- Xuân Thành
Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii, hai bên đã công bố các tuyên bố khác nhau về cuộc họp này. Hơn nữa, Trung Quốc lại bất ngờ loan báo thúc đẩy luật an ninh Hồng Kông.
Cuộc họp Pompeo-Dương Khiết Trì
Theo Reuters, ông Pompeo và ông Dương Khiết Trì đã có cuộc họp kéo dài hơn sáu tiếng tại Honolulu, Hawaii.
Trang tin tiếng Trung Aboluawang dẫn nguồn tin từ người trong cuộc cho biết, Đặc sứ Mỹ về vấn đề Bắc Hàn Stephen Biegun cũng tham gia cuộc họp với phía Trung Quốc cùng Ngoại trưởng Pompeo.
Trong các tuyên bố phát đi sau cuộc họp, Mỹ không đề cập đến việc hai bên có đạt được sự đồng thuận hay không, nhưng cho biết ông Pompeo nhấn mạnh rằng Bắc Kinh cần minh bạch trong việc chia sẻ thông tin về đại dịch COVID-19 để ngăn chặn dịch bệnh khác có thể xảy ra trong tương lai.
Trong tuyên bố phát đi hôm 18/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho hay: “Ngoại trưởng [Pompeo] đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những lợi ích của Mỹ và sự cần thiết của các thỏa thuận đối ứng toàn diện giữa hai quốc gia về các vấn đề thương mại, an ninh, và trao đổi ngoại giao. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của minh bạch hoàn toàn và chia sẻ thông tin để chiến đấu với đại dịch COVID-19 đang diễn ra và ngăn chặn các bệnh dịch tương lai”.
Washington Post dẫn lời các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên nói rằng cuộc họp giữa ông Pompeo với Dương Khiết Trì lần này đã thúc giục Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cung cấp thêm thông tin về dịch bệnh, cũng như nói về vấn đề Hồng Kông và cam kết của ĐCSTQ đối với hòn đảo bán tự trị này.
Quan chức giấu tên chỉ ra rằng: “Cách tiếp cận (của ĐCSTQ), đàn áp tự do của Hồng Kông, kiểm soát trái phép Biển Đông và xung đột với Ấn Độ, đã khiến Mỹ rất lo ngại”.
Nguồn tin nêu trên cũng cho biết ông Pompeo đã đề cập về Đài Loan và thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ.
Trong khi đó, chế độ Trung Quốc, thông qua một tuyên bố do Tân Hoa Xã phát hành đầu tiên, nói rằng ông Pompeo và ông Dương Khiết Trì đã chia sẻ những quan điểm về mối quan hệ Trung – Mỹ.
“Cả hai bên đã đánh giá cuộc họp này là đối thoại mang tính xây dựng. Hai bên đã đồng ý thực thi sự đồng thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được. Hai bên đồng ý duy trì liên lạc và thông tin”, tuyên bố của Trung Quốc cho biết.
Tân Hoa Xã sau đó đã đăng tải một báo cáo ngắn từ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian).
Ông Triệu chỉ đề cập tới những gì ông Dương nói với ông Pompeo về các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương mà không nhắc tới những phát biểu của phía Mỹ.
Tuyên bố của ông Triệu nhấn mạnh lập trường cứng rắn của ĐCSTQ về Đài Loan và Hồng Kông, cụ thể là Trung Quốc vẫn giữ chủ quyền ở các khu vực này. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ, bất chấp hòn đảo này hoạt động như một quốc gia độc lập hoàn toàn.
Theo ông Triệu, ông Dương nói với Ngoại trưởng Pompeo rằng: “Quyết tâm của Trung Quốc trong việc thúc đẩy luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông là vững vàng… Trung Quốc cực lực phản đối lời nói và việc làm của Mỹ dùng vào can thiệp các sự vụ Hồng Kông”.
Mỹ trước đó đã phát đi nhiều tuyên bố lên án cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các sự vụ tại Hồng Kông. Phản ứng với đề xuất luật an ninh quốc gia của Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng Washington sẽ tước vị thế thương mại đặc biệt của Hồng Kông và ban hành các chế tài lên các quan chức chịu trách nhiệm làm xói mòn quyền tự trị của hòn đảo này.
Nhà bình luận Tang Jingyuan của Đài truyền hình Tân Đường Nhân (trụ sở tại Mỹ) nói rằng các tuyên bố của cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy rõ ràng rằng hai bên đã nói những tiếng nói của riêng họ.
Tờ Nam Hoa Tảo báo (Hồng Kông) chỉ ra rằng các vấn đề trọng tâm hiện nay trong các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ bao gồm Hồng Kông, kiểm soát vũ khí, tình hình dịch bệnh, Đài Loan và tác động của xuất khẩu ra nước ngoài của ĐCSTQ.
Tờ Epoch Times tiếng Trung dẫn lời giáo sư Shi Yinhong của Đại học Nhân dân Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh và Washington khó có thể đạt được sự đồng thuận về bất kỳ một hoặc một số vấn đề nào hiện nay. “Các liên hệ duy trì (ngoại giao) không thể đảm bảo bất kỳ cải thiện có ý nghĩa nào trong quan hệ song phương”.
Vấn đề Hồng Kông
Theo The Epoch Times, vài giờ sau cuộc họp Pompeo-Dương Khiết Trì, Bắc Kinh bất ngờ thông báo rằng cơ quan lập pháp nước này đã tiến hành thảo luận kỹ lưỡng về luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông.
Theo thông báo, luật an ninh mới sẽ trừng phạt bốn loại hành vi tại Hồng Kông: “ly khai, luật đổ quyền lực nhà nước, hoạt động khủng bố, và thông đồng với các thế lực nước ngoài hoặc bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”.
Chế độ Trung Quốc, cũng như các quan chức thân Bắc Kinh tại Hồng Kông trước đó đã liệt các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và những người biểu tình tại hòn đảo này là các cá nhân “thông đồng với các lực lượng nước ngoài và bên ngoài”.
Nhiều người dân Hồng Kông lo ngại rằng luật an ninh mới sẽ cho phép Bắc Kinh đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Kỳ lạ ở chỗ, Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông Teresa Cheng Yeuk-wah khi được báo giới hỏi về động thái của Bắc Kinh hôm 18/6, thì bà nói rằng bà không biết gì về nội dung bản dự thảo luật an ninh mới. Sau đó bà từ chối bình luận về hành vi phạm tội “thông đồng với các lực lượng nước ngoài và bên ngoài”.
Xuân Thành (T/h)