Cho đến thời điểm này, người dân Việt Nam lẫn dư luận thế giới đều biết rằng chính quyền Hà Nội từ xưa đến nay luôn thực hành chính sách ngoại giao “đu giây” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Theo đảng CSVN thì chính sách ngoại giao đu dây này là thành quả tư duy sáng tạo của đảng CSVN trong tiến trình dựng nước và giữ nước, nhằm đối phó với những đại cường từ bên ngoài, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nhưng trên thực tế đảng CSVN không coi Hoa Kỳ là đối tác chiến lược. Họ xác định Hoa Kỳ là kẻ thù chiến lược lâu dài. Trong khi đó Hà Nội luôn xem Bắc Kinh là đồng minh chiến lược, là láng giềng tốt, là anh em đồng chí cũng chia sẻ ý thức hệ cộng sản. Cho nên cho dù nói đu giây, chính quyền Hà Nội bao giờ cũng nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh và luôn cẩn trọng giữ khoảng cách xa hơn đối với Hoa kỳ để không làm chính quyền Bắc Kinh phật lòng.
Dù phải chịu đựng sự quấy nhiễu của Trung Quốc liên tục trên Biển Đông, chính quyền Việt Nam lâu nay vẫn tìm mọi cách ngăn chận các làn sóng chống Trung Quốc trong dân chúng. Họ không gọi đích danh Trung Quốc mà chỉ dùng những từ buồn cười như “nước lạ”, “người lạ”, “tàu lạ” để ám chỉ Trung Quốc.
Mặc khác đảng CSVN ra sức định hướng dân chúng trong nước rằng vì “đại cục” quan trọng giữa hai nước, người Việt Nam không nên có tư tưởng chống Trung Quốc, vì điều đó sẽ làm xấu đi quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản láng giếng.
Nếu muốn biết đảng CSVN coi quan hệ với Trung Quốc quan trọng như thế nào thì hãy tự hỏi một câu: Liệu chế độ cộng sản tại Việt Nam sẽ tồn tại được bao lâu, nếu như Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn các cam kết bảo vệ dành cho chế độ Hà Nội?
Nắm được yếu huyệt của Việt Nam là không muốn gây bất hòa với Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc liên tục hành xử kiểu côn đồ, ngang ngược đối với Việt Nam trong vấn đề biển Đông, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ trên biển của Việt Nam, mà hầu như không gặp sự phản đối mạnh mẽ nào từ phía Việt Nam. Nhiều lần Việt Nam cũng đã hăm he kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nhưng trên thực tệ họ chưa bao giờ dám làm một điều kinh động đến thiên triều Bắc Kinh như thế.
Từ giữa tháng 6 năm nay, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã quấy rối các tàu Việt Nam đang phục vụ giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản tại Bãi Tư Chính, nơi Việt Nam coi là thềm lục địa của mình. Trung Quốc cho rằng Bãi Tư Chính là một phần thuộc quần đảo Trường Sa và là lãnh thổ của Trung Quốc. Dù trên thực tế đây vẫn là vùng tranh chấp giữa nhiều quốc gia.
Sang tháng 7, Trung Quốc đã cử tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 để thực hiện một cuộc khảo sát dầu khí tại một khu vực rộng lớn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khu vực Bãi Tư Chính. Hộ tống tàu khảo sát này có ít nhất ba tàu hải cảnh mang cờ Trung Quốc. Bị khiêu khích phía Việt Nam đã phải khẩn cấp gửi các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư tới hiện trường để theo dõi hoạt động đội tàu Trung Quốc. Sự kiện này được xem là một cuộc đối đầu căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như cuộc đối đầu tệ hại năm 2014 có thể sẽ làm quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên căng thẳng chưa từng có trong nhiều thập niên qua.
Tuy nhiên lần này có sự khác biệt đáng lưu ý. Đó là sau nhiều ngày buộc giới truyền thông trong nước im thin thít, bất chấp tin tức về xung đột trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc được truyền thông quốc tế loan tin, chính quyền Hà Nội đột ngột bật đèn xanh cho toàn bộ hệ thống truyền thông của đảng đồng loại lên tiếng tố cáo đích danh Trung Quốc thô bạo vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đi xa hơn thế ngày 19 tháng 7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ chưa từng có lên án các hành động gây hấn của Trung Quốc và kêu gọi “tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế” đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Điều này có thể nói chưa từng có tiền lệ, vì cho đến nay Việt Nam mặc nhiên đồng ý với Trung Quốc rằng vấn đề tranh chấp trên biển Đông do các nước trực tiếp liên quan giải quyết, không được biến thành vấn đề quốc tế. Coi như Hà Nội gián tiếp báo cho Trung Quốc hiểu rằng từ nay vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam là một vấn đề đa phương chứ không còn song phương nữa.
Trước lời kêu gọi có tính chuyển hướng đột ngột của Hà Nội, Hoa Kỳ đã lên tiếng phê phán Trung Quốc và yêu cầu quốc gia này phải “chấm dứt hành vi bắt nạt và không tham gia vào hoạt động gây khiêu khích và bất ổn tương tự”.
Phải chăng sự chuyển hướng của Việt Nam có liên quan đến thái độ của chính quyền của tổng thống Donald Trump mong muốn khống chế sự bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc nhằm bảo vệ các quyền lợi thiết yếu của Hoa Kỳ và các đồng minh Á Châu. Phải chăng đây là lần đầu tiên Việt Nam gián tiếp báo cho Hoa Kỳ rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đều có chung một mối quan tâm về quyền lợi quốc gia trên biển Đông. Với Hoa Kỳ đó là quyền lợi của Hoa Kỳ và đồng minh, còn đối với Việt Nam là chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Nói đúng ra chưa bao giờ Trung Quốc tôn trọng cái gọi là chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Họ đã liên tục tấn công, xâm chiếm biển đảo của Việt Nam cả trước và sau năm 1975. Điều này chứng tỏ rằng Trung Quốc tin rằng Việt Nam sẽ chấp nhận hy sinh chủ quyền biển đảo để đổi lấy sự cam kết bảo vệ chế độ của Bắc Kinh. Thái độ chấp nhận hy sinh chủ quyền này thể hiện rõ trong việc chính quyền Việt Nam chỉ dám dùng từ “nước lạ” thay vì chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ xâm lược, gây hấn.
Nhưng tình hình có vẻ đang có chiều hướng thay đổi. Việt Nam đã công khai chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ gây hấn, và kêu gọi cả thế giới lưu tâm vấn đề Trung Quốc hành xử ngang ngược trên biển Đông với tham vọng độc chiếm.
Liệu thái độ của chính quyền Hà Nội lần này có mục đích nhắn gửi một thông điệp nào đến với Trung Quốc? Phải chăng Hà Nội muốn nói với Bắc Kinh rằng sự nhẫn nhịn của Việt Nam như thế là đã quá đủ và Trung Quốc phải chấm dứt lập tức các hành vi xâm lược của họ. Việt Nam cũng có thể muốn nhắn gửi với Trung Quốc rằng họ không chấp nhận vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam là vấn đề song phương.
Có thể hơi quá sớm để nói rằng bằng cách nêu đích danh Trung Quốc là kẻ gây hấn, Việt Nam đang tìm cách rời xa Trung Quốc để tiến gần lại với Hoa Kỳ.
Khách quan mà nói việc cựu tổng thống Obama mời tổng bí thư CSVN đến thăm Tòa Bạch Ốc, hay Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam hoàn toàn không phải là thành quả chuyển trục của CSVN. Ông Obama mời ông Trọng đến Nhà Trắng và hũy bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Hà Nội không phải là phần thưởng dành cho Việt Nam vì Việt Nam đã bày tỏ thái độ chuyển trục từ Bắc Kinh sang Washington. Thật ra với những hành động trên ông Obama chỉ muốn bày tỏ thiện chí với CSVN và mong muốn Việt Nam có lòng tin với Hoa Kỳ.
Nhưng phe bảo thủ thân Trung Quốc trong đảng CSVN vẫn coi nhẹ những gì mà ông Obama đã dành cho chính quyền Hà Nội. Trong suy nghĩ của đảng CSVN Trung Quốc càng ngày càng hùng mạnh, uy thế của Hoa Kỳ càng lúc càng suy giảm, đặc biệt là sự vắng bóng của Hoa Kỳ gần 20 năm tại Đông Nam Á. Đó dó đảng CSVN vẫn tin rằng dựa vào Trung Quốc vẫn là chiến lược sáng suốt, đúng đắn cho sự phát triển của Việt Nam.
Do đó chính quyền Hà nội giữ thái độ im lặng trước việc tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng trong năm 2018, dường như cũng để nhắn gửi với Trung Quốc rằng Việt Nam không bao giờ thay đổi thái độ chiến lược thân Trung Quốc của họ. Cũng trong năm 2018 Việt Nam đã tuyên bố hũy bỏ 15 hoạt động hợp tác quốc phòng đã được lên kế hoạch với Hoa Kỳ. Động thái này có thể cũng đã được tính toán để làm vừa lòng Bắc Kinh và không để Trung Quốc nghĩ rằng Việt Nam đang chuyển trục.
Tuy nhiên tình hình đã thay đổi hẳn khi tổng thống Donald Trump khởi động cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Hơn bao giờ hết Việt Nam thấy rõ vị thế “dưới cơ” của Trung Quốc so với Hoa Kỳ. Chưa nói đến vấn đề chiến tranh thực thụ, Trung Quốc đã thực sự lao đao với những đòn phép kinh tế của tổng thống Donald Trump. Có thể lần đầu tiên đảng CSVN nhận thức được rằng Trung Quốc còn lâu mới có thể sánh vai với Hoa Kỳ như một cường quốc thế giới và khu vực.
Thêm vào đó Việt Nam cũng thấy rõ ràng những hậu quả kinh tế mà họ phải chịu đựng chung với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mãi Mỹ – Trung, nếu tiếp tục để Trung Quốc lợi dụng Việt Nam để xuất hàng qua Mỹ. Thay vì thế, Việt Nam có thể có được lợi nhuận lớn hơn nếu hợp tác làm ăn minh bạch với Hoa Kỳ.
Thái độ của chính quyền Hà nội trong vụ xung đột trên biển Đông vừa qua không cho thấy bất cứ sự chuyển trục nào. Nhưng nó cho thấy một điều rất rõ là Hà Nội thẳng thừng tuyên bố với Trung Quốc rằng họ không thể im lặng chấp nhận và chịu đựng nửa. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hành vi xâm lược gây hấn thì Hà Nội sẽ yêu cầu quốc tế và thậm chí cả Hoa Kỳ can thiệp.
Nếu như Trung Quốc vẫn không thèm lưu tâm đến thái độ của chính quyền CSVN trong vụ xung đột biển Đông lần này, và tiếp tục những hành vi gây hấn, xâm lược biển đảo, thì có khả năng chính quyền Hà Nội sẽ suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề chuyển trục trong tương lai.
Ls Lê Đức Minh