Việt Luận (1): Không giống những tiên đoán trước ngày bầu cử, kết quả mới nhất cho thấy Liên Đảng đã dành được đủ đa số để thành lập chính phủ, như vậy Liên Đảng nắm quyền liên tục ở NSW 3 nhiệm kỳ, theo ông đâu là những nguyên nhân chính đưa đến sự thất bại của đảng Lao Động lần này mặc dầu đảng Tự Do gặp nhiều bất lợi trong 2 năm qua?
Ls Lưu Tường Quang: Cho đến giờ phút chót, các cuộc thăm dò cử tri đều cho thấy cuộc bầu cử Quốc Hội NSW rất khít khao và có thể tạo ra tình trạng bế tắc nghị trường.
Trong Hạ Viện mãn nhiệm, chính phủ liên đảng Tự Do/Quốc Gia của nữ Thủ Hiến Gladys Berejiklian có 52 trong trong số 93 ghế, Đảng Lao Động ở thế đối lập có 34 ghế và phần còn lại là các đảng nhỏ và dân biểu độc lập. Kịch bản mà giới quan sát nêu lên là nếu Liên Đảng mất 6 ghế, họ có thể thành lập chính phủ thiểu số, trong khi Đảng Lao Động phải thắng ít nhất thêm 12 ghế thì họ mới có thể thành lập chính phủ đa số. Không ai đưa ra kịch bản là Liên Đảng sẽ tăng số ghế, một phần vì Liên Đảng đã cầm quyền hai nhiệm kỳ (8 năm) và phần khác vì Đảng Quốc Gia đang mất nhiều cử tri nông thôn.
Dự phóng kết quả không hoàn toàn sai, vì quả thật Liên Đảng đã mất 4 ghế (3 thuộc Đảng Quốc Gia và 1 thuộc Đảng Tự Do), nhưng kỳ vọng về mức độ thành công của Đảng Lao Động tỏ ra quá lạc quan. Đảng Lao Động chỉ tăng thêm 2 ghế từ 34 lên 36 dân biểu, trong khi một đảng nhỏ khác – Đảng Shooters Fishers and Farmers gọi tắt là SFF- cũng chiếm thêm được 2 ghế nâng tổng số ghế lên 3 tại Hạ Viên. Tìm hiểu đầy đủ lý do dẫn đến kết quả nầy đòi hỏi phân tích chi tiết của từng đơn vị bầu cử và thành phần dân số. Tuy nhiên, nội bộ Đảng Lao Động cũng như giới quan sát chính trị và truyền thông đều tin rằng một nguyên do chính là vì Lãnh tụ Đảng Lao Động Michael Daley thất bại trong tuần lễ cuối cùng, sau khi đã thổi được luồng gió sinh động (vấn đề vận động trường) đem lại thế thượng phong 2 tuần trước đó.
Hai sự kiện vô cùng bất lợi cho Lãnh tụ Michael Daley nói riêng và do đó cho Đảng Lao Động nói chung, là tiết lộ về một phát biểu bị coi là kỳ thị chủng tộc mà Ông Michael Daley đã phải xin lỗi. Tại một sinh hoạt của chi bộ Đảng Lao Động ở Vùng Blue Mountains NSW một năm trước đây, Dân biểu Michael Daley đã nói giới trẻ tại NSW đã mất công ăn việc làm về tay những người Châu Á có bằng tiến sĩ (“young people were leaving Sydney and being replaced by Asians with PhDs”. Nguồn: ABC 26.03.2019). Sự kiện thứ nhì là trong cuộc tranh luận truyền hình cuối cùng, Ông Michael Daley đã không thể cho biết chính xác các ngân khoản mà Đảng Lao Động đã dự trù cho chính sách giáo dục của Đảng Lao Động.
Sự kiện thứ nhất bị diễn dịch Ông Daley là người “hai mặt” và sự kiện thứ nhì cho thấy ông thiếu khả năng. Những phán đoán nầy có vẻ bất công, vì Ông Daley chỉ làm lãnh tụ được 19 tuần lễ, một thời gian quá ngắn. Nhưng đó là chính trị.
Thiệt hại lớn nhất trong cuộc bầu cử nầy là Ông Michael Daley. Sau khi đã bày tỏ ý định tái tranh cử chức vụ lãnh tụ, Ông Daley sau đó đã phải tuyên bố rút lui hoàn toàn.
Nữ Thủ Hiến Gladys Berejiklian, 48 tuổi và thuộc thế hệ thứ nhì nguồn gốc di dân Armenian, làm nên lịch sử Tiểu bang khi trở thành nữ chính trị gia đầu tiên thắng cử. Và đây cũng là lần đầu tiên trong vòng nửa thế kỷ qua mà Liên Đảng cầm quyền liên tiếp 3 nhiệm kỳ. Chúng ta cũng nên ghi nhận hai đặc điểm khác: Đó là vai trò đang lên của các đảng nhỏ, chẳng hạn như SFF và sự tái xuất hiện của Ông Mark Latham, cựu lãnh tụ Lao Động liên bang, nay đắc cử thành viên Thượng Viện NSW với tư cách ứng cử viên của Đảng One Nation, một tổ chức cực hữu. Điều đó chứng tỏ rằng trong xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu ngày nay, hãy còn phần tử quá khích chống di dân và kỳ thị chủng tộc”.
Việt Luận (2): Theo ông, kết quả bầu cử của Tiểu bang NSW lần này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc bầu cử Liên bang vào giữa năm nay?
Ls Lưu Tường Quang: Tất nhiên, ở cấp liên bang, Chính phủ liên đảng Scott Morrison lên tinh thần trong khi Lãnh tụ Lao Động Bill Shorten ở thế đối lập thì tìm cách phân biệt giữa các vấn đề liên bang và các vấn để tiểu bang. Cả hai đều phần nào có lý.
Tuy vậy, thành công của Liên Đảng tại NSW không nhất thiết sẽ chuyển đạt vào cấp Liên Đảng liên bang trong cuộc bầu cử tháng 5 sắp tới. Liên Đảng tại NSW tương đối ổn định trong khi Liên Đảng ở cấp liên bang bị nhiều xáo trộn nội bộ làm mất lòng quần chúng và điều này đã liên tục phản ánh qua các cuộc thăm dò cử tri.
Nhược điểm của Liên Đảng ở NSW cũng như ở cấp liên bang là sự suy sụp của Đảng Quốc Gia. Tại NSW, Liên Đảng giữ được đa số, phần lớn nhờ vào Đảng Tự Do giữ được hầu hết các đơn vị thành thị, trong khi Chính phủ liên đảng Scott Morrison hãy còn gặp nhiều khó khăn tại Queensland, Victoria và Tây Úc là ba tiểu bang chiến trường mà kết quả bầu cử tại NSW không thể có ảnh hưởng. Ngoài ra, chúng ta chưa có bằng chứng cụ thể về ảnh hưởng của sự khác biệt giữa hai thể thức bầu Hạ Viện. Tại NSW, bầu cử Hạ Viện theo thể thức “Optional Preferential”, tức là cử tri không bắt buộc phải có phiếu ưu tiên phụ trái với phương thức bầu cử Hạ Viện liên bang.
Ông Bill Shorten đã ca ngợi chiến thắng lớn của chính phủ Lao Động Tiểu bang Victoria hồi cuối năm 2018 và coi đó là lợi điểm cho Đảng Lao Động liên bang, thì nay ông không thể nói rằng sự thất bại của Đảng Lao Động tại NSW hoàn toàn không ảnh hưởng đến thời vận của Đảng Lao Động liên bang.
Phát biểu “kỳ thị chủng tộc” của Ông Michael Daley đã có ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đối với ứng viên Đảng Lao Động tại vài đơn vị như Oatley và Kogarah NSW, là nơi có đông cử tri gốc Hoa cư ngụ.
Vào thời điểm nầy, Đảng Lao Động được coi có nhiều hi vọng chiến thắng hơn Liên Đảng trong cuộc bầu cử quốc hội liên bang vào giữa tháng 5/2019, nhưng trong chính trường, một tuần lễ dài hơn 7 ngày như Ông Michael Daley đã trải nghiệm, nên việc gì cũng có thể xảy ra làm thay đổi thời vận của hai thế lực chính trị chính mạch Úc Châu”.
Việt Luận (3): Từ kết quả của cuộc bầu cử ở NSW lần này một lần nữa cho thấy sự thất bại của người Việt Nam trên chính trường Úc nói chung – không có một dân biểu gốc Việt nào trong Hạ Viện và Thượng Viện ở cấp tiểu bang và liên bang ở Úc ngoài trừ Thượng nghị sĩ Kiều Tiến Dũng vừa đắc cử ở Victoria ở cuối năm rồi. Đặc biệt là khu vực bầu cử Cabramatta, nơi mà tỉ lệ người Việt cao nhất nhưng chưa bao giờ có người Úc gốc Việt nào đắc cử tại đây. Trong lần này, trong số 5 ứng cử viên có đến 3 ứng cử viên gốc Việt (Dai Le (Independent), Austin Le (Liberal), Phuoc Vo (Independent)) và ông Nick Lalich (Labor) tiếp tục thắng nhiệm kỳ thứ ba, theo ông đâu là nguyên nhân đưa đến sự thất bại của người Việt trong việc “xâm nhập” vào chính trường chính mạch?
Ls Lưu Tường Quang: Tại Đơn vị Cabramatta NSW có thể nói là nơi có cử tri gốc Việt đông đảo nhất Úc Châu, Cô Đài Lê, một phụ nữ trẻ gốc Việt, đã lập được thành tích đáng kể hồi năm 2008 trong cuộc bầu cử bổ túc, khi với tư cách ứng cử viên Đảng Tự Do, Đài Lê đã giảm được 20% số phiếu dành cho ứng viên Lao Động Nick Lalich. Tuy không chiến thắng, nhưng Đài Lê ít nhất đã biến đơn vị an toàn Lao Động thành đơn vị tương đối bấp bênh. Thế nhưng trong kỳ bầu cử năm 2011. Đài Lê không tái lập được thành tích cũ.
Năm nay 2019, Đài Lê tranh cử với tư cách độc lập, chống lại Nick Lalich, nhưng chỉ thu được 27.38% tổng số phiếu hợp lệ so với 50.14% mà Dân biểu Nick Lalich đạt được. Lần này còn có ứng viên Đảng Tự Do Austin Lê thu được 13.73% và ứng viên độc lập Võ Phước thu được 4.24% số phiếu (kể cả ‘donkey votes’ vì ông đứng đầu danh sách ứng viên Hạ Viện). Đài Lê vẫn không thể đánh bại đối thủ Lao Động ngay cả khi nhận được 100% phiếu ưu tiên phụ từ ứng viên khác (một trường hợp không thể xảy ra trong thực tế). Trong danh sách ứng viên Thượng Viện NSW của Đảng Lao Động, ứng viên Trí Võ đứng hàng thứ 10 nên không có hi vọng gì đắc cử. Trong kỳ bầu cử lần nầy, Đảng Lao Động chỉ có 6 ứng viên đầu trên danh sách được đắc cử mà thôi.
Trong cuộc bầu cử tại Victoria hồi cuối năm 2018, Ts Kiều Tiến Dũng được xếp hàng thứ 3 trên danh sách Lao Động cho Vùng Đông Nam Đô Thị Melbourne (South East Metropolitan Region) và đắc cử nhờ sự suy sụp của Đảng Xanh, mặc dầu Vùng này không có đông cử tri gốc Việt.
Ngược lại tại Vùng Miền Tây Đô Thị Melbourne (Western Metropolitan Region) bao gồm Footscray, St Albans và Werribee là nơi có rất đông cử tri gốc Việt, Cô Hương Trương, Thụ Ủy liên danh Đảng Xanh, chỉ nhận được 8.22% số phiếu trên tổng đố 545,514 cử tri (trừ – 4.85 phiếu bất hợp lệ). Cô Hương Trương (Trương Việt Hương) là một thiếu nữ trẻ thuộc thế hệ gốc Việt thứ nhì và rất năng động, nhưng có vẻ đã không nhận được sự ủng hộ đúng mức của cử tri gốc Việt nên không hội đủ một quota nào để đắc cử!
Các dữ kiện nói trên có thể cho chúng ta một kết luận tạm là một số cử tri gốc Việt bỏ phiếu theo thói quen đã có từ nhiều năm dành cho một chính đảng và không nhất thiết ủng hộ ứng viên gốc Việt, mặc dầu họ có khả năng và thành tích phục vụ.
Tất nhiên, chúng ta không thể trách cử tri mà phải liên tục thuyết phục cử tri gốc Việt nên từ bỏ đầu phiếu theo thói quen và không vì lý do tình cảm mà không biến các đơn vị an toàn thành những đơn vị bấp bênh. Tại đơn vi bấp bênh mà có nhiều cử tri gốc Việt, thì lá phiếu cử tri gốc Việt mới được quí trọng và ứng viên gốc Việt mới có cơ hội được tuyển chọn (xem thêm phần trả lời câu hỏi số 4).
Ngoài ra cử tri gốc Việt còn nên học hỏi sự nhạy bén của cử tri khác như cử tri gốc Do Thái hoặc cử tri gốc Trung Hoa. Cử tri gốc Do Thái rất mạnh về phương diện tài chánh và rất nhạy bén đối với chính sách của Úc đối với Israel. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội NSW ngày 23.03.2019, khi phát biểu có tính kỳ thị chủng tộc về di dân Châu Á của Lãnh tụ Michael Daley bị tiết lộ, cử tri gốc Hoa tại đơn vị Oatley và Kogarah có phản ứng tức khắc, tức là dồn phiếu ủng hộ ứng viên đảng Tự Do và biến đơn vị Oatley được an toàn hơn, trong khi hầu như bỏ rơi dân biểu Lao Động đương nhiệm và biến Kogarah thành đơn vị kém an toàn, Trong khi đó, đơn vị Cabramatta vẫn biển lặng sóng êm và dân biểu Lao Động đương nhiệm vẫn thuận buồm xuôi gió như không có việc gì xảy ra!
Việt Luận (4): Theo ông, các ứng cử viên gốc Việt phải thay đổi như thế nào để có thể thành công trong những lần tranh cử trong tương lai tại cấp Tiểu bang và Liên bang? Và ông có nghĩ là từ những kinh nghiệm ở Úc và Mỹ cho thấy các ứng cử viên gốc Việt không nên mong đợi nhiều vào lá phiếu của cử tri gốc Việt?
Ls Lưu Tường Quang: Chính trị trong cốt lõi là ván bài về con số và network. Chúng ta không thể ngồi chờ sung rụng. Trước hết là giới trẻ gốc Việt nên quan tâm và muốn đóng góp vào tiến trình hội nhập chính trị của cộng đồng gốc Việt. Ứng viên gốc Việt khó được sơ tuyển trừ phi phân bộ đảng địa phương có nhiều đảng viên gốc Việt. Đây là trường hợp ứng viên dựa vào lá phiếu cử tri gốc Việt sau khi được sơ tuyển. Những kinh nghiệm tại Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 cho thấy ứng viên gốc Việt có tài tại những đơn vị không hoặc có ít cử tri gốc Việt cũng được sơ tuyển và đắc cử, nhờ vào khả năng thuyết phục và khả năng tạo mạng lưới ủng hộ networking. Trái lại, một số ứng viên gốc Việt dựa vào lá phiếu cử tri gốc Việt lại không thành công vì sự phân hóa cộng đồng gốc Việt chẳng hạn như tại các vùng Nam / Bắc Tiểu bang California.
Sau 40 năm định cư, người gốc Việt đã thành công rất nhiều về mặt chức nghiệp và sinh hoạt kinh tế, nên dần dần số người sinh sống tại những khu khá giả mỗi ngày một đông đảo. Do đó, việc gia nhập đảng không nhất thiết phải trở lại những khu vực có đông người Việt.
Việt Luận (5): Cộng đồng người Việt chỉ có thể ảnh hưởng mạnh đối với dư luận và chính quyền Úc khi có nhiều người gốc Việt nằm trong chính quyền. Theo ông, Cộng Đồng Người Việt (VCA) ở Tiểu bang và Liên bang nên làm gì để khuyến khích những người Úc gốc Việt tham gia vào các chính đảng và hỗ trợ họ thành công trong những lần tranh cử tới?
Ls Lưu Tường Quang: Nói chung, trước hết chúng ta nên thay đổi tầm nhìn về hội nhập chính trị tại một quốc gia dân chủ phương Tây như Úc Châu. Kế đến, chúng ta nên từ bỏ thái độ tiêu cực đối với những ai có tham vọng chính trị tại Úc Châu. Tổ chức cộng đồng như VCA có thế đứng đối với ba cấp chính quyền và nên tích cực sử dụng thế đứng nầy để giới thiệu và nâng đỡ những tài năng trẻ. Tôi biết một vài VCA đã có những vận động cần thiết như vậy và nên tiếp tục.
Ngoài ra, những chương trình huấn luyện như Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc mà VCA Victoria đã phát động từ năm 2014 và đang tiếp tục là khuôn mẫu có thể áp dụng tại nhiều tiểu bang Úc Châu, để làm bước đầu vào tiến trình hội nhập chính trị.
Để kết thúc bài phỏng vấn nầy, tôi xin nêu lên một thí dụ, rất lý tưởng nhưng có thể cộng đồng người gốc Việt chưa đạt được trong tương lai gần.
Chisholm vốn là một đơn vị an toàn của Đảng Lao Động tại Victoria, nhất là trong thời gian Bà Anna Burke làm dân biểu và đồng thời cũng là Chủ tịch Hạ Viện. Ông John Nguyễn đã hai lần được sơ tuyển làm ứng viên của Đảng Tự Do, nhưng đều đã thất bại vì uy tín của Bà Anna Burke quá lớn. Sau khi Bà Anna Burke nghỉ hưu, Đảng Tự Do đã sơ tuyển Bà Julia Banks và Bà Julia Banks là ứng viên duy nhất đã thằng cử tại một đơn vị Lao Động ở Victoria hồi năm 2016. Nay Bà Julia Banks đã rời khỏi Đảng Tự Do và ứng cử tại một đơn vị khác. Trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, Đảng Tự Do đã sơ tuyển Bà Gladys Liu, công dân Úc gốc Hồng Kông và Đảng Lao Động đã sơ tuyển Bà Jennifer Yang, công dân Úc gốc Đài Loan, cho đơn vị này. Bất kể là Đảng hay Liên đảng nào nắm chính quyền kể từ tháng 5/2019, cộng đồng người Hoa sẽ có một nữ dân biểu liên bang gốc Hoa tại Hạ Viện ở Canberra.
Việt Luận xin cảm ơn Ls Lưu Tường Quang
(Sydney 27.03.2019)