Tuần qua, Trung Cộng và Nga đã cùng kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao với nhau bằng chuyến công du của Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tới Nga.
Chính thức thì gọi là “Kỷ niệm 70 năm Nga (lúc đó là Liên Sô) công nhận nhà nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa” (năm 1949) khi vừa thành lập, sau khi quân Trung Cộng đánh bại quân Trung Hoa Quốc dân đảng, đẩy Thống chế Tưởng Giới Thạch phải rút ra đảo Đài Loan (để lập Trung Hoa Dân quốc).
Trong chuyến đi của Tập kéo dài 3 ngày, hai bên đã ký một số thỏa thuận thương mại và năng lượng quan trọng, thậm chí Tập và Putin còn tán tụng lẫn nhau không tiếc lời. Putin thì nhận định “mối quan hệ Nga-Hoa đã đạt đến một điểm cao chưa từng thấy”, trong khi Tập gọi Putin là “một trong những người bạn thân nhất và là một đồng nhiệm tuyệt vời”.
Cuộc viếng thăm Nga của Tập đáng chú ý vì diễn ra trong lúc cuộc thương chiến Mỹ-Hoa tiếp tục kéo dài tạo áp lực lên cả hai nền kinh tế. Hồi đầu tháng 5, sau khi các cuộc đàm phán giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh tan vỡ, chính phủ của ông Trump đã tăng thuế nhập cảng lên 25% đối với khối lượng hàng hóa của Trung Cộng trị giá tới 200 tỷ Mỹ kim và Bắc Kinh trả đũa bằng biện pháp tăng thuế đối với khoản 60 tỷ Mỹ kim hàng hóa Hoa Kỳ xuất cảng sang Hoa Lục, song song với việc đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền chống Mỹ (cụ thể ngày 30/5/2019 Bắc Kinh cáo buộc Mỹ đã mở cuộc “khủng bố kinh tế”)
Trong cuộc gặp gỡ tay đôi với Tập tại Điện Kremlin, Putin cám ơn Tập rằng “Trung Cộng đã giúp Nga đạt được doanh thu thương mại hơn 100 tỷ Mỹ kim mỗi năm” và còn thêm rằng “quan hệ Nga-Hoa đã đạt đến “mức độ tốt đẹp chưa từng thấy””.
Trung Cộng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, vượt xa Hoa Kỳ và bất kỳ một nước Âu châu nào.
Chủ tịch Trung Cộng ghi nhận rằng “khối lượng thương mại song phương đã đạt hơn 100 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018, tăng 30% so với năm trước. Tỷ lệ hàng hóa Trung Cộng nhập cảng của Nga trong năm 2018 đã tăng thêm tăng 42.7%”.
Một số cơ quan truyền thông của nhà nước Nga đã có những gợi ý kêu gọi các doanh nghiệp Trung Cộng nên xét tới kế hoạch chuyển sản xuất sang Nga dưới áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Hoa.
“Những kết quả đáng chú ý trong hợp tác kinh doanh của chúng tôi đặc biệt có giá trị do môi trường phức tạp hiện tại của thương mại và đầu tư toàn cầu trì trệ và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới”, ông Xi nói với TASS.
Giáo sư Willy Lam của Viện Đại học Hồng Kông, nổi tiếng là một nhà phân tích lâu năm về chính trị Trung Cộng đồng ý rằng “mối quan hệ giữa Tập và Putin bền chặt trong nhiều năm qua (kể từ năm 2013, hai lãnh tụ Nga Hoa đã gặp nhau gần 30 lần, với cuộc họp song phương cuối cùng của họ là tại Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường lần thứ nhì được tổ chức tại Bắc Kinh hồi tháng Tư vừa rồi) nhưng lại không thể đoan chắc Nga sẽ chịu chi bao nhiêu để giúp cho Trung Cộng tránh bớt hậu quả thiệt hại kinh tế nghiêm trọng từ cuộc thương chiến với Hoa Kỳ”.
Giáo sư Lâm còn quả quyết rằng “Về mặt thương mại, Nga khá cô lập và nền kinh tế Nga khá nhỏ bé, nên thật ra Nga không thể làm gì nhiều để giúp Bắc Kinh trên mặt trận thương mại chống Mỹ”, ông nói.
Về tình hình quốc tế, lãnh tụ Nga Vladimir Putin nói “trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, quan điểm địa chính trị của Nga phù hợp với quan điểm của Trung Cộng”. Trong thỏa thuận chung với mục tiêu “tăng cường ổn định chiến lược toàn cầu trong kỷ nguyên hiện đại” có đoạn nói “hai lãnh tụ Nga Hoa đồng cảm với lập trường nguyên tắc của Nga và Trung Cộng về việc không thể chấp nhận gây nguy hiểm cho hệ thống các hiệp định về kiểm soát vũ khí, giải giới vũ khí và không phổ biến vũ khí”.
Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý rằng không có giải pháp thay thế nào cho giải pháp hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Hai người đã thảo luận về những nỗ lực chung để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria và cố gắng ổn định tình hình ở Venezuela.
Đáp lời Tập gọi Tổng thống Nga là “một người bạn” và nhắc lại quan điểm của Putin, nói rằng “sự hợp tác của hai người dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau”.
Theo Tập Cận Bình thì “thế giới hiện nay đang thay đổi ở một mức độ chưa từng thấy nhưng mối hợp tác giữa Nga và Trung Cộng sẽ vẫn tiếp tục mạnh mẽ trong nhiều năm tới”.
Trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã TASS của nhà nước Nga, Chủ tịch Trung Cộng nói “sự gắn bó với người bạn tốt nhất Putin được xây dựng trên mức độ tin cậy lẫn nhau và đó là nền tảng vững chắc của tình bạn thân thiết giữa 2 người vì đối xử với nhau bằng sự tôn trọng, thẳng thắn, thấu hiểu và tin tưởng”
*
Trong chuyến thăm viếng nước Nga của Tập lần này, Trung Cộng và Nga đã ký nhiều thỏa thuận hơn 20 tỷ Mỹ kim để tăng cường quan hệ kinh tế trong các lĩnh vực như công nghệ và năng lượng, và nhằm mục đích tăng khối lượng giao thương giữa hai nước lên 200 tỷ Mỹ kim mỗi năm. Gao Feng, Phát ngôn viên Bộ Thương Mại Trung Cộng cho biết các thỏa thuận đã ký gồm các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, khí đốt tự nhiên, ô tô, phát triển công nghệ cao, thương mại điện tử và truyền thông 5G.
Putin cũng nhấn mạnh sự hợp tác năng lượng giữa hai nước, thêm rằng Nga là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu của Trung Quốc và tuyến đường ống phía đông của Nga và Trung Cộng sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12.
Novatek và Sinopec, các công ty khí đốt tự nhiên hàng đầu của Nga và Trung Cộng, đã ký một thỏa thuận sơ bộ với ngân hàng nhà nước Nga Gazprombank hôm Thứ Tư để thành lập một liên doanh tiếp thị khí đốt tại Trung Quốc.
Công ty khí đốt tự nhiên Nga cũng đang hợp tác với Tập đoàn Dầu khí tự nhiên Trung Cộng và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để phát triển một cơ sở khí đốt tự nhiên ở Bắc Cực, với cả hai công ty Trung Cộng đang giữ 10% cổ phần của dự án (theo S & P Global Platts, một nhà cung cấp thông tin năng lượng).
Một hợp đồng chung cũng đã được ký kết để xây dựng thêm các đơn vị của Nhà máy điện hạt nhân Xudabao, nằm ở bờ biển phía Đông Bắc Hoa Lục.
Ngoài ra Bộ thương mại Trung Cộng cũng cho biết Nga đã đồng ý tăng xuất cảng đậu tương sau khi mức nhập cảng từ Mỹ giảm mạnh vì cuộc chiến thương mại đang diễn ra.
Hai bên cũng đang thảo luận về khoản đầu tư trị giá 153.3 triệu đô la Mỹ để lập một công ty cổ phần nông nghiệp chung ở Primorsky tại Nga.
Trong khi đó, tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Cộng, bị Mỹ trừng phạt với cáo buộc tội gián điệp và phá hoại an ninh quốc gia, đã ký một thỏa thuận với công ty viễn thông MTS của Nga để phát triển mạng 5G.
Tập đoàn đầu tư Trung Cộng và RDIF, một quỹ tài sản có chủ quyền của Nga, cũng được cho là đã đồng ý thành lập quỹ nghiên cứu công nghệ chung trị giá 1 tỷ Mỹ kim.
Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân Trung Cộng nói hai bên đang thúc đẩy sự hợp tác chiến lược và ngoại giao với nhau tại thời điểm vô cùng căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Dù tới nay, sự hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực công nghệ cao giữa Trung Cộng và Mỹ là rất hạn chế, nhưng trong lĩnh vực quân sự thuần túy thì sự hợp tác củ thể của hai bên tỏ ra được bảo đảm.
Shi Shi, cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Cộng nói “Hồi tháng 9 năm ngoái, cả thảy 300,000 binh sĩ của hai nước đã tham gia cuộc thao dượt quân sự “Vostok 2018”. Đó là một cuộc tập trận quân sự chung ở miền đông Siberia, cuộc tập trận lớn nhất như vậy ở Nga trong gần bốn thập niên qua”.
*
Như lời tuyên bố cuả Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh và Moscow là ‘bạn thân’ với nhau, quan hệ liên minh giữa hai nước đã tăng cường vì cả Nga và Trung Cộng ngày càng xa cách với Âu châu và đặc biệt với là Mỹ. Mối quan hệ của Mạc Tư Khoa với khối Tây phương đã trở nên chua chát khi Nga bị Âu châu trừng phạt bằng biện pháp cấm vận vì đã khơi dậy cuộc xung đột ở Ukraine trong 5 năm qua, và Nga cũng đã bị chỉ trích vì tích cực yểm trợ chế độ Assad ở Syria vào năm 2015.
Còn mối quan hệ của Trung Cộng Mỹ đã xấu đi kể từ khi chính quyền Trump thay đổi quan điểm quay lưng lại với nỗ lực toàn cầu hóa và cổ vũ mạnh mẽ cho chủ nghĩa bảo hộ kinh tế quốc gia.
Hai nước hiện đang bị lôi cuốn trong cuộc chiến thương mại và thuế quan theo chiến thuật ăn miếng trả miếng mà các cuộc đàm phán cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết được.
*
Đáng chú ý là trong khi Trung Cộng và Nga duy trì mối quan hệ thương mại mạnh mẽ thì hai bên hồi gần đây đã tuyên bố “họ có thể sẵn sàng hợp tác để đạt được một mục tiêu chiến lược chung khác – là đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế”.
Nga đã liên tục cho thấy họ sẵn sàng vượt qua các ranh giới luật pháp quốc tế khi tự khẳng định quyền kiểm soát một vùng rộng lớn ở biển Baltic và đã có nhiều hành động thách thức những cam kết của Hoa Kỳ với các nước đồng minh trong khu vực Đông Âu như Ukraine, đặc biệt là cuộc chiếm đóng rồi sáp nhập Crimea năm 2014. Hồi năm ngoái, Nga bắt giữ 24 thủy thủ Ukraine sau khi chiến hạm Nga hung hăng đâm vào tàu Hải quân Ukraine ở eo biển Kerch. Những thủy thủ đó cho tới nay vẫn còn bị giam giữ mặc dù Hoa Kỳ đã liên tiếp nhiều lần kêu gọi Nga hãy trả tự do cho số binh lính Ukraine này.
Ngoài ta, có những dấu hiệu gần đây cho thấy Nga đang có ý định tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu khiến tình hình an ninh thế giới đang có mòi bị đe dọa vì chỉ cần một va chạm nhỏ giữa Nga và Mỹ thì tình hình căng thẳng sẽ leo thang. Là một phần của nỗ lực đó, Nga đã mở rộng sự hiện diện ở khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông nơi đang có tranh chấp và đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Bắc Kinh.
Trung Cộng đơn phương tuyên bố gần như toàn bộ khu vực 1 triệu 300 ngàn dặm vuông là lãnh thổ có chủ quyền của mình, đã tích cực khẳng định lập luận đó bằng cách xây dựng nhiều căn cứ, cơ sở quân sự trên các đảo và bãi san hô trên biển Đông. Tập cứng rắn tuyên bố “Trung Cộng sẽ không bao giờ lùi bước” trong khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chiến lược để bào đảm Ấn Độ-Thái Bình Dương là vùng biển tự do và cởi mở.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hồi tháng trước tuyên bố “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là không gian quan trọng nhất của Hoa Kỳ từ góc độ an ninh”. Tuy không chính thức nêu danh Trung Cộng nhưng trong bài phát biểu hồi tháng trước tại Singapore, ông đã nhắc đến mối đe dọa nền an ninh khu vực và quốc tế hiện nay là tập hợp “những công cụ cưỡng đoạt” gồm xây dựng đảo nhân tạo, phối trí các hệ thống vũ khí tối tân đến các khu vực tranh chấp, có những hoạt động kinh tế kiểu săn mồi và trộm cắp – được nhà nước tài trợ và hỗ trợ về công nghệ quân sự và dân sự – , tất cả các hoạt động mà Hoa Kỳ trước đây đã nhiều lần tố cáo đích danh Bắc Kinh!
Trong khi Mỹ và Trung Cộng tranh giành ảnh hưởng trên biển Đông trong nhiều năm thì Nga đã tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực.
Mặc dù các chiến hạm Nga càng ngày càng trở thành một cảnh tượng phổ biến ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhưng thường tàu chiến Nga luôn tránh các cuộc đối đầu nghiêm trọng với lực lượng Hoa Kỳ khi hoạt động xa nhà và điều đó khiến sự vụ căng thẳng mới nhất giữa Nga và Hoa kỳ nhắc nhở mọi người về nguy cơ bùng nổ xung đột sau khi hai chiến hạm Nga và Mỹ suýt đâm vào nhau trên biển Thái Bình Dương mới đây! Cả hai bên Nga và Mỹ đã chỉ trích lẫn nhau về chuyện đã “có hành động khinh suất và khiêu khích” nhưng trong việc đã xảy ra ngay vùng biển gần Trung Cộng đang làm dấy lên mối lo ngại về sự gia tăng hợp tác quân sự giữa Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh để thách thức vị thế cường quốc toàn cầu của Hoa Kỳ!
Một sĩ quan Hải quân cao cấp cũa Mỹ –nay đã về hưu- từng là cựu giám đốc Trung tâm Tình báo Hỗn hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói “người Nga thường quấy rối tàu của Hoa Kỳ đang hoạt động ở vùng biển mà Nga xem là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ” (Biển Đen, Biển Barents và vùng biển ngoài khơi Vladivostok). Nhưng nay với hành vi thách thức công khai một chiến hạm Mỹ ở biển Philippines, Putin có thể đã ra dấu cho Tập biết rằng “Nga sẵn sàng đưa mối quan hệ của họ lên một tầm cao mới” và “rõ ràng Putin muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình rằng “chúng tôi đứng về phe các bạn””.
Hiện còn phải chờ xem chính phủ Mỹ sẽ phản ứng thế nào và liệu cuộc gặp gỡ kiểu này có cho thấy sự thay đổi lớn lao trong mối quan hệ của Nga với Trung Cộng hay không!
Tuy nhiên, điều có vẻ rõ ràng là Nga đang tiếp tục hung hăng hơn khi đối đầu với các lực lượng quân sự Mỹ.
Một sĩ quan Hải quân cao cấp của Mỹ thì cho rằng “Putin rõ ràng đã ra lệnh cho Hải quân Nga gây áp lực với Hải quân Hoa Kỳ bất cứ khi nào có cơ hội. Đây có thể là một hành vi để hỗ trợ chính trị cho Trung Cộng khi Tập ở Moscow, nhưng nhiều khả năng đó là tín hiệu cho thấy Nga sẵn sàng thách thức sự thống trị của Mỹ trên biển, như Nga hành động ở Syria, ở phía đông Địa Trung Hải, ở Baltic, Biển Đen và bây giờ ở Thái Bình Dương. Rõ ràng Nga đang thực sự thách thức Hoa Kỳ ở bất cứ nơi nào họ có thể để không những khẳng định sự thống trị của họ trong một khu vực cụ thể, nhưng cũng là cách dò đường để đánh giá ý định và quan trọng hơn là các phản ứng của Hoa Kỳ”.
Phạm Thạch Hồng