- Xuân Lan
Chuyến thăm Nhật Bản hôm thứ Ba (24/11) của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị được các nhà phân tích xem như nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tìm hiểu thêm về chính quyền mới của Nhật và khả năng “lôi kéo” Nhật lại gần hơn khi quan hệ với Mỹ đang tiếp tục đi xuống.
Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm không có khả năng giảm thiểu những khác biệt to lớn giữa hai cường quốc trong khu vực, và cũng chưa chắc liệu ông Vương có thành công trong việc định ngày cho chuyến thăm bị trì hoãn nhiều lần của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản hay không.
Ông Vương là quan chức ngoại giao cấp cao đầu tiên của Trung Quốc hội đàm với Thủ tướng Yoshihide Suga từ khi cựu Chánh Văn phòng Nội các nhậm chức hồi tháng Chín. Ông cũng là người đầu tiên thăm Nhật kể từ sau chuyến thăm hồi tháng Hai của thành viên Bộ chính trị Dương Khiết Trì, một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc.
Kazuto Suzuki, giáo sư về kinh tế chính trị quốc tế tại Trường chính sách công Đại học Tokyo, nói trên SCMP rằng ông Vương muốn “thăm dò” để xem liệu ông Suga có khác biệt so với cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe hay không.
Ông Vương có thể nêu vấn đề liên quan đến chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Nhật Bản với ông Suga để tìm hiểu liệu Thủ tướng mới có chia sẻ quan điểm của ông Abe về việc kiềm chế Trung Quốc hay không, ông Suzuki bổ sung. Trong những tuần gần đây, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở do Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ thúc đẩy đã trở thành trung tâm của Đối thoại An Ninh Bốn bên (hay Bộ Tứ Kim Cương) và chủ yếu nhằm vào việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Vương cũng dự kiến thúc đẩy một hiệp định thương mại ba bên giữa Bắc Kinh, Tokyo và Seoul trong chuyến thăm này. Chuyến đi của Ngoại trưởng Trung Quốc diễn ra sau việc ký kết Hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Kinh Tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 15 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.
Yoshikazu Kato, phó giáo sư trợ giảng tại Viện châu Á toàn cầu của Hồng Kông, nhận định “Trung Quốc hy vọng kéo Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, lại gần hơn để đảm bảo cân bằng quyền lực ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.” Ông Kato bổ sung rằng Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục cảnh giác với bộ Tứ và chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.
“Lợi ích và lập trường của Nhật Bản và Trung Quốc [về Bộ Tứ và Ấn độ – Thái Bình Dương] xung đột và đối kháng lẫn nhau. Khả năng đạt tới đồng thuận và thu hẹp những khác biệt của họ trong chuyến thăm của ông Vương gần như bằng không.”
Kim Beng Phar, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu chiến lược Liên Ấn Độ – Thái Bình Dương có trụ sở tại Kuala Lumpur, nói rằng chiến lược cân bằng với Trung Quốc dựa vào Bộ Tứ của Nhật Bản có thể được duy trì do sức hấp dẫn của nó đối với cử tri Nhật Bản và là điều cần thiết cho ông Suga trong cuộc bầu cử vào tháng Mười một năm sau.
Ông Kato nhận định chuyến thăm Nhật đã trù định của ông Tập dường như sẽ không thể xảy ra trừ phi Bắc Kinh tỏ ra kiềm chế hơn nữa hoạt động quân sự ở biển Đông và trong cách đối xử của họ với Hồng Kông.
Trong những tháng gần đây, tàu tuần tra biển của Trung Quốc đã tăng cường hoạt động hàng hải gần quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Từ khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông, nhiều nước bao gồm Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về việc chính quyền ĐCSTQ làm xói mòn tự do và trấn áp giới bất đồng chính kiến tại thuộc địa cũ của Anh.
Ông Kato nói khó có khả năng Trung Quốc nhượng bộ về vấn đề biển Hoa Đông, bởi việc khẳng định vấn đề lãnh thổ đã là “một phần trong nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy nền ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc.”
Trong một cuộc khảo sát dư luận gần đây do hai nước tiến hành, 75,2% người Trung Quốc trả lời rằng Trung Quốc và Nhật Bản nên xây dựng một quan hệ hợp tác mới để thực hiện phát triển ổn định kinh tế thế giới và bảo vệ hoà bình Đông Á, trong khi ở Nhật chỉ 44,6% người cảm thấy như vậy.
Suzuki cho rằng sự khác biệt trong quan điểm của công chúng hai nước có nguyên do một phần vì “luận điệu chống Trung Quốc mạnh mẽ từ phía Mỹ.”
Ngoài ra, việc Trung Quốc thất bại trong giai đoạn đầu xử lý đại dịch virus corona cũng là một nhân tố đóng góp vào dư luận tiêu cực tại Nhật Bản.
Những hoạt gần đây của hải quân Trung Quốc tại biển Hoa Đông, cũng như chính sách của Bắc Kinh tại Hồng Kông và Tân Cương cũng đóng góp vào tình cảm tiêu cực của công chúng Nhật Bản đối với Trung Quốc, ông Suzuki ghi nhận.
“Agnes Chow, nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông có thể nói thành thạo tiếng Nhật, rất được đánh giá cao ở Nhật Bản,” ông Suzuki nói, chỉ ra rằng việc bắt giữ cô theo Luật An ninh Quốc gia đầy tranh cãi ở Hồng Kông đã tạo cho Trung Quốc “một hình ảnh xấu”.
Kết quả cuộc khảo sát do Nhóm Xuất bản Quốc Tế Trung Quốc và NPO Genron Nhật Bản tiến hành từ tháng Chín tới tháng Mười, đã được công bố ở Bắc Kinh và Tokyo thứ Ba tuần trước.
Cuộc khảo sát cũng phát hiện rằng tỷ lệ người Nhật Bản trả lời có “ấn tượng rất tốt hoặc tương đối tốt” với Trung Quốc ở mức 10%, giảm từ 15% trong năm 2019.
Xuân Lan (theo SCMP)