Chỉ còn một tuần nữa cử tri Úc vào phòng phiếu quyết định ai làm thủ tướng. Hai ông muốn làm thủ tướng Scott Morrison và Bill Shorten đã qua bốn tuần vận động tranh cử. Hai bên đưa thật nhiều lời hứa và cũng khá nặng lời chỉ trích chính sách của nhau. Đã ba lần hai ông tranh luận tại Perth, Brisbane và Canberra. Cuối tuần qua, tại Brisbane đảng Lao Động đã chính thức công bố kế hoạch cai trị nước Úc; vào cuối tuần này đảng Tự Do cũng sẽ làm thế tại Melbourne.
Qua bốn tuần vận động tranh cử, đã có ít nhất 15 ứng cử viên phải ngậm ngùi rút khỏi cuộc đua hay không còn được đảng ủng hộ. Ngoài ra, từ hai tuần qua phòng phiếu đã mở cửa đón cử tri. Tới nay đã có hơn 1 triệu rưỡi cử tri làm bổn phận công dân. Xem chừng, trước khi cuộc vận động tranh cử bắt đầu hơn 78% người Úc đã định sẵn trong bụng sẽ đầu phiếu cho ai. Thành ra, ứng cử viên nói gì thì cứ nói cử tri đã quyết định rồi.
Ứng cử viên độc lập đang lên
Đã quyết định bầu cho ai, nên người Úc không để ý các chương trình vận động tranh cử. Ngay đến cuộc tranh luận nảy lửa giữa thủ tướng Scott Morrison và thủ lãnh đối lập Bill Shorten ở Brisbane cũng được ít người theo dõi. Xin hỏi bạn đọc: Cuộc tranh luận này được tổ chức ở nơi đâu? Vào ngày nào? Ai thắng? Ai thua? Có lẽ phần lớn nhún vai trả lời ‘who care?’. Ngay đến chương trình trực tiếp truyền hình trên Sky News cũng chỉ được 43 ngàn người coi.
Dù không để ý nhiều đến lời nói của ứng cử viên, cử tri Úc có thể thấy nhiều ảnh hưởng đến với mình khi có kết quả tổng tuyển cử năm nay.
Với tỷ lệ ủng hộ khít khao cho hai đảng lớn và số đông ứng cử viên độc lập cũng như đảng nhỏ, thật là khó đoán trước kết quả tổng tuyển cử vào thứ Bảy 18.5.2019. Hiện nay, coi như Liên Đảng Tự Do – Quốc Gia giữ 73 ghế tại viện dưới và đảng Lao Động đối lập được 72 ghế. Trong đêm kiểm phiếu 18.5 sắp tới, đảng nào được 76 ghế dân biểu thì kể như đắc cử. Muốn được như trên, Liên Đảng chỉ cần được thêm 0.7% số phiếu. Ngược lại, đảng Lao Động đối lập cũng chỉ cần được thêm 1.0% số phiếu thì đánh đổ chính phủ hiện tại.
Nhưng số phiếu ấy vẫn chưa chắc làm nên cơm cháo vì thể thức bầu cử tại Úc rắc rối. Dường như kết quả có thể là ‘hung parliament, không ai thắng’. Không ai thắng vì không có đảng nào chiếm được 76 ghế tại hạ viện. Liên Đảng và Lao Động phải tìm thêm liên minh từ dân biểu đảng nhỏ hay độc lập. Đây là chuyện đã xảy ra cho nữ thủ tướng Julia Gillard trong lần tổng tuyển cử năm 2010. Cổ Nhuế dám đoán kết quả tổng tuyển cử năm nay cũng ‘hung parliament, không ai thắng’ lắm đa.
Có lẽ đánh hơi chuyện này dám xảy ra 15 ứng cử viên độc lập đã cho biết: nếu được ngồi bên trong tòa nhà quốc hội liên bang tại Canberra, họ sẽ bắt tay nhau đối phó với các đảng lớn. Trong số ứng cử viên độc lập này có 13 người ứng cử vào hạ viện và 2 muốn trở thành nghị sỹ ở thượng viện.
Đang có hơn một ứng cử viên độc lập nhắm vào ghế của vài ba tổng bộ trưởng nổi tiếng trong chính phủ đương nhiệm. Ồn ào nhất là ứng cử viên độc lập Zali Steggall, từng tranh tài dưới màu cờ sắc áo Úc trong thế vận hội mùa Đông, đang làm trạng sư, muốn đốn ghế cực kỳ vững chắc ở Warringah do cựu thủ tướng Tony Abbott ngồi suốt 25 năm qua. Ở New England phía Bắc tiểu bang NSW ghế của cựu phó Thủ tướng Barnaby Joyce bị ứng cử viên độc lập Adam Blakester đe dọa. Ứng cử viên độc lập khác là ông Kevin Mark, từng làm thị trưởng ở thị trấn Albury nằm trên biên giới giữa Victoria và NSW. Ông này nhắm vào bốn chưn của chiếc ghế do cựu tổng trưởng y tế Sussan Ley ngồi. Cựu dân biểu Julia Banks – trước đây ngồi trong quốc hội dưới trướng đảng Tự Do, nay đã bỏ đảng và ứng cử với tư cách độc lập. Bà này muốn hất chưn tổng trưởng y tế Greg Hunt. Trong số ứng cử viên độc lập chạy đua vào thượng viện năm nay, nổi bật là mục sư Anh Giáo Rod Bower. Cha Rod Bower coi sóc nhà thờ ở Gosford, NSW được biết nhiều nhờ treo biểu ngữ khiến cho ai đi ngang qua cũng phải nhíu mày.
Ấy là chưa kể tới bà Kerryn Phelps từng đốn gãy ghế của cựu thủ tướng Tự Do Malcolm Turnbull. Bà Kerryn Phelps ứng cử với tư cách độc lập. Nếu ngày 18.5 sắp tới bà được cử tri Wentworth bầu trở lại thì có lẽ bà này dám trở thành ‘thủ lãnh’ của các dân biểu độc lập lắm đa. Nếu chuyện này xảy ra, bàn cờ chính trị liên bang Úc coi như thay đổi sâu đậm. Hai cánh Liên Đảng Tự Do –Quốc Gia và Lao Động không còn tự tung tự tác nữa.
Thể thức bầu cử ‘kỳ bí’ của Úc
Bầu cử ở Úc khác với bầu cử ở Anh Quốc hay Canada. Ở bển, ứng cử viên được nhiều phiếu nhất được coi đắc cử. Nếu chơi cái luật ở Anh hay Canada thì coi như chính phủ Scott Morrison trở lại cầm quyền là cái chắc. Các cuộc thăm dò cử tri đều cho thấy chính phủ được nhiều phiếu hơn. 38% phiếu bầu cho chính phủ; còn 34% bầu cho đối lập. Nhưng Úc không xài luật bầu cử Anh hay Canada, nên kết quả thăm dò cử tri phải ghi rõ: đây là con số cử tri sẽ đánh ‘số 1’ cho hai phía. Sau khi ghi rõ như thế, báo chí Úc còn thêm: vì bầu cử ở Úc theo lối ‘chọn thứ tự ưu tiên, preferential voting system’ nên sau khi đếm hết phiếu số 2, 3, 4…. thì ván bài lại lật ngược: đối lập dẫn trước 51%; chính phủ theo đuôi ở mức 49%.
Không cứ gì cử tri gốc Việt Nam, ngay đến Úc ‘rặc’ cũng không rành thế nào bầu cử theo lối chọn thứ tự ưu tiên. Đài ABC mở ra trang web cho cử tri Úc thắc mắc gì thì hỏi. Trong số câu hỏi cho người Úc gởi đến, thế nào là ‘bầu cử theo thứ tự ưu tiên’ là một trong 10 câu hỏi thường gặp nhất.
Cách đánh số trên lá phiếu
Thành ra, Việt Luận xin nói qua lối bầu cử của Úc.
Trước hết, về phía cử tri. Mỗi lần có tổng tuyển cử cử tri Úc thường bầu tất cả dân biểu tại hạ viện và phân nửa nghị sỹ tại thượng viện. Năm nay, 15.7 triệu cử tribầu 151 dân biểu và 38 nghị sỹ. Trong thực tế, từng bạn đọcchỉ bầu một dân biểucho đơn vị mình và 6 nghị sỹ đại diện cho tiểu bang. Nếu bạn đọc cư trú tại lãnh thổ (Bắc Úc hay Lãnh Thổ Thủ Đô ACT) thì chỉ bầu 1 nghị sỹ mà thôi.
Khi vào phòng phiếu mỗi cử tri được phát 2 lá phiếu.Phiếu màu xanh bầu dân biểu.Phiếu màu trắng bầu nghị sỹ. Dù bạn đọc chỉ bầu một dân biểu cho đơn vị mình nhưng trên lá phiếu phải đánh số tất cả ứng cử viên theo thứ tự ‘thích ai nhất thì đánh số 1, rồi cứ thế tiếp tục đánh số vào tất cả ô vuông bên cạnh tên các ứng cử viên khác’. Đừng bỏ trống ô nào. Đừng đánh trùng số vào hai ba ô vuông. Đừng nghĩ là mấy con số 2, 3, 4, 5…. trên là phiếu ít quan trọng so với số 1. Những con số 2, 3, 4… trên lá phiếu có thể quyết định ai sẽ đắc cử (như sẽ nói sau).
Lá phiếu màu trắng thường khá dài. Đã có lần bầu cử ở Úclá phiếu màu trắng đã dài hơn 1 thước tây! Trên lá phiếu màu trắng có một lằn gạch theo chiều ngang. Cử tri được quyền chọn bầu trên lằn gạch hay dưới lằn gạch. Chỉ được bầu một trong hai cách (Đừng bầu cả hai!). Ai muốn bầu trên lằn gạch thì đánh ít nhất 6 số (1,2,3,4,5,6) vào sáu khung. Như thế, cử tri chọn đảng hay nhóm ứng cử viên ưa thích.Đây là lối bầu thượng viện mớibởivìvào thángBanăm 2016 quốc hội Úc đã cải cáchthể thức bầu cử thượng viện. Trước đây, ai bầu trên lằn gạchchỉ cần đánh số 1 cho đảng mình thích. Nayphải đánhít nhấtsáu số 1,2,3,4,5,6.Thay đổi này khiến cho ứng cử viên độc lậphayđảng nhỏ khó đắc cử vào thượng viện hơn.
Ai muốn bầu dưới lằn gạch thì phải đánh số từ 1 cho đến 12 vào khung vuông gần tên ứng cử viên. Thích ứng cử viên nào nhất thì đánh số 1. Và cứ thế đi xuống cho đến thứ 12. Rủi bạn đọc không theo luật chơi vừa nói thì lá phiếu bị coi bất hợp lệ (informal) và không được tính. Thật là… hoài của!
How-to-vote cards
Vì lối bầu cử của Úc phức tạp nên trước cửa phòng đầu phiếu luôn luôn có người phân phát các tấm giấy chữ Anh gọi là ‘how-to-vote cards’. Bạn đọc kết ứng cử viên nào hay ủng hộ đảng nào thì cứ theo đó mà… đánh số. Cứ theo hướng dẫn từ tấm ‘How to vote’ vừa chắc ăn cho lá phiếu khỏi bị bất hợp lệ đã đành mà còn giúp cho ứng cử viên mình ưa thích được lợi trong các vòng đếm phiếu thứ nhì, thứ ba…. Theo nghiên cứu của giáo sư môn chính trị học Nick Economou tại đại họcMonash: phần lớn cử tri Úc cứ theo tờ ‘How to vote’ mà đánh số trên lá phiếu. Làm thế, khi người ta đếm phiếu cũng được dễ dàng.
Các tấm giấy chỉ dẫn cách bầu này cho thấy đảng hay ứng cử viên đã tính toán cách nào được hưởng lợi nhất trong những vòng đếm phiếu thứ nhì, thứ ba. Trong lần tổng tuyển cử vào thứ Bảy 18.5 sắp tới, tấm giấy ‘How to vote’ của đảng Tự Do thường hướng dẫn cử tri đánh số 2 cho đảng United Australia của ông Clive Palmer. Tức giận với cái ngoéo tay giữa thủ tướng với ông Clive Palmer, thủ lãnh đối lậpnhận xét: Cử tri bầu cho Scott Morrisoncoi chừng lòi ra Clive Palmer trở thành thủ tướng! Ngoài ra, đảng Tự Do cũng hướng dẫn cử tri đặt One Nation ở dưới Lao Động. Ngược lại, đảng QuốcGia lại đồng ý trao đổi lá phiếu số 2 với One Nation. Chính ông Michael McCormack, thủ lãnh đảng Quốc Gia, có lần tuyên bố: chính sách của đảng Quốc Gia gần với One Nation hơn là với Lao Động hay Xanh. Trong khi đó tấm giấy ‘How to vote’ của đảng Lao Động lại hướng dẫn cử tri đánh số 2 cho Xanh. Như vậy, bao nhiêu phiếu số 2 của ứng cử viên ‘thất cử’ Xanh thường dồn về cho ứng cử viên Đỏ Lao Động.
Thể thức đếm phiếu
Sau đây xin nói qua cách đếm phiếu theo kiểu Úc.
Sau khi đếm phiếu vòng thứ nhất mà chưa có ứng cử viên được hơn 50% số phiếu thì người ta đếm vòng nhì, ba… cho đến khi có người đắc cử mới thôi. Tuy nhiên, để cử tri nhanh chóng biết ai làm thủ tướng Úc thì ngay trong đêm kiểm phiếu uỷ ban bầu cử Úc chọn ra hai ứng cử viên có nhiều xác suất đắc cử nhất để chuyển các phiếu số 2, số 3 cho hai người này. Trong hai lần tổng tuyển cử năm 2013 và 2016, uỷ ban bầu cử đã làm thế. Họ đã chọn tổng cộng 300 cặp ứng cử viên hàng đầu để chuyển phiếu số 2, số 3…. Trong số này chỉ có hai cặp được chọn mà ứng cử viên thứ ba (không được chọn) lại đắc cử. Một trong ứng cử viên thứ ba ấy là ông Clive Palmer. Vào năm 2013, ông này mới ra tranh cử lần đầu ở đơn vị Fairfax (Queensland) nên chưa được uỷ ban bầu cử biết tiếng. Uỷ ban đã không chọn ông Clive Palmer để chuyển phiếu trong đêm kiểm phiếu…. Nhưng vài hôm sau ứng cử viên Clive Palmer đã đắc cử!
Trước hết là đếm phiếu màu xanh (bầu dân biểu tại hạ viện). Trước tiên, người ta sắp các phiếu đánh số 1 thành từng chồng theo tên của từng ứng cử viên. Mỗi ứng cử viên một chồng. Tạm gọi đây là kiểm phiếu vòng thứ nhất. Ứng cử viên nào được 50% +1 phiếu đánh số 1 thì đắc cử. Rất hiếm có ứng cử viên tốt số như thế.
Vì không có ứng cử viên nào đắc cử ngay trong vòng đầu, người ta kiểm phiếu vòng thứ nhì. Trong vòng này, người ta lấy chồng phiếu số 1 của ứng cử viên được ít phiếu nhất xem các số 2 ở trỏng đánh cho ai, rồi chia phiếu số 2 này cho ứng cử viên đó. Nếu vẫn chưa có ai đắc cử, thì người ta tiếp tụclấy chồng phiếu của ứng cử viên được ít phiếu kế tiếp mà chia phiếu đánh số 2 cho các ứng cử viên còn lại. Và cứ thế… cứ thế cho đến khi có ứng cử viên đắc cử mới thôi.
Còn về cách đếm phiếu màu trắng (bầu nghị sỹ) thì quả là nhiêu khê. Thú thật, Cổ Nhuế chẳng biết nên xin né tránh. Dường như để đắc cử nghị sỹ đại diện tiểu bang, ứng cử viên chỉ cần được 1/7 số phiếu – tức 14.3%. Còn nghị sỹ đại diện lãnh thổ phải đạt ít nhất 33.3% số phiếu mới đắc cử. Trong thực tế, ít ứng cử viên được tới số đó. Nhưng nhờ lối ‘nhường phiếu’ (tức các phiếu số 2, 3, 4, 5, 6) nên có những nghị sỹ chễm chệ trên ghế màu đỏ trong tòa nhà quốc hội liên bang Úc mà chỉ được vài trăm phiếu số 1 mà thôi.
Sau cùng, mặc dầu tính theo số phiếu đối lập dẫn trước (51 / 49) nhưng ở Úc không phải được nhiều phiếu mà thắng cử. Gọi là thắng cử (được làm thủ tướng cai trị nước Úc) là chánh đảng (hay liên minh) chiếmđa số ở hạ viện. Trong lần tổng tuyển cử năm 1998, đảng Lao Động được 51% số phiếu nhưng thủ lãnh đối lập lúc đó là ông Kim Beazley phải ngậm ngùi chịu thua. Thua vì không chiếm được đa số ghế tại hạ việndù được nhiều phiếu hơn.
Cổ Nhuế