Trung Quốc sẽ giải phóng Đài Loan bằng vũ lực?

Trương Nhân Tuấn

25-5-2020

Trung Quốc có thể sẽ “giải phóng” Đài Loan bằng vũ lực. Việc này có thể xảy ra cùng lúc với việc “bình định” Hồng Kông bằng các biện pháp “chế tài” mạnh mẽ. Đại dịch Covid-19 đã gây ra một “khoảng trống chiến lược” trên toàn thế giới. Các quốc gia châu Âu, châu Á… trong suốt ba tháng qua xem như “bất động”.

Nếu có biến cố, như Trung Quốc đổ quân chiếm Đài Loan, sẽ khó có quốc gia nào (kể cả Mỹ) dấn thân can thiệp. Mỹ có thể “bán” thêm vũ khí cho Đài Loan, hoặc cho các hạm đội đến trợ thủ với Đài Loan. Nhưng quân Mỹ không thể đổ bộ cứu giúp.

Vấn đề là Trung Quốc có thể khai thác thời cơ “ngàn năm có một” này hay không?

Nếu so sánh dân số và ngân sách quốc phòng cán cân chênh lệch thấy quá rõ. Ngân sách quốc phòng của Đài Loan từ nhiều thập niên nay không quá 3% GDP. Ngân sách năm 2020 dự trù là 11 tỉ đô la, phần lớn (8 tỉ đô) dành cho chi phí nhân sự và bảo trì. Phần còn lại 3 tỉ chi cho việc mua sắm vũ khí phòng vệ và đào tạo nhân sự.

Trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2020 lên đến 178 tỉ đôla. Số này là số “chính thức”, con số thực sự dự đoán có thể cao hơn nhiều. Từ những năm 2000, lục địa có ngân sách dành riêng cho “vấn đề Đài Loan” lên đến 53% ngân sách quốc phòng. Nếu con số này vẫn còn giữ đến hôm nay, ngân sách Bắc Kinh dành riêng cho (giải phóng Đài Loan và các lãnh thổ khác) lên tới 90 tỉ đô la.

Nhưng thấy vậy con cá mập Bắc Kinh không dễ “nuốt” con cá “fugu” tên Đài Loan.

Trung Quốc thường hay tổ chức các cuộc diễn binh “hoành tráng”, chủ ý “sô hàng” vũ khí “tối tân”, với các loại hỏa tiễn siêu thanh “chống tiếp cận” và bội siêu thanh “tấn công – phòng ngự từ xa” nối với các hệ thống điều khiển C4ISR trên căn bản 5G. Các loại phi cơ, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm… đủ thứ. Một mặt răn đe Mỹ nhưng mặt khác như khuyên thầm Đài Loan “bó giáo qui hàng” trở về với đất mẹ.

Tuy nhiên thấy vậy mà không vậy. Nạn tham nhũng của Trung Quốc trong lãnh vực quốc phòng cũng không thua VN. Nó là cái thùng không đáy. Chi phí để “bảo trì” khí cụ quốc phòng cứ mỗi 3 năm “ngốn” khoảng 50% ngân sách quân đội. Trong khi từ năm 1949 đến nay, Đài Loan luôn sống với sự đe dọa của Bắc Kinh mà vẫn phát triển kinh tế đều đặn. Dĩ nhiên họ có một “chiến lược phòng thủ” hữu hiệu.

Lịch sử chiến lược quốc phòng của Đài Loan có thể tóm gọn qua 3 giai đoạn. Cả ba chỉ nhắm vào việc phòng thủ.

Giai đoạn đầu, sau khi mất lục địa về phe cộng sản 1949, Tưởng Giới Thạch củng cố lực lượng ở Đài Loan và dựa vào Hoa Kỳ vừa để tự vệ, vừa hy vọng (được Mỹ chống lưng) đổ quân vô lục địa đánh đuổi “cộng phỉ” quang phục đất nước. Giai đoạn này chiến lược quốc phòng của Đài Loan là “tấn công – phòng ngự”.

Đến thập niên 60 mộng ước “quang phục” ngày một xa vời, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cố gắng giữ “nguyên trạng – status quo”, tức giữ thẩm quyền của mình trên đảo Đài Loan và các đảo Bành Hồ, Kim Môn, Mã Tổ (và đảo Ba Bình, thuộc Trường Sa của Việt Nam). Chiến lược quốc phòng bỏ phần tấn công để chuyển sang việc “củng cố – phòng ngự”.

Đến đầu thập niên 90, trước đe dọa mất còn do quyết tâm “thống nhất” của lãnh đạo Bắc Kinh, Đài Loan đưa vào chiến lược quốc phòng quan niệm “dự phòng chiến tranh” nhằm nghiên cứu các khả năng có thể xảy ra chiến tranh.

Sách trắng quốc phòng Đài Loan dự phòng 3 trường hợp có thể xảy ra chiến tranh “cục bộ – régional” liên quan đến Đài Loan:

1/ Cộng sản từ lục địa xâm lăng Đài Loan.

2/ Việc ly khai, đòi độc lập của các tỉnh trong lục địa.

3/ Tranh chấp vùng biển Đông.

Cả ba trường hợp này sẽ kéo nhiều nước trong vùng Đông và Đông Nam Á vào cuộc chiến.

Giả thuyết thứ nhất sẽ có thể xảy ra trong hai trường hợp: Đài Loan (và Hồng Kông) tuyên bố độc lập hay Đài Loan trang bị vũ khí nguyên tử.

Giả thuyết thứ hai có thể sẽ xảy ra nếu khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội rộng lớn ở lục địa làm mất uy tín chính quyền trung ương. Các tỉnh có truyền thống tự trị hay phát triển ven biển nhân cơ hội này để tuyên bố độc-lập.

Giả thuyết thứ ba sẽ có thể xảy ra nếu trữ lượng dầu khí vùng Biển Đông được xác định là to lớn. Việc tranh chấp chủ quyền Trường Sa và vùng biển chung quanh có thể sẽ là một cái cớ để Bắc Kinh gây chiến tranh nhằm giải-tỏa một số khủng hoảng kinh tế, chính trị hay xã hội ở lục địa.

Tình hình hiện tai cho thấy cả ba giả thuyết đều hội đủ các điều kiện.

Nhưng khả năng quân sự vượt trội không đồng nghĩa với chiến thắng. Vấn đề thắng hay thua cũng tùy thuộc vào ý chí toàn dân và “nghệ thuật” phòng thủ.

Sau khi bị Mỹ cắt đứt ngoại giao năm 1979, các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo lần lượt đóng cửa và mọi kết ước trước đó giữa Mỹ và Trung Hoa Dân Quốc đều trở thành vô giá trị (caduc). Năm 1982 Mỹ còn ký kết với Trung Quốc sẽ giảm dần số lượng vũ khí phòng vệ bán cho Đài Loan.

Vì vậy Đài Loan phải nghĩ đến việc “tự lực tự cường”, không chỉ ở việc sản xuất vũ khí phòng vệ mà còn phải phát huy khả năng răn đe nguyên tử.

Trên “giấy tờ” Đài Loan, cũng như Nhật, không có vũ khí nguyên tử nhưng người ta nghĩ rằng hai nước này đã có đủ phương tiện – kiến thức cũng như kỹ thuật để chế tạo bom nguyên tử trong một thời gian tương đối ngắn.

Lịch sử nghiên cứu nguyên tử của Đài Loan bắt đầu sau khi lục địa thử nghiệm thành công bom A năm 1964. Lúc này Đài Loan vẫn còn giữ ghế thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Ban đầu viện Nghiên Cứu Năng Lượng Nguyên Tử của Đài Loan trách nhiệm lo cho hồ sơ này. Sau đó giao lại viện nghiên cứu Trung Sơn (vì nhân sự của VNCNLNT đều thuộc viện Trung Sơn).

Thế giới biết đến chương trình nghiên cứu nguyên tử của Đài Loan từ năm 1967 và Đài Loan buộc phải ký Công Ước Không Phổ Biến Nguyên Tử (Traité de Non Prolifération Nucléaire) tháng 7 năm 1968. Nhưng đến năm 1971 Đài Loan bị mất ghế đại diện tại LHQ, do đó bị trục xuất ra khỏi AIEA (Agence Internationale de l’Energie Atomique), các công ước đã ký kết không còn giá trị ràng buộc. Nhưng do áp lực của Mỹ, Đài Loan ký kết sau đó 3 công ước liên quan đến năng lượng nguyên tử. Nội dung các công ước Đài Loan chỉ được nghiên cứu nguyên tử cho mục tiêu dân sự mà thôi.

Chương trình nguyên tử của Đài Loan xếp lại cho đến năm 1975, VNCH sụp đổ. Chương trình này khởi động trở lại vì phe Quốc dân đảng lo ngại Kissinger “bán đứng” Đài Loan cho lục địa (như đã bán VNCH cho miền Bắc). Đến năm 1976, sau nhiều áp lực của Mỹ, các nhân viên của AIEA mới vào kiểm soát được các cơ sở nghiên cứu của Đài Loan và tìm thấy được các bằng chứng Đài Loan vẫn tiếp tục nghiên cứu nguyên tử nhằm mục tiêu quân sự.

Lập tức Mỹ yêu cầu Đài Loan ngưng các chương trình nghiên cứu này. Tuy nhiên, năm 1978, Tưởng Kinh Quốc ra lệnh tiếp tục việc nghiên cứu và một vụ nổ thí nghiệm nguyên tử cỡ nhỏ đã được thực hiện tại vùng quân sự thuộc Pingtung vào tháng 4 năm 1986. Vụ nổ này đã bị vệ tinh do thám Mỹ khám phá.

Đến tháng 12 năm 1987 một vụ xì-căng đan-nổ ra: CIA đã bắt quả tang ông Chang Hsien yi, cấp bậc đại tá, phó giám đốc trung tâm Nguyên cứu Nguyên tử với một số tài liệu mật đang tại Hoa Kỳ dự tính trở về Đài Loan.

Có tin cho rằng tháng giêng năm 1988, trong lúc Tưởng Giới Thạch đang hấp hối, các lực lượng của CIA đã bí mật tấn công và phá hủy các cơ sở nghiên cứu nguyên tử của Đài Loan tại trung tâm Trung Sơn cùng tịch thu một số tài liệu kỹ thuật liên quan đến việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Như vậy Tưởng Giới Thạch đi về cõi chết với lời nguyền rủa Kissinger trên miệng và nỗi căm hờn người Mỹ trong tâm.

Câu hỏi đặt ra, bà tổng thống Thái Anh Văn luôn “cứng cựa” với Trung Quốc trong hồ sơ “thống nhứt đất nước” đồng thời chủ trương độc lập cho đảo quốc. Người phụ nữ “thép” của châu Á có “bật đèn xanh” chế tạo bom nguyên tử hay chưa?

Dĩ nhiên khó có câu trả lời. Nhưng nếu Bắc Hàn chế được thì chắc chắn Đài Loan (dư sức) chế tạo bom nguyên tử.

Vì vậy ta thấy lực lượng hải quân Trung Quốc ngày càng lớn lao, ngày càng “hiện đại”. Nhưng đến nay họ vẫn chỉ “vờn quanh” mà không dám “chụp” con mồi.

Related posts