Hình ảnh bi thảm của chiến tranh “người chết hai lần” đã được Trịnh Công Sơn mang vào ma âm của cung đàn, nhưng còn những cái chết khác, như “đi là chết trong lòng một ít ”, xa rời nơi chôn nhau cắt rốn, di cư hai lần, tản cư ba bốn bận… cũng là những cái chết hai ba lần xẩy ra từ châu Á đến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ… cho cả trăm triệu người, làm thành một nét bi ai độc đáo của thế kỷ 20-21 hỗn loạn.
Đi là chết trong lòng một ít, một ít gì đây? Có thể là cái tai chết đi sống lại mấy lần, giọng mẹ đẻ bắt đầu phai đi để đón nhận những âm thanh mới, con người biến đổi hay chính mình biến đổi? học ngoại ngữ có thể là một cuộc hành xác, thớ thịt cổ họng bị tra tấn vì phải uốn theo chiều ngược kim đồng hồ, tế bào não chạy loạn logic vì dòng điện chưa nhận quen giống đực, giống cái, tĩnh từ trước hay sau danh từ… Ngoại ngữ có thể gây chấn thương, tàm thực dần tiếng mẹ đẻ! và như vậy nhị trùng ngôn ngữ đi tới nhị trùng bản ngã, là chết đi một ít con người gốc của mình. Có thế hệ Việt-Nam bị tới tam tứ trùng ngôn ngữ: Nho, Pháp, Nhật, Anh, Nga .v.v… có thể vì thế mà người trí thức Việt dễ ông nói gà bà nói vịt chăng?
Sau cái tai phải kể tới cái mắt. Cũng như vị giác, cái mắt có đồ ăn của nó, đang quen mầu trắng là mầu tang, người bệnh nằm ở bệnh viện thấy toàn áo trắng có thể xuống tinh thần vì liên tưởng đến cái chết. Thế nên giữa một mùa tuyết rơi trên một thành phố nhỏ miền Bắc Nữu Ước, nhìn một cụ già răng đen tóc bạc vấn khăn mỏ quạ đứng giữa shopping tân kỳ, mới thấy trò chơi kỳ lạ của Trẻ Tạo. Chẳng hẹn mà gặp, người Á đông, cả Việt di cư thời 1980 khi chưa có Khu chợ Việt Nam, dù có trầm trồ thán phục cao ốc, xa lộ vĩ đại, vẫn cứ tìm về khung cảnh China-town, tuy lộn xộn cả xe với người, mùi tôm mùi cá, mà vẫn thấy chút ấm lòng. Thì ra con người tuy có khả năng thích nghi rất cao, nhưng cũng có giới hạn, bao lần thích nghi là đủ? Thích nghi 90 độ, 180 độ hay 360 độ? Độ nào thì vừa, độ nào thì gây tâm bệnh, độ nào thì sinh vật bị hoảng? Nếu cửa sổ linh hồn bị ngoại xâm dồn dập bởi các hình sắc lạ lùng, khác với hình sắc quen thuộc bao đời, thì tri giác sẽ náo loạn ra sao, tâm trí sẽ biến động thế nào? Cái tâm trí lưu vong mới thật là nhân sinh thị bi kịch, càn khôn nhất hí trường vậy!
Martin Heidegger, triết gia Đức lừng lẫy, đã cảm nhận tấn bi kịch đó. Sau đệ nhị thế chiến ông rút về một túp lều (cabin) trong rừng, tiếp tục suy tư về kiếp nhân sinh. Tác phẩm Hiện hữu và Thời gian-Sein und Zeit-1927 được dịch ra Nhật ngữ năm 1939 và mãi tới năm 1962 mới được dịch ra Anh ngữ! Năm 1961 ông nhận định nhân loại đang đi tới một nền văn minh toàn cầu, trái đất bị Âu hóa, tất cả đều bị vô gia cư (homelessness)… Sống ở đâu, dù nhà mình, quê mình cũng vẫn bị lưu vongvì thế giới thường xuyên biến đổi, con người bị TV, radio… kéo ra khỏi cửa nhà, di cư sang những chân trời mới, tín hiệu mới, hình ảnh mới… thành ra nằm ở ghế bành nhà mình mà vẫn rơi vào tình trạng “lưu vong” (das unheimische – the un-home like) như kẻ không nhà, không quê không quán Heimatlosigkeit – homlessness. Nhưng viễn du mãi thì cũng nhớ nhà, chẳng nơi nào đẹp bằng quê hương, dần dần ai cũng chán ngán cái mới cái lạ, cái ngoại hóa để tìm về tổ ấm, cái nôi cho tâm hồn, cái nhà cho tâm trí.
Nếu đã thường trực bị văn minh toàn cầu kéo ra khỏi nhà, lôi ra khỏi tổ, thì đâu là tổ ấm, đâu là nơi an trú đích thực cho con người? Heidegger tìm về nhà Phật để trả lời: Chính sự tỉnh thức của cái tâm thanh tịnh giúp con người an trú giữa cuộc đời bào ảnh nổi trôi, sống tỉnh táo, nhìn rõ cái lẽ có, không, như biển lặng dưới lớp sóng dữ, tức là sống thật sự ở trong nhà mình, trên đất nước mình. Biết an trú thì đâu cũng là nhà, lúc nào cũng an lạc khoan khoái, còn không thì nằm trong tổ vẫn cứ bị “lưu vong” như nằm trên đống lửa.
Theo nẻo suy luận này thì người trong và ngoàinước đều dễ mắc tâm trạng lưu vong. Người trong nước được sống trên đất tổ nhưng cái tâm có an trú không hay vẫn cứ bị phiêu lưu theo ngoại cảnh bi hài kịch?
Người ngoài nước mang cái sầu ly hương nhưng nếu biết gánh gồng di sản tổ tiên theo thì vẫn là đàn cá lội trong nước, hà tất phải thắc mắc về chuyện xa hay gần, còn hay mất. Ở thời đại toàn cầu hóa – globalisation – này, Tạo hóa mang trăm họ lên cái sàng, sàng đi sàng lại, ông Phi châu da đen sang Hòa Lan Thụy Điển chơi với tuyết trắng bạch kim, dân Hmong sang Mỹ và sang cả xứ Guyane trại tù An Nam thuở xưa nữa, bà Do Thái ngồi xổm ăn bún riêu ngõ Bảo Khánh Hà Nội…thế thì quả là quan nhất thời, dân vạn đại như Cao Bá Quát viết: càn khôn dẫu có san đi sẻ lại, kết quả chẳng ai triệt tiêu được ai, di cư di tản không chừng nằm trong siêu kế hoạch của Hóa công, muốn loài người hợp chủng chăng? Thế hệ thứ I chịu nhiều nỗi đau đổi đời, luyến nhớ cái cũ, dị ứng cái mới, nhưng từ thế hệ thứ II thì đâu lại vào đó, thích nghi hóa, chẳng còn gánh nặng quá khứ, và như thế mới thật là nhẹ gánh, hạnh phúc trong khung cảnh nhỏ bé của mình, trong một cái tổ của mình ở, mình sống, không còn mang tên là cũ hay mới.
Hạ Long Bụt Sĩ