICS.
Vào tháng 10 năm 2023, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, nguyên thủ các nước đã nhất trí nghiên cứu việc xây dựng hệ thống thanh toán tiền tệ BRICS để xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2024. Với tư cách là chủ tịch luân phiên BRICS năm 2024, Nga đã chủ trì toàn bộ quá trình phân tích, lựa chọn và đánh giá nghị đề này. Mới đây, Bộ Tài chính Nga, Ngân hàng Trung ương Nga và công ty tư vấn Ykov & Partners có trụ sở tại Moscow đã cùng công bố một tài liệu thảo luận về vấn đề này. Tất nhiên, những tổ chức nêu trên cũng đã chuẩn bị các báo cáo có liên quan khác được bảo mật với thế giới bên ngoài để các quốc gia BRICS khác tham khảo.
Chúng ta nên hiểu việc công bố tài liệu này và nội dung của nó như thế nào? Dựa trên nội dung của tài liệu này, chúng ta đánh giá ra sao về hướng hành động khả thi của các nước BRICS trong việc thiết lập hệ thống thanh toán mới? Những thảo luận như vậy sẽ đóng góp ra sao vào việc cải cách thể chế tài chính toàn cầu? Khi tác động của sự đa cực hóa tiền tệ lên tài khoản vốn và thương mại quốc tế không ngừng được mở rộng, hệ thống tài chính quốc tế sẽ chịu những ảnh hưởng gì trong trung và dài hạn?
Nền kinh tế thực thúc đẩy sự chuyển đổi của hệ thống tiền tệ
Đa cực hóa tiền tệ không phải một trạng thái cố định mà là một quá trình phát triển liên tục. Hiện nay, việc các quốc gia trên thế giới sử dụng đồng nội tệ để thanh toán thương mại xuyên biên giới đang ngày càng trở nên phổ biến, đồng thời việc phát hành tín dụng bằng đồng nội tệ để cấp vốn cho phát triển và thúc đẩy sự hình thành vốn (capital formation) cũng ngày càng nhiều hơn. Tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương đang giảm dần, phản ánh một số thay đổi tiềm tàng trong động lực phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Giới thiệu một số khái niệm
Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi mang tính cơ cấu trong cấu trúc thượng tầng tài chính toàn cầu và những chuyển biến đang diễn ra trong nền kinh tế thực của toàn cầu là động lực chính cho sự thay đổi này. Một số sự kiện địa chính trị trong vài năm qua chắc chắn đã dẫn đến những thay đổi đó. Việc làm quen với một số khái niệm sơ bộ sẽ giúp chúng ta hiểu được những thay đổi về cơ cấu và phát triển mang tính toàn cầu này. Phần thảo luận sau đây sẽ được triển khai từ những khái niệm cơ bản ấy. Nếu không mấy quan tâm đến các vấn đề lý thuyết hoặc khái niệm kinh tế, độc giả có thể đọc phần tiếp theo. Dưới đây là một vài khái niệm chính:
1. Cái gọi là “nền kinh tế thực” là để chỉ quá trình tạo ra, trao đổi và lưu thông “giá trị sử dụng”. Trong quá trình này, “giá trị sử dụng” được lưu thông qua trung gian là “giá trị trao đổi”. Nói cách khác, có thể dùng tài nguyên đổi lấy tiền, cũng có thể dùng tiền đổi lấy tài nguyên, điều này cũng đúng với các sản phẩm khác.
2. “Giá trị sử dụng” là sản phẩm và dịch vụ có thể được dùng để tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới trong hệ thống sản xuất. Ở đây, có thể coi “giá trị sử dụng” là một loại sản phẩm trung gian nào đó. Ngoài ra, “giá trị sử dụng” còn có thể được sử dụng như sản phẩm hoặc dịch vụ để con người tiêu dùng. Giá trị thực có thể là hữu hình, hoặc cũng có thể là vô hình. Trong hệ giá trị sản xuất hàng hóa, con người có thể sử dụng vốn tiền tệ để huy động năng lượng và các nguồn lực khác (như lao động, tri thức kỹ thuật, tài nguyên thiên nhiên, hàng hóa trung gian…). Sự cung ứng năng lượng là tiền đề cho sự vận hành của mọi hệ thống sản xuất. Thức ăn của con người và nhiên liệu của máy móc đều là năng lượng. Trong hệ thống này, vốn mang nhiều hình thức khác nhau qua quá trình sản xuất và lưu thông. Vốn có thể là vốn tiền tệ, vốn cố định hoặc vốn hàng hóa.
3. Tương phản với nền kinh tế thực là “vốn hư cấu” (hay tư bản giả, fictitious capital). Sở hữu vốn hư cấu tức là có thể chi phối sự lưu thông của giá trị trong tương lai. Sự mở rộng của nền kinh tế thực cần đến vốn hư cấu, vốn tiền tệ dưới hình thức tín dụng là vốn hư cấu được pháp luật đảm bảo, mà vốn tiền tệ là điều vô cùng cần thiết cho việc mở rộng sản xuất và lưu thông giá trị. Việc lưu thông các giá trị tương lai này có thể được thực hiện dưới hình thức thu nhập tiền tệ (chẳng hạn như lợi tức cho vay, cổ tức cổ phiếu, phí giấy phép hoặc phí bản quyền), thông qua việc mua bán sản phẩm (chẳng hạn như thực hiện quyền chọn hay hợp đồng tương lai), hoặc thông qua sự tăng trưởng giá trị vốn của tài sản cố định.
Vốn hư cấu có giá trị trao đổi. Vốn hư cấu có thể tồn tại dưới nhiều hình thức như thỏa thuận quyền chọn, hợp đồng tương lai, công cụ phái sinh tài chính, cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác. Bản thân vốn tiền tệ là một loại giá trị trao đổi. Vốn tiền tệ có giá trị trao đổi vô điều kiện và có thể dùng để đổi lấy bất kỳ dạng giá trị nào. Tuy nhiên, việc xác lập giá trị trao đổi của vốn hư cấu thì đi kèm điều kiện. Do mỗi loại vốn hư cấu có những quyền quy định riêng nên giá trị trao đổi của nó được thể hiện ở chỗ vốn hư cấu chỉ có thể trao đổi một dạng giá trị quy định nào đó.
Có một trường hợp đặc biệt, chính là việc có giá trị trao đổi không nhất thiết đồng nghĩa với việc phải có giá trị sử dụng như năng lượng hay khoáng sản. Nói cách khác, giá trị trao đổi không thể trở thành một phần của hoạt động sản xuất và cũng không thể được con người sử dụng trong hoạt động tiêu dùng cuối cùng. Ngược lại, chỉ khi được gắn với tiềm năng tương lai của giá trị sử dụng, giá trị trao đổi mới có thể thể hiện được giá trị sử dụng tiềm tàng.
Tuy nhiên, một khi giá trị trao đổi được tạo ra và sẵn sàng trao đổi trên thị trường thì sự tiền tệ hóa giá trị trao đổi sẽ tách nó ra khỏi giá trị sử dụng thực tế. Sự mở rộng của vốn hư cấu được mô tả là “sự tài chính hóa kinh tế”, tức là việc trao đổi loại “giá trị trao đổi” này lấy một loại “giá trị trao đổi” khác sẽ tách các nguồn lực ra khỏi hệ thống kinh tế. Điều này làm gia tăng sự bất bình đẳng về tiền bạc và tài sản giữa người với người.
Trong hoàn cảnh này, với vai trò là vốn, tiền tệ là phương tiện thanh toán thiết yếu và con người có thể sử dụng tiền tệ để chi phối các nguồn lực sản xuất. Tiền tệ có thể thực hiện được những chức năng này là bởi, nó là đơn vị giá trị tương đối ổn định được pháp luật công nhận và xã hội thừa nhận.
Phần lớn các quốc gia đều có khả năng dựa vào tín dụng của các ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại để phát hành đồng tiền của mình, khả năng này là tiêu chí cho thấy một quốc gia có chủ quyền tiền tệ. Các quốc gia khác nhau có mức độ chủ quyền tiền tệ không giống nhau. Một quốc gia có chủ quyền tiền tệ càng mạnh thì chính phủ của nó càng có khả năng điều chỉnh các chính sách tài chính và tiền tệ của mình. Ngược lại, một quốc gia càng phụ thuộc vào ngoại tệ thì rủi ro đối với chủ quyền kinh tế của nó càng lớn.
Xu thế gần đây
Những thay đổi trong mô hình thương mại toàn cầu đã dẫn đến nhu cầu về hệ thống thanh toán bằng đồng nội tệ của các quốc gia, đặc biệt là khi hệ thống quốc tế hiện do Mỹ chủ đạo đã làm trầm trọng hóa vấn đề phát triển không đồng đều giữa các nền kinh tế phát triển (AEs), các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDEs).
Theo một tài liệu của BRICS, trong 30 năm qua, tỷ trọng thương mại của các nền kinh tế đang phát triển trong tổng thương mại toàn cầu đã tăng từ 10% lên 26% và dự kiến sẽ đạt 32% vào năm 2032. Đến năm 2023, thương mại nội khối BRICS chiếm 8% tổng thương mại toàn cầu và dự kiến sẽ tăng lên 19% vào năm 2032. Thương mại giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển đã giảm từ 37% vào năm 1995 xuống còn 31% vào năm 2023. Do mức tăng trưởng của các nền kinh tế thị trường mới nổi cao hơn mức trung bình toàn cầu, xu thế này sẽ còn tiếp diễn.
Mặc dù cán cân thương mại đang dần nghiêng về các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, nhưng hoạt động đầu tư xuyên biên giới vẫn tiếp tục quỹ đạo của lịch sử. Trong đó, 63% hạng mục đầu tư toàn cầu và đầu tư trực tiếp tập trung vào các nền kinh tế phát triển, có 13% đầu tư từ các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đổ vào các nền kinh tế phát triển. Đồng thời trong 10 năm qua, tỷ trọng đầu tư từ các nền kinh tế phát triển đến các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã tăng 3 điểm phần trăm. Mối quan hệ bất cân xứng giữa hoạt động thương mại và đầu tư này phản ánh một thực tế rằng, các nền kinh tế phát triển vẫn được hưởng đặc quyền thống trị của đồng USD.
Theo một nghiên cứu gần đây của Gaston Nievas và Alice Sodano thuộc Phòng thí nghiệm Bất bình đẳng Thế giới (World Inequality Lab), tình trạng này đã dẫn đến việc các nước nghèo nhất luôn chuyển thu nhập sang các nước giàu nhất, lượng tài sản được chuyển giao tương đương 1% GDP của 20% quốc gia dẫn đầu, 2% GDP của 10% quốc gia dẫn đầu, trong khi GDP của 80% quốc gia đứng dưới đã giảm khoảng 2% đến 3%.
Tài chính phát triển
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là niềm hy vọng cuối cùng để các nước đáp ứng được nhu cầu tín dụng của mình. Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của tổ chức này đã khuếch đại và củng cố vai trò của hệ thống tài chính toàn cầu trong việc thúc đẩy sự phát triển không đồng đều và tạo điều kiện cho các nước giàu bóc lột các nước lạc hậu. IMF là một tổ chức cung cấp hỗ trợ bằng USD cho các quốc gia có vấn đề về cán cân thanh toán quốc tế. Nói cách khác, những quốc gia tìm kiếm sự giúp đỡ của IMF đều không có đủ dự trữ ngoại hối (thường là dự trữ USD) để hoàn trả các khoản nợ thương mại của mình.
Tuy nhiên, có nhiều điều kiện nghiêm ngặt đối với các khoản vay do IMF cung cấp. Tổ chức này yêu cầu các nước tiếp nhận phải thi hành một số chính sách nhất định và những chính sách đó thường khiến các nước tiếp nhận phải gánh món nợ bằng USD trong một thời gian dài. Trong vấn đề xóa đói giảm nghèo, các khoản vay của IMF cũng không thể thực hiện được lời hứa của mình. Ví dụ, các nhà nghiên cứu người Mỹ Glen Biglaiser và Ronald J. McGauvran gần đây đã thực hiện một nghiên cứu xem xét các khoản vay từ năm 1986 đến năm 2016 của IMF cho 81 nước đang phát triển. Họ đưa ra kết luận rằng, “các khoản vay có chứa những điều kiện cải cách mang tính cơ cấu mà IMF cung cấp đã làm tăng số người rơi vào cảnh nghèo đói”.
Có được chủ quyền tiền tệ vững mạnh là điều kiện tiên quyết quan trọng để một quốc gia thực hiện được việc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả. Sự đan xen của chức năng thanh toán thương mại của tiền tệ, rủi ro cán cân thanh toán và nhu cầu thanh khoản có thể khiến một số quốc gia rơi vào vòng tuần hoàn ác tính của sự chậm phát triển và tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao – những đặc trưng điển hình của thế giới hậu thuộc địa. Việc dựa vào đồng tiền của bên thứ ba để thanh toán thương mại sẽ khiến một quốc gia đối diện với nguy cơ phát sinh nợ ngoại tệ.
Năm 1944, tại Hội nghị Bretton Woods, nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes đã đề xuất thành lập một liên minh thanh toán quốc tế, theo đó các nước sẽ tiến hành thanh toán thương mại thông qua một đồng tiền liên minh thanh toán có tên “Bancor”. Có thể dùng vàng để đổi lấy “Bancor”, nhưng không thể dùng “Bancor” để mua vàng, mà chỉ có thể mua vàng bằng đồng nội tệ.
Mỗi quốc gia đều có tài khoản “Bancor” trong liên minh thanh toán và sẽ sử dụng tài khoản “Bancor” trong quá trình thanh toán thương mại. Là một phần của cơ cấu quản trị tài chính quốc tế, những quy tắc do Keynes đề xuất có thể trừng phạt các nước mắc nợ và nước chủ nợ: Nếu một quốc gia thâm hụt trong thời gian dài, đồng nội tệ của quốc gia đó sẽ mất giá; nếu thặng dư thương mại của một quốc gia vượt quá mức quy định trong thời gian dài, quốc gia đó sẽ bị phạt một khoản tiền, số tiền phạt này sẽ được chuyển vào quỹ phát triển để giúp các nước mắc nợ nâng cao khả năng phát triển của mình.
Tuy nhiên, đề xuất của Keynes đã không thành hiện thực. Phái đoàn Mỹ nghiêng về việc xây dựng một hệ thống lấy đồng USD làm trung tâm. Vào thời điểm đó, Mỹ chiếm hơn 50% GDP toàn cầu, nước này cũng dự tính rằng các nước đều sẽ cần mua nguyên liệu từ họ cho cuộc tái thiết sau chiến tranh. Hệ thống tiền tệ quốc tế mà chúng ta thấy ngày nay là kết quả từ sự thành công của người Mỹ trong việc ngăn chặn các đề xuất của Keynes tại Hội nghị Bretton Woods.
Một hệ thống thanh toán mới?
Trong những năm gần đây, các tổ chức tài chính là di sản của Hiệp định Bretton Woods ngày càng bị Mỹ vũ khí hóa, sự bất mãn của nhiều quốc gia về vấn đề này cũng ngày càng tăng cao. Việc các nước BRICS xem xét thiết lập một hệ thống thanh toán khác chính là nhằm phản ứng trước vấn đề này. Tài liệu của BRICS chỉ ra sự cần thiết của việc thiết lập một hệ thống thanh toán mới, nhằm cung cấp sự đảm bảo an ninh tài chính cho các quốc gia tham gia và giảm thiểu rủi ro mà các quốc gia phải đối mặt từ các lệnh cấm đơn phương thất thường từ Mỹ. Mặc dù chúng ta đã được nghe một số thông tin về cách thức mà cơ cấu quản trị và các khía cạnh công nghệ tài chính của hệ thống thanh toán này được thiết lập, nhưng vẫn cần quan sát cụ thể xem mục tiêu đó sẽ đạt được như thế nào.
Sổ cái phân tán hay blockchain được vận hành bởi ngân hàng trung ương của nước tham gia có khả năng đáp ứng yêu cầu thiết kế của các nước BRICS đối với hệ thống thanh toán, điều này cho thấy mục tiêu cực kỳ cao được đưa ra trong tài liệu thảo luận. Trên phương diện này, kinh nghiệm thực tế về thiết kế, phát triển và thực thi của dự án mBridge mang tính dẫn dắt. Dự án mBridge được đồng khởi động bởi Trung tâm đổi mới của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông, Ngân hàng Thái Lan, Viện nghiên cứu Tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Gần đây, Ngân hàng Trung ương Ả Rập Saudi cũng đã tham gia. Ngoài các bên tham gia nêu trên còn có 31 ngân hàng quan sát viên. Thông qua một nền tảng chạy trên sổ cái phân tán, mBridge có thể hỗ trợ thanh toán đa tiền tệ. Cơ sở hạ tầng tài chính này hỗ trợ cái gọi là “thanh toán theo thời gian thực”, tức là “chuyển khoản” ngay lập tức. Hệ thống này phù hợp với tiêu chuẩn ISO20022 và hỗ trợ khả năng tương tác trên phần lớn các hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Việc cập nhật dữ liệu sổ cái phân tán được xử lý bởi các validator do các ngân hàng trung ương tham gia dự án vận hành, các ngân hàng thương mại liên quan có thể chạy sao lưu. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại không thể cập nhật dữ liệu của sổ cái phân tán. Khả năng hiển thị dữ liệu được kiểm soát và chỉ các tổ chức có liên quan mới có quyền truy cập vào các tập dữ liệu cụ thể. Nền tảng này được quản lý bởi một ủy ban gồm đại diện từ các ngân hàng trung ương tham gia vào dự án. Những thay đổi đối với hệ thống, bao gồm cả việc triển khai mã mới, phải do ủy ban quyết định.
Dự án mBridge bắt đầu được triển khai thí điểm vào năm 2022. Sản phẩm từ phiên bản sớm nhất của dự án này được đưa ra sử dụng vào năm 2024. Hiện nay, các giao dịch có giá trị thực đã được hỗ trợ và đang được tiến hành. Cơ cấu kỹ thuật của mBridge không liên quan đến tiền mặt. Nó hỗ trợ thanh toán bằng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và tiền kỹ thuật số phi ngân hàng trung ương.
Dự án mBridge có ý nghĩa rất lớn vì ở một vài khía cạnh nào đó, nó đã cung cấp một nguyên mẫu để các bên liên quan trong nhóm BRICS học hỏi. Cơ cấu kỹ thuật của dự án (bao gồm cả cơ sở mã) là nguồn mở cho các tổ chức tham gia. Chuỗi khối tùy chỉnh của dự án mBridge tương thích với EVM. Nói cách khác, hệ thống mà nó vận hành tương thích với các môi trường ảo phi tập trung mà có thể thực thi mã một cách nhất quán và an toàn.
Các nhà phát triển quen thuộc với môi trường EVM có thể phát triển các phương án có khả năng tương tác dễ dàng với mBridge. Mặc dù mBridge không phải là giải pháp cho hệ thống thanh toán BRICS, nhưng chắc chắn rằng nó đã cung cấp nhiều kinh nghiệm tham khảo chi tiết cho những người tham gia nghiên cứu các thông số kỹ thuật và quản trị của nền tảng thanh toán BRICS.
Trong hoàn cảnh này, các nước BRICS không cần phải phát hành đồng tiền của riêng mình. Dù đã xuất hiện một lượng lớn những lời đồn đoán kể từ hội nghị thượng đỉnh BRICS năm ngoái, nhưng kế hoạch tung ra đồng tiền BRICS chưa từng nằm trong chương trình nghị sự. Trong 12 tháng qua, nhiều người đã suy đoán rằng các nước BRICS sẽ tung ra một loại tiền tệ mới “được bảo trợ bởi vàng”, “được bảo trợ bởi một giỏ tiền tệ quốc gia” hay “được bảo trợ bởi vàng cộng với một giỏ hàng hóa”.
Một số người thậm chí còn nhầm tưởng rằng một dạng tiền kỹ thuật số sắp xuất hiện. Trọng tâm hiện tại của các nước BRICS là thiết lập một hệ thống thanh toán có thể hỗ trợ thanh toán bằng đồng nội tệ của chính họ. Vào năm 2023, lãnh đạo các nước BRICS chưa nghĩ đến việc phát hành một loại tiền tệ mới.
Việc tập trung vào thanh toán bằng đồng nội tệ là cách tiếp cận tiệm tiến phản ánh phong cách ôn hòa của các nước BRICS và sự nhấn mạnh của họ vào việc “ra quyết định dựa trên sự đồng thuận”. Việc tung ra một loại tiền tệ mới có khả năng sẽ gây ra một số vấn đề, những vấn đề này chắc chắn sẽ làm phân tán sự tập trung trong việc đạt được các mục tiêu chính sau: (1) giảm rủi ro địa chính trị do hệ thống đồng USD mang đến; (2) giảm chi phí giao dịch; (3) đẩy nhanh tốc độ thanh toán. Ngay cả khi loại bỏ những cân nhắc về địa chính trị, từ lâu cũng đã xuất hiện những lời chỉ trích rằng hệ thống thanh toán hiện tại có chi phí quá cao, trong khi tốc độ vận hành lại quá chậm chạp.
Ngoài ra, lý do khiến người ta lo lắng về hệ thống thanh toán do đồng USD chủ đạo là bởi hệ thống này gây tác động xấu đến chủ quyền tiền tệ và kéo theo rủi ro nợ ngoại tệ cho các quốc gia. Nếu các nước BRICS không đặt mục tiêu thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ thì hệ thống thanh toán mới này sẽ đi ngược lại ý định ban đầu.
Mỗi nước BRICS có đồng nội tệ riêng. Phần lớn các quốc gia này cũng rất tiến bộ trong việc phát triển một vài loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Nền tảng thanh toán hỗ trợ blockchain có thể dễ dàng tương thích với các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương hoặc vận hành cùng với nền tảng tài chính kỹ thuật số quốc gia chạy Hệ thống thanh toán gộp theo thời gian thực (RTGS) hiện có. Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương không phải là điều kiện tiên quyết. Mặc dù tài liệu thảo luận có nhắc đến, nhưng nền tảng thanh toán không cần phải có cơ chế phát hiện giá tích hợp. Thay vào đó, tỷ giá hối đoái áp dụng có thể do các bên tham gia giao dịch thỏa thuận. Đó là trường hợp của dự án mBridge.
Việc liệu có đủ dự trữ ngoại hối để thanh toán thương mại hay không vẫn còn là một vấn đề, nhưng đây không phải một vấn đề không thể khắc phục, đặc biệt là khi cân nhắc tới tính bổ sung cơ bản của các nền kinh tế BRICS và những lợi thế cơ bản của các sản phẩm cốt lõi như thực phẩm, năng lượng và nguyên liệu thô… Đối với vấn đề này, tài liệu thảo luận đề cập rằng, Nga đã đề xuất một cơ chế là một “liên minh thanh toán” trên thực tế, điều này khiến người ta liên tưởng đến đề xuất của John Maynard Keynes. Để tiến hành thanh toán thương mại, người ta có thể sẽ cân nhắc đến NMR (Numeraire), một hình thái phi tiền tệ.
Tác động của việc phi USD hóa lên giá trị
Thương mại hàng hóa toàn cầu đạt khoảng 46 tỷ USD mỗi năm, 8% trong đó là thương mại nội khối BRICS, tương đương 3,68 tỷ USD. Để so sánh, giá trị danh nghĩa của trái phiếu toàn cầu vượt quá 307 nghìn tỷ USD, giá trị thị trường của thị trường chứng khoán toàn cầu vượt quá 108 nghìn tỷ USD, giá trị danh nghĩa của các công cụ phái sinh tài chính toàn cầu vượt quá 635 nghìn tỷ USD và khối lượng thanh toán hằng năm của các giao dịch ngoại hối toàn cầu vào khoảng 1.900 tỷ USD.
Trong tương lai không xa, việc chuyển sang thanh toán thương mại hàng hóa bằng đồng nội tệ sẽ không làm rối loạn thị trường vốn hư cấu thế giới vì chúng chủ yếu được tính bằng USD. Trong trường hợp này, tung ra một loại tiền tệ thanh toán thương mại mới để thay thế đồng USD là điều không mấy cần thiết. Đồng nội tệ là đã đủ, và dù thế nào đi nữa, việc gìn giữ chủ quyền tiền tệ còn có những hàm ý khác.
Quy mô rộng lớn của thị trường các công cụ tài chính phản ánh quá trình tài chính hóa kinh tế ngày càng gia tăng trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là ở Mỹ. Kể từ những năm 1980, sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường ngoại hối và thị trường công cụ phái sinh tài chính diễn ra đồng thời với sự suy thoái của các ngành kinh tế thực của Mỹ, bởi tăng trưởng cung tiền đã được đưa vào thế giới vốn hư cấu mới nổi. Tuy nhiên, sự tan rã dần dần của hệ thống thanh toán thương mại lấy đồng USD làm trung tâm đã làm ảnh hưởng đến giá trị lâu dài của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Và điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân của Mỹ.
Có thể nhắc lại rằng, chỉ cần duy trì được mối tương quan nào đó với giá trị sử dụng trong nền kinh tế thực thì vốn hư cấu sẽ có giá trị tiềm năng. Sự mở rộng và vòng lặp vĩnh viễn của các giao dịch tiền tệ hóa giá trị trao đổi có thể tạo ra lợi nhuận tiền tệ hóa, nhưng nếu những lợi nhuận này bị tách khỏi nền kinh tế thực thì cơ sở giá trị của vốn hư cấu sẽ bị suy yếu. Nhìn chung, lợi nhuận tiền tệ hóa sẽ được tuần hoàn vào các thị trường mới của vốn hư cấu hoặc vào thị trường bất động sản. Do đó, tài chính hóa kinh tế tạo ra sự gia tăng giá trị tài sản đáng kể, đồng thời cũng làm tăng sự tập trung của cải, tài sản.
Tài chính hóa kinh tế không chỉ dẫn đến sự thất thoát việc làm trong các ngành sản xuất ở Mỹ (đây là căn nguyên của nhiều sự bất mãn thúc đẩy các chu kỳ chính trị), mà còn dẫn đến sự tập trung quy mô lớn của quyền lực kinh tế và của cải tài chính. Theo Cục Dự trữ Liên bang, 10% người Mỹ giàu nhất hiện sở hữu 93% tài sản cổ phiếu.
Sự tăng trưởng không ngừng của giá cổ phiếu mang lại lợi ích cho một số ít người. Nhưng ở Mỹ, nơi nền kinh tế được tài chính hóa ở mức cao, việc giá cổ phiếu không ngừng tăng cao sẽ khuyến khích quá trình phi công nghiệp hóa vốn. Theo báo cáo gần đây của Oxfam, 1% công ty hàng đầu của Mỹ sở hữu 97% tài sản doanh nghiệp của nước này. Các nhà kinh tế học Kwon, Ma và Zimmerman đã chỉ ra xu hướng dài hạn của sự tập trung vốn trong tất cả các ngành công nghiệp ở Mỹ, trong đó sự tập trung vốn vào ngành sản xuất diễn ra rõ ràng nhất vào những năm 1970.
Sự tập trung vốn tiền tệ bằng đồng USD đi kèm với sự gia tăng cung nợ của khu vực tư nhân ở các nước đang phát triển (thông qua phương thức doanh nghiệp cổ phần tư nhân phát hành trái phiếu) và sự gia tăng mua lại cổ phần tư nhân. Dữ liệu từ Viện Brookings cho thấy, đã xuất hiện hiện tượng nguồn vốn phát triển tư nhân chạy khỏi các nước đang phát triển.
Viện Brookings cũng chỉ ra rằng, các trái chủ và ngân hàng thương mại đã lấy đi 125 tỷ USD từ các nước đang phát triển vào năm 2022. Vào năm 2023, họ còn lấy đi nhiều hơn nữa, với 193 tỷ USD. Tổng cộng, các tổ chức cho vay tư nhân đã lấy đi hơn 300 tỷ USD từ các nước đang phát triển chỉ trong 2 năm. Ngoài ra, cũng đừng quên những tác động lên GDP đã được đề cập ở trên.
Việc không còn sử dụng USD làm phương tiện trao đổi chính sẽ làm giảm giá trị tiềm tàng của nó như một công cụ định giá vốn hư cấu. Đối với sự trao đổi và lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thực, vốn tiền tệ là điều không bắt buộc và tiềm năng giá trị sử dụng của nó cũng có hạn. Việc đạt được sự phát triển hiệu quả không phụ thuộc vào việc có bao nhiêu USD, đây là nền tảng của sự phát triển dựa trên đồng nội tệ. Do đó, không có gì bất ngờ khi việc tăng cường vai trò của Ngân hàng Phát triển Mới BRICS với tư cách là nhà cung cấp tài chính bằng đồng nội tệ cũng xuất hiện trong tài liệu thảo luận.
Nói tóm lại, trong khi giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu vẫn còn tương đối nhỏ so với giá trị của thị trường vốn hư cấu, cơ sở giá trị tiềm tàng của vốn hư cấu sẽ nằm ở mối quan hệ giữa vốn hư cấu được tính bằng tiền tệ với nền kinh tế thực, cùng một loại tiền tệ được cho là có khả năng mang giá trị sử dụng. Nếu không cần một loại tiền tệ nào đó để bảo vệ, kích hoạt hay sử dụng một tài nguyên cụ thể thì loại tiền tệ đó sẽ không còn đóng vai trò như một phương tiện trao đổi và phương tiện thanh toán nữa. Các loại tiền tệ có khả năng trao đổi hạn chế cũng bị hạn chế trong việc định giá giá trị sử dụng.
Do tiền tệ là công cụ pháp lý do một quốc gia phát hành nên khu vực pháp lý duy nhất mà tiền tệ có giá trị không thể nghi ngờ như một đơn vị tính toán và phương tiện trao đổi là khu vực pháp lý phát hành loại tiền đó. Dự trữ USD hiện đang tồn tại trong hệ thống kinh tế toàn cầu vượt xa nhu cầu của các hoạt động kinh tế thực, đặc biệt là ở Mỹ.
Đây là lý do tại sao trong vài thập kỷ qua, vốn hư cấu đã không ngừng mở rộng khi vốn tiền tệ tìm kiếm cơ hội tiền tệ hóa. Lượng dự trữ USD này sẽ không biến mất trừ khi Bộ Tài chính Mỹ đánh thuế ngăn chúng lưu thông hoặc chuyển USD thành trái phiếu kho bạc Mỹ. Việc giao dịch USD đơn thuần và các tài sản khác không loại bỏ USD khỏi hệ thống; những USD đó chỉ đóng vai trò ghi sổ trên bảng cân đối kế toán của người khác. Đồng thời, do nhu cầu của chính sách tiền tệ nội địa của Mỹ, cung tiền của đồng USD tiếp tục tăng và đồng USD tiếp tục đóng vai trò là nguồn dự trữ ngoại hối chính của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, theo thời gian, do đồng USD có giá trị bản địa ở Mỹ, đồng thời khi các quốc gia dần mở rộng việc sử dụng đồng nội tệ để thanh toán thương mại xuyên biên giới, đồng USD sẽ buộc phải quay trở lại Mỹ. Đó là một khoản dự trữ USD rất lớn cho nền kinh tế quốc dân của Mỹ và có khả năng sẽ gây ra mức lạm phát khá lớn tùy thuộc vào tốc độ hồi hương của nó. Một số nhà phân tích tiêu biểu như Philip Pilkington đã chỉ ra rằng, quá trình đồng USD quay trở lại Mỹ có thể sẽ khiến mức sống thực tế của người Mỹ suy giảm từ 20-50%.
Các nước BRICS có cần xây dựng hệ thống thanh toán của riêng mình không?
Tài liệu thảo luận của BRICS khá thiếu chi tiết, một số người thậm chí còn coi đây là một tài liệu nhạt nhẽo vô vị. Đối với những người muốn đồng tiền BRICS mới trực tiếp thách thức đồng USD hoặc những người chỉ muốn có thêm thông tin chi tiết về những gì các nước BRICS sẽ làm với tư cách là một nhóm, tài liệu này có lẽ không thể làm hài lòng họ. Tuy nhiên, tôi cho rằng tình trạng đa cực hóa tiền tệ đã thực sự xảy ra. Các nước BRICS không đi theo con đường cấp tiến mà tập trung hơn vào việc đưa ra một phương án được tất cả các nước thành viên chấp nhận. Điều này có nghĩa, các nước BRICS sẽ áp dụng chiến lược tuần tự tiệm tiến.
Chắc chắn rằng, việc vũ khí hóa đồng USD trong hệ thống hậu Bretton Woods đã làm nổi bật những rủi ro mà các nước trên thế giới phải đối mặt trong hệ thống này. Khả năng một quốc gia trừng phạt các quốc gia khác một cách thất thường và đơn phương chắc chắn đã thúc đẩy mối bận tâm và nhu cầu của chúng ta về một hệ thống thay thế. Những gì mà Nga, Venezuela, Iran và Afghanistan trải qua gần đây đã cung cấp cho chúng ta sự tham khảo sơ bộ, cho thấy hệ thống mới thay thế hệ thống đồng USD hiện tại cần phải dung nạp những gì vào tinh thần thiết kế và DNA vận hành của nó.
Đồng thời, nhiều thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương đã được ký kết giữa ngân hàng trung ương BRICS và ngân hàng trung ương của các quốc gia khác. Ngoài ra, nhiều hệ thống kết nối thông tin và thanh toán liên ngân hàng có tính thay thế đã tồn tại và đi vào vận hành, điều này cho phép các quốc gia có thể bỏ qua hệ thống do Mỹ chủ đạo trong trường hợp cần thiết hoặc phù hợp.
Chúng bao gồm hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (Cross-border Interbank Payment System, viết tắt là CIPS) của Trung Quốc và hệ thống SPSF của Nga. Mặc dù thiết kế của nền tảng thanh toán BRICS không nhất định phải có tiền đề là tiền kỹ thuật số, nhưng nhiều nước BRICS đều rất tiến bộ trong việc phát triển các dự án tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, sự thành thạo công nghệ blockchain dùng cho chuỗi cung ứng và thao tác sổ cái phân tán đã khiến việc quản trị tài chính phân tán trở nên khả thi. Cấu trúc đa cực hóa tiền tệ này đã phát huy vai trò tại một số nước BRICS ở các mức độ khác nhau. Ngày nay, hơn 90% thương mại Nga-Trung được thanh toán bằng Nhân dân tệ hoặc Rúp và hơn 50% ngoại thương của Trung Quốc được thanh toán bằng Nhân dân tệ, thực tế này đã chứng minh khả năng thanh toán thương mại ngoài USD. Xu thế này đã hình thành và không thể quay đầu.
Hệ thống thanh toán của các nước BRICS là sự tô điểm cho cấu trúc đa cực hóa tiền tệ hiện nay và theo thời gian, cái trước có thể sẽ thay thế cái sau. Bằng cách này, hệ thống thanh toán BRICS có thể sẽ hiệu quả hơn và có chi phí giao dịch thấp hơn. Trong trường hợp này, các nước BRICS có thể tập trung tinh thần và dành thời gian vào việc đảm bảo sự đồng thuận giữa các thành viên, bởi họ biết rằng một thế giới thương mại xuyên biên giới dựa trên đồng nội tệ đã trở thành hiện thực.
Tác giả là Bào Thiều Sơn là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Công nghệ Queensland (Úc), người cố vấn chính sách cho cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd và là nghiên cứu viên cấp cao tại Taihe Institute.