Thách thức Trung Quốc của chính quyền Trump

Nguồn: Rush Doshi, “The Trump Administration’s China Challenge,” Foreign Affairs, 29/11/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Việc xây dựng lại sức mạnh của nước Mỹ sẽ cần sự ủng hộ ở cả trong và ngoài nước – và từ chính Trump.

Dự đoán chính sách Trung Quốc của chính quyền Trump sắp tới – và phản ứng có thể xảy ra từ phía Trung Quốc – là một trò chơi đoán mò. Trong nhiệm kỳ đầu tiên làm tổng thống, cách tiếp cận mang tính giao dịch đổi chác của Donald Trump thường khác với cách tiếp cận cạnh tranh của đội ngũ dưới quyền ông. Và những động lực tương phản này sẽ tiếp tục định hình nhiệm kỳ thứ hai của ông. Nhưng bất chấp sự bất định xoay quanh cách tiếp cận của chính quyền Trump, thách thức cốt lõi mà họ phải đối mặt vẫn rất rõ ràng: định vị Mỹ vượt qua Trung Quốc trong lúc một cửa sổ quan trọng của cuộc cạnh tranh bắt đầu khép lại.

Trong giai đoạn đầu của chính quyền Biden, các quan chức cấp cao đã nhóm họp, phân tích thông tin tình báo và kết luận rằng những năm 2020 sẽ là thập kỷ quyết định trong cuộc cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc. Nếu không có hành động khắc phục, Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng là bị Trung Quốc vượt mặt về mặt công nghệ, phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế, và bị đánh bại về mặt quân sự ở Biển Đông hoặc Eo biển Đài Loan.

Đội ngũ mới của Trump sẽ đưa Mỹ vượt qua nửa sau của thập kỷ quyết định này. Vẫn còn nhiều việc phải làm. Những người được Trump lựa chọn vào các vị trí an ninh quốc gia, cụ thể là Mike Waltz làm cố vấn an ninh quốc gia, Marco Rubio làm ngoại trưởng, và Elise Stefanik làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, hiểu rõ nhiệm vụ phía trước và có quan điểm phù hợp với sự đồng thuận ngày càng tăng của lưỡng đảng về nhu cầu phải vượt qua Trung Quốc. Rào cản lớn nhất đối với họ trong việc triển khai cách tiếp cận cạnh tranh có lẽ là sở thích của Trump đối với các thỏa thuận, chủ nghĩa giao dịch, và nịnh bợ Chủ tịch Tập Cận Bình, theo đó đôi khi làm suy yếu các cách tiếp cận cứng rắn hơn của đội ngũ của ông, bao gồm việc mở rộng kiểm soát xuất khẩu và lên tiếng bảo vệ nhân quyền, cùng nhiều biện pháp khác.

Nếu đội ngũ mới của Trump có thể vượt qua thách thức đó, họ sẽ có cơ hội cải thiện vị thế cạnh tranh của nước Mỹ. Việc thu hẹp khoảng cách trong thập kỷ quyết định này có thể đòi hỏi phải xây dựng dựa trên nền tảng của Tổng thống Joe Biden, giống như khi đội ngũ của Biden xây dựng dựa trên nền tảng của chính quyền Trump thứ nhất. Chính quyền Biden đã tập trung vào việc xây dựng lại sức mạnh của nước Mỹ bằng cách tập trung vào nền tảng trong nước và quan hệ với các đối tác ở nước ngoài, một cách tiếp cận được tóm tắt trong khẩu hiệu “đầu tư, liên kết, cạnh tranh” (invest, align, compete). Công thức đó cũng có thể đóng vai trò là một cách để hiện thực hóa tầm nhìn của chính quyền Trump về “hòa bình thông qua sức mạnh” (peace through strength). Tuy nhiên, việc xây dựng lại sức mạnh của nước Mỹ cũng đòi hỏi chính quyền Trump phải thực hiện những nỗ lực mới, phụ thuộc vào sự ủng hộ của lưỡng đảng trong quốc hội và sự ủng hộ của công chúng Mỹ.

SỨC MẠNH BẮT ĐẦU TẠI QUÊ NHÀ

Một số câu hỏi cấp bách nhất về chính sách Trung Quốc của Mỹ xoay quanh các câu hỏi về chính sách trong nước, vốn tạo nên nền tảng cho sức mạnh của Mỹ. Nhưng nền tảng của sức mạnh đó đã suy yếu, đặc biệt là kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Chính quyền mới cần phải thực hiện các cải cách cơ cấu đáng kể để khắc phục những điểm yếu này.

Mỹ cần phải nâng cấp cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình để nhanh chóng ngăn chặn Trung Quốc, và nếu cần thiết, là để đánh bại họ trong một cuộc xung đột tiềm tàng. Với tình hình hiện tại, người Mỹ sẽ dùng hết sạch đạn dược của mình chỉ sau một tuần giao tranh liên tục và sẽ phải chật vật tìm cách đóng lại các tàu mặt nước sau khi chúng bị đánh chìm, vì năng lực đóng tàu toàn quốc của Mỹ còn thấp hơn năng lực của chỉ một trong những xưởng đóng tàu chính của Trung Quốc. Chính quyền Trump phải tập trung vào việc đạt được tiến triển theo hai mốc thời gian: cần 2 năm để triển khai thêm các hệ thống không người lái và tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như 5 đến 10 năm để phục hồi ngành đóng tàu của Mỹ, vốn đã suy yếu suốt hàng chục năm mà không có một khu vực thương mại đủ mạnh để duy trì khả năng tồn tại.

Washington cũng cần bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của mình khỏi các cuộc tấn công mạng. Trung Quốc đã xâm phạm những cơ sở hạ tầng quan trọng mà hàng triệu người Mỹ đang phụ thuộc vào, bao gồm hệ thống nước và khí đốt, giao thông vận tải và viễn thông, với mục đích kích động hỗn loạn, gieo rắc hoảng loạn, và làm suy giảm ý chí của Mỹ trong một kịch bản xung đột. Trong lúc đầu tư vào khả năng tấn công, chính quyền Trump cũng cần tăng cường khả năng phòng thủ thông qua sự kết hợp của các biện pháp quản lý, các đạo luật mới buộc các công ty phải chịu trách nhiệm cho việc phòng thủ mạng kém hiệu quả, và các nỗ lực kỹ thuật mới giúp cản trở khả năng tác nhân xấu xâm nhập hệ thống mạng của Mỹ.

Cuối cùng, Mỹ cần đầu tư vào tái công nghiệp hóa và lãnh đạo công nghệ. Trung Quốc hiện chiếm hơn 30% sản lượng chế tạo toàn cầu, sở hữu khả năng đổi mới thành công, ngày càng dẫn đầu trong các lĩnh vực của tương lai và đang chuyển hướng một lượng vốn lớn vào sản xuất chế tạo vì thị trường nhà đất của nước này bị trì trệ. Kết quả là, một “cú sốc Trung Quốc” thứ hai – tương tự như cú sốc đã nhấn chìm thị trường Mỹ với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc vào đầu thế kỷ này – sẽ đe dọa tương lai của Mỹ như một cường quốc công nghiệp và khiến Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ. Giải quyết vấn đề này sẽ không chỉ đòi hỏi thuế quan mà còn cả các chính sách công nghiệp để kích thích ngành chế tạo và công nghệ cao, cũng như sự phối hợp với các đồng minh và đối tác. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào các đồng minh, chẳng hạn như thuế quan, sẽ gây khó khăn cho Mỹ trong việc lôi kéo họ vào các nỗ lực bảo vệ chống lại tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc.

Để thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước này, chính quyền Trump không thể chỉ dựa vào các cơ quan hành pháp. Họ sẽ cần sự ủng hộ đáng kể của quốc hội lưỡng đảng. Chính quyền Biden đã tiếp cận một số sáng kiến trong nước lớn theo cách này, bao gồm việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng và Đạo luật CHIPS và Khoa học, và chính quyền Trump cũng có thể làm như vậy.

Chính quyền Trump cũng sẽ cần huy động công chúng Mỹ. Kể từ vụ tấn công ngày 11/09/2001, mọi tổng thống Mỹ đều có bài phát biểu vào giờ vàng từ Phòng Bầu dục về một số khía cạnh của chính sách Trung Đông. Nhưng không một ai làm như vậy về Trung Quốc. Trump có thể cân nhắc một bài phát biểu trước toàn quốc về chính sách Trung Quốc, nhưng cách ông định hình bản chất của cuộc cạnh tranh với Trung Quốc vẫn quan trọng hơn việc ông có đưa ra một bài phát biểu như vậy hay không. Với giọng điệu sáng suốt nhưng không mang tính kích động, nhấn mạnh vào sự cạnh tranh nhưng không nhất thiết phải đối đầu, và bằng việc liên kết sự cạnh tranh với Trung Quốc trực tiếp với lợi ích của người Mỹ, Trump có thể tập hợp công chúng Mỹ, xã hội dân sự, giới học giả, và giới doanh nhân ủng hộ những nỗ lực của chính quyền.

SỨC MẠNH CỦA QUY MÔ

Vấn đề của thách thức Trung Quốc một phần là về quy mô. Trung Quốc có dân số cao gấp bốn lần Mỹ. Họ cũng là quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 100 quốc gia. Để có thể cạnh tranh, Mỹ cần tạo dựng quy mô của riêng mình. Con đường tốt nhất để cạnh tranh với quy mô của Trung Quốc sẽ thông qua các đồng minh và đối tác.

Sức mạnh của Mỹ bắt nguồn từ mạng lưới liên minh và quan hệ đối tác phong phú của nước này. Ngoài việc giải quyết các vấn đề về cấu trúc trong nước, chính quyền Trump sẽ cần tăng cường phối hợp với các quốc gia thân thiện trong hai lĩnh vực chính: kinh tế và công nghệ, và an ninh.

Để tránh cú sốc Trung Quốc thứ hai và tạo điều kiện thuận lợi cho tái công nghiệp hóa, chính quyền Mỹ sẽ cần tập hợp thị trường của các đồng minh và đối tác, đồng thời liên kết với họ về các biện pháp thuế quan và quy định bảo vệ ngành công nghiệp phương Tây. Và để duy trì vị thế dẫn đầu về công nghệ, Mỹ sẽ cần hợp tác về kiểm soát xuất khẩu để ngăn chặn công nghệ nhạy cảm rơi vào tay Trung Quốc.

Trong khi đó, để ngăn chặn hành động xâm lược của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, chính quyền Trump nên dựa vào những thành công hợp tác của chính quyền Biden trong khu vực, bao gồm AUKUS, một quan hệ đối tác an ninh ba bên nhằm cung cấp cho Australia năng lực tàu ngầm hạt nhân; Quad, tập hợp Mỹ, Australia, Ấn Độ, và Nhật Bản lại với nhau; và những nỗ lực đa dạng hóa dấu ấn của lực lượng quân sự Mỹ trên khắp Australia, Nhật Bản, Papua New Guinea, Philippines, và nhiều nơi khác – vốn đã làm giảm nguy cơ mà các hệ thống tên lửa của Trung Quốc gây ra cho các lực lượng Mỹ gần Trung Quốc và cho phép Mỹ hoạt động một cách linh hoạt và bền bỉ hơn. Chiến lược răn đe cũng đòi hỏi phải cung cấp cho các đồng minh và đối tác các năng lực bất đối xứng thông qua việc bán vũ khí và định vị các năng lực của Mỹ trên lãnh thổ của họ, như Mỹ đã làm gần đây bằng cách triển khai hệ thống tên lửa Typhon ở Philippines để đặt ra cái giá cho hành động xâm lược của Trung Quốc. Và cuối cùng, gần như chắc chắn sẽ cần phải hợp tác với các đồng minh và đối tác để tăng chi phí kinh tế và chính trị cho chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc ở châu Á, bao gồm thông qua các lệnh trừng phạt và tuyên bố phối hợp để đáp trả hoạt động quân sự của Trung Quốc. Không có bước nào trong số những bước này là khả thi nếu Mỹ đơn độc.

Liệu chính quyền Trump có thể đạt được sự hợp tác về các ưu tiên này hay không phụ thuộc vào cách họ tiếp cận các đồng minh và đối tác. Vì lý do chính đáng, các nhà lãnh đạo châu Âu đang lo ngại rằng Trump sẽ áp thuế quan lên nền kinh tế của họ, cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine, gây sức ép buộc châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng, và có thể theo đuổi một hình thức hòa hoãn riêng với Nga với hy vọng rằng sự can dự gia tăng của Mỹ có thể làm suy yếu quan hệ Trung-Nga. Các quan chức chính quyền Mỹ nên sử dụng đòn bẩy của họ đối với các nước châu Âu để tạo ra một sự điều chỉnh sâu rộng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, một sự điều chỉnh sẽ đảm bảo rằng châu Âu củng cố khả năng phòng thủ, tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, và phối hợp với Mỹ để áp đặt các biện pháp kinh tế và công nghệ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu. Cách tiếp cận này sẽ khôn ngoan hơn là thúc đẩy một loạt những nhượng bộ ngay lập tức và hào nhoáng trong ngắn hạn, vốn có thể gây tổn hại đến các liên minh mà không điều chỉnh chúng một cách có ý nghĩa. Tương tự, ở châu Á, những lời đe dọa trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump về việc rút quân đội Mỹ khỏi các nước đồng minh, yêu cầu trả tiền nhiều hơn cho các căn cứ của Mỹ, hoặc từ bỏ các cam kết quốc phòng của Mỹ đều dựa trên đòn bẩy thực sự của Mỹ. Nhưng chúng đã bỏ qua thực tế là các đồng minh của Mỹ trong khu vực cũng phải quan tâm đến tình hình chính trị trong nước của họ, trong đó cử tri thường phản ứng tiêu cực với áp lực công khai từ Mỹ. Một cách tiếp cận tinh tế để lôi kéo họ vào chiến lược Trung Quốc sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

ĐE DỌA, LỪA DỐI, VÀ HỨA HẸN

Về phần mình, Bắc Kinh cũng đã có những bước chuẩn bị cho chính quyền Mỹ sắp tới. Họ vô cùng lo ngại về lời đe dọa áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc của Trump và đã ra hiệu rằng họ đã sẵn sàng trả đũa bằng thuế quan, kiểm soát xuất khẩu, và các lệnh trừng phạt của riêng mình, cũng như đàn áp các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Nếu các quan chức Trung Quốc tin rằng sự trả đũa sẽ kích động Trump leo thang hơn nữa, họ có thể sẽ kiềm chế, phản ánh hành vi của họ trong cuộc thương chiến trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Tuy nhiên, nếu họ tin rằng sự trả đũa có thể khiến chính quyền Trump lùi bước vì sợ lạm phát gia tăng, hoặc gây ra rủi ro đối với các công ty chủ chốt của Mỹ, thì nhiều khả năng họ sẽ phản ứng dữ dội hơn, thậm chí có thể tìm cách “leo thang để xuống thang,” một chiến thuật mà Bắc Kinh đã thử nghiệm khi nhắm mục tiêu vào Micron, một nhà sản xuất chất bán dẫn của Mỹ, và lệnh áp dụng kiểm soát xuất khẩu gần đây đối với các nguyên tố đất hiếm để đáp trả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn một khả năng thứ ba: nếu Trump áp thuế 60% vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, và tỏ ra ít quan tâm đến đàm phán, và Trung Quốc kết luận rằng những rủi ro đối với nền kinh tế của nước này (và danh tiếng của Tập) là có thật và không thể chấp nhận được; do đó, Bắc Kinh có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả mạnh mẽ, bất kể phản ứng dự kiến của Mỹ là gì.

Không rõ liệu lời đe dọa thuế quan của chính quyền Trump có phải là một chiến thuật đàm phán nhằm buộc Trung Quốc thay đổi hành vi, hay một chính sách không nhân nhượng của Mỹ nhằm đạt được phân tách hai nền kinh tế, hay là sự kết hợp của cả hai. Đối với Bắc Kinh, kết quả tốt nhất có thể là hy vọng rằng đó chỉ là chiến thuật đàm phán, và thông qua sự kết hợp giữa trả đũa và ngoại giao cá nhân, họ có thể thúc đẩy một cuộc mặc cả bao gồm các biện pháp thương mại, công nghệ, và thậm chí là chống ma túy. Để tăng khả năng xảy ra kết quả này, ban đầu Bắc Kinh có thể trả đũa các công ty có quan hệ chặt chẽ với Trump, bao gồm cả Tesla của Elon Musk, để khuyến khích giảm leo thang. Các quan chức Trung Quốc cũng có thể tìm cách tách Trump ra khỏi đội ngũ nhân viên cứng rắn hơn của ông, và tìm cách khai thác lợi ích cá nhân trực tiếp của ông, như họ đã làm trong các cuộc đàm phán sau khi bắt đầu thương chiến Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Chiến lược của họ đã khiến Trump hạ thấp tầm quan trọng của cuộc đàn áp người biểu tình Hong Kong của Trung Quốc, bày tỏ sự ủng hộ đối với các trại tập trung của nước này ở Tân Cương, đề nghị dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu đối với Huawei và ZTE, và thậm chí chấp nhận một thỏa thuận thương mại không đề cập đến các hoạt động chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Với lịch sử này, khả năng Bắc Kinh đề xuất một thỏa thuận lớn với Trump – trong đó kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và các chính sách không thể thương lượng khác của Mỹ (có thể bao gồm cả chính sách Đài Loan) được đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh – nên đặc biệt khiến đội ngũ nhân viên có xu hướng cạnh tranh hơn của chính quyền lo ngại. Một đề xuất như vậy nên bị bác bỏ.

Con đường thông minh nhất cho chính quyền Trump về thuế quan có lẽ nên là tăng dần – hoặc đe dọa tăng dần – thuế quan, thay vì đánh thuế cao ngay lập tức. Cách tiếp cận này sẽ làm phức tạp khả năng Bắc Kinh phản ứng dữ dội và cáo buộc Mỹ là thế lực phá hoại duy nhất trong hệ thống thương mại. Nó cũng sẽ cho các công ty Mỹ và nước ngoài thời gian để điều chỉnh. Và nó có thể cho phép Mỹ đạt được những nhượng bộ có ý nghĩa từ Bắc Kinh bằng cách trao cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc không gian chính trị để hướng tới một thỏa thuận, thay vì ngay lập tức dồn họ vào chân tường và buộc họ phải trả đũa.

Ngoài thương chiến, Bắc Kinh sẽ tìm cách thể hiện mình là một nhà lãnh đạo toàn cầu và mô tả Mỹ như một quốc gia đang lao dốc trong suy thoái. Bảy năm trước, để đáp lại lần đắc cử đầu tiên của Trump, Tập đã cố gắng định vị Trung Quốc là người bảo vệ toàn cầu hóa tại Davos, tuyên bố rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt dòng chảy vốn, công nghệ, sản phẩm, các ngành công nghiệp, và con người giữa các nền kinh tế… đều đi ngược lại xu hướng lịch sử.” Một cuộc thương chiến sẽ mang đến một tình trạng như vậy. Nhưng lần này, ngoài việc tuyên bố mình là người bảo vệ hệ thống kinh tế toàn cầu, Tập có thể hướng đến việc định vị Trung Quốc là một bên trung gian cho các cuộc xung đột hiện tại ở Trung Đông và Châu Âu, dù giả định đó có vô lý đến đâu.

Bắc Kinh cũng tin rằng căng thẳng với chính quyền Trump sẽ đòi hỏi phải hàn gắn quan hệ với các cường quốc khác. Họ đã tăng cường tương tác ngoại giao với châu Âu và Nhật Bản, đồng thời theo đuổi một thỏa thuận giảm leo thang biên giới với Ấn Độ. Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện quan hệ với các đồng minh và đối tác của Mỹ, không chỉ để giảm áp lực cho chính mình, mà còn để cung cấp một giải pháp thay thế mà các quốc gia này có thể chuyển sang nếu họ tin rằng cách tiếp cận của Washington là quá trừng phạt. Bắc Kinh xem mạng lưới liên minh của Mỹ là lợi thế chính của Washington trong cạnh tranh địa chính trị, và họ hy vọng rằng việc chính quyền Trump thứ hai gây tổn hại đến các quan hệ đối tác đó – như chính quyền đầu tiên đã làm – có thể tạo ra các cơ hội. Do đó, Trump không nên để mình rơi vào tay Bắc Kinh theo cách này.

Chính quyền Trump sẽ xây dựng ngoại giao song phương với Trung Quốc như thế nào vẫn là một câu hỏi mở. Các kênh liên lạc hiệu quả nhất là thông qua Nhà Trắng, giống như dưới thời chính quyền Biden, nơi ngoại giao cấp lãnh đạo và kênh liên lạc giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và chủ nhiệm văn phòng ủy ban công tác ngoại sự trung ương Trung Quốc đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc quản lý cạnh tranh, mà còn trong việc truyền đạt các lằn ranh đỏ. Chính quyền Trump có thể đạt kết quả tốt bằng cách khởi động lại kênh liên lạc cấp Cơ quan An ninh Quốc gia do chính quyền Biden phát triển. Nhưng xét đến xu hướng ứng biến và tìm kiếm các giao dịch được ghi nhận của Trump, ngoại giao cấp lãnh đạo có thể khiến việc duy trì một cách tiếp cận thực sự cạnh tranh trở nên khó khăn hơn.

Ngoài vấn đề ngoại giao song phương và thuế quan, chính quyền Trump cũng phải giải quyết chính sách đối ngoại quyết đoán hơn của Trung Quốc. Eo biển Đài Loan, sau một thời gian hạ nhiệt ngắn ngủi, đang ngày càng trở thành căng thẳng vì Bắc Kinh không tin tưởng vào ban lãnh đạo mới của Đài Loan và đang cho triển khai các cuộc tập trận quân sự ngày càng lớn xung quanh Đài Loan. Việc Trung Quốc liên tục quấy rối các tàu của Philippines, bao gồm các sự cố ở Bãi Cỏ Mây khiến một số thủy thủ Philippines bị thương và có nguy cơ kích hoạt các cam kết quốc phòng của Mỹ, đã đưa Biển Đông đến bờ vực khủng hoảng. Trung Quốc cũng đang hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine theo những cách trắng trợn hơn, cung cấp vật liệu cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và, theo các cơ quan tình báo châu Âu, còn hỗ trợ vũ khí sát thương.

Đối với đội ngũ an ninh quốc gia của chính quyền Mỹ sắp tới, việc giải quyết các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương  trong khi quản lý các cuộc xung đột ở Trung Đông và Châu Âu sẽ là một thách thức. Chính quyền nên chống lại sức hút của những cuộc xung đột đó và ưu tiên khôi phục các nguồn sức mạnh của Mỹ. An ninh quốc gia không chỉ là chính sách đối ngoại. Đội ngũ của Trump nên nhớ rằng chìa khóa cho thập kỷ quyết định này không chỉ là những gì Mỹ làm ở nước ngoài. Những gì Mỹ làm trong nước để cải thiện vị thế cạnh tranh của mình có thể còn quan trọng hơn.

Rush Doshi là Giám đốc Sáng kiến về Chiến lược Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là Giáo sư tại Trường Ngoại giao Edmund A. Walsh thuộc Đại học Georgetown. Trước đây, ông từng giữ chức Phó Giám đốc về Các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Biden.

Related posts