Một trong nhiều đặc điểm của đời sống ở Úc là bình đẳng. Người Úc bình đẳng đến độ bị coi là xuề xoà. Lớp người có tiền ít ăn mặc xum xoe khi ra đường. Ai làm lớn thì không thích người khác xưng hô chức tước như thể ‘chủ tịch, CEO, hay phó giáo sư tiến sỹ’… Người Úc rất tôn ty ở sở làm nhưng khi bước vào quán cà phê hay pub bia thì ai tới trước uống trước, bất kể tui là cu li hốt rác hay trưởng phòng, phó ban này nọ.
Bỏ ra ngoài thủa hồng hoang mộng mơ (dreamtime) của người Úc bản địa, xã hội Úc bắt đầu khi người da trắng chở tù biệt xứ đến đây. Vào lúc đó, xã hội Úc phân ra hai lớp người rõ rệt: phần đông là tù nhân và số ít là cai tù. Từ một nhà tù lớn bao trùm cả lục địa phương Nam này, nước Úc thành hình nhờ mẫu quốc Anh cho tù nhân và con cháu được tự do.
Khi tù nhân cũng được tự do như cai tù thì xã hội chia thành lớp người có đất và người không có đất. Sau đó, người Úc phân chia thành hai lớp người căn cứ trên nghề nghiệp. Lớp trên làm nghề ăn trơn mặc trắng; lớp dưới sống bằng nghề tay chân. Chúng ta nghe người Úc nhắc nhiều tới mấy chữ white collar và blue collar (cổ trắng và cổ xanh) là thế.
Cả hai phải cật lực làm việc để có miếng ăn mà không ai nghĩ rằng người khác đang bóc lột mình theo kiểu Karl Max đã nghĩ. Thật vậy, ông tổ của lý thuyết Cộng Sản cho rằng: xã hội tư bản còn sống là nhờ dựa vào bóc lột. Lớp người làm chủ phương tiện sản xuất (hiểu là nguồn lợi làm ra tiền) đè đầu đè cổ người không có gì trong tay. Vì không có gì làm ra tiền, lớp người sau này phải bán sức lao động để sống còn. Marx hô hào lớp người bị bóc lột đoàn kết lại, vùng lên, diệt bọn làm chủ để phân phát phương tiện sản xuất cho tất cả mọi người.
Đã có những lần giai cấp vô sản vùng lên. Nhưng chuyện phân phát phương tiện sản xuất cho mọi người thì vẫn còn trong giấc mơ. Bởi lẽ sau khi đánh đuổi lớp tư sản cũ, những người lãnh đạo cách mạng tự biến thành chủ nhân ông mới. Thay thế tư bản xanh là tư bản đỏ.
May mắn ở Úc không xảy ra cách mạng vô sản, dù đã có đảng Cộng Sản. Dù không có cách mạng vô sản, nhưng ai là người chưa làm chủ tài sản, chưa có địa vị vẫn muốn vùng lên. Với Marx không có con đường nào giúp lớp người tay trắng vùng lên ngoài bạo lực. Nói trắng ra, chỉ có chém giết mà thôi.
Nhưng Marx và đám đệ tử đã lỗi thời khi nhà xã hội học (1864-1920, cũng người Đức như Marx) đưa cái nhìn khác về lịch sử. Với Marx lịch sử là chuỗi dài tranh đấu; với Weber không cần tranh đấu lịch sử vẫn tiến triển. Lớp bần cùng vẫn tiến lên giai cấp giàu có nhờ nắm trong tay một phương tiện sản xuất khác. Đó là học thức.
Không ai dạy ai, lớp người Việt Nam tị nạn và di dân đến Úc vào những năm cuối thế kỷ trước đã nhanh chóng nhận ra học thức là con đường khác để tiến thân trong xã hội. Rất đông cha mẹ ăn mì gói trên bàn máy may hay cày ngày cày đêm trong hãng xưởng để con cái học trường xịn, vào phân khoa hàng đầu và hành nghề ‘sỹ / sư’ trong xã hội Úc. Với lớp bạn trẻ ‘sỹ / sư’ này, người Việt Nam đến đây với hai bàn tay trắng đã từ ‘blue collar’ thành ‘white collar’.
Một cách nào đó, chúng ta phải nhìn nhận: dù Úc rất bình đẳng, nhưng nghề nghiệp vẫn phân chia người sống ở đây thành hai tầng lớp. Và người Việt Nam đã biết dùng ngả đường học thức để bước lên lớp trên của xã hội này.
Trong vài chục năm gần đây, xuất hiện tại Úc một lối khác khi người ta phân biệt ‘tầng lớp’ trong xã hội. Vì xã hội quá bình đẳng ở Úc nên dẫu là bác sỹ, kỹ sư hay cu li hốt rác vẫn xuề xoà ‘G’day, mate!’ với nhau. Khi không còn ranh giới giữa các nghề thì xã hội Úc bắt đầu lấy nhà cửa để so đo hơn thua.
Trong mấy chục năm gần đây, giá nhà ở Úc dọt lên dữ dội khiến cho người có nhà thành giàu có và thế lực hơn. Hai nhà xã hội học Lisa Adkins và Martijn Konings tại đại học Sydney đã tìm thấy như thế trong nghiên cứu mang tên ‘Class in the 21st century: Asset inflation and the new logic of inequality’. Theo đó, thay vì chỉ có ‘cổ trắng’ và ‘cổ xanh’ xã hội Úc đang phân chia thành nhiều lớp dựa trên chuyện có nhà hay không.
Ở Úc ngày nay, bất kể người ta làm nghề gì điều làm cho người sống ở đây thành giàu có và được coi trọng tuỳ theo người đó thuộc về một trong năm tầng lớp: đầu tư nhà đất, ở trong nhà đã trả hết nợ, ở trong nhà còn mắc nợ, ở nhà thuê, và không có nhà ở.
Một lần nữa, sau khi dùng học thức để từ cổ xanh tiến lên cổ trắng, người Việt Nam ở Úc đã nhanh chóng nhảy vào thị trường địa ốc để giữ lấy chỗ đứng vững chắc trong xã hội này.
Hình như, bây giờ người Việt Nam ở Úc khi hỏi thăm nhau thì nói ‘Có mấy căn rồi?’. Hỏi vậy vì biết tầng lớp cao nhất trong xã hội này chính là người có nhiều căn (nhà).
Việt Luận