Thượng đỉnh về Miến Điện: Cuộc trắc nghiệm về uy tín của ASEAN

image.png
Biểu tình chống đảo chính quân sự tại Mandalay, miền trung Miến Điện, ngày 10/02/2021. Trong ảnh, chân dung lãnh đạo quân đội Miến Điên, tướng Min Aung Hlaing, bị gạch mặt. AP

Vào thứ Bảy tuần này, 24/04/2021, các nước ASEAN sẽ họp thượng đỉnh tại Jakarta để bàn về khủng hoảng ở Miến Điện. Đây được coi là một cuộc trắc nghiệm về uy tín và sự đoàn kết giữa 10 quốc gia Đông Nam Á, trong bối cảnh bạo lực không ngừng gia tăng tại Miến Điện.

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021 lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, quân đội và cảnh sát đã hạ sát gần 740 người biểu tình chống đảo chính, theo thống kê của một tổ chức ở Miến Điện. Với quyết tâm dập tắt phong trào phản kháng, quân đội Miến Điện sử dụng ngày càng nhiều vũ khí sát thương. Ấy là chưa kể khoảng 3.300 người được cho là đang bị giam giữ mà không biết số phận ra sao. Đàn áp ngày càng khốc liệt khiến khoảng 250.000 người phải tản cư, theo báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Tom Andrews.

Theo hãng tin AFP, sáng nay, thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã có cuộc điện đàm với tổng thống Indonesia Joko Widodo về tình hình Miến Điện. Trong cuộc họp báo trực tuyến sau cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Thái Lan Tanee Sangrat nhìn nhận rằng quốc tế đang trông chờ thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta đạt được những kết quả cụ thể để giải quyết khủng hoảng Miến Điện. Theo ông Tanee Sangrat, bây giờ các thành viên của “gia đình ASEAN”, kể cả Miến Điện, phải làm sao bảo toàn sự đoàn kết và uy tín của khối này.

Nhưng không chắc là thượng đỉnh Jakarta cuối tuần này sẽ giúp thay đổi ngay tình hình ở Miến Điện. Thứ nhất, tuy gọi là họp thượng đỉnh, nhưng thật ra chỉ có một số lãnh đạo đến dự, còn các nước khác như Thái Lan thì chỉ cử ngoại trưởng đại diện đến Jakarta, với lý do là thủ tướng Prayut Chan-O-Cha phải ở lại Thái Lan để điều hành chính phủ đối phó với đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại. Manila hôm nay cũng vừa thông báo là tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ cử ngoại trưởng thay mặt đến Jakarta, chứ ông không đến dự.

Trong khi đó, đích thân lãnh đạo tập đoàn quân phiệt Min Aung Hlaing sẽ đến dự thượng đỉnh, theo tin của tờ báo Nhật Nikkei Asia. Đây sẽ là lần đầu tiên tướng Min Aung Hlaing ra nước ngoài kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02. Theo hãng tin AFP, sự có mặt của tướng Min Aung Hlaing khiến các nhà hoạt động, các tổ chức nhân quyền rất phẫn nộ. Chính phủ do các dân biểu thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi cũng đã phản đối và đòi được quyền tham dự thượng đỉnh Jakarta.

Thứ hai là không dễ gì mà thuyết phục được tập đoàn quân sự Miến Điện ngưng ngay chiến dịch đàn áp khốc liệt những người biểu tình chống đảo chính. Như ta đã thấy, bất chấp những biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề của phương Tây, mới nhất là các biện pháp mà Hoa Kỳ vừa thông báo hôm qua, chính quyền quân sự ở Naypyidaw vẫn không tỏ dấu hiệu hòa dịu, mà trái lại càng thẳng tay dìm phong trào phản kháng trong biển máu.

Thứ ba là cho tới nay các nước ASEAN vẫn bị chia rẽ trên hồ sơ Miến Điện, theo lời ông Tan Sri Syed Hamid Albar, chủ tịch Nhóm Tham vấn về Miến Điện (Advisory Group on Myanmar) của Malaysia. Một bên là những quốc gia thành viên như Cam Bốt và Thái Lan vẫn xem khủng hoảng do cuộc đảo chính là chuyện nội bộ của Miến Điện và phải do chính nhân dân Miến Điện giải quyết. Bên kia là những nước Indonesia, Malaysia, Singapore và trong một chừng mực nào đó Philippines thì vẫn tỏ ra quan ngại và kêu gọi các bên ở Miến Điện nên kềm chế và tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Câu hỏi lớn đang được đặt ra là tại thượng đỉnh Jakarta, ASEAN có sẽ dứt khoát từ bỏ nguyên tắc không can thiệp vào chuyện nội bộ của một nước thành viên hay không, để mạnh dạn đề nghị các giải pháp cho khủng hoảng Miến Điện ? Hay là đại diện các nước thành viên khác chỉ đến để nghe tướng Min Aung Hlaing biện minh cho chiến dịch đàn áp những người chống đảo chính, để cho lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện có thêm tính chính danh với quốc tế.

Đây không chỉ là vấn đề uy tín của ASEAN mà còn là sự tồn tại của chính hiệp hội này. Chủ tịch Nhóm Tham vấn về Miến Điện Tan Sri Syed Hamid Albar cảnh báo là tại thượng đỉnh Jakarta, các lãnh đạo ASEAN phải có những quyết định “mạnh mẽ” và phải kêu gọi ngưng ngay tình trạng bạo lực ở Miến Điện, nếu không, có nguy cơ là Miến Điện sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong khối Đông Nam Á bị nội chiến và đi đến sụp đổ, kể từ khi ASEAN được thành lập năm 1967. Nếu thực tế này xảy ra, nó sẽ đe dọa đến hòa bình và an ninh của toàn khu vực. Trước mắt, theo ông Syed Hamid, tình hình bất ổn hiện nay ở Miến Điện, nếu không được giải quyết êm thấm, sẽ ảnh hưởng đến các nước láng giềng và trong khu vực.

Related posts