Trong mấy ngày qua, công luận Úc đã tỏ ra hết sức bất bình –thậm chí phản ứng giận dữ- trước một số vụ cho thấy thái độ ngạo mạn, hung hăng của nhiều kiều dân Trung Cộng tại Úc.
Trước hết là vụ xô xát xảy ra hồi tuần rồi trong khuôn viên Đại Học Queensland khi những sinh viên du học từ Trung Cộng tấn công một nhóm sinh viên du học từ Hồng Kong khi nhóm sau tụ họp để bày tỏ lập trường ủng hộ người biểu tình tại quê hương mình.
Hình ảnh từ video clip về vụ xung đột giữa 2 nhóm này đã nhanh chóng được truyền đi khắp các mạng xã hội như facebook, twitter…
Video của vụ xung đột lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội
Giờ đã là tuần thứ tám của cuộc biểu tình ở Hong Kong, khơi nguồn từ sự phản đối dự luật dẫn độ rồi lớn dần sang sự phản đối đối với chính phủ và Bắc Kinh.
Và những xung đột đang diễn ra ở Hong Kong đã nhanh chóng lan tỏa ra sang Úc nơi, có hàng trăm sinh viên Trung Quốc đại lục và Hong Kong đang du học tại Úc.
Tại Đại học Queensland, căng thẳng trở thành các cuộc đụng độ dữ dội vào tuần trước, khi nhóm sinh viên ủng hộ người biểu tình ở Hong Kong đụng độ với những sinh viên ủng hộ Bắc Kinh.
Đám đông lên tới hàng trăm sinh viên du học từ Hoa lục đã bao vây dùng loa phóng thanh cầm tay hò hét, lăng mạ, chửi rủa thậm tệ nhóm sinh viên ít hơn từ Hong Kong chen lẫn với tiếng nhạc quốc ca Trung Cộng ầm ĩ. Chưa hết, nhiều người còn hung hăng cướp giật những biểu ngữ cầm tay của nhóm sinh viên Hong Kong và xố đẩy hết sức hung bạo.
Nhân viên an ninh tại Đại học Queensland và cả Cảnh sát sắc phục đã phải can thiệp để tách rời hai nhóm xa nhau nhưng tình hình vẫn căng thẳng.
Các sinh viên từ Hong Kong khẳng định họ chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận và tập hợp trong khuôn khổ hợp pháp, không hề có hành vi hay lời lẽ khiêu khích đám sinh viên Hoa lục tấn công. Các đoạn video và hình ảnh về cuộc biểu tình và tiếp theo là vụ xô xát chứng minh đó là sự thật. Một sinh viên khoa báo chí chứng kiến vụ xung đột xác nhận là đám sinh viên từ Hoa lục đông hơn và thô lỗ, hung tợn nhiều lần.
Một số sinh viên du học từ Hong Kong cho hay hình ảnh của họ đã bị lan truyền trên mạn xã hội Weibo của Hoa lục, kèm theo cả chi tiết cá nhân (như chi tiết số sổ thông hành, số thẻ sinh viên, giấy chứng nhận kết hôn) kèm theo lời đe dọa trắng trợn đến tính mạng.
Đáng lưu ý là trước đó, cũng cùng ngày, một cuộc biểu tình khác do các sinh viên Úc dẫn đầu để ủng hộ phong trào phản kháng ở Hong Kong, và chỉ trích cách đối xử của nhà cầm quyền Trung Cộng đối với người Uyghurs (Duy Ngô Nhĩ) ở Tân Cương cũng gặp phải sự đối đầu gay gắt của đám sinh viên Hoa lục. Một sinh viên người Úc, Drew Pavlou, cho biết đã bị đánh mẻ răng và bầm tím cả một bên sườn. Nghiêm trọng hơn, Pavlou nói anh còn nhận được nhiều tin nhắn trên mạng hăm dọa đến tính mạng nên đã phải có nhân viên an ninh hộ tống tới lớp học.
Sau đó tin tức trên mạng xã hội cho thấy tình hình các vụ đối đầu đã lan sang các trường đại học khác, như tin biểu ngữ ủng hộ dân chủ cho Hong Kong tại Đại học New South Wales ở Sydney đã bị phá hủy và tại trường đại học Auckland ở New Zealand cũng có trường hợp xô xát tương tự, cụ thể là 1 nữ sinh viên du học từ Hong Kong đã bị đám đông sinh viên từ Hoa lục tấn công và xô ngã.
Sau cuộc đụng độ ở Queensland, Tổng lãnh sự Trung Cộng tại Brisbane, Xu Jie, lên tiếng cho rằng “các sinh viên du học từ Hoa lục đang thể hiện lòng “yêu nước một cách tự phát”. Lời phát biểu của viên Tổng lãnh sự Trung Cộng này còn kèm theo ý lên án các sinh viên du học từ Hong Kong –và sinh viên nói chung- đã lên tiếng ủng hộ phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong.
Việc này đã khiến Ngoại Trưởng úc, bà Marise Payne phải lên tiếng cảnh cáo là “theo đúng Hiến pháp và pháp luật của Úc, chuyện tập hợp bày tỏ quan điểm là sinh hoạt bình thường, là quyền làm người căn bản và chính phủ Úc sẽ đặc biệt quan tâm nếu bất kỳ cơ quan ngoại giao nước ngoài nào có hành động có thể làm suy yếu các quyền đó, gồm cả chuyện khuyến khích hành vi gây rối hoặc có thể có bạo lực”.
iện nay ước tính có hơn 200-ngàn sinh viên từ Hoa lục đang du học tại Úc và con số này chính là một nguồn lợi tức đáng kể cho kỹ nghệ giáo dục của Úc.
Thế nhưng trong những năm gần đây càng ngày công luận Úc càng bất bình và lo ngại về câu hỏi có bao nhiêu sinh viên từ Hoa lục đến Úc du học do nhà nước Trung Cộng hỗ trợ và gửi đến.
Sự phản đối mạnh mẽ của nhiều giới, kể cả nhiều giáo sư, giảng viên đại học, đã buộc chính phủ Liên bang Úc phải mở cuộc điều tra về vai trò của các Viện Khổng Tử – tiếng là Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa do nhà nước Trung Cộng tài trợ và kiểm soát toàn bộ về nội dung, hình thức và nhân viên giảng dạy dẫn đến những quy định và luật lệ mới đòi hỏi các tổ chức “văn hóa” của ngoại quốc hoạt động tại Úc bắt buộc phải “cởi mở, hợp pháp và minh bạch”.
Rõ ràng nhà nước Trung Cộng đã và đang sử dụng khối kiều dân Trung quốc tại nước ngoài cho mục đích chính trị và bành trướng ảnh hưởng, đúng theo điều được mô tả là “đạo quân thứ năm”.
Những chuyện này cần phải bị chặn đứng ngay từ sơ khai, nếu không sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng- kể cả cho lĩnh vực an ninh quốc gia- của nước Úc.
Việt Luận