Úc đang chuẩn bị cho tình huống chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ

Stan Grant

Phạm Hoài Nam dịch

Thủ tướng đã đúng khi nói rằng: chúng ta đang sống trong thế giới nghèo và nguy hiểm hơn.

Câu hỏi là, tại sao lại cần lâu đến như vậy để nhận ra điều này?

Cuộc khủng hoảng coronavirus giúp cho chúng ta có cái nhìn rõ hơn về sự bấp bênh của thế giới hiện nay mặc dầu nó đã có dấu hiệu từ nhiều năm trước.

Nước Úc đã để mất nhiều năm quý giá. Một thập niên trước Thủ tướng Kevin Rudd đã nhìn thấy được hiểm họa của Trung Quốc.

“Mức độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc nhanh đến mức độ khiến cho các nước láng giềng phải quan tâm,” Bạch Thư của chính phủ Kevin Rudd đã ghi nhận như thế từ năm 2009.

Đến năm 2013, chính phủ Lao Động dưới thời bà Julia Gillard, hạ giọng đối với Trung Quốc vì muốn tránh sự căng thẳng.

Chúng ta luôn luôn chọn Hoa Kỳ

Viết trong tạp chí Foreign Affairs năm 2013, ông Rudd cảnh báo nếu mối quan hệ với Trung Quốc không được thực hiện một cách cẩn thận, chúng ta phải gánh hậu quả tai hại.

“Cho đến nay chúng ta vẫn chưa biết sự lạc quan của toàn cầu hóa trong thế kỷ 21 hay bóng tối của chủ nghĩa quốc gia sẽ thắng cuộc chiến này,” ông viết.

Ông Rudd, một nhà ngoại giao từng làm việc tại Bắc Kinh, nói thông thạo tiếng Phổ thông, hiểu khá rõ tâm lý của những nhà lãnh đạo Trung Quốc: Trung Quốc coi trọng sức mạnh chiến lược và coi thường những sự lưỡng lự, yếu đuối.” (respects strategic strength and is contemptuous of vacillation and weakness).

Nước Úc đang tỉnh giấc sau một thập niên ngủ quên. Scott Morrison đã dẫn dắt chúng ta trở lại điểm dưới thời của Kevin Rudd.

Người Úc luôn luôn nghĩ rằng họ không bao giờ phải chọn lựa giữa đồng minh chiến lược Hoa Kỳ và khách hàng lớn nhất Trung Quốc. Giữa Úc và Hoa Kỳ được ràng buộc bởi những giá trị tự do dân chủ và sự an ninh, trong lúc đó chúng ta cũng không muốn mất khách hàng lớn nhất. Tình thế hiện tại không cho phép chúng ta có chọn lựa đơn giản như trước đây, đã đến lúc nước Úc bắt buộc phải có sự chọn lựa rõ ràng giữa hai siêu cường quốc.

Một lần nữa, chúng ta đã không học được bài học của lịch sử

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là mốc điểm quan trọng nhất của thế kỷ 21. Nó cho chúng ta những cơ hội đi cùng với nhiều nguy hiểm và thách thức.

Chiến tranh giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Hoa Kỳ là điều khó thể tránh.

Lịch sử cho chúng ta thấy rằng khi một thế lực đang lên đụng một thế lực suy tàn thì sẽ dẫn đến chiến tranh.

Sử gia người Hy Lạp Thucydides đã cảnh báo chúng ta về điều này từ 2000 năm trước, cuộc chiến Peloponnesian xảy ra khi thế lực Athens đang lên muốn thay thế cường quốc Sparta đang suy tàn.

Sử gia Graham Allison nói rằng trong 500 năm sự chuyển giao quyền lực xảy ra 16 lần trong đó có 12 lần kết thúc bằng chiến tranh. Coi chừng chúng ta một lần nữa không học được bài học lịch sử.

Vào năm 1914, sự thay đổi cán cân quyền lực giữa Đức và Anh đã dẫn đến Thế Chiến Thứ Nhất.

Lúc đó thế giới nghĩ rằng điều này không bao giờ xảy ra. Đức và Anh là đối tác giao thương lớn nhất, hai hoàng gia là anh em họ với nhau, nhưng chiến tranh vẫn xảy ra.

Trong tác phẩm Sleepwalkers, sử gia Christopher Clarke nhận xét rằng các lãnh tụ chính trị của thời đại trở thành con tin của những biến cố, bất lực trước những sóng gió của thời cuộc và cuối cùng bị cuống hút vào cuộc chiến khi họ không còn một chọn lựa nào khác. “Những sự xung đột tại Âu Châu trước khi xảy ra Thế Chiến Thứ Nhất được chồng chất giống như sức nặng trên bàn cân, nghiêng đến mức độ không thể trách khỏi,” ông viết.

Nếu chiến tranh xảy ra, Á Châu trở thành thùng thuốc nổ

Chúng ta có mộng du vào cuộc chiến một lần nữa không? Trong tác phẩm “Destined for War”, Graham Allison đã viết rằng chuyện xung đột xảy ra “không những có thể mà còn cao hơn mức độ nhiều người đang nhìn thấy hiện nay.”

Morrison thận trọng chính đáng trong ngôn ngữ của ông, không muốn báo động và gây thêm hiềm khích với Trung Quốc một cách không cần thiết.

Nhưng sự gia tăng chi phí quốc phòng của Úc là dấu hiện rõ ràng nhìn nhận hiểm họa của Trung Quốc. Nếu cuộc chiến toàn cầu xảy ra hôm nay, rất có thể nó sẽ xảy ra trong khu vực của chúng ta. Một phần lớn của Á Châu sẽ trở thành thùng thuốc nổ.

Sử gia Michael Auslan nhận ra rằng chiến tranh và sự suy thoát về kinh tế là hai điều nguy hiểm nhất kết hợp tạo thành cái gọi là “một thế kỷ của Á Châu”.

Á Châu-Thái Bình Dương là khu vực được quân sự hóa lớn nhất thế giới. Đó là nơi tập trung những đạo quân lớn nhất thế giới, kỹ thuật chiến đấu tân tiến, nhiều quốc gia có bom nguyên tử và cộng vào đó là sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ.

Ngoài cuộc chạy đua quân sự còn có yếu tố lịch sử: những kẻ thù truyền kiếp, những xung đột mới nhất và sự cạnh tranh nguồn tài nguyên khan hiếm.

Những tranh chấp tiêu biểu nhất là: Ấn Độ-Pakistan, Bắc và Nam Hàn, Trung Quốc-Nhật Bản.

Chúng ta có thể bị cuốn vào một cuộc chiến toàn diện

Phần lớn những căng thẳng tập trung ở những lãnh thổ đang tranh chấp, đặc biệt là hải đảo Diaoyu-Senkaku đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản và các hải đảo ở Biển Đông.

Mới đây Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ nhau tại vùng biên giới đang tranh chấp ở Hy Mã Lạp Sơn. Những cuộc tranh chấp đó có thể gia tăng nhanh chóng, cuốn hút chúng ta vào một cuộc chiến lan rộng.

Hiện tại các chiến lược gia ở Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn đang chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống đó.

Và chúng ta có thể biết nó sẽ diễn ra như thế nào.

Vào năm 2015 cơ quan think tank “Rand Corporation” soạn thảo một nghiên cứu cho quân đội Hoa Kỳ, và tựa đề không còn gì thẳng hơn: Chiến tranh với Trung Quốc: Nghĩ về những điều không thể nghĩ tới (War with China: Thinking Through the Unthinkable).

Nó kết luận rằng Trung Quốc sẽ gánh chịu tổn thất về sinh mạng cao hơn Mỹ nếu chiến tranh xảy ra vào thời điểm lúc đó.

Tuy nhiên nó cũng cảnh báo rằng một khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng thì triển vọng của cuộc chiến sẽ kéo dài và tàn khốc hơn.

Chiến tranh là điều không thể không nghĩ đến

Trung Quốc đang xây dựng một đội quân sẵn sàng cho cuộc chiến đó. Họ tăng chi phí quốc phòng lên 7 lần trong 20 năm qua. Con số chính thức Trung Quốc chi khoảng $180 tỉ mỗi năm cho quốc phòng, nhưng các nhà phân tích cho biết con số thật sự cao hơn nhiều.

Họ tập trung vào sức mạnh của hải quân, xây dựng tàu chiến, tàu ngầm và hỏa tiễn. Họ đang xây dựng hệ thống gọi là A2/AD, trên không, đất liền và trên biển nhằm để ngăn chận sức tiến công của kẻ thù.

Về quân sự thì Hoa Kỳ mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc, chi hơn $700 tỉ mỗi năm cho quốc phòng. Nhưng quân đội của họ phải trải mỏng ra trên khắp thế giới trong lúc đó quân đội Trung Quốc chỉ tập trung tại mặt trận quốc nội.

Chiến tranh là điều tồi tệ nhất.

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, cảnh báo rằng cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ “sẽ dẫn đến một thảm họa cho hai quốc gia và cho toàn thế giới” nhưng trong lúc này chiến tranh là điều không thể không thể nghĩ đến và Úc có lý do chính đáng khi gia tăng quốc phòng để chuẩn bị cho tình huống đó.

Câu châm ngôn từ ngàn xưa: “Nếu bạn muốn hòa bình, phải chuẩn bị chiến tranh.”

Nguồn: China and the United States are on a collision course, and Australia is preparing for the fallout

https://www.abc.net.au/news/2020-07-05/china-and-us-on-collision-course-lessons-from-history/12415316

Related posts