Nguyễn Chí Thành
Trong tất cả chúng ta ai mà không biết Truyện Kiều của Nguyễn Du, một kiệt tác văn học nổi tiếng, một tập thơ hơn ba ngàn câu lục bát, được dạy trong chương trình phổ thông của Việt Nam.
Nguyễn Du, tự là Tố Như, sinh năm 1765, đỗ tam trường (tương đương cử nhân bây giờ) vào năm 19 tuổi. Năm 1813, ông làm Chánh sứ sang cống nhà Thanh, Trung Quốc. Nhờ đó, ông được đọc cuốn truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ông liền viết lại truyện này bằng chữ Nôm theo thể thơ lục bát, đặt tên là Đoạn Trường Tân Thanh. Bối cảnh trong truyện xảy ra vào đời nhà Minh, Trung Quốc, viết về cuộc đời trầm ải của Thúy Kiều, một kỹ nữ lầu xanh. Sau đó Phạm Quý Thích đem khắc in, đổi tên là Kim Vân Kiều Tân Truyện, thường được gọi là Truyện Kiều.1
Trương Vĩnh Ký có lẽ là một trong những người đầu tiên chuyển Truyện Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ. Bản Kiều của Trương Vĩnh Ký xuất bản năm 1875 gọi là Túy Kiều, Túy Vân chứ không gọi là Thúy Kiều, Thúy Vân như các sách xuất bản sau này. Nội dung của Truyện Kiều không phải xuất sắc, nhưng tác phẩm này nổi tiếng nhờ việc Nguyễn Du đã kể chuyện bằng thơ lục bát. Truyện Kiều được phổ biến rộng rãi cũng một phần nhờ lối thơ lục bát rất dễ đọc, dễ thuộc. Giả sử tôi viết câu chuyện Âu Cơ – Lạc Long Quân thành thơ lục bát thế này:
Nước Việt thuở còn sơ khai
Có nàng con gái gọi là Âu Cơ
Lấy chồng anh Lạc tên Quân
Đẻ ra trăm trứng nở thành con trai
Vợ chồng rồi thì phân hai
Năm mươi theo mẹ năm mươi theo chàng
Lên rừng xuống biển sẵn sàng
Dựng nên nước Việt huy hoàng hôm nay
Thơ lục bát con cóc này dễ thuộc phải không? Chính vì lục bát bình dân cho nên Truyện Kiều đã ghi sâu vào tâm trí nhiều người. Tác phẩm này đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới: Pháp, Anh, Đức, Tiệp… nhiều không kể xiết. Dịch Kiều khó lắm, dịch thơ, lại là thơ lục bát, dịch Kiều qua một ngôn ngữ khác, từ chữ Nôm, chuyển sang tiếng Việt, rồi dịch sang tiếng Anh. Công trình dịch Kiều sang tiếng Anh của Dương Tường quả thật lớn lao. Bản dịch tiếng Anh là bản tôi chờ đợi bấy lâu, nhưng phải chờ tới mấy ngày trước, khi hết cách ly dịch Covid-19 tôi mới có cuốn Kiều, Dương Tường’s version, trong tay, hăm hở đọc ngay, nhưng thất vọng quá, vì gặp quá nhiều sạn. Trong cuốn sách này, Dương Tường không cho biết rõ là dịch từ phiên bản Kiều nào? Vì Truyện Kiều rất nhiều phiên bản khác nhau. Tôi lấy bản tiếng chữ quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký, in năm 1911, tựa là Kim Vân Kiều Truyện2 để đối chiếu vậy. Sau đây là một vài hạt sạn tôi bắt gặp khi mới đọc qua.
1. Ex-voto
“Ex-voto strewed the gazon, ashes of paper coins whirled in the wind.” Đây là câu 50 trong bản tiếng Kiều, Dương Tường’s version. Câu này tiếng Việt gốc là: “thoi vàng bỏ rắc, tro tàn giấy bay”.
Trong lễ hội Thanh Minh, mọi người đi tảo mộ, thắp hương, đốt vàng mã, cúng tế. Đây là phong tục của người Trung Hoa xưa kia. Thoi vàng ở đây tức là vàng mã, miếng vàng được làm từ giấy. Dương Tường dùng từ Exvoto là không chính xác. Khi một Kitô hữu nhận được một ơn lành, phép lạ hoặc khi một Kitô hữu xin khấn, họ mang các vật như bia tạ ơn, bảng tạ ơn, tượng tạ ơn… đến nhà thờ, đền thánh để tạ ơn.3 Những vật này được gọi là Ex-Voto, lấy từ chữ Latin “ex voto suscepto.”4 Từ điển Tiếng Anh cũng nói rõ là lễ vật để tạ ơn (an offering made in fulfilment of a vow).5 Cái Ex Voto này nó chẳng liên quan gì đến việc đốt vàng mã, cúng vàng mã ở lễ Thanh Minh của người Trung Hoa cả.
Huỳnh Sanh Thông dịch “thoi vàng” này là sham gold6 (vàng giả, vàng mã). Lê Xuân Thủy dịch là Ritual ingots 7 – nghĩa là “thỏi vàng để cúng”. Tôi không hiểu Ex-Voto này Dương Tường lấy từ đâu? Hay lấy từ bản tiếng Pháp Kim Vân Kiều8 của Nguyễn Văn Vĩnh? Nguyên văn câu tiếng Pháp là: “Des lingots d’or en ex-voto sont semés partout, la cendre des papiers imprimés de sapèques s’éparpille.” Nguyễn Văn Vĩnh dịch “thoi vàng” là lingots d’or (lingot – thoi; or – vàng), còn chữ ex-voto ở đây mang nghĩa cúng tế; tuy không thật đúng với hoàn cảnh; lingots d’or en ex-voto – là thoi vàng cúng. “Des lingots d’or en ex-voto sont semés partout” tạm dịch là “những thoi vàng cúng rải khắp nơi”.
2. A damned kismet
Tôi rất thích từ “damned” này. Từ này không có nghĩa nào tốt cả. Bạn mà nghe thằng nào nói với bạn là “damn you” thì nó đang chửi bạn đó, dịch một cách văn hoa là “mẹ mày”.
Câu 83-84 trong Kiều, Dương Tường’s version, là: “Doleful is women’s fate! A damned kismet is their common lot”. Nguyên tác là “Đau đớn thay phận đàn bà. Lời rằng: bạc mạng cũng là lời chung”. Bạc mạng hay bạc mệnh, tức là vận mệnh, số mệnh mỏng manh, không ra gì.9 Người Tàu xưa thường cho những người xấu số là số phận hay số mệnh mỏng không được dầy. Người tốt số là người mệnh hậu tức số mệnh dầy. Cả câu này nghĩa là: thì ra câu hồng nhan bạc mệnh là chung cho hết thảy đàn bà.1 Từ điển Hán Việt thì giải nghĩa rằng “bạc mệnh là số vận mỏng manh hoặc chết sớm hoặc chịu nhiều đau khổ.”10 Cái từ “damned kismet” tạm hiểu là “số mệnh chết tiệt, số mệnh đáng nguyền rủa” dùng ở đây có vẻ không hợp lý.
3. A quatrain
Câu 131-132 của Kiều, Dương Tường’s version: “to the verses just carved on the tree, she added a quatrain by way of acknowledgement” dịch từ câu: “Lòng thơ lai láng bồi hồi. Gốc cây lại vạch một bài cổ thi”. Cổ thi, là bài thơ làm theo điệu cổ phong (tức điệu cổ), không theo luật thơ Đường (tức là luật thi).1 Cổ thi tồn tại trước thơ Đường rất lâu, thơ không theo luật lệ nghiêm ngặt như thơ Đường (chẳng hạn thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú…) có thể bốn câu, năm câu, bảy câu… Còn quatrain là một khổ thơ bốn câu.
4. High walls checked him dead
“…he headed straight for the Blue Bridge. There, fast closed gates and high walls checked him dead: No stream for a red leaf, nor passage for messenger birds!” đây là câu 266-268 chuyển thể tiếng Anh trong bản Kiều, Dương Tường’s version, từ câu thơ: “…xăm xăm đè nẻo Lam Kiều
lần sang. Thâm nghiêm, kín cổng, cao tường, cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.” Câu này mô tả việc Kim Trọng vì nhớ Kiều nên đã đi tìm nàng. Nhưng không thể vào trong vì tường cao, cửa đóng, không cách nào liên lạc được với người bên trong. Oh, There, khi tôi đọc đến đoạn “fast closed gates and high wals checked him dead” thì thú thật tôi chẳng hiểu câu này nói gì? Tại sao lại “checked him dead”? Thôi thì nhờ anh Gúc dịch vậy. Anh Google dịch như vầy: “Ở đó, cánh cổng đóng nhanh và những bức tường cao khiến anh chết”. Tìm mãi không thấy từ “chết” trong các truyện Kiều khác, tìm từ “dead” hay tương tự trong các bản dịch tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông,6 của Michael,11 hay của Zoukov12 cũng chẳng thấy; thôi để tôi nói Nguyễn Du hợp thức hóa sau.
Kiều, Dương Tường’s version
5. A porch named “For King’s View”
Kim Trọng muốn tán tỉnh Thúy Kiều, liền thuê một căn nhà cạnh đó. Căn nhà này là của một thương gia, xây một ngôi vườn rất đẹp, gồm cây xanh, hòn non bộ, chim chóc… Trên hiên nhà có một tấm biển sơn son thiếp vàng đề là “Lãm Thúy Hiên”, tức là hiên xem các cây xanh.1
Nguyễn Du tả: “Có cây có đá sẵn sàng. Có hiên Lãm túy nét vàng chưa phai”. Dương Tường dịch câu 279-280 trong bản Kiều, Dương Tường’s version là: “Bedecked with trees and rocks, the place also boasted a porch named “For King’s View” inscribed in fresh gold letters.”
Ở đây Nguyễn Du chơi chữ, chữ Thúy trong Lãm Thúy Hiên nó mô tả cái hiên ngồi ngắm cảnh hoa viên, cây xanh, chim cảnh, hòn non bộ; nhưng Kim Trọng lại cho rằng chữ Thúy là nói đến Thúy Kiều, và Lãm Thúy Hiên là nơi để ngồi chiêm ngưỡng nàng Kiều. Khó dịch sang tiếng Anh phải không? Cách đơn giản nhất được Lê Xuân Thủy7 sử dụng là để nguyên chữ “Lãm Thúy”. Sau đó Xuân Thủy giải thích rõ ràng phía dưới – Lãm Thúy actually means “Comtemplation of kingfishers”, but also can be interpreted as “Comtemplation of Thuy Kieu” – Lãm Thúy nghĩa đen là “ngắm chim bói cá”, nhưng cũng có thể hiểu là “ngắm Thúy Kiều”.
Cách thứ hai, khó hơn, đó là dịch “Lãm Thúy Hiên” sang tiếng Anh. Đây là cách mà Huỳnh Sanh Thông làm. Thúy là tên người, nhưng Thúy cũng là nghĩa là chim bói cá.14 Cho nên Huỳnh Sanh Thông đã dịch “Lãm Thúy Hiên” thành “Kingfisher View”. Kingfisher cũng là Kiều, và Kingfisher cũng là chim bói cá. Như vậy, cả Lê Xuân Thủy và Huỳnh Sanh Thông đều dùng Kingfisher, chỉ có khác là Xuân Thủy không dịch, chỉ giải thích, còn Sanh Thông dịch thẳng tiếng Anh luôn. Michael11 thì dịch thành “for watching lovely birds” – ngắm chim cảnh; còn Zhoukov16 cũng dịch là “Kingfisher View”.
Dương Tường đã cắt “fisher” ra khỏi chữ “Kingfisher” để thành chữ cụt ngủn, vô nghĩa – King’s View. Làm gì có vua nào vào ngôi nhà bỏ hoang này mà ngắm cảnh? Đây đâu phải là hiên để vua ngồi thưởng ngoạn?
6. Don’t make it a sheer sport
Khi Kim Trọng tán tỉnh Thúy Kiều, Nguyễn Du viết: “Sóng tình dường đã xiêu xiêu. Xem trong âu yếm có chìu lả lơi. Thưa rằng đừng lấy làm chơi. Giẽ cho thưa hết một lời đã nao” Dương Tường dịch trong Kiều, Dương Tường’s version, câu 499-502 thành: “As waves of lust invanded him, his tenderness got tinged with some bawdiness. She said: “Don’t make it a sheer sport. Please stay away from me and let me say something”.
Khi tình dục nổi lên như sóng dào dạt trong lòng, Kim Trọng không giữ được vẻ đứng đắn với Kiều nữa. Kiều phải kháng cự lại sự tấn công suồng sã lả lơi của Kim Trọng, nên nói Kim Trọng đừng có nghĩ tình cảm là trò đùa, là trò chơi, không phải mối quan hệ nhân tình nhân ngãi, phải giữ gìn trinh tiết, chưa chi đã ăn nằm với nhau. Dịch “lấy làm chơi” mà dùng “sheer sport” thì chán quá. Huỳnh Sanh Thông6 và Michael11 đều dùng “game” thay cho “sport” và dĩ nhiên, hay hơn hẳn. “Treat not our love as just a game” hay “Please do not go too far in games you play” dịch sát nghĩa hơn là “Don’t make it a sheer sport”.
7. Neighbors turned a deaf ear
Câu 591-592, Kiều, Dương Tường’s version, viết: “All day long, they groveled and begged. Neighbors turned a deaf ear as the thugs dealt out brutal blows.” Nguyên bản Truyện Kiều là: “Hạ từ van vái trót ngày. Điếc tai lân tuất, phụ tay tồi tàn.” Hạ từ là lời van xin. Lân tuất là thương xót. Phụ tay tồi tàn là đánh đập mạnh tay. Ở đây nói rằng bọn sai nha giả điếc trước những lời van xin, vẫn đánh đập mạnh.1
Neighbors là hàng xóm, Dương Tường viết là hàng xóm giả điếc khi nhà Kiều bị tra tấn. Chi tiết này không có trong Truyện Kiều, Dương Tường sáng tác thêm vào. Nguyễn Du ở dưới suối vàng chắc đang khóc thét vì tác phẩm của mình bị xuyên tạc đến thế.
8. She enjoyed
Thúy Kiều sau khi lấy Sở Khanh, về nhà Sở Khanh (là nhà thổ) thì gặp vợ cả Sở Khanh là Tú Bà. Tú Bà sau khi bắt Thúy Kiều quỳ lạy tiên sư, ông tổ nghề buôn phấn bán hương, thì bắt Thúy Kiều phải quỳ lạy mình, sau đó quỳ lạy Sở Khanh, mục đích là cho Kiều thấy Kiều không phải là vợ Sở Khanh, chỉ là con nuôi của Tú Bà, làm gái để tiếp khách lầu xanh.
Nguyễn Du viết: “Dạy rằng con lạy mẹ đây. Lạy rồi thì lạy cậu mày bên kia”. Dương Tường dịch câu 951-952 như sau: “To your knees and kowtow to your mum here, then to your uncle over there! She enjoyed.”
Tú Bà ra lệnh cho Thúy Kiều lạy, sao lại dịch là enjoy – thích thú? Phải dịch là “ordered” – ra lệnh như Huỳnh Sanh Thông6 hay “bid” – truyền lệnh ở bản dịch của Zhoukov,16 hoặc chí ít ra cũng “said in tone severe” – nói xẵng giọng như Michael11 chứ, ai lại “enjoyed” bao giờ.
9. Two gifts from our church
Câu 2045-2046 bản Kiều, Dương Tường’s version, viết: “My prioress who’ll come later bade me, to present you with these two gifts from our church” được dịch từ câu “Bổn sư rồi cũng đến sau, dạy đưa pháp bửu sang hầu sư huynh”.
Pháp bửu hay pháp bảo, tức là vật quý báu (chuông vàng, khánh bạc) để thờ Phật.9 Khi Hoạn Thư ghen với Kiều, bắt Kiều phải vào Quan Âm các để ở. Rồi Kiều biết chuyện Hoạn Thư nhìn thấy Kiều và Thúc Sinh gặp gỡ, Kiều đã ăn cắp chuông vàng khánh ngọc của chùa rồi trốn đi. Khi gặp Giác Duyên, Kiều mới lấy ra đưa cho Giác Duyên. Dương Tường có lẽ không phân biệt được Chùa (Pagoda) là nơi thờ Phật với Nhà thờ (Church) của Kitô giáo. “Two gifts from our church – hai kỷ vật từ nhà thờ của chúng tôi” là sai hoàn toàn, phải dùng từ Pagoda.
10. Pure Stream và Pure Spring
“Nàng còn ngơ ngẩn biết sao. Trạc Tuyền nghe tiếng gọi vào bên tai.” Trạc Tuyền là pháp danh của Thúy Kiều khi nàng đi tu tại Quan Âm các ở nhà Hoạn Thư. Đến khi Thúy Kiều trầm mình xuống dòng sông Tiền Đường, được cứu lên, nghe Giác Duyên gọi tên mình (Trạc Tuyền) thì bừng tỉnh lại. Dương Tường dịch Trạc Tuyền là Pure Spring lúc Thúy Kiều đi tu (câu 1922) nhưng đến câu 2726 khi Thúy Kiều sống lại thì lại dịch Trạc Tuyền là Pure Stream. Hết mùa xuân (Spring) rồi đến dòng suối (Stream), chẳng biết đường nào mà lần.
11. Zen fare – Zen garb
Câu 3043-3044 phiên bản Kiều, Dương Tường’s version, được in: “I’ve got used to salt and green in Zen fare, and grown to love the darb of Zen garb.” Bản gốc là: “Mùi thiền đã bén muối dưa, màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng”. Nhiều phiên bản khác không viết “mùi thiền” mà viết “mùi thuyền”, không viết “màu thiền” mà viết “màu thuyền”. Bản của Trương Vĩnh Ký2 và bản Truyện Kiều sách giáo khoa12 dùng chữ thiền. Bản của Nguyễn Càn Mộng13 dùng chữ thuyền.
Mùi thuyền là vị ăn nhà chùa, tức là vị thanh đạm chay tịnh. Mầu thuyền là mầu y phục nhà chùa.1 Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh còn giải thích rõ ràng hơn: Thiền, tương đương với chữ phạn là “dyana”, thường được dùng để chỉ nhà Phật, nhà chùa. Có khi nói là chiền theo âm xưa. Y phục của nhà chùa là áo màu nâu, nhuộm bằng củ nâu hay vỏ sồng, gọi là nâu sồng.9 Thế nên người ta hay nói hai chữ “chùa chiền”.
Do đó, không thể dịch cái áo nâu sồng nhà chùa thành Zen garb được. Đâu phải cứ nói đến thiền là nghĩ đến Zen như hiện nay. Dịch theo Đào Duy Anh9 là đúng. Bản dịch của Huỳnh Sanh Thông6 dịch là “Dhyana fare” và “Dhyana garb”, còn bản của Michael11 dịch là áo ni cô nhuộm màu nâu – wearing only clothes dyed as a nun’s in deepest brown”.
Bỏ qua những lỗi tiếng Anh (có lẽ do biên tập chăng?) như: match (câu 475), phải là mate; port (câu 871), phải là post; Kin (2949) phải là Kim; yemen (3059) từ đúng phải là yamen; thì tôi thấy Dương Tường kiệm lời quá. Người Anh cầm bản này đọc chắc khó hiểu lắm, vì không có được giải thích nhiều, từ những tên người, tên địa phương, những tích cũ, toàn những chuyện xa xưa ở nước Tàu mà không cắt nghĩa thì ai mà hiểu nổi. Đến như câu “trải qua một cuộc bể dâu” mà Dương Tường dịch thành “The sea’s surging there where once stretched mullberry fields” mà không giải thích rõ ràng thì người đọc sẽ không hiểu tại sao có biển (bể), tại sao có vườn dâu ở đây? Sao lại có biển dâng trào nơi đã từng là bãi dâu? Bể dâu, tức là bể xanh ruộng dâu (Thương hải tang điền) ý để chỉ sự thay đổi trong vũ trụ và trong đời sống của đời người. Sách “Thần Tiên Truyện” của Trung Hoa nói rằng “Tam thập niên vi nhất, thương hải biến vi tang điền.” Nghĩa là cứ ba mươi năm một lần; biển xanh lại hóa thành ruộng dâu. Sách “Tầm Nguyên” kể chuyện có một ông lão sống đủ một trăm tuổi, thường nói với con cháu rằng: “Ta đã sống đủ một trăm tuổi. Trong đời ta, ta đã thấy biết bao lần có sự thay đổi trong vũ trụ như biển cả sóng vỗ muôn trùng rồi biến thành nơi đất bồi để người ta đem dâu ra trồng. Rồi có nơi ruộng dâu lại biến thành biển cả, nước xanh sóng vỗ.15 Đây là cái tích của chữ “bể dâu”.
Đọc qua Kiều, Dương Tường’s version này, tôi có cảm tưởng (có lẽ tôi sai) là Dương Tường cầm cuốn The Tale of Kiều của Huỳnh Sanh Thông, rồi modifier thành bản Dương Tường’s version, vì tư tưởng, ý nghĩ, cách dùng từ… giống nhau.
Thôi, viết vậy thôi, mua vui cũng được một vài trống canh cho các bạn.
Nguồn:
[1] Truyện Kiều chú giải, Lê Văn Hòe, Nhà xuất bản Ziên Hồng, 1956.
[2] Kim Vân Kiều Truyện, Trương Vĩnh Ký, F.H. Schneider,1911.
[3] Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo.
[4] Understanding Ex Votos, by Mariolina Rizzi Salvatori.
[5] Collins English Dictionary.
[6] The Tale of Kiều, Huỳnh Sanh Thông, Yale University Press, 1983.
[7] The Soul of Poetry Inside Kim-Van-Kieu, By Thuy Lexuan, 2010.
[8] Kim Vân Kiều, Nguyễn Văn Vĩnh, Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes, Hà Nội, 1942.
[9] Từ điển truyện Kiều, Đào Duy Anh, Nhà xuất bản văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000.
[10] Từ điển Hán Việt.
[11] Kiều, Việt-Anh, Michael Counsell, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 1994.
[12] Truyện Thúy Kiều, Nguyễn Du, Nhà xuất bản Thanh Tâm, 1958.
[13] Truyện Kiều, Nguyễn Càn Mộng, Imprimerie D’extrême-Orient, Hà Nội, 1936.
[14] Từ điển Hán Việt.
[15] Điển tích trong Truyện Kiều, Trần Phương Hồ, Nhà xuất bản Đồng Nai, 1996.
[16] The Kim Van Kieu of Nguyen Du, Vladislav Zhoukov, Pandanus Books, 2004.
Nguồn: http://www.viet-studies.net/KieuDuongTuong_NCThanh.pdf