Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 40 năm mà tới nay vẫn còn nhiều trong âm vang dư luận Việt và Mỹ. Có những bí ẩn, của những sắp xếp chính trị giữa các thế lưc cường quốc trên thế giới nên dù bây giờ đã đến thời hạn giải mật các hồ sơ tối mật của Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nên những câu hỏi thắc mắc để kiếm tìm sự thật lịch sử vẫn chưa dược giải đáp bao nhiêu. Ðã có nhiều phát biểu của các nhân vật chính trị quân sự coi như có thẩm quyền và hiểu biết cả hai phía Việt và Mỹ, cả hai chiến tuyến Việt quốc gia và Việt Cộng sản, Ðã có rất nhiều tài liệu sách vở của nhửng nhân chứng lịch sử nhưng khi cùng nói về những sự kiện thì lại mâu thuẫn nhau đến mức rõ ràng ai cũng nhận được. Riêng cá nhân tôi, khi xem những phim ảnh hoặc đọc những tài liệu sách vở đã có những thắc mắc hiển nhiên. Người xưa nói “tận tín thư bất như vô thư” nghĩa là nếu tin tưởng tuyệt đối vào sách vở thì nhiều khi không đọc lại có lợi hơn.
Tôi đọc bài viết “Last Men Out” của Đai sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam thời kỳ ấy Grahom Martin (bản dịch Nguyễn Huy Ðiền) về những ngày cuối cùng của Hoa Kỳ tại Việt Nam:
“Nếu có một nhân vật biết được ngọn ngành mọi việc, mọi trò của những người ỏ đấy (Sài Gòn, Việt Nam) thì chính là tôi. Nhưng vào chính giờ phút cuối có những người khác nữa làm làm gì khác thì tôi đành chịu, tôi không thể biết đích xác cho nổi.
Một ông đã gây rối cho tôi như thế nào chính là một người bạn tốt mà đến nay tôi vẫn thích, đó là Erich Von Marbod. Ông này đến Việt Nam từ bộ Quốc Phòng mà ông là phụ tá bộ trưởng. Ông ta cho không quân Việt Nam bay đi vài chiếc F-5 của họ sang Thái Lan. Việc này trái lệnh tôi. Một mặt, chẳng quan hệ gì. Nhưng ở mặt khác lại vô cùng hệ trọng. Bởi vì tôi đã yêu cầu ngoại trưởng Kissinger một thời hạn, tôi nói là 2 tuần. Chúng tôi cố mang đi tất cả các nhà thầu công tác quốc phòng mà chúng tôi không thể rõ hết là những người ấy cư ngụ ở những địa chỉ nào. Mà chúng ta thì không thể bỏ họ mà ra đi. Ðó là lúc đòi hỏi sự chậm rãi thận trọng. Cho nên việc ErichVon Marbod thuyết phục tướng Trần Văn Minh cho mấy cái phi cơ bay sang Thái Lan là một lỗi lầm rất lớn. Nó làm người Thái e ngại. Rồi những người đưa phi cơ sang bên ấy lại bị dấu diếm, họ không được báo trước rằng sau đó họ sẽ không được phép trở về với gia đình. Ðể làm họ dịu xuống người ta phải phục thuốc họ. Và chính những người này đã gây rối khi đến Guam. Lỗi của tôi, đáng lẽ tôi phải tống cổ Von Marbod từ hai ngày trước. Ðáng lẽ tôi cũng phải tống cổ cả Polgar đi, hắn không biết trời đất gì. Hắn không xứng đáng điều khiển cơ quan tình báo ở đấy. Hắn muốn chơi trội cùng với gã Malcolm Browne bên tờ Times và các ông bạn Hung Gia Lợi của hắn bên Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến, rồi cả William Colby lẫn Kissinger đều nói lại với tôi việc ấy và tôi đã nói với Polgar rằng nếu anh cứ tiếp tục làm những việc như thế tôi sẽ cắt hai hòn dái nhét vào mỗi lỗ tai của anh mỗi bên một hòn(?). Jim Kean đã nghe tôi nói với hắn như thế trong cầu thang máy.
Tôi đã không có gì để ân hận nhiều ngoài việc ân hận đã không tống cổ cả Polgar lẫn Von Marbod từ sớm. Họ đi hay ở cũng chẳng có gì khác biệt. Chỉ có hậu quả khác biệt trầm trọng mà sau đó tôi đã khám phá ra khi đọc tấm điện văn của các tướng Bắc Việt; họ nghĩ việc đưa mấy chiếc phi cơ sang Thái Lan là chúng ta đã nuốt lời hứa với họ. Chúng ta đã nói chúng ta sẽ không mang các chiến cụ đi. Chúng ta chỉ muốn họ để chúng ta yên ổn ra đi trong trật tự. Vì họ nghĩ chúng ta nuốt lời, hôm sau họ pháo kích vào phi trường giết mất vài lính Thủy Quân Lục Chiến của chúng ta. Vì vậy đến lúc tôi phải hạ lệnh trực thăng vận. Ðây là lúc mọi sự bắt đầu bung ra…”
Ðại sứ Martin đã nói về cái lịnh cho phi cơ F-5 di tản sang Thái Lan của Trung tướng tư lệnh KQVNCH và cho rằng vì cái lệnh này mà quân Cộng Sản pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất. Ðó có phải là sự thực?
Và cũng như việc những phi công VNCH mang máy bay đến căn cứ KQ Utapao ở Thái Lan bị giấu diếm tin tức nên đã gây rối đến nỗi các giới chức Mỹ phải “phục thuốc” để giải quyết. Một nhân chứng là Đại úy Trần Văn Phúc, người đã bay hai phi vụ cuối cùng chiều ngày 28 tháng tư và sáng sớm ngày 29 tháng Tư trên không phận Sài Gòn và anh cũng là người phi công VNCH rời khỏi phi trường Utapao xác nhận là chuyện mà Đại sứ Martin nói hoàn toàn không phải là sự thực. Ông kể lại: “Khoảng 4 hay 5 giờ chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975 tại Utapao, Thái Lan sau khi được biết có một phi vụ C-141 sẽ bay sang Tân Sơn Nhất chúng tôi gặp vị Đại Tá Mỹ chỉ huy phó căn cứ KQ Utapao. Chính tôi lập danh sách gồm 22 người tôi còn nhớ vài người như Thiếu Tá Võ Thành Tâm phi công C-47 nhà ở cư xá Thanh Ða, Thượng sĩ Lợi phi đạo A1… Chúng tôi mòn mỏi chờ đợi và đến 4 giờ sáng ngày 30 tháng tư vị CHP Căn cứ trả lời phi vụ C-141 bị hủy bỏ. Chúng tôi xin ông cho chúng tôi ở lại đất Thái để gần Việt Nam hơn, ông tận tình giải thích ông muốn giúp nhưng chính phủ Thái không muốn dính líu gì tới cuộc di tản của người Việt Nam Ông giải thích thêm đó là lý do các phi cơ VN vừa đáp xuống chúng tôi cho xóa lá cờ VN ngay. Ông khuyên chúng tôi nên đi Guam còn chuyện ở lại đất Thái thì không thể được. Hết cách chúng tôi giải tán. Tôi chờ cho mọi người đi gần hết tôi mới đi Guam ngày 4 tháng 5 năm 1975. Khi tới Guam nghe tin đồn: ‘Những người không chịu đi bị Mỹ đánh lừa rồi chích thuốc ngủ chở lên máy bay bằng băng ca…’”
Trung tướng Trần Văn Minh trong bài viết cuối đời “Sự Thật Ðời Tôi” đã phản bác lại sự kiện mà Đại sứ Martin đã viết trong “Last Men Out”. Vị cựu tư lệnh Không Lực VNCH viết:
“Gần trưa ngày 29 tháng tư, tôi nhận được một điện thoaiï gọi từ cơ quan DAO nói rằng sẽ có một cuộc họp giữa Mỹ và các cấp chỉ huy của VNAF. Tôi qua cơ quan DAO với nhiều người nữa. Chúng tôi được đưa vào một gian phòng. Rồi người ta để chúng tôi ngồi đó một lúc lâu. Chúng tôi nghĩ Ðại sứ Martin hay tướng Homer Smith (tùy viên quân sự) hoặc ai đó sẽ thuyết trình một kế hoạch đẩy lui Cộng Quân. Nhưng chẳng có ai thuyết trình cả… Không có ai thuyết trình cho đến xế trưa. Sau khi chúng toi đi vào khu vực DAO thì một người lính gác đã tước vũ khí của chúng tôi. Ðiều này chưa bao giờ xảy ra trước đó. Rồi cuối cùng cũng có một người mặc đồ sĩ quan bước vào phòng và nói rằng: ‘Ðã kết thúc rồi, thưa tướng Minh. Một trực thăng đang đợi ngoài kia sẽ đưa ông đi’. Chúng tôi bước ra chiếc trực thăng. Nó đưa chúng tôi ra chiếc Blue Ridge ngoài biển Ðông.
Một đại tá Không Quân Mỹ đang ngồi trên tàu với tôi. Ông ta ngồi kế bên tôi. Ông khóc suốt chuyến bay. Ông không nói được. Nhưng ông ấy đã viết lên một mảnh giấy rồi đưa cho tôi. Tôi đọc: “Thưa tướng quân, tôi rất tiếc”. Tôi vẫn còn giữ mảnh giất đó cho tới ngày hôm nay. Tôi sẽ giữ mảnh giấy ấy suốt đời. Tôi sẽ luôn nhó tới chuyến bay buồn thảm ra chiến hạm Blue Ridge…”
Như vậy khi đọc xong hai văn bản, chúng ta sẽ tin ai? Ông Ðại Sứ Hoa Kỳ Martin hay Trung Tướng Tư Lệnh KQ/VNCH Trần Văn Minh? Có ai ra lệnh cho phi cơ F-5 cất cánh sang phi trường Utapao ở Thái Lan không? Ðây có phải là một bí ẩn vào giờ cuối cùng của Sài Gòn thất thủ?
Có một phim tài liệu khá chân thực về những ngày cuối cùng của cuộc chiến khi Sài Gòn sắp thất thủ vào tay quân Cộng Sản.
Ngày 28 tháng 4 năm 2015, một bộ phim mới về chiến tranh Việt Nam được trình chiếu. Phim Last Day in Việt Nam với đạo diễn Rory Kennedy, con gái của cố Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, người đã chủ trương phải chấm dứt chiến tranh Việt Nam và cũng là cháu của Tổng thống John F. Kennedy người đã chủ trương can thiệp bằng quân sự vào Việt Nam. Ðây là một phim tài liệu ghi chép lại những hoạt cảnh cuối cùng khi Hoa Kỳ rút khỏi cuộc chiến. Những trang sử bi thảm được giở lại với những nhân chứng kể lại những câu chuyện của ngày mà Mỹ rút khỏi Việt Nam khi quân Cộng Sản Bắc Việt đang tiến vào Sài Gòn.
Cuốn phim mang theo một thông điệp khá nhân bản tuy vẫn chưa nói hết được sự thực lịch sử. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt như một kịch bản hoàn hảo của các thế lực ngoại cường quyết định. Như phim Viet Nam Viêt Nam của John Ford, người Mỹ đã vào đất nước này và tham dự cuộc chiến ra sao thì bây giờ với Last Day in Việt Nam thì người Mỹ đã thất hứa với đồng minh và chấm dứt cuộc chiến.Năm 1975, Tổng thống Gerald Ford Cộng Hòa ở một thế hành pháp bị Quốc hội dân chủ lấn áp nên bị bó tay và những quyết định cắt bớt quân viện trong khi phe Cộng sản lại gia tăng viện trợ khiến chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Phim Last Day in Việt Nam mở đầu với những trang lịch sử Việt Nam với Hiệp Ðịnh Paris năm 1973 với những điều khoản ngưng bắn, trao trả tù binh và dần dần rút quân về nước. Và khi quân Cộng sản tiến vào Sài Gòn, cảnh hoảng loạn đã diễn ra và thấy được người dân Nam Việt Nam ghê sợ Cộng sản như thế nào. Cuộc di tản với nhiều cảnh tượng bi thảm từ Đà Nẵng tới Sài Gòn khiến khán giả có cảm giác Cộng sản như một dịch bệnh khủng khiếp.
Trong những cuộc phỏng vấn, các nhân chứng đã kể về những điều mà họ chứng kiến cùng những nhận xét. Như cựu Đại úy Mỹ Herrington hồi nhớ lại những ngày trước đây 40 năm tả lại những cảnh hỗn loạn tại phi trường và chính ông đã giúp được nhiều người Việt Nam di tản. Dù Tổng thống Nixon đã hứa với Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu là sẽ can thiệp oanh tạc Bắc Việt khi Cộng sản vi phạm hiệp định Paris nhưng năm 1974 thì vì vụ Watergate nên bị từ chức và Tổng thống Gerald Ford lên thay ở trong thế yếu so với quốc hội Dân chủ nên bị bó tay. Sau khi cộng quân tấn công Ban Mê Thuột, Pleiku di tản và Ðà Nẵng cũng di tản theo. Ðại úy Harrington tố cáo sự tàn ác của quân Cộng sản và đối chiếu là phần phỏng vấn của Ðại tá Hải quân VNCH Ðỗ Kiểm nói về tình hình chiến cuộc ở Ðà Nẵng.Vì sự thay đổi quyết định của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc tử thủ lúc di tản nên tình hình suy đồi một cách nhanh chóng. Phim chiếu những cảnh hỗn loạn ở phi trường Ðà Nẵng, máy bay chưa đáp xong đã phải cất cánh vì đã đầy người. Tổng thống Ford cho biết khoảng 150 đến 170 ngàn quân lính Cộng sản Bắc Việt đang tiến quân chiếm miền Nam Việt Nam và hiện ở Ðà Nẵng có gần nửa triệu người tị nạn đổ về phía Nam hướng Sài Gòn.
Tổng thống Ford đề nghị quốc hội chấp thuận ngân khoản 722 triệu Mỹ kim khẩn cấp để cứu Miền Nam nhưng bị bác bỏ. Nhiều dân biểu cho rằng nước Mỹ đã chi tiêu hàng tỉ đô la cho chiến tranh VN mà vẫn không có kết quả thì với 722 triệu thì có kết quả gì. Chính ngoại trưởng Kissinger cũng tuyên bố 722 triệu không giải quyết được tình thế nên chỉ còn cách tổ chức di tản để có thể rút ra khỏi Việt Nam.
Last Day in Việt Nam nói về kế hoạch di tản, khởi đầu chỉ dự trù rút người Mỹ mà không bốc người Viêt Nam. Ngày 29 tháng 4 năm 1975, ở Sài Gòn đầy những tin đồn về cuộc di tản. Chỉ còn có khoảng hơn 5 ngàn người Mỹ và họ có một số thân nhân người Việt là ưu tiên cho cuộc di tản. Lãnh sự Mỹ tại Cần Thơ của quân khu 4 cũng nói về kế hoạch di tản. Ở tòa đại sứ Mỹ ở Sài gòn, quang cảnh thật là bi thảm nhưng cũng may là không có chuyện gì đáng tiếc. Theo như kế hoạch trực thăng vận, từ hạm đội ngoài biển Ðông, các trực thăng bay vào và bốc người đi. Từ các địa điểm tập trung rồi vào Tòa Ðại sứ nên khuôn viên nơi đây tràn ngập những người chờ được di tản.
Phim quay cảnh ngoài hạm đội Mỹ, cảnh các trực thăng đáp xuống khu trục hạm USS Kirk, cảnh tàu trực thăng bị đẩy xuống biển để lấy chỗ trống cho tàu khác đáp, cảnh lính Mỹ khám và tước vũ khí của người lính Việt. Tổng cộng có 17 trực thăng của KQ/VNCH đáp xuống chiến hạm này.
Phi công Đại úy Nguyễn Văn Ba lái chiếc trực thăng Chinook CH47 trong đó chở vợ con và những người quá giang không còn đủ nhiên liệu để bay xa hơn xin đáp xuống USS Kirk. Phi cơ quá lớn không thể đáp được nên ông đã “hover” trên sàn tàu để mọi người nhảy xuống được các thủy thủ đỡ rồi ông cho chiếc trực thăng lật ngửa trên mặt biển rồi cùng một lúc phóng xuống mặt nước lặn xuống bơi ra xa và thoát hiểm. Ðây là một cảnh sinh động trong phim.
Phim cũng quay lại cảnh hỗn loạn tại khuôn viên tòa đại sứ Mỹ. Chính ông Đại úy Mỹ phụ trách an ninh tòa đại sứ Herrington đã tuyên bố với mọi người là tất cả sẽ được di tản hết không ai bị bỏ lại.
Ở ngoài biển, những con tàu dân sự lớn cũng chở đầy những người tị nạn. Có những cố gắng để cứu giúp thêm trong việc vớt những người tị nạn từ những ghe nhỏ. Ở Sài Gòn, phim quay cảnh chiếc trực thăng cuối cùng rời khỏi tòa đại sứ. Cảnh hôi của, cảnh hỗn loạn trên đường phố. Lúc đó, quân Cộng sản tiến vào thủ đô Sài Gòn, tổng thống VNCH Dương Văn Minh bị buộc phải tuyên bố đầu hàng. Phim quay lại những cảnh tượng bi thảm của người lính VNCH thua trận.
Ðại tá Ðỗ Kiểm nói về lễ hạ cờ trên hạm đội khi các tàu chiến vào hải phận Phi Luật Tân. Chính phủ nước này sợ xích mích với Cộng Sản Việt Nam nên bắt hạ cờ VNCH và treo cờ Mỹ mới cho cập bến.
Cảnh cuối cùng của phim là cảnh 11 người lính TQLC Mỹ chờ trực thăng tới đón vào lúc gần 8 giờ sáng ngày 30 tháng tư năm 1975. Họ giã từ Việt nam và để lại 420 người Việt bị bỏ rơi trong khuôn viên tòa đại sứ. Thượng sĩ Juan Valdez là người sau cùng lên trực thăng. Ông đếm lại nhiều lần để chắc chắn rằng không bỏ sót lại một người lính nào trong toán của ông.
Phim tài liệu nên phần phỏng vấn các nhân vật lịch sử là chính yếu. Các nhân vật này nói về những diễn tiến lịch sử qua vài phút nên khó mà đầy đủ chi tiết và khán giả khi xem cũng hơi bị khó khăn khi theo dõi. Cũng như cuốn phim còn thiếu những diễn tiến khác như các tướng lãnh VNCH tự sát, hoặc những cảnh chiến đấu giờ thứ 25 của quân lực VNCH, để cân bằng với những cảnh hỗn loạn được chiếu.
Những nhân chứng được phỏng vấn là Ngoại trưởng Kissinger, phân tích gia CIA Frank Snepp, cố vấn Richard Amtage, cựu Đại úy Hugh Doyle, cựu Hạm trưởng Paul Jacob của khu trục hạm USS Kirk, cựu Đại úy Stuart Herrington, người phụ trách an ninh tòa đại sứ Mỹ, một số quân nhân Mỹ canh gác tòa đại sứ: Thượng sĩ Juan Valdez, Binh nhì Mike. Ðại tá Ðỗ Kiểm, Trung úy Phạm Hữu Ðàm, sinh viên Phó Ðức Bình là nhân chứng phía VNCH. Pham Hữu Ðàm bị bỏ lại, đi tù và 13 năm sau mới tới Mỹ. Phó Ðức Bình bị bắt giam một năm sau năm 1979 vượt biên và tới Mỹ.
Phần kết của phim là bài hát buồn bã và giọng nói u sầu của Đại úy Herrington: “Because we did’nt acted together. There were thousands and thousands of America who served in Việt Nam, who is setting at home hearts broken at watching this whole thing comes to none”.
Những ngày cuối tháng tư năm 1975 là những vết đen của lịch sử Hoa Kỳ. Nó là nguyên nhân hay hệ quả để chấm dứt một cuộc chiến?
Nhưng trong bài viết “Last Men Out” của Ðại Sứ Hoa Kỳ Grham Martin viết ra sao về nhân vật Ðại úy Herrington? Ông Đại sứ viết:
“Chúng tôi có một gã tên Stuart Herrington làm dưới quyền Đại tá Madison. Gã này đang giúp việc xếp người vào trực thăng trong sân tòa đại sứ. Gã có biết cái gì hơn là xếp người? Nhưng khổ nỗi gã là thứ mồm loa mép giải, đáng lẽ biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe. Ðằng này ai hỏi gì gã cũng trả lời láo lếu. Vì thế khi các phi công bay vào họ muốn hỏi tôi còn phải chở bao nhiêu người nữa, gã Herrington mau mồm nói: “hai ngàn hoặc hai ngàn rưỡi nữa”. Ông Đề đốc Noel Gayler ở ngoài hạm đội dãy nảy như gái ngồi phải cọc. Chở nhiều quá lỡ xảy ra tai nạn ai gánh đây? Là người phụ trách công tác ông ấy áp lực khủng khiếp mà thúc chúng tôi “Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ xong là bỏ đi quách đi, bỏ những người Việt ở lại”. Chuyện này không được. Ðây là chuyện mà tôi từ chối. Brent Scowcroft đã hứa với tôi rằng sẽ có 50 chuyến trực thăng cho người Việt và Ðại Hàn mà chúng tôi cam kết. Chúng tôi đã đếm kỹ lưỡng số người khi kéo họ qua bức tường lọt vào tòa Ðại Sứ. Nhiều người là những nhân vật trọng yếu, có người là bộ trưởng trong chính phủ… Tuy nhiên chúng tôi không có ý định mang họ vào rồi bỏ họ mà đi! Khốn thay, lời nói của gã Herrington với viên phi công được chuyển tới ông đề đốc rồi chuyển tới tư lệnh Thái Bình Dương lời nói ấy chuyển vòng đến Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger rằng: “Hễ cứ hỏi lúc nào Martin cũng bảo còn hai ngàn người nữa, bất kể đã chở được bao nhiêu Cứ cái đà này đến phút chót vẫn là hai ngàn người”. Trong công tác bê bết máu lửa này dựa trên lời hứa Scowcroft, chúng tôi đã phải thực sự tính toán cẩn thận: cứ mỗi chuyến chín mươi người. Ông ấy là cố vấn an ninh của tổng thống, không tin ở ông thì tin vào trời đất quỷ thần nào? Thế rồi đột ngột họ gửi thêm điện văn bảo: “Chấm dứt. Chuyến trực thăng kế tiếp xin ông đi đi cho!”. Tất cả chỉ vì gã Herrington này, sau đó anh ta lại viết sách và trở nên một đại anh hùng???”.
Ðại sứ Martin đã kết luận về công việc làm của mình trong biến cố ấy: “Trong lúc trực thăng bay. Chúng tôi đã rũ bỏ xong. Chúng tôi đã mang hết người Mỹ ra đi, đó là trách nhiệm chủ yếu của chúng tôi. Chúng tôi cũng mang được một số lớn người Việt trong khả năng của chúng tôi. Ðáng lẽ chúng tôi nên mang đi nhiều hơn nữa với hơn 400 người cuối cùng trong tòa đại sứ ra đi. Nhưng rất tiếc vì sự lôi thôi đã xảy ra trong lúc rối loạn như thế thôi.
Tôi đã nhận lãnh nhiều trách cứ về vụ Việt Nam. Chính vì thế mà rất lâu sau, dợi cho tất cả mọi thứ lắng xuống, tôi mới ra Quốc Hội để mọi người đứng lên nhận lãnh trách nhiệm và nhận lỗi của mình và họ đã làm như thế.
Dẫu sao tôi cũng có nhiều điều thích thú. Tôi không bao giờ lo rằng mình có thể bị giải nhiệm. Nên tôi tính nếu bị sa thải, thì sẽ ngồi với cái máy chữ và viết…
Áp lực của nhóm chủ hòa đã áp đặt trên hệ thống giáo dục mà sự mù quáng của chủ trương: “đừng-làm- một -cái- gì-có -thể-gây- tranh-luận-hoặc- bị- tấn- công”. Ðã có khuynh hướng chế ngự hệ thống giáo dục của chúng ta, do đó các nhà xuất bản sách giáo khoa hoặc giả lơ chuyện Việt Nam hoạc chỉ mô tả sơ sài nhạt nhẽo chẳng giúp ai có thể hiểu sự thực thế nào. Ðiều này đáng tức cười bởi vì về phương diện khác nó lại là một điều tốt. Thỉnh thoảng nói chuyện với sinh viên, tôi đã nhận ra đa số chẳng những không hiểu biết gì mà còn rất ngây thơ về chuyện Việt Nam. Nhưng chính vì thế họ lại có thể tìm hiểu sự kiện với một quan điểm hoàn toàn khách quan. Chính vì thế họ trở thành nhóm người duy nhất tại nước Mỹ có thể nhìn mọi sự với quan điểm khách quan ấy. Vì vậy, khi thấy được những sự kiện được phô bày đầy đủ rõ rật trước mắt, họ bực tức vì họ đã bị bưng bít do đó đã bị từ chối trong việc tìm hiểu và đã chỉ đọc được một phần của vấn đề. Hiện nhiên sau này các sử gia sẽ đào sâu mở rộng hơn. Có lẽ họ sẽ đối xử rất tử tế với tôi, có lẽ còn hơn cả sự xứng đáng của tôi. Dẫu vậy, chúng ta hãy còn biết bao nhiêu chuyện trời đất mà những chuyện ấy vẫn chưa từng được kể hết ra…”
Ðại sứ Grham Martin có một người con là Trung úy Glenn Dill Mann là một phi công trực thăng bay gunship đã bị bắn rơi trong trận đánh Thạch Trụ gần căn cứ Chu Lai tháng 11 năm 1965 và được chôn cất tại nghĩa trang Arlington National Cemetery. Chúng ta có thể hiểu thế nào khi ông đã viết về một biến cố không những trọng đại với ông ở thời điểm đó mà còn ảnh hưởng đến mấy chục năm sau này cho cả thế giới và nước Hoa Ky như bài viết này của ông?
Nguyễn Mạnh Trinh.