27.12.2024
Sau 50 năm cai trị đất nước Syria bằng bàn tay sắt, chế độ độc tài Assad sụp đổ chỉ trong 11 ngày kể từ khi lực lượng nổi dậy Hayat Tahrir al-Sham (HTS) bắt đầu tấn công vào thành phố Aleppo nằm ở khu vực phía tây bắc. Lần lượt sau đó là những thành phố khác rơi vào tay của quân nổi dậy như Idlib, Hama, Homs, và cuối cùng là thủ đô Damascus. Sự sụp đổ nhanh chóng bất ngờ của chế độ Assad đã để lại một khoảng trống quyền lực ở Syria. Các lực lượng quân sự ngoại quốc đã phải vội vã đưa quân đội đến khu vực quanh biên giới của nước này để tìm cách lấp vào khoảng trống đó.
Hoa Kỳ đã điều động máy bay ném bom B-52 để thực hiện các cuộc không kích vào hơn 75 mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở khu vực miền Trung Syria. Nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tấn công lực lượng người Kurd và chiếm giữ vùng lãnh thổ ở khu vực phía bắc. Và Israel đã ném bom hàng trăm mục tiêu quân sự của Syria trên khắp nước, phá hủy một cách có hệ thống khả năng quân sự của quốc gia thù địch với họ từ nhiều thập niên qua.
Mục đích các cuộc tấn công của những lực lượng quân sự nói trên là nhằm thực hiện điều mà họ ấp ủ từ lâu là đặt một số khu vực dưới sự kiểm soát của họ và điều này cũng làm nổi bật lên về tình trạng bất ổn trong tương lai của một quốc gia Syria mới, nơi mà các phe phái nổi dậy nhân cơ hội tình hình chưa ngã ngũ cũng đang tìm cách giành quyền kiểm soát ở một số khu vực khác. Tình hình ở Syria sẽ còn ngày một phức tạp thêm và sẽ tạo thêm khó khăn đối với nhóm nổi dậy chính HTS, là nhóm đã dẫn đầu cuộc tấn công chớp nhoáng, trong khi nhóm này đang tìm cách thành lập một chính phủ lâm thời. Trong khi chế độ Bashar al-Assad bị lật đổ đã làm suy yếu ảnh hưởng của các lực lượng đối thủ của Hoa Kỳ là Nga và Iran tại quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng này, thì sự tranh giành ảnh hưởng hiện đang xảy ra có thể khiến một đồng minh trong tổ chức NATO là Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ có những cuộc va chạm với quyền lợi của Hoa Kỳ và Israel tại đây.
Thử thách của Hoa Kỳ
Với một tình hình phức tạp như trên sẽ đặt ra một thử thách địa chính trị không nhỏ cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, ngay cả khi các cuộc xung đột ở Gaza và Lebanon đang ngày càng bớt căng thẳng hơn. Ông Trump đã tuyên bố ngay trước khi chế độ Assad sụp đổ rằng Hoa Kỳ nên tránh xa cuộc chiến ở Syria. Trong nhiệm kỳ trước, ông cũng đã cắt giảm sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại đây. Tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Hoa Kỳ đối mặt trong thời gian tới sẽ còn trở nên phức tạp hơn nhiều.
Ngay trước mắt, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một thử thách lớn về sự cam kết trong việc bảo vệ đồng minh chính của họ tại Syria – Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo – trong một khu vực mà Ankara và Washington trong quá khứ đã từng đứng bên bờ vực xung đột. Việc ông Trump cắt giảm lực lượng Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ đầu tiên đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng ủy nhiệm của họ đẩy nhóm lực lượng do người Kurd lãnh đạo ra khỏi dải lãnh thổ dọc theo biên giới phía bắc Syria. Việc Assad bị lật đổ, cùng với sự hiện diện của Nga bị thu hẹp, đã tạo cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nỗ lực nói trên. Các cuộc đụng độ mới nổ ra ở miền Bắc Syria trong thời gian gần đây sau khi nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã tấn công vào lực lượng SDF.
Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập niên qua đã phải chiến đấu với nhóm người Kurd ly khai ở trong nước và coi nhóm người Kurd Syria lãnh đạo lực lượng SDF là cánh tay nối dài của nhóm dân quân quốc nội mà họ coi là một tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ với lực lượng SDF từ nhiều năm qua trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Cuộc chiến nói trên vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden, và Hoa Kỳ đã nắm lấy cơ hội ngay sau khi chế độ Assad sụp đổ để tấn công các nhóm tàn dư của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Máy bay ném bom B-52, máy bay chiến đấu phản lực F-15E và máy bay tấn công A-10 của Hoa Kỳ đã thực hiện hàng chục cuộc không kích vào các doanh trại và địa điểm hoạt động của Nhà nước Hồi giáo ở khu vực miền Trung Syria. Theo một giới chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ, tính cho tới nay, tổng cộng có khoảng 140 trái bom đã được thả xuống hơn 75 mục tiêu.
Một mối lo ngại khác của Hoa Kỳ là khoảng 9.000 chiến binh Nhà nước Hồi giáo hiện đang bị giam giữ tại các trung tâm giam giữ ở khu vực đông bắc Syria và hàng chục nghìn người khác đang bị quản thúc tại trại tỵ nạn Al-Hol gần đó. Những chiến binh bị giam giữ và người tỵ nạn đang được lực lượng SDF bảo vệ và canh gác, sự sắp xếp này có nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục được duy trì cho tới khi nào lực lượng của Hoa Kỳ vẫn còn hiện diện ở đây.
Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ
Sự sụp đổ của chế độ Assad đã giúp nâng cao tầm ảnh hưởng của Ankara tại Syria. Những cuộc tiến quân của các nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở miền Bắc Syria trước đây đã từng bị kiềm chế, đặc biệt là bởi lực lượng của Nga, là lực lượng có nhiều khả năng sẽ rút lui ra khỏi khu vực, có thể cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thâu tóm thêm nhiều quyền lợi cho chính họ. Trong số các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ có các lực lượng nổi dậy mạnh nhất đã lật đổ Assad, bao gồm nhóm Quân đội Quốc gia Syria và nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều ảnh hưởng hơn đối với một chính phủ Damascus mới nay mai sẽ được thành lập.
Ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là bảo đảm rằng bất kỳ một khuôn khổ hiến pháp mới nào được đưa ra từ Damascus sẽ không dẫn đến việc lập ra một vùng đất của người Kurd với một mức độ tự chủ nào đó mà lực lượng SDF đã tranh đấu trong nhiều năm qua để cố giành cho được.
Quyền lợi của Israel
Chiến dịch quân sự dạo gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đẩy Ankara vào một cuộc khẩu chiến với Israel, là quốc gia mà trong những ngày gần đây đã phát động một chiến dịch không kích toàn diện nhắm vào hải quân, các kho vũ khí và các địa điểm quân sự khác của Syria với mục đích là làm cho kẻ thù lâu năm của họ suy yếu thêm, trong khi Israel cũng đang tìm cách tái lập lại trật tự địa chính trị mới của khu vực.
Israel cũng di chuyển quân đội của họ vào vùng đệm rộng 155 dặm vuông do Liên Hiệp Quốc giám sát ở Cao nguyên Golan được thiết lập giữa Israel và Syria sau cuộc chiến năm 1973.
Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Ai Cập và Qatar đã lên án việc Israel đưa quân đội vào vùng đệm này. Israel thì nói rằng họ không can thiệp vào cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ của Syria mà chỉ để giữ an ninh cho khu vực biên giới này.
Sau 13 năm nội chiến, quân nổi dậy Syria đã thành công trong việc lật đổ chế độ Assad. Nhưng cuộc tranh giành mới của các thế lực ngoại quốc đang đe dọa đẩy quốc gia này trở lại chiến tranh và có nguy cơ rơi vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
V.H.
Nguồn: baotreonline.com