Từ cuối năm ngoái đến nay, thế giới điên đảo vì đại địch khởi đầu từ Vũ Hán (Trung Cộng) và do con vi khuẩn mới trong nhóm Corona gây ra. Vì thế, người ta gọi đại dịch này bằng nhiều tên như: địch Corona, cúm Vũ Hán, hay cúm 2019-nCoV… Sau nhiều tuần lễ, tổ chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, viết tắt thành WHO) đã chính thức đặt tên cho cơn đại dịch này là COVID-19. CO viết tắt cho Corona. VI thay cho virus. D là chữ đầu tiên của Disease. Và con số 19 chỉ năm bắt đầu đại dịch.
Bài thời sự này xin kể ra vài ba thiệt hại do đại dịch COVID-19 đang gây ra.
Người xa lánh người
Thiệt hại đầu tiên hiển nhiên là ở Trung Cộng. Cô lập là biện pháp để chận dịch lan tràn nhưng biện pháp này gây ra tâm trạng xa lánh giữa người với người. Bên trong Vũ Hán (và các thành phố bị cô lập khác) người bị nghi mắc dịch bị xa lánh. Ở Hàng Châu, giới chức địa phương tới nhà người bị nghi nhiễm vi khuẩn, dùng dây xích sắt khoá trái cửa và dán lên đó tấm bảng ‘không cho phép người tới thăm!’. Người trong nhà phải chịu thôi. Nhưng rủi có tai nạn gì giữa đêm – như cháy nhà – thì… Nhìn chung ai ở Trung Cộng ngày nay rất sợ người ở các nơi bị cô lập. Nếu nổi lửa đốt sạch 60 triệu người ấy, chắc là tỷ dân Trung Cộng sẽ gật đầu.
Sau khi thế giới nghi con COVID-19 từ thú vật lây sang con người thì dân Trung Cộng đập chết chó mèo trước đây nuôi trong nhà. Sau khi giết thứ vật rất dã man, không ít người ở Trung Cộng lại vất bỏ xác thú cưng ra đường. Mặc ai chết lây thì chết. Cũng thế ở Việt Nam người ta chen nhau mua cho được cái gọi là ‘khẩu trang’. Cứ tưởng miếng vải ấy là Vạn Lý Trường Thành chận con COVID-19 mà quên rửa tay và giữ gìn sức khoẻ. Được biết trăm người dính COVID-19 thì chỉ có 2 người rưỡi chầu ông bà ông vải. Phần lớn người đi đứt thường đang mắc một thứ bệnh gì khác. Hơn nữa, đeo mặt mạ là điều hay nhưng phải đeo đúng cách và vất bỏ cũng phải đúng cách. Đã thấy vương vãi trên đường ở Việt Nam những chiếc ‘khẩu trang’ đã… dùng qua!
Khi Trung Cộng cô lập dân chúng trong nước thì chính Trung Cộng làm cho thế giới xa lánh cả nước và người dân mình. Ở Melbourne, một tài xế Uber từ chối chở hành khách ‘có dáng vẻ Trung Hoa’ với lời phủ phàng ‘tui không cần con Corona đâu!’. Thiệt ra, ông khách ấy là người Mã Lai đấy thôi. Hãng News.com.au kể thêm có bệnh nhân gốc Trung Hoa đi khám bác sỹ phải ngồi chờ trong xe của mình vì phòng mạch sợ lây dịch. Lý do: người ấy đeo mặt mạ và cái mặt trông giống Trung Hoa.
Bất cứ gì dính dáng tới Trung Hoa cũng bị người ta… ghê ghê. Nhà hàng tàu ở Boxhill, phía Đông Melbourne vắng hoe. Phố Tàu ở Sydney trống lốc. Có lẽ bạn đọc đã rành tin một chiếc tàu du lịch sang trọng chở theo 4,000 hành khách đã phải neo ngoài khơi Yokohama, Nhật Bản vì có người dính cúm COVID-19. Sau tin này, công ty Royal Caribbean Cruises chuyên tổ chức các chuyến du lịch bằng tàu đã quyết định ‘tất cả hành khách mang thẻ thông hành Trung Cộng, Hongkong hay Macau không được lên tàu’.
Sạch sành sanh!
Thứ Hai đầu tuần này là ngày công nhân Trung Cộng hết ăn Tết. Bốn thành phố lớn – gồm có Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến phải đặt nhiều nút chận ở các ngả đường để đo nhiệt độ người từ các tỉnh khác vào. Ai qua cửa ải , còn phải sống cô lập thêm 24 ngày. Vậy mà con COVID-19 vẫn xông vào cả bốn nơi trên. Thế là nhiều công ty ngoại quốc có hãng xưởng ở Trung Cộng phải đóng cửa. Con COVID-19 li ti này bắt đầu cắn vào những chiếc điện thoại di động mang nhãn Apple, xe Volkswagen và Toyota, cũng như máy chơi gêm Nintendo.
Con vi khuẩn li ti 2019-nCoV chận đường không cho công nhân bến tàu làm việc khiến cho những chiếc tàu chở đầy thịt bò Úc của công ty NCMC (The Northern Cooperative Meat Company) cũng như tàu chở lúa mì của công ty Úc Grain Growers đang kẹt ở bến cảng. Mới nhất, Trung Cộng xin tàu chở khí đốt của Úc khoang nhổ neo vì công nhân bến tàu ở bển chưa đi làm trở lại. Như vậy số tiền $13.8 tỷ bán khí đốt sẽ chậm lại. Thiệt hại hơn cả là ngành khai thác khoán sản Úc. Trong năm 2018, Úc bán cho Trung Cộng bốn phần năm khoán sản đào được từ đất và thu về $51.4 tỷ. Nếu cơ xưởng ở bển đóng cửa thì số tiền này không còn nữa.
Ở Hàng Châu có tổng hình dinh của công ty buôn bán trên mạng lớn nhất của Trung Cộng, Alibaba. Hàng Châu đang bị cô lập. Alibaba (và 40 tên cướp) đành ngồi chờ… chết. Hàng Châu cũng là nơi Tập Cận Bình ‘khởi nghiệp’ làm hoàng đế Trung Cộng. Hoàng đế này từng ngồi ghế bí thư đảng Hàng Châu trong những năm 2002-07. Cũng thế, nghe đâu Vĩnh Phúc ở Việt Nam – căn cứ địa của Nguyễn Phú Trọng – dường như thọ nạn khá nặng.
Tuy nhiên, cúm COVID-19 không phải không mang lợi. Các lợi trước mắt ở Vũ Hán vào các thành phố bị Trung Cộng cô lập là bầu không khí trong sạch hơn. Đường phố vắng tanh, cửa tiệm chỉ mở khép nép và người dân lác đác bước ra ngoài vội vàng mua thức ăn và nhanh chóng về nhà. Không những ở Trung Cộng mà ở Việt Nam cũng thế. Không còn cảnh lề đường chật ních những người vung lon bia thét ‘dzô! dzô’. Dường phố ở Việt Nam đã vắng trong những ngày tết. Bây giờ tiếp tục vắng và sạch. Sạch sành sanh! Thê thảm nhất là phố Tây Bùi Viện ở Sài-gòn. Ai mà tới đó nữa khi gái bán bia ôm kè kè che cái miệng và hơn phân nửa khuôn mặt. Nhờ thế, các bà vợ thấy mặt chồng nhiều hơn. Con cái thấy cha lẩn quẩn trong nhà. Người trong nhà ở bên nhau vì chỗ nào cũng nghi có con COVID-19 rình rập.
Cộng Sản rung rinh
Khi cúm COVID-19 nổ ra ở Trung Cộng, khá đông người có máu bài Tàu thấy hả hê vì tưởng Trung Cộng sập tới nơi. Bên cạnh đó ai là người chống Cộng Sản cũng thấy như thể là ‘bất chiến tự nhiên thành’. Cộng Sản hung hăng tới đâu cũng bị con COVID-19 này quật ngã. Cổ Nhuế cũng cầu trời cho Trung Cộng nói riêng và Cộng Sản nói chung mở mắt nhận ra thế nào là mong manh đời người. Nhưng buồn thay! Cộng Sản chưa sập.
Chỉ có những gì tưởng là bịt miệng bịt mắt người dân thì con vi khuẩn này xé toạc ra. Từ khi bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người bị Bắc Kinh bịt miệng vì la làng đã xảy ra dịch cúm ở Vũ Hán – qua đời thì bên trong Trung Cộng nổi lên một làm sóng đòi dẹp bỏ guồng máy kiểm duyệt. Nhớ lại vào ngày 30.12 năm ngoái bác sỹ Lý Văn Lượng tường trình có bệnh nhân ở Vũ Hán mắc con vi khuẩn mới. Ngay hôm sau, công an Vũ Hán bắt ‘khẩn cấp’ ông này và vu cho cái tội ‘loan tin thất thiệt’. Sau đó vì tin do bác sỹ đưa ra là…. thiệt, nên công an thả bác sỹ Lý Văn Lượng ra. Ông trở lại làm việc tại bệnh viện Vũ Hán và thành một trong ngàn nạn nhân mất mạng vì COVID-19 . Hay tin này, hơn 2 triệu dân mạng ở Trung Cộng ào ạt cho ý kiến vào #WeWantFreedomOfSpeech và #WuhanGovernmentOwesDr.LiWenliangAnApology tại Weibo và WeChat. Nhưng công an mạng Trung Cộng xoá mất tiêu hai hashtag ấy. Bị công an chận họng trên mạng, dân Vũ Hán học đòi dân Hongkong: đúng 9 giờ tối thứ Sáu (ngày bác sỹ Lượng qua đời) họ tắt hết đèn trong nhà để tưởng niệm bác sỹ ‘anh hùng’.
Con COVID-19 li ti đào những cái hố ngăn cách như hai bên bờ tử sinh trong xã hội vốn dĩ đã nghi kỹ nhau như ở Trung Cộng. Ổ vi khuẩn Corona từ Vũ Hán, bên trong tỉnh Hồ Bắc (Hubei), Trung Cộng. Ai mà chẳng biết. Bắc Kinh ra lệnh cô lập Vũ Hán vì có đông người mắc dịch. Khi dịch lan ra Hồ Bắc thì Bắc Kinh cô lập luôn Hồ Bắc. Cứ thế… cứ thế… dịch lan ra tới đâu thì Bắc Kinh cô lập tới đó. Thế là những Ung châu (Wenzhou), Taizhou, Ningbo, Hàng Châu (Hangzhou) nằm về phía Nam Thượng Hải (Shanghai) đều bị cô lập. Cả bốn đều là hải cảng cỡ bự của Trung Cộng. Bến cảng đã thành tha ma nên hàng xuất nhập cảng bị ứ đọng. Cộng Sản cấm xe chạy ngoài đường ở Ung Châu. Ngay đến đám tang và đám cưới cũng bị cấm tuyệt. Hình như ở Ung Châu số người bị cúm Corona chỉ thua ở Vũ Hán mà thôi.
Vậy là một chu vi gần 1,000 cây số tính từ tâm bệnh Vũ Hán ở Trung Cộng bị cô lập. Trong số này có bốn thành phố lớn. Hơn 60 triệu người dân bị cắt đứt liên lạc với đồng bào.
Thiệt hại cho nước Úc
Riêng với Úc, sau khi mất khách du lịch vì hoả hoạn trong hai tháng 12 và Giêng vừa qua, ngành du lịch Úc sẽ không còn đón khách từ Trung Cộng đến đây nữa. Hội Đồng Du Lịch Úc (The Australian Tourism Industry Council, viết tắt thành ATIC) ước lượng mỗi tháng Úc mất chừng $1 tỷ Đô La vì năm nay chắc là Úc không đón được 1 triệu rưỡi khách du lịch Tàu như năm ngoái nữa. Ấy là chưa kể đến nhiều ngành buôn bán khác. Trong số này chết đứng là ngành xuất cảng tôm hùm từ Tây Úc. Được biết 98% tôm hùm Tây Úc xuất cảng qua Thượng Hải. Nay người bên đó bịt miệng tất tần tật nên không còn lỗ nào thưởng thức tôm hùm Úc. Úc phải xuống giá và bán cho… dân Úc. Nào ta mua tôm hùm Tây Úc: trước là… cứu nước, sau lại nếm thử cho biết mùi đời!
Để cứu ngành du lịch khỏi sụp đổ vì hoả hoạn, trước đây chính phủ hứa chi $76 triệu để quảng cáo thu hút khách du lịch trở lại. Số tiền này tưởng là đủ sau trận hoả hoạn nhưng trở thành quá ít khi cúm COVID-19 nổ ra. Không những khách sạn và các nơi du lịch thành chùa Bà Đanh mà ngay đến khu buôn bán hay nhà hàng Tàu ở Úc cũng vắng hoe. Không rõ vì sao người ở Úc ngại tới những nơi đó. Mỗi người có lý do riêng. Riêng người viết bài này từ khi nổ ra đại dịch COVID-19 thì thường xuyên theo dõi tin tức và tìm cách tránh bệnh mà không đeo mặt mạ . Ở Úc, nhiều cửa tiệm bán sạch mặt mạ nhưng ngoài đường chưa thấy đông người đeo. Dường như phần lớn người đeo mặt mạ ở Úc có gốc Trung Hoa (hay ít ra khuôn mặt mang dáng vè Á Châu). Thấy ít người đeo mặt mạ trong lòng người viếtt đỡ sợ. Cho đến khi…. Cho đến khi bước vào một cửa tiệm bán thực phẩm Á Châu do người Tàu làm chủ. Ở bên trong quầy hàng, hai ba cô tính tiền đeo chành ành mặt mạ. Bên ngoài, năm ba khách vẫn tíu tít khoe hàm răng. Cảnh lạ này làm cho Cổ Nhuế thấy ghê ghê. Và thề không bao giờ trở lại chốn đó nữa. Có thể vì lý do đó, nhà hàng Tàu mất hơn phân nửa khách và phố Tàu trống lốc.
Trận hoả hoạn vừa qua gây thiệt hại cho Úc chừng $100 tỷ. Lửa rừng vừa dứt thì cúm COVID-19 ập tới. Ngoài du lịch, trực tiếp bị thiệt hại ở Úc là ngành giáo dục. Ở Úc, các trường học mang về nhiều tiền vào hạng nhì – chỉ sau hầm mỏ. Trong tài khoá 2017-18, trường học Úc đã mang về $32 tỷ. Trong số du học sinh, đông nhất đến từ Trung Cộng và Ấn Độ. Ở đại học Sydney, 70% sinh viên ngoại quốc là người Trung Hoa. Thế mà, vì cúm COVID-19 chính phủ Úc không cho người mang thông hành in cờ Ngũ Tinh vào nơi đây. Thế là chừng 98 ngàn du học sinh Trung Hoa không được cắp sách đến trường, dù cho năm học mới đã bắt đầu. May mắn, nhờ kỹ thuật thông tin hiện đại, đại học Úc đang tìm cách hoá giải. Đại học Monash ở Melbourne khai giảng năm học trễ hơn và chuyển hết bài giảng lên mạng. Đại học Sydney cho phép sinh viên Trung Hoa đổi giờ học qua nửa sau của năm học. Dầu vậy, Úc đang sợ sinh viên Trung Cộng có thể bỏ ngang chương trình du học ở Úc và nhảy qua Mỹ hay Anh vì năm học ở hai nơi đó chỉ bắt đầu vào tháng Chín (với hy vọng lúc đó con COVID-19 đã chết tiệt!) . Dù uyển chuyển đến đâu, ngành giáo dục Úc cũng phải chịu thiệt thòi vì con COVID-19 quái ác. Đại học Úc đang mất ăn đến $2 tỷ. Nếu tình huống tệ hại hơn, các nơi ‘bán chữ’ ở Úc có thể mất đến $6 tỷ.
Với nhiều thiệt hại do cúm COVID-19 gây ra, có lẽ Úc phải nghĩ lại chuyện buôn bán quá lớn với một nước. Ai đầu tư cũng biết ‘không nên để hết trứng trong một giỏ’. Vậy mà cả nước Úc đã làm ngược lại khi buôn bán với Trung Cộng.
Cổ Nhuế
Một tờ báo Úc gọi con COVID-19 là ‘Chinese Virus’.