Các vụ tấn công hàng loạt ở Trung Quốc gây lo ngại và bị kiểm duyệt

Nguồn: James Palmer, “Mass Attacks in China Spark Concern, Censorship,”  Foreign Policy, 19/11/2024

Biên dịch: Tạ Kiều Trang

Một loạt các vụ bạo lực gần đây có thể khơi mào một vòng xoáy, bắt đầu từ sự phẫn nộ và kết thúc bằng việc bị đàn áp.

Tiêu điểm tuần này: Thông tin về các vụ tấn công bạo lực gây lo ngại cho công chúng và bị kiểm duyệt; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 thường niên tại Rio de Janeiro; Lựa chọn Bộ trưởng Bộ Y tế & Dịch vụ Nhân sinh của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Các vụ tấn công làm dấy lên nỗi sợ ở Trung Quốc

Ba vụ tấn công chỉ trong một tuần ở Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại lan rộng trong công chúng và khiến các nỗ lực nhằm che đậy các cuộc thảo luận về các vụ việc này gia tăng. Vụ tấn công đầu tiên xảy ra vào ngày 11 tháng 11 tại thành phố Chu Hải, nơi tổ chức một triển lãm hàng không lớn hàng năm; ít nhất 35 người thiệt mạng khi một người đàn ông lái chiếc SUV lao vào nhóm người đi bộ ở sân vận động. Đây là vụ bạo lực nơi công cộng nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Sau đó, vào thứ Bảy tuần trước, một cựu sinh viên đã thực hiện một vụ tấn công bằng dao tại một trường dạy nghề ở Vô Tích khiến 8 người thiệt mạng. Vụ việc thứ ba xảy ra vào thứ Ba, khi một tài xế khác lái chiếc SUV nhắm vào đám đông bên ngoài một trường tiểu học ở Thường Đức. Vẫn chưa rõ số người thương vong và thông tin này có thể sẽ bị kiểm duyệt nghiêm ngặt hơn do tính chất nhạy cảm ngày càng tăng của các tin tức.

Các kiểm duyệt viên trên mạng nhanh chóng cố gắng xoá mọi dấu vết của vụ tấn công tại Chu Hải, xoá các bài thảo luận và video; cảnh sát cũng tháo dỡ hoa tưởng niệm tại hiện trường và một phóng viên của BBC Trung Quốc tại hiện trường đã bị đe doạ. Phản ứng này có thể một phần là do tính nhạy cảm của triển lãm hàng không, nơi trưng bày một số công nghệ quân sự tiên tiến nhất của Trung Quốc, cũng như một phần do tính nghiêm trọng của vụ việc. Vụ đâm xe hôm thứ Ba cũng gây nên nỗi lo rằng sẽ có những vụ giết người theo kiểu tương tự.

Một yếu tố khác là nhu cầu tìm một “bia đỡ đạn” chịu trách nhiệm. Như các bí thư đảng ở địa phương đã mô tả trong các cuộc phỏng vấn vào năm 2005, “Giống như những con chim luôn hoảng sợ, chúng tôi luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ mỗi ngày – lo lắng về an toàn lao động, các sự kiện bất ngờ, các kiến nghị tập thể và các vụ việc quy mô lớn khác – những điều có thể dẫn chúng tôi đến việc bị trừng phạt.”

Khi một sự cố của chính phủ bị phơi bày ra trước công chúng, như trong đợt bùng phát COVID-19 ban đầu ở Vũ Hán vào năm 2020, một “cuộc chiến đổ lỗi” đã xảy ra khi các quan chức cố gắng đổ trách nhiệm cho nhau. Tuy nhiên, bản năng đầu tiên của các quan chức gần như luôn là che đậy sự việc và ngăn không cho sự phẫn nộ của công chúng lan rộng.

Tuy nhiên, những yêu cầu toàn diện của một nhà nước độc đảng, trong đó nhiệm vụ chính của các lãnh đạo địa phương là ngăn chặn những cái gọi là “bất ổn xã hội,” khiến những sự kiện ngoài tầm kiểm soát lại bị coi là trách nhiệm của họ – không chỉ cấp trên mà có thể công chúng cũng nghĩ như vậy. Các cán bộ đảng có một phạm vi công việc rất rộng, điều này có nghĩa là họ cũng có thể bị đổ lỗi cho rất nhiều vấn đề khác nhau.

Không có bằng chứng nào cho thấy các vụ tấn công gần đây là sự cố chính trị – nếu không thì chính quyền đã có thể ngăn chặn được vụ việc xảy ra. Kẻ tấn công ở Chu Hải, một người đàn ông 62 tuổi, dường như tức giận vì các điều khoản trong vụ ly hôn của mình. Kẻ tấn công ở Vô Tích phẫn uất vì một kỳ thực tập lương thấp và một kì thi trượt. Giống như nhiều kẻ xả súng hàng loạt ở Mỹ, những kẻ tấn công ở Trung Quốc dùng những công cụ có sẵn để trút cơn thịnh nộ của mình lên xã hội.

Nhưng các quan chức sẽ bị giáng chức, phạt tiền hoặc sa thải vì những vụ tấn công – mà thông tin về chúng vẫn sẽ tiếp tục bị kiểm duyệt. Tất cả những điều này tạo ra một vòng xoáy luẩn quẩn của sự phẫn nộ và đàn áp. Khi tôi đến Thạch Gia Trang vào năm 2002, phải mất vài tháng sau mới nghe ai đó nhắc đến nỗi kinh hoàng đã bao trùm thành phố vào năm trước, khi một loạt vụ nổ bom khiến ít nhất 108 người thiệt mạng. Những vụ tấn công này bị quy cho một công nhân bất mãn có tiền sử bạo lực, người này nhanh chóng bị tử hình cùng hai đồng phạm.

Tuy vậy, có rất nhiều tin đồn về vụ tấn công ở Thạch Gia Trang, nhất là khi ở thành phố này từng xảy ra loạt vụ nổ bom trên xe buýt vào năm 2000. Tin đồn cho rằng những vụ tấn công này là do các băng nhóm giang hồ và cựu binh gây ra. Mỗi vụ việc đều có những lời tuyên bố cho rằng số người thiệt mạng thực tế cao hơn rất nhiều so với con số mà chính quyền đưa ra, cũng như cho rằng, những kẻ thủ phạm của vụ việc đã bị đưa ra làm “bia đỡ đạn” để chịu trách nhiệm.

Những tin đồn tương tự đang lan truyền về các vụ tấn công gần đây. Vụ nổ bom năm 2001 đã dẫn đến việc thắt chặt các quy định nhằm hạn chế việc mua bán chất nổ. Có lẽ chính quyền sẽ không có câu trả lời nào cho những vụ tấn công này ngoài biện pháp quen thuộc: tăng cường an ninh và kiểm duyệt nhiều hơn.

Tin tức được quan tâm

Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G-20. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 thường niên tại Rio de Janeiro, nơi mà ông có thể sẽ có cuộc gặp cuối cùng với Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden. Trong cuộc gặp đầu tiên, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã nêu vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc với Tập, khiến các quan chức Trung Quốc có mặt phải yêu cầu các nhà báo Anh rời khỏi phòng.

Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy chính phủ Đảng Lao động Anh, vốn có cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc so với chính phủ Đảng Bảo thủ, sẽ không từ bỏ một số vấn đề nhất định, ví dụ như Hồng Kông. Một đợt các án phạt hà khắc mới đối với các nhà vận động dân chủ cho Hồng Kông đã khiến những người ủng hộ phong trào dân chủ hiện đang sống lưu vong tại Vương quốc Anh bức xúc.

Tập Cận Bình và Joe Biden, đã gặp nhau tại Diễn đàn hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào thứ Bảy tuần trước ở Peru, có vẻ phần lớn là đã gửi đi thông điệp về nỗ lực của họ trong việc xây dựng một mối quan hệ hợp tác trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Cả hai đều nhấn mạnh về các cuộc họp mang tính thực tiễn và các cuộc thảo luận chung, mặc dù như thường lệ, thông cáo của hai bên lại có sự khác biệt, với Trung Quốc nhấn mạnh các “lằn ranh đỏ” về các vấn đề: Đài Loan, dân chủ và “con đường và hệ thống của Trung Quốc.”

Điểm nóng Biển Đông. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tuần tra trên biển và trên không xung quanh bãi cạn Scarborough, một điểm nóng trong cuộc xung đột kéo dài với Philippines về ranh giới biển. Trung Quốc cũng đã vẽ lại ranh giới của bãi cạn này như một phần trong chiến dịch vẽ bản đồ đang diễn ra.

Philippines cũng đã thông qua các đạo luật mới tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền trên biển của mình trong tháng này, khiến các bên có tuyên bố chủ quyền khác như Trung Quốc và Malaysia tức giận. (Manila thắng kiện trong một vụ kiện trọng tài quốc tế chống lại Bắc Kinh vào năm 2016, điều mà Trung Quốc không công nhận.) Nhiều đảo trong Biển Đông có nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền; khu vực này trước đây chủ yếu là lãnh thổ của cướp biển hơn là của các quốc gia.

Cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Philippines đã âm ỉ suốt nhiều năm, và cả hai bên đã học được cách quản lý xung đột khá hiệu quả nhằm tránh một cuộc xung đột thực sự. Nhưng trong một cuộc chạm trán trên biển, mọi thứ có thể rất nhanh trở nên tồi tệ.

Công nghệ và Kinh doanh

Căng thẳng liên quan đến COVID. Dù đội ngũ do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lựa chọn đã thu hút sự chú ý vì toàn các nhân vật “diều hâu” với Trung Quốc, nhưng việc ông Trump để Robert F. Kennedy làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cũng có thể gây tổn hại mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Kennedy từng đưa ra những tuyên bố sai về nguồn gốc của COVID-19, ngoài ra còn lan truyền thông tin sai lệch chống lại vaccine.

Điều này nguy hiểm vì hai lý do. Thứ nhất, Trung Quốc rất nhạy cảm với các cáo buộc cho rằng họ chịu trách nhiệm về sự bùng phát ban đầu của COVID-19 – bất kể đó là những cáo buộc có căn cứ về sự thất bại của chính quyền địa phương ở Vũ Hán hay những tuyên bố không rõ ràng về việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Mối quan hệ của Trung Quốc với Úc đã đổ vỡ vào năm 2020, một phần vì những yêu cầu của Canberra về việc điều tra nguồn gốc của COVID-19. Những khẳng định như của Kennedy sẽ nhận về sự phẫn nộ chính đáng từ phía các lãnh đạo Trung Quốc.

Thứ hai, các quan chức Trung Quốc dễ dàng thổi bùng các thuyết âm mưu về vũ khí sinh học của Mỹ – cả vì mục đích tuyên truyền và vì họ thật sự tin vào chúng. Khi nhắc đến chủ nghĩa âm mưu, cả hai bên thường xuyên “tiếp sức” cho nhau; những tuyên bố được lặp lại bởi một thành viên nội các Mỹ sẽ được Trung Quốc tin một cách đáng kể.

Đại dịch COVID-19 đã làm tổn hại mối quan hệ hợp tác về an toàn sinh học giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh tin rằng các kế hoạch chiến tranh sinh học của Mỹ là có thật, Trung Quốc có thể sẽ đổ tiền vào lĩnh vực này.

Gia tăng lo ngại tấn công mạng vào các công ty viễn thông. Một vụ xâm nhập gần đây vào mạng lưới viễn thông của Mỹ thực hiện bởi hacker Trung Quốc có quy mô lớn hơn nhiều so với thông tin ban đầu được đưa ra, với nhiều nhà cung cấp xác nhận rằng họ đã bị tấn công. Những kẻ tấn công đã truy cập vào thông tin liên lạc của các nhà lãnh đạo chính trị và dữ liệu của cơ quan thực thi pháp luật, nhưng các tổ chức khác – có thể bao gồm các nhóm đối lập và các tổ chức phi chính phủ làm việc về vấn đề Trung Quốc – cũng có thể đã bị xâm hại.

Tuy vậy, các hoạt động giám sát có thể chỉ là vấn đề thứ yếu nếu so với mối quan ngại chính là việc các nhóm hacker khác có liên quan đến Trung Quốc đã tấn công vào cơ sở hạ tầng của Mỹ. Ở một mức độ nào đó, việc giám sát giữa các cường quốc đối địch đã trở thành điều bình thường; các mối đe dọa tấn công vật lý nhắm vào những khu vực quan trọng như nước và điện mới đáng lo ngại hơn.

Related posts