Di sản tinh thần của Lưu Hiểu Ba

[TƯỞNG NIỆM BA NĂM NGÀY MẤT LƯU HIỂU BA, 2017-2020]

Trương Tố Hoa

Nguyễn Trung Kiên dịch

Vào ngày 13 tháng Bảy năm 2017, Tiến sĩ Lưu Hiểu Ba, người được trao Giải thưởng Nobel Hòa bình, đã qua đời sau một thời gian dài chịu đựng khủng bố chính trị, kiểm duyệt sáng tác văn học, và bị cầm tù. Với kiến thức sâu rộng, đặc biệt xuất sắc, rất nhiệt tình và cực kỳ năng động, Lưu Hiểu Ba đã dâng hiến sáu mươi mốt năm cuộc đời quý giá của mình cho sự nghiệp vĩ đại để đấu tranh cho tự do, bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm và thiết lập nền dân chủ hiến định. Ông không chỉ là biểu tượng của chủ nghĩa tự do đương đại ở Trung Quốc và là nhà vận động chủ chốt trong các phong trào dân chủ, mà còn là nhà lãnh đạo tinh thần xuất sắc trong việc duy trì các giá trị phổ quát và lương tâm đạo đức chống lại chủ nghĩa toàn trị và nền chuyên chế trong thế giới ngày nay.

Sự ra đi không đúng lúc của Lưu Hiểu Ba đã khiến những người có lương tri trên toàn thế giới tràn ngập sự đau buồn và công phẫn sâu sắc, và họ đã sử dụng nhiều cách khác nhau để tưởng nhớ, thương tiếc, thừa nhận và trân trọng lưu giữ những gì thuộc về ông, cầu nguyện chân thành cho ông và gia đình ông. Là đồng nghiệp và đồng đội của ông, chúng tôi có nghĩa vụ phải phân tích cẩn trọng di sản tinh thần, trí tuệ và chính trị của ông để truyền lại ngọn đuốc lý tưởng và đạo đức của ông. Dưới đây là quan điểm của tôi trên cơ sở tham khảo quan điểm của những người khác.

TINH THẦN KẾ THỪA VÀ ỦNG HỘ NHỮNG TƯ TƯỞNG TỰ DO

Trong suốt cuộc đời của mình, điều mà Lưu Hiểu Ba coi trọng nhất là tự do, và điều ông căm ghét nhất là hệ thống độc tài kiềm chế tự do. Đã tiếp nhận và đi theo chủ nghĩa tự do khi còn trẻ, ông không bao giờ nao núng giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa tự do, đề cao và truyền lại những tư tưởng tự do, dũng cảm bảo vệ học thuyết về tự do, kiên trì phát biểu và thực hành chủ nghĩa tự do.

Chủ nghĩa tự do là gì? Chủ nghĩa tự do là một giá trị chủ đạo và là nguyên tắc cơ bản của thế giới văn minh ngày nay, và cũng là một vũ khí mạnh mẽ chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa chuyên chế, toàn trị và độc tài. Trong hơn ba trăm năm phát triển, qua những nỗ lực của John Locke, Montesquieu, David Hume, Adam Smith, George Byron, Percy Shelley, Edmund Burke, Wilhelm von Humboldt, Benjamin Constant, Alexis de Tocqueville, Immanuel Kant, John Stuart Mill, John Dalberg-Acton, Thomas Paine, Thomas Jefferson, Friedrich Hayek và Karl Popper, chủ nghĩa tự do đã dần dần định hình được bốn khía cạnh. Đầu tiên là chủ nghĩa tự do chính trị, với các quan niệm cơ bản về thiết lập nền chính trị hiến định, thực hiện dân chủ đại diện và pháp trị, và bảo vệ quyền con người. Thứ hai là chủ nghĩa tự do kinh tế, với ý nghĩa cốt lõi là bảo vệ tài sản cá nhân, thực hiện kinh tế thị trường và giảm thiểu sự can thiệp cũng như kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế. Thứ ba là chủ nghĩa tự do xã hội, liên quan đến công bằng xã hội và bảo vệ các điều kiện sống và quyền cơ bản của người yếu thế. Thứ tư là chủ nghĩa tự do cá nhân, với sự nhấn mạnh vào các giá trị và quyền cá nhân, cũng như sự đảm bảo rằng cá nhân nhận được sự tôn trọng cao nhất và hưởng các quyền và phẩm giá cơ bản. Các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa tự do, bao gồm tự do cá nhân và phẩm giá cá nhân, tự do ngôn luận, khoan dung tôn giáo, chủ quyền của nhân dân, nhân quyền phổ quát, pháp trị, chính quyền minh bạch và cởi mở, những hạn chế đối với quyền lực của chính quyền, bảo vệ tài sản cá nhân, các quyền bình đẳng cơ bản, kinh tế thị trường tự do, và thương mại tự do, đã ăn sâu vào tâm trí của người dân ở hầu hết các quốc gia và đã biến chủ nghĩa tự do trở thành một nền văn minh phổ quát được thừa nhận toàn cầu.

Như Lý Thân Chi đã chỉ ra, chủ nghĩa tự do không phải là một truyền thống trong hàng nghìn năm của nền văn minh Trung Hoa, mà là kết quả của việc học tập phương Tây vốn đã lan sang phương Đông. Chủ nghĩa tự do được giới thiệu đến Trung Quốc hơn một trăm năm trước. Người đầu tiên đưa ra khái niệm tự do cho Trung Quốc là Nghiêm Phục. Ông đã dịch cuốn ‘On Liberty’ [Về tự do] của John Stuart Mill và mang tới một định nghĩa kinh điển về tự do cho Trung Quốc: “Một người nên được tự do làm theo ý mình trong những mối quan tâm của mình; (nhưng anh ta không nên tự do làm những gì mình thích nếu điều đó ảnh hưởng đến người khác với cái cớ là chuyện của họ cũng là chuyện của anh ta)”. Hơn nữa, “anh không được tự biến mình thành nỗi phiền hà cho người khác”. Năm 1895, đối mặt với tình trạng nguy kịch của Trung Quốc sau thất bại trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ Nhất và tóm tắt kinh nghiệm lịch sử kể từ sau Chiến tranh Nha phiến, Nghiêm Phục đã xuất bản ‘On the Speed of World Change’ [Về tốc độ của sự thay đổi trên thế giới], trong đó tuyên bố rõ ràng rằng mấu chốt của sự khác biệt giữa phương Tây thịnh vượng và hùng mạnh với Trung Quốc yếu đuối và nghèo nàn là “một bên được tự do, một bên mất tự do”.

Sau Nghiêm Phục, Lương Khải Siêu đã xuất bản bài tiểu luận ‘Về Tự do’ vào tháng Năm năm 1902, chỉ ra rằng tuyên bố của Patrick Henry: “Hãy trao cho tôi tự do hoặc ban cho tôi cái chết” là nền tảng mà các quốc gia ở châu Âu và châu Mỹ được thành lập trong suốt thế kỷ XVIII và XIX. Hơn nữa, trong ‘Về một nhân dân mới’ [On the New People], Lương tuyên bố, “Liệu ý thức về tự do có thể áp dụng cho Trung Quốc ngày nay? Tự do, như một khái niệm phổ biến trên thế giới và là yếu tố thiết yếu của cuộc sống con người, có thể được áp dụng ở mọi nơi”.

Thái Nguyên Bồi, người trở thành chủ tịch của Đại học Bắc Kinh vào năm 1917, đã sử dụng chính sách “gồm các tác phẩm kinh điển vĩ đại, thu thập nhiều trường phái, tự do tư tưởng và tính bao trùm” để biến Đại học Bắc Kinh thành một trường đại học hiện đại thực sự và là nền tảng để giới thiệu và thúc đẩy chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc.

Do đó, Nghiêm Phục, Lương Khải Siêu và Thái Nguyên Bồi được coi là những người sáng lập chủ nghĩa tự do Trung Quốc, đồng thời là đại diện của thế hệ theo chủ nghĩa tự do đầu tiên của Trung Quốc. Theo sau Nghiêm, Lương và Thái, người tiếp theo giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa tự do là Hồ Thích, người suốt đời đã bảo vệ tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do chính trị. Do đó, Hồ Thích được coi là đại diện chính của thế hệ thứ hai trong sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc hiện đại.

Năm 1949 là một bước ngoặt lịch sử. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm quyền thông qua một cuộc cách mạng bạo lực và bất hợp pháp, một số lượng lớn trí thức theo chủ nghĩa tự do như Hồ Thích đã chuyển đến Đài Loan. “Cha đẻ của Hiến pháp Cộng hòa Trung Hoa”, Trương Quân Mại (Carsun Chang), và các học giả nổi tiếng khác đã sống lưu vong ở nước ngoài. Từ đó trở đi, những hoa trái của chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc bị phân tán và mờ dần trong bối cảnh của sự tàn phá. Dưới sự đàn áp chính trị liên tục của chế độ toàn trị của ĐCSTQ, những trí thức tự do còn lại ở Trung Quốc đại lục cũng bị đàn áp tàn bạo thông qua cuộc “đấu tranh giai cấp” và “chế độ độc tài vô sản”, bị bỏ tù vì hàng loạt tội danh hoặc bị buộc phải đi cải tạo tư tưởng. Sau chiến dịch chống phái hữu năm 1957, những trí thức theo chủ nghĩa tự do đã bị buộc phải im lặng và bị cô lập. Mãi đến đầu thập niên 1970, mầm mống của chủ nghĩa tự do bắt đầu xuất hiện trở lại một cách khôn khéo trong Phong trào ngày 5 tháng Tư năm 1976 và dần trở thành vũ khí tư tưởng đáng gờm chống lại chế độ chuyên chế và toàn trị.

Từ Phong Ngũ Tứ đến Phong trào Dân chủ vào cuối thập niên 1970, sau đó đến phong trào khai sáng tư tưởng và giải phóng ý thức hệ của thập niên 1980 và Phong trào Dân chủ nắm 1989, một nhóm trí thức mới theo chủ nghĩa tự do xuất hiện tại Trung Quốc đại lục, hình thành nên chủ nghĩa tự do Trung Quốc thế hệ thứ ba, và sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do có tác động ý thức hệ sâu rộng và quan trọng đến sự chuyển đổi xã hội và cải cách chính trị ở Trung Quốc. Tôi coi các nhân vật đại diện của chủ nghĩa tự do Trung Quốc trong thời kỳ này là Hồ Bình, Trần Tử Minh và Lưu Hiểu Ba.

Hồ Bình (sinh ngày 18 tháng Tám năm 1947, hiện đang sống ở New York) đã hoàn thành bài tiểu luận dài “Về tự do ngôn luận” của mình vào tháng Bảy năm 1975. Ấn bản thứ tư của bài báo của ông đã được xuất bản dưới dạng một số đặc biệt của một tạp chí ‘Fertile Soil’ xuất bản trong thời gian diễn ra Phong trào Bức tường Dân chủ ở Bắc Kinh vào tháng Hai năm 1979. Phiên bản thứ năm của nó được hoàn thành vào đầu năm 1980, và vào tháng Mười Một, ông đã tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử làm Phó Đoàn Đại biểu Nhân dân của quận Hải Điện Âu, nơi ông từng là sinh viên tại Đại học Bắc Kinh, bài báo đã được sao chép vào áp phích lớn và phân phát xung quanh trường làm tài liệu cho chiến dịch tranh cử. Sau đó, một phiên bản in roneo đã được phổ biến ở nước ngoài và được xuất bản thành nhiều đợt trên tờ nguyệt san ‘The Seventies’ (sau đổi tên thành ‘The Nineties’) vào năm 1981. Năm 1986, bài báo được in lần đầu tiên ở Trung Quốc đại lục vào tháng Bảy và tháng Chín trên tạp chí ‘Diễn đàn Tuổi trẻ’ ở Vũ Hán. Được sao chép và phân phối tại các cơ sở trong cả nước, bài tiểu luận của Hồ Bình đã đóng góp đáng kể vào sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc. Kể từ đó, Hồ Bình đã trở thành một nhà văn với lượng tác phẩm khổng lồ, nhưng việc ông rời khỏi Trung Quốc nhiều năm trước và sự kiểm duyệt của chính quyền đối với các bài báo của ông đã hạn chế ảnh hưởng của ông ở Trung Quốc.

Trần Tử Minh (sinh ngày 8 tháng Một năm 1952, mất ngày 21 tháng Mười năm 2014) từng tham gia các Phong trào Ngũ Tứ, Phong trào Bức tường Dân chủ, phong trào giải phóng tư tưởng và Phong trào Dân chủ năm 1989. Mặc dù nhiều lần bị cầm tù, ông là một soạn giả từng viết và biên soạn một lượng lớn các tác phẩm được độc giả đón nhận về chủ nghĩa tự do chính trị, lý thuyết về dân chủ hiến định và lịch sử các phong trào dân chủ ở Trung Quốc. Các tác phẩm của ông cuối cùng đã được biên soạn thành một bộ tuyển tập gồm mười hai tập, cùng với các ấn phẩm khác. Đáng tiếc, do sự kiểm duyệt của chính quyền, Trần Tử Minh chỉ có thể xuất bản ở Trung Quốc đại lục bằng bút danh. Chính sự ra đời của thời đại Internet đã cho phép lưu hành các bài báo và suy nghĩ của Trần Tử Minh.

Lưu Hiểu Ba là người trẻ nhất trong ba người này. Ông là thành viên trong nhóm sinh viên đầu tiên được nhận vào đại học sau kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, được nối lại vào năm 1977 sau Cách mạng văn hóa. Ông đã nhận bằng thạc sĩ văn chương năm 1984 và tiến sĩ văn chương năm 1988. Trong thập niên 1980, ông đã xuất bản ‘Phê phán về Lựa chọn: Các cuộc đối thoại với Lý Trạch Hậu’ (1988), luận án tiến sĩ ‘Thẩm mỹ và Tự do của con người’ (1988), ‘Đám sương mù của Siêu hình học’ (1989) và ‘Trần trụi đi về phía Thượng đế’ (1989). Chính quyền Trung Quốc đã chỉ định cuốn ‘Phê phán về Lựa chọn’ phải lưu hành nội bộ, trong khi ba cuốn kia bị cấm ngay sau khi phát hành. ‘Trần trụi đi về phía Thượng đế’ đã bị thu hồi và tiêu hủy ngay trước khi nó ra thị trường. Việc xuất bản những cuốn sách này đánh dấu sự chuyển đổi của Lưu từ một thanh niên cánh tả chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Mác thành một trí thức theo chủ nghĩa tự do.

Nếu Lưu Hiểu Ba được coi là một người theo đuổi tự do học thuật trước năm 1989, thì kinh nghiệm về Phong trào Dân chủ năm 1989 đã nhanh chóng biến thành ông một người theo chủ nghĩa tự do chính trị, ủng hộ nhân quyền, dân chủ, pháp trị và chủ nghĩa hiến định. Sau Phong trào Dân chủ năm 1989, Lưu Hiểu Ba đã viết hơn một nghìn bài báo về các vấn đề thời sự. Cụ thể là kiệt tác ‘Thức tỉnh dân sự: Buổi bình minh của một Trung Quốc tự do’ và “Linh Bát Hiến Chương’, mà ông tham gia soạn thảo và khởi xướng, thể hiện sâu sắc các giá trị phổ quát và các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa tự do chính trị và có ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào đòi xác lập nền dân chủ hiến định tại Trung Quốc đại lục, khiến ông xứng đáng trở thành biểu tượng của chủ nghĩa tự do đương đại ở Trung Quốc.

Trong cuốn sách ‘Thức tỉnh dân sự’, Lưu Hiểu Ba đã viết rằng “sở hữu cá nhân là nền tảng của chủ nghĩa hiến định tự do”. Ông cũng đưa ra chín yêu cầu chính trị tập trung vào cuộc đấu tranh vì quyền dân sự: 1) cải cách kinh tế, 2) cải cách pháp lý, 3) cải cách hành chính, 4) cải cách truyền thông, 5) cải cách đại hội nhân dân, 6) cải cách bầu cử, 7) cải cách tài chính và thuế, 8) cải cách quân sự và 9) cải cách giáo dục. Ông bảo vệ quyền hợp pháp của dân chúng tham gia vào các vấn đề công cộng và chỉ trích mạnh mẽ ‘lý thuyết về nền dân chủ phát triển dần dần’.

Linh Bát Hiến Chương chỉ ra: “Tự do là cốt lõi của giá trị nhân bản phổ quát. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do cư trú và tự do bãi công, biểu tình và phản đối, bên cạnh những quyền tự do khác, là những hình thức của quyền tự do. Không có tự do, Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ đến gần được những lý tưởng của thế giới văn minh”. Đặc biệt, Linh Bát Hiến Chương trình bày một số khuyến nghị chính trị (Khuyến nghị 7-14) để thực hiện nguyên tắc về tự do.

Lưu Hiểu Ba bị bắt và kết án bởi liên quan đến việc soạn thảo và khởi xướng Linh Bát Hiến Chương. Tại tòa, ông đã đọc lời tuyên bố gây xúc động: “Tôi không có kẻ thù: Tuyên bố cuối cùng của tôi”:

“Tự do biểu đạt là cơ sở của quyền con người, là gốc rễ của bản chất con người và là cội nguồn của sự thật. Giết chết tự do ngôn luận là xúc phạm nhân quyền, bóp nghẹt bản chất con người và đàn áp sự thật.

Tôi cảm thấy trách nhiệm của mình như một công dân Trung Quốc là phải cố gắng nhận ra trong thực tế quyền tự do biểu đạt được ghi trong hiến pháp của đất nước chúng ta. Không có gì là phạm tội trong bất cứ điều gì tôi đã làm, nhưng tôi sẽ không khiếu nại, ngay cả khi phải đối mặt với các cáo buộc chống lại tôi.”

Đối mặt với những cáo buộc và tù đày, Lưu Hiểu Ba không nghĩ đến sự an toàn của chính mình mà chỉ nghĩ đến việc chấm dứt sự kiểm duyệt văn chương ở Trung Quốc, và mang lại tự do ngôn luận và tự do biểu đạt cho các giá trị, ý tưởng, niềm tin và quan điểm chính trị. Điều này thể hiện đầy đủ sự khích lệ của ông đối với công lý, sự hy sinh cho công bình và tình bạn cao cả.

Trung Quốc đương đại có một số lượng lớn trí thức đã góp phần vào sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do. Tuy nhiên, về ảnh hưởng xã hội trong việc kết hợp tri thức và hành động, không ai vượt qua được Lưu Hiểu Ba. Đó là lý do tại sao Lưu Hiểu Ba là một đại diện xuất sắc của thế hệ trí thức theo chủ nghĩa tự do thứ ba ở Trung Quốc đại lục và xứng đáng được coi là biểu tượng của chủ nghĩa tự do Trung Quốc đương đại.

LÒNG CAN ĐẢM CỦA ‘TRI HÀNH HỢP NHẤT’ VÀ TINH THẦN SẴN SÀNG CHỊU TRÁCH NHIỆM

Cần đặc biệt chỉ ra rằng chủ nghĩa tự do mà Lưu Hiểu Ba tán thành đã liên tục bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi. Dưới sự cai trị mang tính cưỡng chế của chế độ toàn trị và nền chuyên chế, việc không tham gia vào các vấn đề hiện tại và một thứ chủ nghĩa hoài nghi, vốn an toàn về chính trị, đã chiếm ưu thế trong xã hội Trung Quốc, nhưng Lưu Hiểu Ba tràn đầy tinh thần ‘tri hành hợp nhất’; không sợ hãi, ông “đã nắm lấy đạo đức và công lý trên đôi vai sắt đá, và đã viết bằng một ngòi bút lạnh lùng”. Những câu này bắt nguồn từ chính trị gia triều đại nhà Minh Dương Kế Thịnh (1516-1555) trong cuốn sách ‘Tuyển tập Dương Kế Thịnh’. Nó đề cập đến việc đảm nhận nhiệm vụ cứu quốc gia và nhân dân.

Trong bài tiểu luận năm 2002, “Sự nghèo nàn của tinh thần phản kháng trong quảng đại dân chúng Trung Quốc” nhân kỷ niệm 13 năm sự kiện ngày Bốn tháng Sáu, Lưu Lưu Hiểu Ba đã viết:

“Nhà triết học Vương Dương Minh”, nổi tiếng với trường phái “trí lương tri” [thực hiện triệt để điều hiểu biết tốt lành] và “tri hành hợp nhất”, từng nói: “Tri thức mà thiếu hành động thì chỉ là sự dốt nát”. Thật không may, hầu hết trí thức Trung Quốc đều đang trong tình trạng “dốt nát” của thực trạng “tri bất hành” này. Trong thế giới ngày nay, nơi sự phân công lao động ngày càng trở nên toàn diện, sự thống nhất về tri thức và hành động của những người trí thức có nghĩa là không bị kiểm soát bởi bất cứ quyền lực bên ngoài nào và thể hiện sự hiểu biết của mình một cách trung thực. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đương đại, nơi giới trí thức bị đe dọa và bị cản trở bởi sự khủng bố và dối trá có hệ thống, sự ‘tri hành hợp nhất’ của những người trí thức có nghĩa là thể hiện chân thực tri thức của bạn với lương tâm và sự can đảm khi đối mặt với khủng bố. Đây là sứ mệnh thiêng liêng của những người trí thức”.

Lưu Hiểu Ba đều diễn ngôn và hành động theo cách này. Vào tháng Sáu năm 1989, khi Phong trào Dân chủ Thiên An Môn nổ ra, Lưu Hiểu Ba đang là học giả thỉnh giảng tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ), nhưng ông đã bay từ New York đến Bắc Kinh và tham gia vào phong trào dân chủ gây chấn động này, giữ vững chiến tuyến từ đầu đến cuối và trở thành một trong những đại diện trí thức quan trọng trong phong trào. Sau vụ thảm sát ngày Bốn tháng Sáu đó, khi những người khác lựa chọn rời bỏ đất nước để xin tị nạn hoặc thậm chí từ bỏ phong trào dân chủ, ông đã lựa chọn gánh vác trách nhiệm kép bảo vệ công lý và và tự do hóa chính trị bất chấp sự bị làm nhục, và khăng khăng ở lại Trung Quốc để tiếp tục cuộc đấu tranh. Ông đã trải qua hai mươi tám năm tiếp theo ở trong và ngoài nhà tù, và trong hầu hết thời gian này, ông đều bị giam giữ. Ông đã dành thời gian bên ngoài nhà tù để phát ngôn những lời kêu gọi mạnh mẽ về tự do, dân chủ và nhân quyền, đồng thời tham gia gần như mọi trận chiến trên chiến tuyến của phong trào xã hội vì tự do và dân chủ, thách thức mọi nguy hiểm và khó khăn.

Không lâu sau khi ra tù năm 1991, Lưu Hiểu Ba đã đến nhà giáo sư Đinh Tử Lâm, người có con trai bị giết trong vụ thảm sát ngày Bốn tháng Sáu đó. Đinh Tử Lâm (sinh năm 1936) và chồng, Khương Bồi Khôn (1934-2015), là thành viên nhóm sáng lập phong trào ‘Các bà mẹ Thiên An Môn’, một nhóm các thành viên gia đình của các nạn nhân ngày Bốn tháng Sáu đang tìm kiếm công lý cho các nạn nhân, đánh giá lại phong trào dân chủ và sự đàn áp bạo lực của chính phủ. Trong hồi ký của mình, bà Đinh viết:

“Ngày hôm đó, Khương [Bồi Khôn] đã kể vắn tắt với anh ấy về việc tham gia phong trào sinh viên của Liên Ân và tình hình trước và sau khi Liên Ân qua đời. [Lưu] trở nên quay cuồng và tự trách mình, và nửa tiếng sau anh ấy quay lại với một bó hoa tươi, và bất ngờ khuỵu xuống khóc trước bàn thờ của Liên Ân… Tất cả chúng tôi đều chìm ngập trong một nỗi đau buồn không thể kiềm chế. Hôm sau, anh ấy lại đến nhà tôi, và trước bàn thờ của Liên Ân, anh đọc to bài thơ mình mới sáng tác đêm trước, ‘Dành tặng tuổi mười bảy’. Giọng anh nghẹn ngào nức nở, nỗi đau khiến anh không chịu đựng nổi”.

Sau đó, Lưu Hiểu Ba tiếp tục gặp rủi ro rất lớn trong những nỗ lực vô song của mình để giúp đỡ các gia đình nạn nhân và phong trào ‘Các bà mẹ Thiên An Môn’ trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ. Ông đã viết nhiều bài báo để giành được sự ủng hộ cho các gia đình và phong trào ‘Các bà mẹ Thiên An Môn’ trong cộng đồng quốc tế, và ông đã đi đầu trong việc đề cử phong trào ‘Các bà mẹ Thiên An Môn’ cho Giải thưởng Nobel Hòa bình. Sau khi Lưu Hiểu Ba qua đời, Đinh Tử Lâm, đã già yếu, đại diện cho ‘Các bà mẹ Thiên An Môn’ bày tỏ lời chia buồn: “Mặc dù anh đã mất đi tự do và mất đi sinh mệnh, anh vẫn sở hữu tình yêu vĩ đại của thế giới mà không ai trên Trái Đất có thể sánh được. Trong trái tim chúng tôi, anh luôn sống mãi”.

Vào ngày 20 tháng Hai năm 1995, Lưu Hiểu Ba đã tham gia cùng với Bao Tuân Tín, Vương Nhã Thủy, Trần Tử Minh, Từ Văn Lập và những người khác để soạn thảo và ký kết “Bản đề xuất chống tham nhũng gửi tới Phiên họp toàn thể lần thứ Ba của Đại hội nhân dân toàn quốc lần thứ Tám”, đề xuất bảy mục cho cải cách ngắn hạn và năm mục cho cải cách dài hạn. Lưu Hiểu Ba cũng tham gia cùng Bao Tuân Tín trong việc công bố một bức thư ngỏ yêu cầu Vương Nhã Thủy phải được chăm sóc y tế, và thu thập chữ ký từ những trí thức nổi tiếng. Vào tháng Năm năm 1995, Lưu Hiểu Ba đã tham gia cùng Trần Tiểu Bình trong việc soạn thảo “Rút ra bài học trả bằng máu trong tiến trình thúc đẩy nền dân chủ và pháp trị: Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm sáu năm Sự kiện mồng Bốn tháng Sáu” và thu thập chữ ký. Trước khi tuyên bố chính thức được ban hành, Lưu Hiểu Ba đã bị Sở Công an Thành phố Bắc Kinh giam giữ “dưới sự giám sát của dân cư” ở vùng ngoại ô Bắc Kinh và không được trả tự do cho đến tháng Hai năm 1996.

Vào tháng Tám năm 1996, Lưu Hiểu Ba đã gặp nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Vương Tây Triết tại Quảng Châu, và sau khi thảo luận về một số vấn đề quan tâm chung, họ đã quyết định gửi “Các quan điểm về một số vấn đề quan trọng của nước ta” đến Quốc Dân Đảng [tại Đài Loan] và đến Đảng cộng sản Trung Quốc. Được ban hành vào ngày kỷ niệm thứ năm mươi mốt của Hiệp định Nhị Thập mà hai đảng đã ký kết vào ngày 10 tháng Mười năm 1945, nó được gọi là Tuyên bố Nhị Thập và động chạm đến nền tảng chính trị của việc thống nhất với Đài Loan, vấn đề Tây Tạng, sự củng cố hệ thống của Quốc hội, và vấn đề Quần đảo Điếu Ngư. Hai ngày trước khi tuyên bố này chính thức được ban hành, Sở Công an thành phố Bắc Kinh một lần nữa bắt giữ Lưu Hiểu Ba, và cuối cùng ông bị kết án ba năm cải tạo lao động về tội gây rối xã hội. Ông bị giam giữ tại Trại Cải tạo Lao động Đại Liên cho đến khi hoàn thành bản án vào tháng Mười năm 1999.

Trong bài viết của mình, “Internet và tôi”, Lưu Hiểu Ba đã viết: “Khi tôi kết thúc ba năm tù vào ngày 7 tháng Mười năm 1999, tôi trở về nhà để tìm chiếc máy vi tính mà một người bạn đã tặng cho vợ tôi. Ngay sau khi tôi trở về, chiếc máy vi tính đó đã trở thành công cụ viết lách của tôi”. Từ đó trở đi, ông sử dụng máy tính và Internet để viết và đăng hơn một nghìn bài bình luận về các vấn đề thời sự, thúc đẩy các giá trị phổ quát, tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và chủ nghĩa hiến định, gây ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội.

Trong buổi bình minh của thế kỷ mới, Lưu Hiểu Ba liên tục dẫn dắt các phong trào bảo vệ dân chủ và quyền. Từ việc hỗ trợ bốn thành viên trong Nhóm Nghiên cứu Thanh niên Mới [Nhóm Nghiên cứu Thanh niên Mới được thành lập năm 1999 bởi Dương Tử Lập (sinh năm 1971), Hứa Nguy (sinh năm 1974), Kim Hải Khoa (sinh năm 1976) và Trương Hồng Hải (sinh năm 1973) để thảo luận về các vấn đề chính trị. Cả bốn người đã bị bắt vào tháng Ba năm 2001 vì tội lật đổ chính quyền], đến việc giải cứu Lưu Địch [(sinh năm 1981), đã trở thành một biểu tượng của tự do ngôn luận sau khi bị giam giữ vào năm 2002 vì những bài viết mà cô đăng trên Internet với bút danh ‘Chuột thép không gỉ’], Đỗ Đạo Bân [(sinh năm 1964) đã bị bắt vào tháng Mười năm 2003 vì đăng các bài viết trên Internet ủng hộ dân chủ và nhân quyền] và các nạn nhân khác của các án văn chương; từ việc hỗ trợ các học viên Pháp Luân Công bị đàn áp đến cuộc biểu tình phản đối về cái chết của Tôn Chí Cương [(1976-2003), một sinh viên tốt nghiệp đại học và công nhân nhập cư, đã bị đánh đến chết trong một trung tâm giam giữ và hồi hương cưỡng bức vào tháng Ba năm 2003 sau khi bị giam giữ tại Quảng Châu vì không có giấy phép cư trú thích hợp. Một sự phản đối công khai về cái chết của Tôn đã dẫn đến việc bãi bỏ hệ thống giam giữ và hồi hương cưỡng bức], từ việc phản đối chính phủ chặn mạng Internet để đến việc kêu gọi xóa bỏ tội kích động lật đổ chinsh quyền; từ việc phản đối vụ xả súng ở Sán Đầu [Vào tháng 12 năm 2005, Cảnh sát Vũ trang Nhân dân đã nổ súng vào cư dân của làng Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, những người đang phản đối việc xây dựng một máy phát điện gió trên đất nông nghiệp mà không được bồi thường thích đáng cho nông dân buộc phải di rời. Chính quyền thừa nhận ba người thiệt mạng và tám người bị thương do vụ nổ súng] và đóng cửa trang web ‘Thế kỷ Trung Quốc’ [trang web tập trung vào việc phát triển và văn hóa xã hội Trung Quốc, đã buộc phải đóng cửa trong tháng Bảy năm 2006] đến việc phản đối chính phủ đàn áp người bảo vệ quyền lợi của người mù Trần Quang Thành [(sinh năm 1971) là một luật sư mù, tự học, người đã bị giam giữ nhiều lần và quản thúc tại gia vì công việc bảo vệ quyền lợi của mình; ông đã được tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ vào năm 2012], và các luật sư nhân quyền Cao Chí Thăng [(sinh năm 1964) cũng là một luật sư bảo vệ quyền lợi, người đã nhiều lần bị giam cầm và bị quản thúc tại gia] và Đằng Bưu [(sinh năm 1973), học giả người và là luật sư bảo vệ nhân quyền], và cuối cùng là tham gia vào chiến dịch lấy chữ ký của phong trào “Cùng một thế giới, Cùng một giấc mơ, Cùng một nhân quyền”.

Lưu Hiểu Ba đã liên tục viết các bài báo và tham gia soạn thảo các bức thư ngỏ và kháng cáo mà sẽ tạo ra ảnh hưởng xã hội đáng kể. Tuân thủ khái niệm tự do và nhân quyền trên hết, Lưu Hiểu Ba đã viết hơn một trăm bình luận nhắm vào các quan chức trong ĐCSTQ về các vấn đề như gây áp lực cho Đài Loan về nền dân chủ, tước đoạt quyền tự do của người dân Hồng Kông và vi phạm nhân quyền đối với người dân Tây Tạng và Tân Cương. Sau cuộc đàn áp ở Tây Tạng vào tháng Ba năm 2008, Lưu Hiểu Ba đã cùng với Vương Lực Hùng và những người khác đưa ra “Bản kiến nghị hai mươi mốt điểm” về cách xử lý tình hình ở Tây Tạng, đây lần đầu tiên các công dân Trung Quốc đại lục đưa ra tuyên bố chung về vấn đề Tây Tạng. Nhận xét về cái chết của Lưu Hiểu Ba vào ngày 14 tháng Bảy năm 2017, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra tuyên bố:

“Tôi vô cùng đau buồn khi biết rằng người được trao Giải thưởng Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba đã qua đời trong khi đang phải chịu án tù rất nặng. Tôi gửi lời cầu nguyện và chia buồn với vợ ông, Lưu Hà, và các thành viên khác trong gia đình ông.

Mặc dù ông không còn sống, tất cả chúng ta có thể tôn vinh Lưu Hiểu Ba tốt nhất bằng cách thực hiện các nguyên tắc mà ông đã thể hiện từ lâu, điều này sẽ dẫn đến một Trung Quốc hài hòa, ổn định và thịnh vượng hơn.

Tôi tin rằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của người được trao Giải thưởng Nobel Lưu Hiểu Ba trong sự nghiệp đấu tranh giành tự do sẽ có kết quả lâu dài”.

Trong một bài viết kỷ niệm Lưu Hiểu Ba, vị lãnh tụ của người Ngô Duy Nhĩ tại Tân Cương, Mehmet Emin Hazret, đã viết: “Lưu Lưu Hiểu Ba là người bạn thân thiết của người Ngô Duy Nhĩ. Bài báo ‘Quyền tự trị’, mà ông đã xuất bản vào tháng Mười Một năm 2000, đã yêu cầu Hiến pháp Trung Quốc và Luật về Khu tự trị thuộc quốc gia phải bảo vệ quyền tự trị thực sự của người Ngô Duy Nhĩ và người Tây Tạng.

Vào tháng Bảy năm 2001, Lưu Hiểu Ba đã tham gia thành lập Trung tâm Văn bút Độc lập Trung Quốc (ICPC). Ông được bầu làm chủ tịch thứ hai của ICPC vào tháng 11 năm 2003 và tái đắc cử vào ngày 2 tháng 11 năm 2005. Khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng Mười năm 2007, Lưu Hiểu Ba tiếp tục phục vụ trong hội đồng ICPC cho đến khi ông bị bắt trở lại vào tháng 12 năm 2008. Trong bốn năm Lưu Hiểu Ba làm chủ tịch, ICPC đã phát triển nhanh chóng. Các thành viên sống ở Trung Quốc đại lục bắt đầu đông hơn những người sống ở nước ngoài, và uy tín và ảnh hưởng ngày càng tăng của ICPC ở Trung Quốc đã dẫn đến một số lời kêu gọi chưa từng có đối với quyền tự do ngôn luận và tự do sáng tác. Đây là một lý do tại sao chính quyền ĐCSTQ bắt đầu sợ Lưu Hiểu Ba và quyết tâm loại bỏ ông.

Trong khi Lưu Hiểu Ba tiếp tục dấn thân hết mình vào sự nghiệp tự do và dân chủ của Trung Quốc, ông cũng có tình cảm nhân văn của một công dân thế giới. Một ngày sau ngày 11 tháng Chín năm 2001, khi các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Hoa Kỳ, Lưu Hiểu Ba và bạn bè đã cùng nhau gửi thư ngỏ tới Tổng thống George W. Bush và công dân Hoa Kỳ bày tỏ sự thông cảm và ủng hộ người dân Mỹ, đồng thời lên án kịch liệt bạo lực của chủ nghĩa khủng bố quốc tế chống lại loài người. Bức thư ngỏ đã được đăng trên Internet và thu thập được 673 chữ ký.

Vì lý do này, cái chết của Lưu Hiểu Ba đã thu hút không chỉ những lời chia buồn và hồi tưởng chân thành từ các nhà hoạt động dân chủ, bảo vệ quyền và các trí thức tự do của Trung Quốc, mà còn thu hút được những lời đánh giá cao về ông từ các tổ chức nhân quyền quốc tế và các tổ chức bảo vệ công lý.

MỘT TINH THẦN KHÔNG CHỊU KHUẤT PHỤC ĐỂ KHÁM PHÁ CON ĐƯỜNG ĐI TỚI NỀN CHÍNH TRỊ HIẾN ĐỊNH

Sau khi trải nghiệm Phong trào Dân chủ năm 1989 và Cuộc thảm sát ngày Bốn tháng Sau, Lưu Hiểu Ba đã suy nghĩ làm thế nào để đối đầu với sự cai trị toàn trị và văn hóa bạo lực của ĐCSTQ. Ông đã chọn phương tiện khả thi để huy động các lực lượng quần chúng tham gia thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa của Trung Quốc và khám phá con đường tối đa hóa các biện pháp bất bạo động và hòa bình để đạt được sự chuyển đổi dân chủ và thiết lập một nhà nước hiến định. Cuối cùng, ông đã dành hai mươi năm cuối đời để viết các bài báo thể hiện ý thức hệ của nền dân chủ lập hiến và con đường chuyển đổi dân chủ của Trung Quốc, được thu thập và xuất bản năm 2005 với tựa đề “Thức tỉnh dân sự”. Trong cuốn sách này, ông đã tìm hiểu toàn diện các điều kiện tối ưu để Trung Quốc thực hiện cải cách chính trị: sự gia tăng quyền công dân và sự suy giảm quyền lực của bộ máy quan liêu, cải cách quyền sở hữu, sự thức tỉnh trong nhận thức về nhân quyền, sự trỗi dậy trong các phong trào của công nhân, sự thực hành dân chủ cơ sở và quyền tự trị, phong trào của quần chúng bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên Internet, sự thúc đẩy của quần chúng đối với cải cách báo chí và sự gia tăng các quan điểm bất đồng trong hệ thống chính trị. Ông đã giải thích một cách có hệ thống về sự phát triển của nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội Trung Quốc và cách thức những điều này liên quan đến dân chủ hóa chính trị tại Trung Quốc. Ông tin rằng Trung Quốc đã trải qua những rắc rối và học được nhiều bài học trong nỗ lực kéo dài một trăm năm để hiện đại hóa từ năm 1848 đến 1949, nhưng cuối cùng đã đi theo con đường tồi tệ nhất có thể bằng cách chọn mô hình toàn trị cộng sản của Liên Xô. Cái chết bởi nguyên nhân tự nhiên của Mao được theo sau bởi một nỗ lực hiện đại hóa mới khi ĐCSTQ thời kỳ hậu Mao theo đuổi các cải cách khập khiễng do Đặng Tiểu Bình đề xướng. Vào đầu thế kỷ XXI, mặc dù hiện đại hóa của Trung Quốc vẫn chưa đi đúng đường hướng, nhưng môi trường bên trong và bên ngoài của nó đã mang đến một cơ hội vàng khi xu hướng quốc tế thuận lợi và một xã hội mà người dẫn đã thức tỉnh để cùng tham gia nhằm thúc đẩy Trung Quốc đi đúng hướng.

Để khai thác trí tuệ tập thể của dân chúng nhằm tìm hiểu sâu về con đường hướng tới chuyển đổi dân chủ của Trung Quốc và tạo điều kiện cho việc thành lập một hệ thống chính trị hiến hiến và dân chủ, Lưu Hiểu Ba, Thái Sở và tôi đã thành lập tạp chí điện tử ‘Trung Quốc dân chủ’ ở nước ngoài vào tháng Mười năm 2006. Lưu Hiểu Ba từng là tổng biên tập và đặt mục tiêu của tạp chí ‘Trung Quốc Dân chủ’ là “tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp trị và chủ nghĩa hiến định”. Cá nhân ông phụ trách kế hoạch làm việc của tạp chí và công việc liên lạc bên ngoài, tổ chức một nhóm biên tập cơ hữu và ban cố vấn chất lượng cao, liên lạc và mời một lượng lớn các học giả, nhà bình luận chính trị, và các nhà hoạt động dân chủ để viết bài cho tạp chí. Kể từ đó, ‘Trung Quốc Dân chủ’ đã xuất bản hơn sáu nghìn bài viết với các nội dung như kỷ niệm sự kiện ngày Bốn tháng Sáu, mô tả tình hình hiện tại và triển vọng của sự chuyển đổi dân chủ của Trung Quốc, và khám phá những con đường khả thi đối với sự chuyển đổi này. Số ra kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi, bình luận về làn sóng dân chủ hóa quốc tế lần thứ tư và quá trình chuyển đổi dân chủ của Trung Quốc. Nó đã phân tích mối quan hệ giữa chuyển đổi dân chủ và cải cách hệ thống chính trị, xã hội dân sự, các phong trào xã hội, thời đại Internet và phương châm biên tập của tạp chí. Nghiên cứu và thảo luận toàn diện, nhiều mặt về các vấn đề và khó khăn khác nhau của quá trình chuyển đổi dân chủ của Trung Quốc đã đưa ra nhiều quan điểm tư tưởng có giá trị. Khoảng 90 phần trăm các nhà văn viết cho tạp chí ‘Trung Quốc Dân chủ’ là ở Trung Quốc đại lục, với 10 phần trăm còn lại cư trú trên toàn thế giới. Tất cả những nỗ lực này là nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hóa của Trung Quốc, chấm dứt chế độ chuyên chế độc đảng, và đóng góp hướng dẫn lý thuyết có giá trị và kinh nghiệm tích lũy phong phú để thiết lập nền chính trị hiến định.

Khoảng năm 2005, Lưu Hiểu Ba và tôi cùng một vài người bạn cùng chính kiến bắt đầu nghiên cứu một chương trình chính trị nhằm tối đa hóa sự đồng thuận giữa các lực lượng dân chủ trong quần chúng để tập hợp các lực lượng dân chủ trong nhân dân, những người bảo vệ quyền tự do và những người theo chủ nghĩa tự do cùng nhau thúc đẩy tiến trình của nền dân chủ lập hiến của Trung Quốc. Tài liệu về chương trình này này là ‘Linh Bát Hiến Chương’, được ban hành vào ngày 9 tháng 12 năm 2008.

Lưu Hiểu Ba đã tham gia trong suốt quá trình hình thành nên ‘Linh Bát Hiến Chương’, từ việc xem xét, lập kế hoạch, soạn thảo, thảo luận, sửa đổi và hài hòa các quan điểm về nội dung đến hoàn thiện và thu thập chữ ký. Bởi vì Lưu Hiểu Ba là chủ tịch của ICPC và là Tổng Biên tập của tạp chí ‘Trung Quốc dân chủ’ vào thời điểm đó, ông có nhiều công việc phải giải quyết, vì vậy những người bạn của chúng tôi đã chọn tôi để đưa ra bản thảo ban đầu (tạm thời có tên là ‘Tài liệu Chính trị’) với sự giúp đỡ của Hà Vĩnh Cầm (người đã sử dụng bút danh Ôn Khắc Kiện) và Vương Chí Tịnh (người đã sử dụng bút danh Vương Đức Bang). Bao Tuân Tín đã thực hiện kế hoạch và định hướng tổng thể, trong khi Hiểu Ba chịu trách nhiệm liên hệ với mọi người từ tất cả các lĩnh vực và thu thập quan điểm của họ để kết hợp vào việc sửa đổi văn bản. Dự thảo ban đầu được chia thành một chương trình chung dành cho chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Vì tôi thiếu chuyên môn về các vấn đề kinh tế, tôi đã yêu cầu Hà Vĩnh Cầm, người từng học về kinh tế, soạn thảo phần đó. Hầu hết các nội dung là về chính trị, và khi tôi gặp khó khăn trong việc xử lý một vấn đề cụ thể, tôi đã hỏi ý kiến Lưu Tuấn Ninh – một người rất hữu ích. Vương Chí Thanh đã giúp tôi triệu tập nhiều cuộc thảo luận trực tuyến về văn bản này và thu thập phản hồi gợi ý một số sửa đổi. Khương Khải Sinh cũng là một trong những người tham gia sớm nhất và cung cấp quan điểm thích hợp mà đã được đưa vào văn bản. Ở giai đoạn cuối, Triệu Trường Thanh đã lấp đầy những khoảng trống trong phần kết luận của văn bản. Chuyên gia về bầu cử Diêu Lập Phát đã đóng một vai trò quan trọng trong việc liên lạc với mọi người trong cả nước và thu thập chữ ký.

Quá trình soạn thảo đã tham khảo một số lượng lớn các tài liệu chính liên quan đến chuyển đổi dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở các quốc gia trên toàn thế giới. Bản thảo đầu tiên được viết vào cuối năm 2005 với tổng cộng sáu mươi bài viết và hơn mười nghìn ký tự. Trong quá trình thảo luận, Bao Tuân Tín, Lưu Hiểu Ba và những người bạn khác cho rằng tài liệu này quá dài và các điều khoản của nó quá nhiều, nên nó ngắn gọn hơn, và một số công thức của nó cần phải cân nhắc thêm. Kết hợp các đề xuất của Lưu Hiểu Ba, của Bao và những người tham gia khác, tôi đã thực hiện bảy hoặc tám sửa đổi trong năm 2006, giảm văn bản xuống còn hơn bốn nghìn từ và ba mươi lăm bài viết. Vào thời điểm đó, chúng tôi ước tính rằng chúng tôi có thể thu thập được một trăm chữ ký nhưng quyết định không xuất bản vào cuối năm 2006 vì một số người tham gia cảm thấy đó không phải là thời điểm tối ưu. Chúng tôi đã tổ chức một số cuộc họp thảo luận trong năm 2007 để tiếp tục sửa đổi văn bản. Một cuộc họp, vào tháng Sáu năm đó, đã được tổ chức tại quê nhà của Đinh Tử Lâm tại làng Hạ Doanh thuộc quận Diên Khánh ở Bắc Kinh. Những người tham gia bao gồm Lưu Hiểu Ba, Bao Tuân Tín, Đinh Tử Lâm, Khương Bồi Khôn, Khương Khải Sinh, Mạc Thiểu Bình, Dương Kiến Lập, tôi, người cha của anh Triệu – một người bị giết trong ngày Bốn tháng Sáu, và những người khác.

Những người tham gia đã đạt được đồng thuận cao về việc chứng thực các giá trị phổ quát và thiết lập một hệ thống dân chủ hiến định, và chỉ có một số quan điểm khác nhau về các vấn đề như hệ thống liên bang, chế độ toàn trị, hệ thống đất đai, Pháp Luân Công và các tín ngưỡng tôn giáo phổ biến. Mọi người cũng có quan điểm và đề xuất riêng của họ về một số bài viết và cách viết cụ thể. Sau mỗi cuộc họp, các ý kiến và đề xuất của mọi người đã được đưa vào một bản sửa đổi khác của văn bản. Theo cách này, văn bản đã trải qua nhiều lần sửa đổi trong năm 2007 và tổng số bài đã giảm xuống còn khoảng hai mươi bài. Chúng tôi một lần nữa xem xét xuất bản tài liệu vào cuối năm 2007, nhưng một số người tham gia cảm thấy thời gian vẫn chưa chín muồi và đề xuất mở rộng phạm vi người tham gia bao gồm một số người ủng hộ dân chủ, các doanh nhân, và các trí thức vị công chúng trong bộ máy chính quyền. Điều đó khiến chúng tôi quyết định công bố năm 2008.

Lưu Hiểu Ba đã nỗ lực to lớn vào việc thu thập chữ ký. Ông và tôi đã cùng nhau đến thăm nhà kinh tế học Mao Vu Thức, nhà văn và nhà hoạt động chính trị Bảo Thông, Giáo sư luật Giang Bình và những người nổi tiếng khác về sự liêm chính và uy tín trong bộ máy chính trị. Hơn nữa, Hiểu Ba đã đích thân lấy các bản sao của văn bản và gặp gỡ riêng với hơn bảy mươi người, kiên nhẫn giải thích từng bài một cho họ và thu thập quan điểm để sửa đổi cũng như xin chữ ký của họ. Ông cũng ủy thác cho bạn bè ở các thành phố khác đến thăm những người nổi tiếng ở nơi họ sinh sống và thu thập chữ ký. Cùng với nỗ lực của những người tham gia khác trong việc giới thiệu văn bản, chúng tôi đã thu thập được 303 chữ ký đầu tiên từ khắp cả nước, nhiều hơn gấp ba lần dự kiến ban đầu của chúng tôi là 100 chữ ký.

Năm 2008 là năm kỷ niệm 100 năm Trung Quốc công bố bản Hiến pháp đầu tiên, kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Nhân quyền, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập phong trào Bức tường Dân chủ và kỷ niệm 10 năm Chính phủ Trung Quốc ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị. Chúng tôi nhất trí quyết định ban hành tài liệu vào ngày 10 tháng 12, kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Nhân quyền và gọi đó là ‘Linh Bát Hiến Chương’. Lưu Hiểu Ba là người đã hoàn thiện văn bản, tinh chỉnh bản dự thảo dựa trên đề xuất của mọi người trong một nỗ lực để làm cho nó phù hợp, cô đọng và tinh tế. Đó là cách nó trở thành ‘Linh Bát Hiến Chương’, gồm mười chín điều (khuyến nghị) với tổng số 4.024 ký tự.

Nhiều người thuộc mọi tầng lớp đã tham gia vào quá trình soạn thảo, thảo luận, sửa đổi và định hình ‘Linh Bát Hiến Chương’, đưa ra những quan điểm và đề xuất có giá trị. Theo nghĩa này, ‘Linh Bát Hiến Chương’ là sự kết tinh của kiến thức dựa trên làm việc nhóm, và là kết quả của sự cân nhắc và suy tính lâu dài. Như nhà triết học Từ Hữu Ngư đã nói: “Có thể coi đó là sản phẩm tập thể của các trí thức Trung Quốc theo đuổi tự do và dân chủ, và là bài kiểm tra lịch sử mà họ đã trả sau Cuộc thảm sát ngày Bốn tháng Sáu. Nó cũng phản ánh nỗ lực cá nhân của Hiểu Ba trong nỗ lực thay đổi định hướng và cải tiến”.

Kể từ ngày 16 tháng 7 năm 2017, nhóm thu thập chữ ký của ‘Linh Bát Hiến Chương’ đã tiến hành ba mươi sáu lần lấy chữ ký, nâng tổng số người ký ‘Linh Bát Hiến Chương’ lên 13.520 người, và số chữ ký tiếp tục được thu thập. Chiến dịch lấy chữ ký sẽ còn tiếp tục cho đến khi Trung Quốc vận hành nền chính trị hiến định và gia nhập hàng ngũ các nước dân chủ.

Chính trong những điều kiện cực kỳ khó khăn như vậy, những trí thức theo chủ nghĩa tự do của Trung Quốc như Lưu Hiểu Ba đôi khi đã hy sinh mạng sống của họ để tìm cách đạt được tự do và giải phóng, làm thế nào để bảo vệ hiệu quả phẩm giá và quyền con người, làm thế nào để thiết lập một hệ thống chính trị dân chủ hiến định và làm thế nào để dẫn dắt Trung Quốc vào con đường của nền văn minh hiện đại. Bảo Tông chỉ ra: “Lưu Hiểu Ba đã tìm thấy con đường ít kháng cự nhất và con đường có nhiều nền tảng nhất. Mục tiêu cuối cùng của ông là một mục tiêu mà không ai dám phản đối công khai. Nếu Trung Quốc thực sự dấn thân vào con đường dân chủ hóa, thì nó sẽ không chỉ vì hạnh phúc của người dân Trung Quốc, mà cả thế giới cũng sẽ được hưởng lợi từ một quốc gia lớn, có trách nhiệm. Điều này có thể đóng một vai trò tích cực lớn trong sự phát triển chung của nền văn minh nhân loại”.

Tinh thần liên tục kiên trì đấu tranh để theo đuổi tự do bất chấp mọi thoái trào, tri hành hợp nhất, biến lời nói thành hành động, đấu tranh cho dân chủ, bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm, và kiên cường khám phá con đường xây dựng chủ nghĩa hợp hiến của Trung Quốc ở Lưu Hiểu Ba là di sản tinh thần quý giá mà ông đã để lại cho chúng ta. Lưu Hiểu Ba đã tận hiến cuộc đời của mình trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp vĩ đại của tự do và dân chủ. Khi tro cốt của ông về với biển, ông sẽ làm giàu cho mảnh đất Trung Hoa vĩ đại và gia tăng lợi ích nền văn minh thế giới. Ngọn lửa tự do sẽ bùng cháy mãi mãi; “ngọn đuốc được truyền lại và chúng ta không biết nó sẽ tắt ở nơi nào”./.

*

VỀ TÁC GIẢ

Trương Tố Hoa là học giả, nhà văn, giám đốc và biên tập viên của tờ ‘Trung Quốc Dân chủ’, và là thành viên chính của phong trào ‘Linh Bát Hiến Chương’. Ông từng ở trong Ủy ban thường trực của Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc và là thư ký của Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên của Cơ quan Nhà nước, trước khi bị bãi nhiệm sau Sự kiện ngày Sáu tháng Tư.

*

Nguồn: Zhang Zuhua (2020). “Liu Xiaobo’s Spiritual Heritage”. In: Leedom-Ackerman, Joanne (eds.) (2020). ‘The Journey of Liu Xiaobo: From Dark Horse to Nobel Laureate’. Lincoln, NE: University of Nebraska Press, Imprint: Potomac Books, pp. 14-31.

*

PHỤ LỤC

*

LINH BÁT HIẾN CHƯƠNG

I. Lời nói đầu

Một trăm năm đã trôi qua kể từ ngày bản hiến pháp đầu tiên của Trung Quốc được chấp bút. Năm 2008 cũng đánh dấu dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày công bố bản Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát của Liên hiệp quốc, kỷ niệm lần thứ 13 ngày xuất hiện Bức tường Dân chủ ở Bắc Kinh và kỷ niệm lần thứ 10 ngày Trung Quốc ký kết bản Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị. Chúng ta sắp kỷ niệm lần thứ 20 vụ thảm sát các sinh viên ủng hộ dân chủ biểu tình ở Thiên An Môn. Nhân dân Trung Quốc, những người đã trải qua các thảm hoạ về nhân quyền và biết bao cuộc đấu tranh suốt các năm tháng đó, bây giờ nhiều người đã nhận thức rõ rằng tự do, bình đẳng và nhân quyền là những giá trị phổ quát của nhân loại và chế độ dân chủ với một chính phủ hợp hiến là khuôn khổ căn bản để bảo vệ những giá trị này.

Xa rời những giá trị đó, cách tiếp cận đối với chính sách “hiện đại hoá” của chính phủ Trung Quốc đã chứng tỏ là một thảm hoạ. Chính phủ đã tước đoạt các quyền của người dân, chà đạp phẩm giá của họ và làm băng hoại mối quan hệ bình thường giữa người với người. Chúng tôi xin hỏi: Trong thế kỉ XXI nước Trung Hoa sẽ đi về đâu? Đất nước tiếp tục “hiện đại hoá” dưới sự lãnh đạo của chính quyền độc tài hay sẽ đón nhận những giá trị nhân quyền phổ quát, sẽ nhập vào dòng chủ lưu của những dân tộc văn minh và xây dựng chế độ dân chủ? Đấy là những câu hỏi không thể nào bỏ qua được.

Cú giáng bất ngờ của phương Tây lên Trung Quốc trong thế kỉ XIX đã lột trần hệ thống độc tài thối nát và đánh dấu bước khởi đầu của điều thường được gọi là “những thay đổi vĩ đại nhất trong mấy ngàn năm qua” của Trung Quốc. Tiếp theo đó là “phong trào tự lực cánh sinh”, nhưng đơn giản đấy chỉ là nhằm áp dụng công nghệ để đóng tầu chiến và chạy theo những mục tiêu vật chất của phương Tây mà thôi. Thất bại nhục nhã trong trận hải chiến trước Nhật Bản vào năm 1895 một lần nữa khẳng định tính lỗi thời của hệ thống cai trị ở Trung Quốc. Nỗ lực đầu tiên nhằm cải tạo nền chính trị theo hướng hiện đại đã diễn ra cùng với những cuộc cải cách vào mùa hè bất hạnh năm 1898, nhưng những cuộc cải cách này đã bị các lực lượng bảo thủ cực đoan trong triều đình Trung Hoa tiêu diệt một cách tàn nhẫn. Với cuộc cách mạng năm 1911, khởi đầu của nhà nước cộng hoà đầu tiên ở châu Á, hệ thống vương triều độc tài đã tồn tại hàng thế kỉ tưởng như cuối cùng đã đến hồi cáo chung. Nhưng xung đột xã hội bên trong và áp lực từ bên ngoài đã không cho chúng ta làm việc đó, Trung Quốc rơi vào tình trạng cát cứ của các sứ quân và nước cộng hoà mới trở thành một giấc mộng chóng qua.

Sự thất bại của cả “tự lực cánh sinh” lẫn cải cách chính trị đã buộc nhiều bậc tiền bối của chúng ta phải suy tư trăn trở với câu hỏi: phải chăng “căn bệnh văn hoá” là nguyên nhân đưa đất nước đến tình trạng khổ đau. Tâm trạng này đã tạo cơ hội, trong thời gian diễn ra Phong trào Ngũ Tứ hồi cuối thập niên 1910, cho cuộc đấu tranh vì “khoa học và dân chủ”. Nhưng nỗ lực này cũng đã bị nhấn chìm vì loạn sứ quân và cuộc xâm lăng của Nhật Bản (bắt đầu ở Mãn Châu vào năm 1931) đã dẫn đến cuộc khủng hoảng trên bình diện quốc gia.

Chiến thắng Nhật Bản vào năm 1945 đã tạo cho Trung Quốc thêm cơ hội nữa trên con đường tiến đến một nhà nước hiện đại, nhưng việc cộng sản đánh bại phe quốc gia trong cuộc nội chiến đã đẩy đất nước vào địa ngục của chủ nghĩa toàn trị. Nuớc “Trung Hoa mới” xuất hiện vào năm 1949 tuyên bố rằng “nhân dân là chủ” nhưng trên thực tế đã lập ra một hệ thống trong đó Đảng nắm tất cả quyền lực. Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền kiểm soát tất cả các cơ quan nhà nước và tất cả các nguồn lực chính trị, kinh tế và xã hội và sử dụng các nguồn lực đó để tạo ra một loạt thảm hoạ về nhân quyền, trong đó có Chiến dịch chống hữu khuynh (1957), Đại nhảy vọt (1958-1960), Cách mạng Văn hoá (1966-1969), Thảm sát ngày 4 tháng 6 năm 1989 (ở quảng trường Thiên An Môn) và việc trù dập đang được tiến hành đối với các tôn giáo chưa được nhà nước cho phép hoạt động cũng như đàn áp phong trào Duy quyền Vận động [một phong trào với mục đích bảo vệ quyền công dân đã được công bố trong Hiến pháp Trung Quốc và đấu tranh cho nhân quyền đã được các công ước quốc tế mà chính phủ Trung Quốc ký kết, thừa nhận]. Suốt thời gian đó, nhân dân Trung Quốc đã phải trả giá quá đắt. Hàng chục triệu người chết, mấy thế hệ đã chứng kiến quyền tự do, hạnh phúc và nhân phẩm bị chà đạp một cách thô bạo.

Trong hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, chính sách “cải cách và mở cửa” của chính phủ đã giúp cho người dân Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo đói triền miên và chế độ toàn trị của Mao Trạch Ðông và làm gia tăng đáng kể của cải và mức sống của nhiều người Trung Quốc cũng như đã khôi phục một phần quyền tự do hoạt động kinh tế và quyền lợi kinh tế. Xã hội dân sự bắt đầu phát triển và những lời kêu gọi đòi có thêm nhiều quyền hơn và nhiều tự do chính trị hơn cũng gia tăng nhanh chóng. Khi đi theo nền kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân, giới tinh hoa nắm quyền cũng bắt đầu chuyển dần từ hoàn toàn bác bỏ “các quyền” sang công nhận một phần các quyền đó.

Năm 1998 chính phủ Trung Quốc đã ký kết hai công ước nhân quyền quốc tế quan trọng, năm 2004 họ đã sửa đổi hiến pháp để thêm vào câu “tôn trọng và bảo vệ nhân quyền” và trong năm nay, 2008, họ đã hứa xúc tiến “kế hoạch hành động vì nhân quyền trên toàn quốc”. Đáng tiếc là, sự tiến triển mới chỉ nằm trên giấy mà thôi. Thực tế chính trị, ai cũng dễ dàng nhận ra, là Trung Quốc có rất nhiều luật nhưng lại không được cai trị bằng luật pháp; có một hiến pháp, nhưng không có chính phủ hợp hiến. Giới tinh hoa nắm quyền tiếp tục bám víu vào quyền lực độc đoán và chống lại mọi xu hướng cải cách chính trị.

Kết quả thật khôi hài là nạn tham nhũng của các quan chức địa phương, xói mòn chế độ pháp trị, nhân quyền yếu kém, đạo đức xã hội suy đồi, chủ nghĩa tư bản thân hữu, bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo gia tăng, phá huỷ môi trường tự nhiên cũng như môi trường nhân văn và lịch sử và một loạt xung đột xã hội khác, đặc biệt là trong thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa cán bộ và nhân dân ngày càng thêm sâu sắc.

Trong khi những vụ xung đột và khủng hoảng đang ngày càng căng thẳng hơn lúc nào hết thì giới cầm quyền vẫn tiếp tục chà đạp và tước đoạt các quyền tự do, quyền sở hữu tài sản và quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân mà không sợ bị trừng phạt, thì chúng tôi đã nhận thấy những người hoàn toàn không có quyền hành gì – tức là những nhóm người dễ bị tổn thương, những người bị đàn áp và theo dõi, những người đã đã bị đối xử tàn tệ.

Nguồn: FB Nguyễn Trung Kiên

Related posts