Dư luận trở nên dậy sóng khi hãng CocaCola tung ra mẫu quảng cáo mới: “Mở lon Việt Nam”.
Bởi vì ngay sau đó, câu quảng cáo này bị cấm mà theo Cục Văn Hóa nhận định là không phù hợp thuần phong mỹ tục, thiếu thẩm mỹ khiến nhiều người ngạc nhiên. Người ta không hiểu mở lon Việt Nam thì trái thuần phong mỹ tục chỗ nào tới nỗi vừa ló mặt đã bị cấm qua văn bản đàng hoàng. Tấm quảng cáo tấm lớn ở ngã tư Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội đã được gỡ bỏ lập tức.
Để trả lời câu hỏi này, cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở giải thích cặn kẽ. Đại khái như sau: “mở lon Việt Nam” có thể được hiểu đơn giản là “mở lon Coca – Cola tại Việt Nam” hay không hay nó sẽ được hiểu theo rất nhiều nghĩa khác?”. Chữ “lon” đứng một mình, không gắn với từ Coca – Cola hay bia… có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa. Hãy giả sử nếu người ta thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó… Từ “lon Việt Nam” có rất nhiều vấn đề.
Người VN vốn hay đùa tục. Tốt hơn hết nên ngăn ngừa trước khi có ai đó rắn mắt nhảy lên mạng đùa nhảm. Lon, hộp, chai… là những vật dụng thông thường trong đời sống hàng ngày. Mở lon, mở hộp, mở chai… là những hành động bình thường. Nhưng khi đụng tới chữ Việt Nam thì chũ “lon” đi kèm lại được phân tích hoa hòe hoa sói khi thêm các dấu vào. May sao nếu không có bà Cục trưởng giải thích dài dòng sâu xa như thế thì ai mà nghĩ ra những ý nghĩa thầm kín lắt léo cơ chứ.
Tiếng Việt rắc rối ở các dấu. Chữ là phải có đủ dấu đi kèm với câu cú rõ ràng. Viết theo kiểu tây không dấu có thể sinh ra nhiều chuyện rắc rối, hiểu lầm… Như chữ TÔI: bỏ dấu mũ là TOI, thêm dấu sắc là TỐI, thêm dấu huyền là TỒI, thêm dấu nặng là TỘI…
Chữ nghĩa thời đại mới thực lắt léo. Để tránh chữ “nhiều” nghe có vẻ nặng nề, người ta bèn chuyển sang “một số ít” hay “một bộ phận” cho nhẹ nhàng hơn hẳn. Ví dụ “vẫn còn một số ít cán bộ quan liêu” hay “đời sống của một bộ phận công nhân còn khó khăn”… Đọc tới đây mọi người thấy ngay cán bộ quan liêu không đáng kể, và số công nhân có đời sống khó khăn chẳng đáng bao nhiêu.
Khi văn từ của công văn xuất hiện trong tất cả mọi lãnh vực đã thấm dần vào đời thường, khiến văn viết, văn nói trở nên kỳ cục, mà vì quá quen thuộc nên ít ai nhận ra.
Ví dụ: “Nợ nần, túng thiếu, mẹ một học sinh lớp Ba đã dựng chuyện con mình bị bắt cóc, huy động 500 triệu đồng lấy tiền trả nợ”. Đi vay nợ mà cứ như huy động quân lính. Hay bà mẹ than: “Tui phải quản lý ba đứa con”. Ở nhà trông con mà cứ như quản lý nhân viên. Một youtuber nói với bà chủ quán ăn vặt: “Hàng ăn vặt đều ngồi ở lề đường, cô tư duy sao mà lại mở thành quán?”. Khiếp quá, phải động não tư duy mới tìm ra nguyên do mở hàng ăn!!!
Danh từ “điều kiện” nay có nghĩa giàu có, dư dả… “Cô ta là con một trong gia đình có điều kiện”, “Chiếc điện thoại cổ vốn chỉ xuất hiện tại những gia đình có điều kiện”, “Nhà không có điều kiện lắp điều hòa, trước lúc đi ngủ chị ta múc một chậu nước đặt trước quạt để lấy hơi nước làm mát”…Điều hòa ở đây có nghĩa là máy lạnh.
Ngược lại, hoàn cảnh nay có nghĩa ngắn gọn là sự nghèo khổ, túng thiếu: “Gia đình ca sĩ khá hoàn cảnh, ở nhà thuê và tiền anh đi hát hội chợ cũng chỉ được trả 150000- 300000”; “Bà già rất hoàn cảnh, đau ốm không có tiền đi bệnh viện”…
“Tâm trạng” theo nguyên nghĩa là trạng thái tâm lý có cảm xúc thường kéo dài và không có ý thức rõ rệt, nhưng giờ thì gọn ghẽ là “buồn rầu”. “Ở phòng thi bước ra, mặt cậu học sinh trông thật tâm trạng”… “Anh ta bỗng dung tâm trạng: Hôm nay trời nhẹ lên cao, tui buồn không hiểu vì sao tui buồn”…
Chữ ngắn gọn nhưng nghĩa thì muốn mênh mông đến đâu tùy ý. Một ca sĩ khác cho biết: “Nếu gặp mẹ chồng khó tính, tôi sẽ quán triệt lại bà ấy”. Còn biến thái không hẳn chỉ tên nam giới sàm sỡ phụ nữ đến mức bệnh hoạn mà đơn giản còn được gán vào kẻ ghen tuông đánh đập người yêu.
Nhưng có lúc lại từ đơn giản kéo ra dài dòng. Trong dự thảo Luật Giáo dục đại học thay vì “học phí” dễ liên tưởng tới cảnh sinh viên nghèo không đủ tiền đóng học phí cao, thay thế bằng “giá dịch vụ đào tạo” nghe hoa bướm mỹ miều và ngang bằng nhau. Anh bỏ tiền ra thì mua lấy một loại dịch vụ. Không ai bóc lột ai, không ai xin xỏ nhau.
Năm ngoái các tài xế phản đối đóng phí khi đi qua một số trạm BOT. Sau đó chẳng hiểu nghĩ thế nào mà hàng loạt biển “thu phí” của các BOT bị đổi tên thành “thu giá”. Chữ thu phí có vẻ trắng trợn, nên đổi thành thu giá chăng. Việc này khiến người ta thắc mắc về sự khác biệt giữa từ và giá.
“Phí” là khoản tiền cụ thể phải chi khi được cung cấp dịch vụ như học phí, viện phí, án phí, cước phí…
Còn “giá” biểu hiện về giá trị, không gắn với đồng tiền cụ thể và luôn thay đổi. Ví dụ giá heo hơi hôm nay khoảng 45.000 – 49.000 đồng/kg, đã tăng 2.000 – 4.000 đồng/kg so với hồi tuần trước.
Không chỉ trạm BOT mà ngành hàng không cũng thay đổi từ “chậm hủy chuyến” nghe rất bực bội, khó chịu trước viễn cảnh vạ vật, chầu chực ở phi trường, chuyển thành “chuyến bay chưa đúng giờ” tuy hơi lôi thôi nhưng hàm ý chưa đúng giờ tức là có thể trễ nhưng cũng có thể sớm hơn. Ý nghĩa tích cực hơn rất nhiều!
Rất nhiều chữ được thay đổi dài dòng cho dù nội dung vẫn vậy. Những con chữ lấp lửng, mập mờ khiến người ta quên đi thực trạng của nó. Giáo viên không được “dạy thêm” ngoài giờ, chắc do lâu nay vẫn mang điều tiếng như một cách kiếm thêm. Nay tránh đi, đổi lại là “dạy tăng cường” có vẻ… mông lung!
Lại nữa, sống thời buổi máy móc, công nghiệp nên khi có tí chút tình người tưởng chừng bị lãng quên, mau chóng được gắn cho cái mác “nhân văn”. Nhân văn ngày càng mở rộng nghĩa ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Chủ tịch thành phố nói “đuổi người buôn bán vỉa hè là hành động thiếu ‘nhân văn’”. Hay “thanh tra, kiểm tra phải nhân văn, theo hướng tạo hành lang thông thoáng để người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi đóng góp ngân sách chung”. Rất rắc rối.
Một người rao cho thuê nhà với câu: “Giá 6 triệu/tháng (miễn trung gian). Thiện chí với gia đình sống nhân văn” có thể hiểu là ông sẵn sàng đón khách cho thuê nhà với những gia đình đàng hoàng. Nhưng với trường hợp sau: “Tiến sĩ, giảng viên Trường đại học Bạc Liêu lừa tình hàng loạt phụ nữ, có nhiều con rơi bị đưa ra xét xử. Tại tòa, bị cáo nói mình cùng lúc sống với nhiều phụ nữ là… rất nhân văn”. Hoàn toàn không hiểu gì hết! Một người khác được coi ca sĩ hiếm của showbiz Việt khi luôn có những hành động đậm tính nhân văn dành cho người già và người kém may mắn. Một diễn viên nổi tiếng cho biết “Phẫu thuật thẩm mỹ không xấu, đó là một việc nhân văn”…
Trong ngôn ngữ, người ta dần dần có thói quen nói vòng vo. Dường như ai nấy luôn cảm thấy e dè, tốt hơn hết không nên nói thẳng, không nên trực diện vấn đề mà cần tránh né, sao cho ý nghĩa mờ ảo đi, nhòa đi. Vì thế không việc nào được gọi đúng tên.
Khi giúp một người nào đó với mục đích trục lợi thì gọi là “nâng đỡ không trong sáng”, em học sinh về nhà kể chuyện với mẹ: “Một bạn trong lớp con bị yêu cầu rút hồ sơ” tức là bị đuổi học. Hoặc cho vay nặng lãi được gọi là tham gia tín dụng đen. Cô ca sĩ thường xuyên có mặt tại xứ sở kim chi để phục vụ công việc. Cuộc sống chất lượng cao của anh trai Nữ hoàng nội y khiến mọi người phát thèm…
Riêng những câu sau đây thì không biết rút gọn cách nào cho gãy gọn hơn: Một ông đến Trung tâm tín dụng công nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh để vay tiền và vàng nhưng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Hoặc: Một nhà báo nắm thông tin các hộ gia đình, tổ chức xã hội có vi phạm về quản lý xã hội và yêu cầu hỗ trợ nếu không sẽ đăng báo. Cô diễn viên trổ tài bếp núc trong giờ giải lạo giữa các cảnh quay cho biết: “Khi nữ chính được nghỉ giải lao, nàng lao xuống bếp tranh thủ nấu ăn phuc vụ anh em trong đoàn tạo quan hệ”.
Đi đường là tham gia giao thông, kẹt xe là ùn tắc giao thông. Chữ tắc nghe cũng tắc tị lắm nên sau này lại gọi ùn ứ giao thông. Tức là chỉ ứ lại chút xíu thôi chứ không phải kẹt là kẹt cứng không nhúc nhích nổi. Giống như trời mưa, đường xá ngập gần hết bánh xe nhưng Sở Giao thông Vận tải có sáng kiến nói chỉ là tụ nước hay ứ nước. SG suốt mùa mưa sáu tháng nhiều con đường ngập nước liên miên. Ngập mới đáng sợ cần giải quyết chứ ứ thì nhẹ hều. Nay còn nhẹ hơn nữa, chỉ là tụ nước. Ngập nước cần tới hàng ngàn tỷ đồng giải quyết chứ tụ tức là nước chỉ đọng chốc lát rồi thoát, thì không việc gì cần phải ỏm lên.
Thành thử gần đây lại xuất hiện từ mới “vợi nghĩa” là những từ được đặt ra nhằm làm cho nghĩa ban đầu được nhẹ hơn.
Tiếng Việt thật linh hoạt một cách đáng khâm phục.
Chữ dùng uyển chuyển làm thay đổi nội dung hoàn toàn: Tại tòa, hai công an Nghệ An nói khi bắt gặp quả tang mại dâm, đã nhận tiền thông lệ từ chủ quán cà phê đèn mờ không phải “hối lộ” mà là “bồi dưỡng”.
Nông dân xã Tùng Lộc (Hà Tĩnh) bắc mạ giống lúa cũ vẫn cho năng suất cao, trung bình 3,5 tạ/sào, gạo lại bán được giá. Tuy nhiên họ lại bị buộc phải mua giống mới của xã với giá cao nhưng lại cho năng suất thấp, bình quân chỉ 1.8 tạ/sào. Dĩ nhiên nông dân phải dùng giống mà họ thấy có lợi. Kết quả là đoàn cán bộ xã đi phá mạ bị người dân hắt nước, ném bùn. Đây không phải lần đầu ở huyện Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung xảy ra tình trạng xã đi phá mạ của dân vì gieo giống lúa “không cơ cấu”!
Thật ra chữ nghĩa không sáng sủa, không phải tự người dân nghĩ ra mà do truyền thông: báo chí, truyền thanh, truyền hình… dùng và trở thành phổ biến. Mà truyền thông chính là phản ánh trình độ văn hóa của quốc gia ấy!
SGCN