Đại bịp Madoff (hình giữa) và những nạn nhân nổi tiếng của lão
Ở Việt nam, vụ nước hoa Thanh hương, thập niên 90, đã khiến nhiều nhà đầu tư, đã trắng tay sau tháng tư đen, 1975, lại thêm tay trắng vì một vụ đầu tư ảo. Nhiều người muộn màng nhận ra chỉ vì tin người, chỉ vì tham lợi trước mắt, trở thành nạn nhân lừa đảo từ một tay bịp tài tử. Tưởng rằng tệ nạn này chỉ có ở những nơi luật lệ, quản lý còn lỏng lẻo và dân chúng còn chưa có hiểu biết về điều hành tài chính và kinh nghiệm về đầu tư. Còn ở những quốc gia tư bản như Mỹ thì hiếm khi xảy ra bẫy lừa những ai vội vàng làm giàu mà quên “chọn mặt gửi vàng.” Tưởng thế là sai. Ở Mỹ tệ nạn lừa đảo tài chính kiểu “thả mồi ảo câu cá thực,” đã xảy ra từ lâu và đến nay vẫn đang tiếp diễn. Hiển nhiên, ở thế giới tự do, kẻ lừa đảo không phải chỉ muốn câu những con cá nhỏ mà thực hiện những kế hoạch cực kỳ tinh vi, giả mà thực, thực mà giả, thiên hình vạn trạng nên câu được những loại kình ngư béo bở! Tuy nhiên, căn bản vẫn là kế hoạch cổ điển thịnh hành từ đầu thế kỷ trước nhưng sang tân- thiên- niên- kỷ, kẻ bịp đóng vai tỷ phú, địa vị xã hội cao, thả mồi to, tạo hấp dẫn lớn, kiên nhẫn từng bước, nên dù loài thủy tộc có khôn cách mấy chăng nữa cũng khó thoát lưới ngư ông. Kế hoạch quen thuộc thường dùng được gọi là kế hoạch Ponzi (Ponzi scheme)
Ponzi là ai?
Charles
Ponzi sinh năm 1882 tại Ý. Dù được nhận vào học tại Đại học Rome, Ponzi xem đó
như là một kỳ nghỉ dài để rồi khi hết tiền, ông ta buộc phải bỏ học và lên tàu
tới kiếm sống ở Boston, Massachusetts (Mỹ). Toàn bộ số tiền mang theo cũng bị
ông nướng sạch vào các cuộc đỏ đen và chỉ còn vỏn vẹn $2.50 khi tàu cập bến.
Tại xứ sở mới, Ponzi dành ra vài năm làm nhiều việc để kiếm sống. Thậm chí, có
lúc ông rửa bát cho một nhà hàng và ngủ ngay trên sàn nhà. Nhưng nhờ làm việc
chăm chỉ, Ponzi được thăng cấp lên vị trí bồi bàn để rồi bị sa thải vì tội lừa
gạt khách hàng và trộm cắp.
Thất
nghiệp, Ponzi tìm tới Montreal, Canada và trở thành người thu ngân trong chi
nhánh mới mở của ngân hàng Banco Zarossi. Để thu hút khách, ông chủ Zarossi trả
khoản lợi tức gấp đôi các đối thủ cạnh tranh cho bất cứ ai chịu gửi tiền vào
ngân hàng của ông ta. Dù ăn nên làm ra, kỳ thực ngân hàng đang gặp rắc rối vì
các khoản nợ xấu và hoàn toàn không có bất kỳ một khoản đầu tư nào. Để duy trì
hoạt động, Zarossi thường lấy tiền của người sau trả cho người trước. Zarossi
trốn sang Mexico trước khi ngân hàng sụp đổ.
Ponzi học được kinh nghiệm của chủ cũ, bắt đầu mở công ty mang tên “Securities
Exchange Company” ở Boston và tìm sự giúp đỡ tài chính. Ông kêu gọi bạn bè cho
mượn tiền và hứa trả họ lãi suất lên tới 50% trong vòng 45 ngày. Một vài người
mạnh dạn bỏ tiền đầu tư và được trả lãi như đã cam kết. Tiếng lành đồn xa, các
khoản đầu tư thi nhau chảy về. Ponzi thuê mướn hàng loạt nhân viên và hứa sẽ
trả khoản lợi tức khổng lồ cho các nhà đầu tư. Tới tháng 2/1920, Ponzi đã có
trong tay 5.000 USD, một khoản tiền khổng lồ khi đó. Đến tháng 3, ông đã có
30.000 USD. Tiền làm Ponzi lóa mắt. Ông thuê mướn hàng loạt nhân công và gom
tiền tại toàn bộ các khu vực New England và New Jersey. Nhà đầu tư được trả lãi
lớn đã mạnh dạn động viên bạn bè, người thân tham gia.
.Tới tháng 5, Ponzi đã có 420.000 USD. Người người bán nhà, lấy tiền tiết kiệm,
mang tới cho Ponzi. Phần lớn khi nhận được tiền lãi lại tái đầu tư cho Ponzi
với hy vọng sẽ được hưởng lợi tức lên tới 100%. Vào tháng 7, Ponzi đã có gần 8
triệu USD.
Thành
công trong việc huy động vốn nhưng Ponzi lại chẳng thể nào kiếm đủ để đầu tư và
sinh lãi. Dù vậy, ông sống rất xa hoa, mua cả lâu đài, xe hạng sang, đầu tư vào
các ngân hàng, doanh nghiệp… Tới tháng 8 cùng năm, người ta phát giác Ponzi
đang trả lãi cho nhà đầu tư cũ bằng tiền của nhà đầu tư mới. Hành động này vốn
được gọi là “cướp người này trả cho người kia”, giờ đã có cái tên chính thức là
“kiểu lừa Ponzi”. Cho tới khi đổ bể, bằng cách lừa đảo này Ponzi đã khiến các
nhà đầu tư mất trắng 20 triệu USD, đồng thời khiến 6 ngân hàng phá sản.
Năm 1920, Ponzi bị truy tố vì tội lừa đảo và phải thụ án một thời gian trong
các nhà tù liên bang trước khi bị trục xuất về Italy vào năm 1934. Ông ta chết
trong cảnh trắng tay tại Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 1949 và được chôn
trong một nghĩa trang của người nghèo.
Thủ thuật Ponzi được thế hệ sau nâng lên cao hơn nhờ các tay siêu bịp của thế kỷ 21 như như Bernie Madoff và Allen Stanford.
Bernie Madoff
Bernard
Lawrence Madoff (sinh ngày 29 tháng 4 năm 1938) là một doanh nhân người Mỹ.
Madoff bắt đầu sự nghiệp tài chính ở tuổi 22 với 5.000 USD trong tay, khoản
tiền ông tự kiếm được nhờ làm các công việc trong kỳ nghỉ hè, chẳng hạn như lắp
đặt hệ thống tưới vườn ở New York. Đến năm 1960, Ông sáng lập hãng Bernard L.
Madoff Investment Securities LLC ở phố Wall và là chủ tịch hãng này đến ngày 11
tháng 12 năm 2008. Ông nguyên là chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ
(National Association of Securities Dealers Automated Quotations).
Bernie Madoff được xem là biểu tượng của tội phạm tài chính hiện đại. Năm 2008,
ông bị cáo buộc vận hành một vụ lừa đảo Ponzi trị giá 50 tỷ USD, lớn nhất trong
lịch sử. Với uy tín ở Phố Wall, các quỹ đầu tư của công ty Madoff hấp dẫn các
nhà đầu tư bởi lời hứa lợi nhuận cao và chi phí thấp. Vì thế hàng chục ngàn nhà
đầu tư (cá nhân và doanh nghiệp) đã đầu tư vào quỹ của Madoff qua các đối tác
của công ty này và ký gửi cho ông ta hàng chục tỷ USD. Đồng thời các nhà đầu tư
đó đã được Madoff trả lãi suất rất cao, luôn ở mức 2 con số (10,5% lãi mỗi năm)
mà không hề biết rằng số tiền lãi đó chỉ đơn giản là lấy tiền của nhà đầu tư
sau trả cho nhà đầu trước theo như mô hình lừa đảo kiểu Ponzi.
Hàng loạt
ngân hàng, tổ chức tài chính trên thế giới sau đó đã phải thừa nhận họ đã sập
bẫy của Madoff. Danh sách những nạn nhân của Madoff ngày một dài hơn và trong
đó có rất nhiều tên tuổi các ngân hàng hàng đầu trên thế giới như Santander của
Tây Ban Nha, ngân hàng Anh HSBC, ngân hàng Hoàng gia Scotland, ngân hàng BNP
của Pháp, ngân hàng Nomura (Nhật Bản)… Không chỉ có các thể chế tài chính mà
những tổ chức nhân đạo cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tổ chức nhân đạo đã phải đóng
cửa và sa thải nhân viên sau khi bị mất toàn bộ tiền vào quỹ của Madoff.
“Nạn nhân” của Madoff bao gồm từ những nhân vật nổi tiếng như Elie Wiesel,
người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1986, đạo diễn Steven Spielberg (Mỹ) đến các
triệu phú, các công ty tư vấn đầu tư và quỹ phòng hộ (hedge)… Thậm chí siêu lừa
Allen Stanford cũng trở thành 1 nạn nhân của Madoff với số tiền đầu tư lên đến
400.000 USD. Có thể nói cú lừa thế kỷ này của Madoff chẳng khác nào thảm hoạ
sóng thần quét sạch các tổ chức tài chính trên thế giới và đây được coi là vụ
“vỡ hụi” khủng khiếp nhất trong lịch sử thế giới với tổng thiệt hại lên đến
64.8 tỷ USD.
Kết thúc vụ án, Madoff phải ra vành móng ngựa vào tháng 12 năm 2008 chịu mức án
phạt 150 năm tù. Tuy nhiên, mức phạt này chưa phải là kết cục làm hài lòng
những “nạn nhân” của siêu lừa Bernard Madoff. Bởi với họ, những người đã mất
toàn bộ tài sản, gia đình tan nát, thậm chí có người đã tự tử vì tay trắng thì
quãng đời còn lại trong lao tù của Madoff vẫn là sự trừng phạt “nhẹ nhàng”.
Đàn em Allen Stanford không thua đàn anh Madoff!
Đúng là theo luật giang hồ “tiền giang hậu lãng suy tiền lãng, nhất bối tân nhân thắng cựu nhân”(Trên sông dài, đợt sóng sau đẩy làn sóng trước, một nhóm hảo thủ mới thắng bọn già cả).
Đầu tháng 03, 2012, kết thúc một vụ án lừa đảo bạc tỷ Mỹ kim và nhân vật từng là một đại phú ông ở Mỹ, được phong tước hiệp sĩ tham dự hàng quý tộc Anh quốc, đồng thời là nhà Mạnh thường quân trong công tác từ thiện và bảo trợ thể thao, bỗng nhiên rớt đài và lãnh bản án 20 năm tù và rơi vào hàng ngũ khố rách áo ôm. Tỷ phú ngã ngựa là ai vậy?
Allen Stanford sinh năm 1950, ở Mexia, Texas, xuất thân từ một gia đình kinh doanh nổi tiếng, tốt nghiệp B.A. ngành tài chính tại Baylor University.
Vào thập
niên 1980, Stanford cùng cha mở công ty địa ốc ở Houston mua nhà vào lúc giá hạ
và bán ra vào lúc giá cao nên thu lời khả quan. Được đà, chuyên viên tài chính
này, vào năm 1986, mở một một ngân hàng trên đảo Montserrat (hòn đảo thuộc Anh
ở West Indies vùng Caribbean) và khi ở nơi này thắt chặt luật lệ ngân hàng ,
thì Stanford chuyển hoạt động kinh doanh tiền tệ sang đảo quốc Antigua (ANTIGUA
and Barbuda cũng ở West Indies, Caribbean thuộc Anh.)
Ngân hàng của Stanford chuyên đầu tư, bán loại dịch vụ phát hành “chứng nhận ký
gửi” (certificates of deposit hay gọi tắt là CD với lãi suất cao) cho các tay
giàu có ở châu Mỹ- Latin và Mỹ quốc.
Ở Antigua, ông ta trở thành một nhà từ thiện và bảo trợ môn bóng cricket với
các trận đua tài hàng chục triệu USD, và thường được gọi là Đức ông Allen (Sir
Allen) vì được nữ hoàng Elizabeth II của Anh phong tước hiệp sĩ của vùng
Antigua and Barbuda vào năm 2006.
Vào năm
2008, Allen Stanford được tạp chí Forbes xếp vào hạng 205 trong danh sách những
người giàu nhất Mỹ.
Allen Stanford ăn chơi có tiếng, được giới quý tộc gọi là công tử Caribbean
(Caribbean Playboy) và huy hoắc tiền bạc rộng rãi cho người thân. Ông ta mua
một lâu đài cho một bạn gái và cô con gái lớn được cha tậu cho một condo bạc
triệu ở Houston. Ông ta có du thuyền tráng lệ Sea Eagle dài 112 ft và hàng tá
xe hơi lộng lẫy.
Trên đỉnh giàu sang như thế tỷ phú chợt rớt xuống nấc thang cuối cùng của xã
hội và có nguy cơ bóc lịch tới tuổi tám chục.
Vào lúc
thịnh thời, Stanford từng được tờ Houston Chronicle ca tụng là “ nhà hảo tâm,
nhà Mạnh thường quân của môn cricket, vị chủ nhân và là nhân vật công chúng
hàng đầu.”
Stanford cũng hoạt động trong lãnh vực báo chí. Ông ra có trong tay hai tờ báo
đều gọi là The Sun ở “Antigua and Barbuda” và “Saint Kitts and Nevis”
Khi xuống
ngựa 2012, huy chương và tước hiệu lại bị hoàng gia Anh lột sách để trả lại
nguyên dạng Allen Stanford. Báo chí trong tay phải đóng cửa, tài sản bị niêm
phong, bạn bè xa lánh, bệnh tật toàn thân, râu tóc bạc phơ, thân bại danh liệt
là hình ảnh của Stanford ngày nay.
Khi ra tòa, Allen Stanford khai là mình trắng tay không còn mướn nổi luật sư
bào chữa nếu các công ty bảo hiểm không thực hiện cam kết bảo trợ. Do đó dàn
biện hộ cho ông ta được công quỹ trả hàng triệu Mỹ kim.
Khi còn bị tạm giam chờ ngày ra trước vành móng ngựa, Stanford bị một tù nhân
khác đánh trọng thương ở đầu. Cũng vì thế vụ án kéo dài vì Stanford khai rằng
mất trí nhớ không thể ra tòa được.
Mánh mung
lường gạt khách hàng của họ không có gì lạ và thường được gọi là Mẹo bịp Ponzi
(Ponzi scheme).
Thủ đoạn bịp Ponzi rất đơn giản: Dụ kẻ cả tin đầu tư vào một kế hoạch tưởng
tượng “một vốn bốn lời” rồi lấy tiền của người đầu tư sau trả lãi cho người góp
vốn trước và một phần thu vào túi mình. Kế hoạch diễn tiến, tháp lừa càng cao
(nên mới có tên là pyramid scheme), ngọn tháp càng nhỏ vì tiền lừa gạt được của
thân chủ trong thực tế không sinh lời mà thu vào túi kẻ lừa bịp và bị phân tán
hoặc ăn xài phung phí và trả lời quá nặng. Lúc kẻ lừa đảo không còn khả năng
chi trả, khách hàng nghi ngờ đòi rút tiền về, thế là “tháp” đổ nhào và kẻ đầu
tư trắng tay.
Muốn cho câu khách, Stanford phải đóng vai phú quý và danh vọng. Tài sản riêng
của ông ta trước khi vào tù được đánh giá khoảng 2,2 tỷ USD. Ông ta ở những
dinh thự sang trọng, đắt giá nhất, ăn mạc bảnh bao nhất, đi xe luých nhất và
còn tìm cách chứng mình có liên hệ mình với “cụ tổ” “Leland Stanford,” người
thành lập đại học Stanford nhưng không thành công!
Tháp lừa
rung rinh từ 02, 2009 cho biết Ủy ban điều hành chứng khoán của Mỹ có tên là
SEC (Securities and Exchange Commission) đã đệ đơn tại tòa án liên bang Dallas,
Texas, buộc tội Standford, và hai giám đốc điều hành của tập đoàn tài chính
Stanford về âm mưu lừa đảo với quy mô lớn tới trên dưới bảy tỷ USD. Nạn nhân từ
Texas tới hải đảo Caribbean đã rơi vào tròng trước thủ đoạn rao bán loại “chứng
chỉ ký thác” với lãi suất cao của nhóm Stanford.
“Chứng chỉ ký thác” cũng là cách đầu tư thông dụng của các tay dư tiền bạc mà
muốn sinh lời mau. Về nguyên tắc, CD cũng tương tự như một trương mục tiết kiệm
(saving account) nhưng định kỳ (hoặc 3, 6 tháng hoặc từ 1 tới 5 năm…) với lãi
suất cố định, thường cao hơn lối ký gửi thông thường ở ngân hàng và được bảo
đảm “ít nguy cơ hơn trước dao động tài chính.” Khi đáo hạn thân chủ sẽ lãnh cả
vốn lẫn lời một lần.
Giới hữu trách của ủy ban điều hành chứng khoán Mỹ vào ngày thứ ba 17-02-09 cho
biết Allen Stanford đã bịa ra một kế hoạch đầu tư để bán 8 tỷ USD “chứng chỉ ký
thác” với lời hứa có lãi suất cao nhưng trong thực tế chỉ là hư ảo.
Khi phát giác ra nội vụ, lập tức ủy ban điều hành SEC đã ra lệnh phong tỏa tài
sản của Stanford và ba công ty của ông ta, trong đó có Stanford International
Bank có trụ sở ở đảo Antigua thuộc vùng Caribbean và Stanford Group và Stanford
Capital Management ở Houston. Cuối cùng, tháng sáu, 2009 Stanford bị bắt tại
nhà bạn gái.
Vụ lừa đảo mới này không những làm rung động nước Mỹ mà còn gây ảnh hưởng tới
giới tài chính toàn cầu vì ngân hàng quốc tế của Stanford ở Antigua có 30 ngàn
khách hàng ở 131 quốc gia.
Vụ án kéo dài từ 2009 tới 2012, mới có kết quả.
Vào ngày 06-03-12, tại tòa Houston dưới quyền chủ trì của chánh án David Hittner, bồi thẩm đoàn sau nhiều ngày bàn luận ráo riết đã đưa ra kết luận Allen Stanford mắc tội lừa đảo bằng một kế hoạch có quy mô lên tới 7 tỷ Mỹ kim.
Chính quyền Mỹ tuy từ tháng hai, 2009, đã thành công trong việc đóng cửa một đế chế tài chính do Stanford lập ra để lừa đảo khách hàng nhưng dư luận cho rằng họ đã thất bại để cho thủ đoạt lường gạt kéo dài quá lâu dù đã có dấu hiệu bất thường khiến nhiều nạn nhân mắc bẫy. Mặc dù Allen Stanford lãnh án tù 110 năm nhưng nạn nhân của ông ta chỉ bớt phẫn nộ chứ không nguôi ấm ức vì tiền họ bỏ ra đã theo dòng nước về đông!
Nhà thờ ảo và nạn nhân thực
Nguồn tin cuối tháng 3, 2019 của tờ Los Angeles Times cho biết cơ quan điều hành hoạt động tài chính của Mỹ, SEC (Securities and Exchange Commission) đã ra lệnh chấm dứt hoạt động của quỹ tín dụng CHS Trust và CHS Asset Management Inc của Kent R.E. Whitney và David Lee Parrish vì chúng chỉ là hình thức trá hình tôn giáo để lừa đảo các nhà đầu tư gốc Việt.
Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang tiến hành điều tra cáo buộc hai kẻ mượn danh mục sư của một giáo hội hữu danh vô thực có tên là The Church of Healthy Self (CHS) tổ chức mô hình đầu tư kiểu Ponzi và lừa đảo hàng trăm người Việt, khiến họ bị mất tới trên dưới 25 triệu Mỹ kim
Nguồn tin tòa án cho biết, hai đối tượng chính trong nghi án lừa đảo này là Kent Whitney, 37 tuổi, và David Lee Parrish, 47 tuổi. “Trụ sở hoạt động” của nhà thờ đặt tại một khu mua sắm ở khu Little Saigon, thuộc Westminster, hạt Orange (Quận Cam), bang California.
Các đối tượng tự lập một quỹ tín dụng, kêu gọi cộng đồng người Việt đầu tư mà không bị đóng thuế vì đóng góp cho cơ sở từ thiện về lý thuyết là phi lợi nhuận, nhưng vẫn phân lời cho người đầu tư mỗi năm từ 12-43%.
Những
người đóng góp còn được thưởng 100 USD cho mỗi khoản đầu tư 10.000USD mà mình
giới thiệu cho nhà thờ. Mục sư khuyến khích những người tham gia lôi kéo thêm
bạn bè và người thân gia đình đầu tư vào quỹ của CHS.
Khi tìm ra dấu hiệu man trá, đầu tháng 3, theo đề nghị của Ủy ban Chứng khoán
và Sàn giao dịch (SEC), một thẩm phán Tòa sơ thẩm liên bang đã cho đóng băng
tài sản của CHS.
Nhà thờ đã đóng cửa từ ngày 14/3. Bên trong văn phòng vẫn còn một tấm poster
quảng bá về giải golf “Đường đến thiên đàng” dành cho người nổi tiếng, tổ chức
ở Newport Beach vào tháng 1.
Sau khi CHS bị đóng băng tài sản, FBI thu hồi được 4,4 triệu USD từ các tài
khoản của cơ sở này. Mô hình đa cấp chủ yếu nhắm vào người lớn tuổi gốc Việt
trong khu vực Westminster và San Jose.
Cơ quan điều tra cho biết “một số nạn nhân có lẽ đã bị lừa hết tài sản”. “Nhiều
người giờ đây rơi vào cảnh không còn tiền để trả các chi phí như các khoản vay
thế chấp, điện nước, bảo hiểm hay trang trải các chi tiêu thường nhật”.
SEC mô tả cơ sở của Whitney và Parrish là “nhà thờ ảo”. Trang mạng của CHS cung
cấp đường dẫn đến các kênh YouTube, đăng tải nhiều đoạn video tôn giáo và các
đơn cầu nguyện trực tuyến. Điều tra của SEC cho biết: “CHS không tổ chức các
hoạt động tôn giáo thường gắn liền với một nhà thờ bình thường. Sứ mệnh chủ đạo
của nhà thờ này dường như chỉ là thu gom tiền quỹ từ các nhà đầu tư”.
Whitney và Parrish đang bị FBI điều tra nhưng vẫn chưa bị truy tố với bất kỳ
tội danh nào, theo công tố viên Kyra Andrassy.SEC cho biết Kent Whitney là
người sáng lập ra nhà thờ CHS vào năm 2014. Người này từng nhận mức án 44 tháng
tù giam cũng với tội danh lừa đảo ở Chicago, bắt đầu thụ án từ tháng 12/2011.
Whitney bị cáo buộc quỵt gần 600.000 USD từ 10 nhà đầu tư, tham gia vào đường
dây lừa đảo chứng khoán trị giá gần 96 triệu USD.
Tháng 8/2014, chỉ hai tháng sau khi ra tù, Whitney trở thành “mục sư” nhờ một
chương trình sắc phong trên mạng. Sau một tháng, Whitney thành lập CHS và tự
nhận mình có “sự kết nối đặc biệt với Chúa trời”. Ông giấu nhẹm thông tin về án
tù ở Chicago.
David Lee Parrish, “mục sư” còn lại của nhà thờ, từng bị cáo buộc là đồng phạm
của Whitney trong vụ lừa đảo chứng khoán khiến y phải vào tù. Parrish cũng là
giám đốc điều hành quỹ tín dụng CHS.
CHS sử dụng các đoạn video trên YouTube, mua quảng cáo trên các đài truyền hình
và phát thanh của người Việt tại Quận Cam để lôi kéo người đầu tư.
Trên thực
tế, những “mục sư” này đã dùng tiền quỹ để trang trải cho lối sống xa xỉ của
bản thân. Họ mua từ đồng hồ Rolex, xe sang Bentley, đồ thời trang Gucci và súng
đắt tiền. Tiền của quỹ tín thác còn là nguồn thu để những người này trả tiền
thuê các bất động sản ở khu Newport Beach lân cận với giá từ 7.500-11.000 USD/
tháng.
Cảnh sát đã tiến hành lục soát nơi ở của Parrish và Whitney. Các điều tra viên
tìm thấy súng trường tấn công với hai băng đạn và ống nhắm laser. Cảnh sát còn
thu giữ súng ngắn bán tự động Uzi có thiết bị giảm thanh. Nhiều khẩu súng ngắn
và súng săn cũng được tịch thu.Các điều tra viên còn tìm thấy nhiều trang sức,
máy tính, trang phục đắt tiền, dụng cụ thể thao, ba điện thoại di động và hơn
53.000 USD tiền mặt. Giới chức địa phương còn xác định được ít nhất ba ngôi nhà
của những người đầu tư chuyển cho nhà thờ sử dụng. công tố viên Andrassy cho
biết: “Thật đau lòng khi nghe câu chuyện của những người đầu tư. Chúng tôi đã
trao đổi với một vài người. Họ quyên góp hết tài sản cho nhà thờ, nghĩ rằng
mình tìm ra được một nơi đầu tư an toàn”,
FBI đang điều tra cáo buộc mô hình gây quỹ đa cấp của nhà thờ CHS đã bòn rút
gần 25 triệu USD từ những nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo Orange County Weekly, bà
Andrassy lo ngại số tiền bị hai “mục sư” biển thủ có thể lên đến gần40 triệu
USD,.
Whitney và Parrish vẫn tiếp tục lảng tránh báo chí. Luật sư đại diện cho Kent Whitney là Ken White cũng từ chối mọi bình luận về hồ sơ điều tra của SEC.
Chu Nguyễn