Đằng sau cuộc khủng hoảng hiến pháp chưa hồi kết của Hàn Quốc

Nguồn: Michelle Kim, “South Korea Is in Constitutional Chaos,” Foreign Policy, 09/12/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sau lệnh thiết quân luật ngắn ngủi, không ai biết ai là người đang nắm quyền.

Thứ Ba tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn chính trị khi bất ngờ tuyên bố – và sau đó rút lại – lệnh thiết quân luật. Đây là lần đầu tiên thiết quân luật được áp dụng ở nước này kể từ năm 1980, khi Tổng thống Chun Doo-hwan tiến hành đảo chính và thảm sát hàng nghìn người biểu tình dân chủ trong Cuộc Nổi dậy Gwangju. Đối với người dân Hàn Quốc, tuyên bố của Yoon là một sự thức tỉnh phũ phàng trước thực tế rằng thời kỳ đen tối của chế độ độc tài quân sự có thể vẫn chưa thuộc về dĩ vãng.

Sang thứ Bảy, hàng chục ngàn người biểu tình tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại Yeouido, kêu gọi luận tội Yoon. Nhưng yêu cầu luận tội tổng thống của đảng đối lập đã bị bác bỏ. Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ của Yoon đã tẩy chay cuộc bỏ phiếu, vì thế đã không thể đạt được mức phiếu hai phần ba cần thiết để thông qua động thái luận tội. Trong khi nhiều thành viên của đảng, bao gồm cả lãnh đạo Han Dong-hoon – một người được Yoon bảo trợ, nhưng sau này trở thành một nhà phê bình kiên quyết – công khai lên án Yoon, thì đảng vẫn lo ngại rằng việc luận tội ông sẽ trao lại chức tổng thống cho Đảng Dân chủ Đồng hành đối lập.

Sự miễn cưỡng của Đảng Quyền lực Nhân dân trong việc luận tội tổng thống bắt nguồn từ một bài học đau đớn mà họ đã học được vào năm 2016. Khi Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội vì một vụ bê bối tham nhũng sâu rộng, đảng của bà đã sụp đổ và để mất chức tổng thống vào tay lãnh đạo Đảng Dân chủ Đồng hành Moon Jae-in. Họ đã đấu tranh suốt nhiều năm để giành lại sự ủng hộ của công chúng. “Nếu chúng ta lại luận tội một tổng thống khác mà chúng ta đưa lên nắm quyền, làm sao chúng ta có thể yêu cầu người dân bỏ phiếu cho mình một lần nữa?” Kim Gi-hyeon, một thành viên của đảng đặt câu hỏi.

Phẫn nộ vì cuộc tẩy chay, người biểu tình đã tấn công các đảng viên bằng tin nhắn và cuộc gọi điện thoại. Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ Đồng hành, tuyên bố rằng đảng của ông sẽ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu luận tội khác vào thứ Bảy tới. Vì các đảng đối lập hiện kiểm soát 192 trong số 300 ghế trong Quốc hội, họ sẽ cần phải thuyết phục được ít nhất tám thành viên của Đảng Quyền lực Nhân dân để thông qua động thái này.

Hàn Quốc giờ đây đang phải đối mặt với một cuộc chiến kéo dài về bất ổn chính trị và hỗn loạn hiến pháp.

Tuyên bố thiết quân luật của Yoon đã gây chấn động khắp đất nước. Nhưng các thành viên của Đảng Dân chủ Đồng hành từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Yoon có thể thực hiện một động thái như vậy. Tại một cuộc họp của Hội đồng Tối cao Đảng Dân chủ Đồng hành được tổ chức hồi tháng 8, Kim Min-seok – một nhân vật có ảnh hưởng trong đảng, người từng là một sinh viên biểu tình nhiệt thành trong phong trào dân chủ hóa của đất nước và là người được cựu Tổng thống Kim Dae-jung bảo trợ – cho biết ông có “niềm tin có cơ sở” rằng Yoon đang âm mưu ban bố thiết quân luật. Tuy nhiên, các nhà lập pháp khác đã bác bỏ tuyên bố của ông, gọi nó là thuyết âm mưu. Sang tháng 9, Kim đã trình lên một sửa đổi đối với thiết quân luật để ngăn chặn “một cuộc đảo chính trá hình dưới dạng thiết quân luật.”

Bản sửa đổi đề xuất rằng, ngoại trừ trong thời chiến, tổng thống phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội trước khi ban bố thiết quân luật. Nó cũng đảm bảo các nhà lập pháp bị quân đội trong giai đoạn thiết quân luật bắt giữ hoặc giam giữ vẫn có quyền để bỏ phiếu về tuyên bố của tổng thống. Khi tình trạng hỗn loạn diễn ra trong đêm, những đề xuất này đã giải quyết được chính những lỗ hổng mà Yoon đã cố gắng khai thác để lật đổ các biện pháp bảo vệ hiến pháp.

Đây không phải là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc sử dụng thiết quân luật trong bối cảnh bê bối chính trị ngày càng gia tăng. Năm 2016, Kim Min-seok phát hiện ra bằng chứng cho thấy Tổng thống Park Geun-hye đang chuẩn bị ban bố thiết quân luật để tránh các cáo buộc liên quan đến bê bối tham nhũng của bà. Tháng 07/2018, một tài liệu nội bộ từ Bộ Tư lệnh An ninh Quốc phòng tiết lộ rằng Park đã lên kế hoạch triển khai quân đội và xe tăng để đàn áp người biểu tình và bắt giữ các nhà lập pháp đối lập. Trớ trêu thay, Yoon chính là tổng công tố viên đi đầu trong vụ án tham nhũng dẫn đến việc luận tội Park.

Yoon, người nổi tiếng với tư cách là Trưởng Công tố dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với tỷ lệ chênh lệch số phiếu chưa đến 1% – một kết quả được mọi người cho là cuộc trưng cầu dân ý về chính phủ của Moon hơn là sự ủng hộ dành cho Yoon. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2022, Yoon đã đối mặt với một nhiệm kỳ bế tắc chính trị và một loạt các vụ bê bối liên quan đến ông và vợ, bao gồm cả cáo buộc rằng bà đã nhận hối lộ một chiếc túi xách hàng hiệu và âm mưu thao túng giá cổ phiếu của Deutsche Motors. Trong vài tháng qua, những cáo buộc rằng cặp đôi này đã sử dụng ảnh hưởng của mình để trục lợi trong một cuộc bầu cử bổ sung của quốc hội đã trở thành tiêu đề trên các mặt báo. Tỷ lệ ủng hộ Yoon đã lao dốc và những lời kêu gọi luận tội ông ngày càng gia tăng.

Việc ban bố thiết quân luật là một động thái tuyệt vọng của vị tổng thống không được lòng dân đang sa lầy trong khủng hoảng – “một nỗ lực cuối cùng điên cuồng.” Lãnh đạo Đảng Cải cách Mới Lee Jun-seok, người từng là đồng minh thân cận của tổng thống, cho biết việc truy tố một nhân vật chủ chốt trong vụ bê bối lạm quyền này, chỉ vài giờ trước tuyên bố thiết quân luật của Yoon, có lẽ chính là giọt nước tràn ly.

Nếu chỉ vì động cơ chính trị trong nước, Yoon không có căn cứ hiến pháp nào để ban bố thiết quân luật. Điều 77 của Hiến pháp Hàn Quốc cho phép tổng thống ban bố thiết quân luật để duy trì an toàn và trật tự công cộng khi xảy ra “chiến tranh, xung đột vũ trang, hoặc các tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự.” Không có lý do nào mà Yoon đưa ra trong bài phát biểu trên truyền hình của mình – các yêu cầu luận tội đối với các thành viên nội các của ông hoặc các nỗ lực cắt giảm ngân sách của chính phủ của ông – có thể được xem là tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự như chiến tranh. Trong trường hợp của Yoon, “các yêu cầu về thiết quân luật không thể nào được đáp ứng,” Han In-sup, một giáo sư luật tại Trường Luật Đại học Quốc gia Seoul viết.

Mệnh lệnh của Yoon cũng chứa đầy những vi phạm về thủ tục hiến pháp. Trong vòng một giờ sau bài phát biểu trên truyền hình của ông, chỉ huy lực lượng thiết quân luật Park An-soo đã ban hành một tuyên bố cấm mọi hoạt động chính trị, bao gồm cả hoạt động của Quốc hội. Đây là một sắc lệnh chưa từng có tiền lệ. Không có tuyên bố nào được ban hành theo bất kỳ lệnh thiết quân luật nào trong lịch sử Hàn Quốc từng cấm Quốc hội thực hiện quyền lập pháp của mình.

Khi các nhà lập pháp vội vã đến Quốc hội để hủy bỏ mệnh lệnh của Yoon, cảnh sát đã ngăn chặn họ vào tòa nhà, trong khi quân đội thiết quân luật xông vào phòng họp để ngăn họ bỏ phiếu. Hong Jang-won, Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia, nói rằng ông được Yoon ra lệnh hợp tác với Bộ Tư lệnh Phản gián Quốc phòng để bắt giữ và giam giữ những nhân vật chính trị nổi tiếng, bao gồm Lee Jae-myung và Han Dong-hoon, với cáo buộc là “lực lượng chống phá nhà nước.”

Những nỗ lực của Yoon nhằm ngăn chặn hoặc phá hoại cuộc bỏ phiếu khẩn cấp của cơ quan lập pháp đã vượt qua ranh giới hiến pháp của quyền lực tổng thống. Trong trường hợp khẩn cấp quốc gia, Điều 77 cho phép tổng thống hạn chế quyền hạn của cơ quan hành pháp và tư pháp, nhưng không phải của cơ quan lập pháp. “Hiến pháp không cho phép tổng thống thực hiện bất kỳ biện pháp nào chống lại cơ quan lập pháp,” Jeon Hak-seon, giáo sư luật tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk cho biết. Thiết quân luật trao cho tổng thống những quyền hạn đáng kể trong trường hợp khẩn cấp, nhưng nó cũng chỉ định cơ quan lập pháp đóng vai trò kiềm chế những quyền hạn đó.

Những nỗ lực của Yoon nhằm làm suy yếu thẩm quyền kiềm chế đối trọng của cơ quan lập pháp đã vi phạm hiến pháp một cách rõ ràng.

Tuyên bố thiết quân luật của ông cũng có thể dẫn đến một cuộc nổi loạn. Trong một phán quyết về Cuộc Nổi dậy Gwangju, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã nêu rõ rằng việc sử dụng vũ lực để khiến một thể chế nhà nước không có khả năng thực hiện các quyền hiến định của mình đã cấu thành hành vi lật đổ hiến pháp. Tòa án viện dẫn việc Tổng thống Chun Doo-hwan triển khai quân đội để phong tỏa Quốc hội và ngăn cản các nhà lập pháp nhóm họp như một ví dụ rõ ràng về việc vô hiệu hóa các chức năng hiến định của cơ quan lập pháp. Hành động của Yoon rất giống với hành động của Chun, người cuối cùng đã bị kết tội phản quốc và nổi loạn.

Sau khi các đảng đối lập, hiệp hội luật sư, và các tổ chức dân sự đệ đơn khiếu nại, phía cảnh sát và công tố đã bắt đầu điều tra các cáo buộc nổi loạn chống lại Yoon. Dù tính hợp hiến và tính phạm tội của lệnh thiết quân luật của Yoon vẫn là những câu hỏi riêng biệt, các chuyên gia dự đoán rằng nếu đương kim tổng thống bị luận tội, ông cũng sẽ bị truy tố vì tội nổi loạn. Nếu bị kết tội, Yoon có thể phải đối mặt với án chung thân hoặc tử hình.

Sau khi động thái luận tội không được thông qua, Han Dong-hoon đã trấn an công chúng rằng Yoon sẽ “từ chức một cách có trật tự.” Ông nói rằng trước khi từ chức, tổng thống sẽ bị loại khỏi các vấn đề nhà nước, bao gồm cả ngoại giao. Thay vào đó, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ điều hành chính phủ trong sự tham vấn chặt chẽ với Đảng Quyền lực Nhân dân.

Lee Jae-myung chỉ trích nỗ lực của Han Dong Hoon nhằm giữ ghế tổng thống cho đảng của ông, cáo buộc ông này dàn dựng “một cuộc đảo chính thứ hai.” Lee khẳng định hiến pháp không cho phép đảng cầm quyền hoặc thủ tướng đảm nhiệm các nhiệm vụ hành pháp của tổng thống trong khi ông vẫn tại nhiệm. Chức tổng thống có thể bị bãi nhiệm thông qua luận tội hoặc từ chức, nhưng không thể giao cho người khác ngoài các thủ tục được liệt kê trong hiến pháp.

Những người chỉ trích cho rằng Han đang cố gắng trì hoãn sự ra đi của Yoon để tranh thủ thời gian đưa mình lên làm nguyên thủ quốc gia tiếp theo.

Với một vị tổng thống bị tê liệt không muốn từ chức, một lãnh đạo đảng tìm cách giành vị trí tối cao, và phe đối lập quyết tâm luận tội tổng thống, Hàn Quốc có lẽ đang đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng hiến pháp mới.

Michelle Kim là một luật sư người Mỹ đang sinh sống tại Seoul.

Related posts