Trọng Thành
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng được ghi nhận như là mối đe dọa lớn với các quốc gia dân chủ phương Tây. Tuy nhiên, một chiến lược chung để hợp tác, đối phó với Trung Quốc lại là điều thiếu vắng hiện nay, theo nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế.
Trang mạng Nhật Bản chuyên về chính trị quốc tế « The Diplomat », hôm 11/05/2021, đăng tải bài « Transatlantic Cooperation on the China Challenge / Hợp tác xuyên Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc », phỏng vấn chuyên gia về quan hệ quốc tế Hans Binnendijk, thuộc Viện tư vấn Atlantic Council, có trụ sở tại Washington (*). Ông Hans Binnendijk là người đồng phụ trách một nghiên cứu, khuyến nghị Hoa Kỳ và Châu Âu xây dựng một « Kế hoạch Trung Quốc » (The China plan : A transatlantic blueprint for strategic competition). Nghiên cứu được công bố giữa tháng 3/2021.
***
Ông là một trong các tác giả chính của một nghiên cứu quan trọng của viện Atlantic Council, mang tựa đề « China Plan / Kế hoạch Trung Quốc ». Vì sao một Kế hoạch Trung Quốc chung của Âu – Mỹ là điều cần thiết ?
Hans Binnendijk : Chính quyền Trung Quốc thời Tập Cận Bình đã có một kế hoạch mang tính chiến lược rõ ràng và đầy đủ cho 30 năm tới, có hại cho các lợi ích của các quốc gia hai bờ Đại Tây Dương trên mọi lĩnh vực. Kế hoạch này bao gồm các biện pháp siết chặt tại Trung Quốc, để đàn áp mọi chống đối nhắm vào đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP). Việc đàn áp mọi tiếng nói phản đối cách mô tả lịch sử, theo quan điểm của đảng Cộng Sản Trung Quốc, giờ đây được mở rộng sang cả các quốc gia khác, trong lúc giới ngoại giao Trung Quốc sử dụng các ảnh hưởng kinh tế để gây áp lực, hù dọa. Các hành xử kinh tế bất chính của Trung Quốc bao gồm những khoản viện trợ Nhà nước, bẫy nợ, nằm trong sáng kiến « Một vành đai, Một con đường », hay các đầu tư khác, có mục tiêu tạo ra các phụ thuộc về mặt chiến lược. Bắc Kinh sử dụng các phương tiện công nghệ để xâm nhập vào các mạng tin học, và tìm cách áp đặt các tiêu chuẩn tin học của mình. Trung Quốc xây dựng các quan hệ đối tác mới với nhiều chế độ độc tài. Điều nguy hiểm là chính quyền Bắc Kinh đã kích động chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa, hướng tình cảm này vào các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, và vào Đài Loan. Đối với các quốc gia dân chủ, Trung Quốc theo đuổi chiến lược chia để trị.
Các quốc gia dân chủ không có kế hoạch tương tự để đề kháng lại cuộc tấn công mang tính hủy diệt của Trung Quốc. Không có kế hoạch, các quốc gia này trở nên dễ tổn thương. Hành xử ích kỷ đặt mình lên trên hết mang tính phiêu lưu của chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn, khi thu hẹp triển vọng hợp tác giữa các nước dân chủ. Giờ đây, việc thiết lập một kế hoạch Trung Quốc thực sự, giữa Mỹ và các đối tác, dường như trở nên thuận lợi hơn với sự kết hợp của nhiều yếu tố. Thứ nhất là hành xử quá đáng của Trung Quốc, thứ hai là Châu Âu đang dần dần nhận ra thách thức Trung Quốc, và thứ ba là chính quyền Biden tập trung vào việc khôi phục các quan hệ đối tác.
Công trình « Kế hoạch Trung Quốc » của Viện Atlantic Council đã được đón nhận thế nào ?
Hans Binnendijk : Nghiên cứu này phù hợp với tiếp cận chung của chính quyền Biden, và câu trả lời là tích cực. Tại châu Âu, ngày càng có nhiều chuyên gia về Trung Quốc chấp nhận các kết luận và khuyến nghị trong kế hoạch này. Chính quyền các nước châu Âu nhìn chung ủng hộ một tiếp cận xuyên Đại Tây Dương, nhưng một số quốc gia lo ngại là họ sẽ được yêu cầu phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Gần đây các trừng phạt để trả đũa của Trung Quốc đã gây phản tác dụng, khiến Trung Quốc bị gậy ông đập lưng ông. Tuy nhiên, hai quốc gia châu Âu, là Đức và Pháp, dường như vẫn còn lưỡng lự trước việc đi theo sự lãnh đạo của Mỹ về chính sách Trung Quốc. Để một chính sách Trung Quốc chung Mỹ – Âu có thể vận hành, cần phải có sự điều chỉnh ở cả hai phía.
Chúng ta có thể làm gì để kháng cự lại các thách thức của Trung Quốc đối với các giá trị dân chủ, cũng như với các lợi ích kinh tế và công nghệ phương Tây ?
Hans Binnendijk : Nghiên cứu này xác nhận rằng, về nguyên tắc, các thách thức Trung Quốc đối với các giá trị dân chủ tại Trung Quốc, cũng như ở bên ngoài, cần phải trở thành lĩnh vực hợp tác xuyên Đại Tây Dương, đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng nhất. Các quốc gia hai bờ Đại Tây Dương đã thực thi nhiều trừng phạt đối với Trung Quốc, do các xâm phạm nhân quyền tại Hồng Kông, Tân Cương. Nghiên cứu này đề xuất thêm nhiều khả năng trừng phạt khác. Bản « Kế hoạch Trung Quốc » cũng nêu khả năng coi việc « gây áp lực ngoại giao ngoại giao đối với một quốc gia thành viên cũng là một áp lực ngoại giao đối với toàn khối » cần trở thành nguyên tắc nền tảng đối với các thành viên của Hội đồng Phối hợp về Trung Quốc xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Coordinating Council on China), cơ chế được thành lập theo đề xuất của « Kế hoạch Trung Quốc » (**).
Tìm ra được các tiếp cận chung giữa Âu – Mỹ trước các thách thức kinh tế và công nghệ của Trung Quốc có thể là khó khăn hơn. Một ví dụ là, hồi tháng 12/2020, Liên Âu đã chấp nhận một thỏa thuận đầu tư toàn diện với Liên Âu – Trung Quốc, mà không có sự tham vấn đầy đủ với Hoa Kỳ. Các nước Châu Âu vẫn có các tiếp cận khác nhau trong việc tích hợp công nghệ 5G của Trung Quốc vào hệ thống tin học Châu Âu. Tuy nhiên, chừng nào mà hiểm họa từ các hoạt động của Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn, thì chừng đó viễn cảnh phối hợp mạnh hơn đối tác xuyên Đại Tây Dương, về các lợi ích kinh tế và công nghệ, cũng sẽ tăng lên.
Bản chất của thách thức về an ninh của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và Châu Âu là gì, và cần phải làm gì ?
Hans Binnendijk : Khối NATO (tức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) bắt đầu tập trung vào tác động tiêu cực của các đầu tư Trung Quốc vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tác động tiêu cực của sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc phòng, của ảnh hưởng của các chính sách của Trung Quốc đến an ninh của Châu Âu. Hiện tại, tác động của hợp tác quốc phòng Trung – Nga vẫn còn chưa được đánh giá đầy đủ. Tình hình cũng tương tự với hoạt động của Trung Quốc trong các lĩnh vực liên quan đến các tài nguyên mang tính toàn cầu, và tiềm năng xung đột Trung – Mỹ tác động thế nào đến an ninh Châu Âu. Bản « Kế hoạch Trung Quốc » khuyến nghị là, ngoài các biện pháp giảm sự phụ thuộc của Châu Âu vào Trung Quốc, Châu Âu cần có các biện pháp để tăng cường khả năng quốc phòng riêng của mình, để bù lại việc Hoa Kỳ xoay trục sang Châu Á. Và Châu Âu cũng cần phải gia tăng các nỗ lực để giúp răn đe Trung Quốc, không dám có các hành xử hung bạo tại Châu Á.
Với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự một cách đáng kể, và hành xử dân tộc chủ nghĩa hung hăng tại Châu Á, một cuộc chiến tranh với Trung Quốc không còn là điều không thể tính đến. Cựu ngoại trưởng Mỹ Henri Kissinger đã cảnh báo là, nếu xảy ra, một cuộc chiến như vậy sẽ là kinh hoàng. Mối lo này tiếp tục được dấy lên với cuốn « 2034 » mới đây (cuốn tiểu thuyết viễn tưởng của Christophe Victor về tương lai đen tối của nhân loại trong hơn một thập niên tới, ấn hành năm 2020). Tuy nhiên, Hoa Kỳ không thể bỏ rơi các đồng minh và các lợi ích của mình tại khu vực. Bởi vậy, Washington cần cân bằng giữa chiến lược răn đe về quân sự với các nỗ lực giải quyết các bất đồng về chính trị, liên quan đến các tranh chấp trên biển, và để làm giảm bớt căng thẳng gia tăng liên quan đến Đài Loan.
Đâu là những khả năng hợp tác nhiều hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong các lĩnh vực có lợi ích chung ? Phải chăng việc hợp tác trong những lĩnh vực như vậy sẽ giúp cho quan hệ Mỹ – Trung trở lại đúng đường ?
Hans Binnendijk : Bất chấp nhu cầu hóa giải các thách thức từ Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, cũng tồn tại nhiều lĩnh vực có thể hợp tác với Bắc Kinh. Nghiên cứu này xem xét tiềm năng hợp tác trong việc hạn chế biến đổi khí hậu, cải thiện sức khỏe dân cư trên thế giới, không phổ biến hạt nhân, hỗ trợ phát triển kinh tế, và làm cho việc gìn giữ hòa bình trên thế giới trở nên hiệu quả hơn. Trong quá khứ, Trung Quốc đã hứa nhiều hơn làm, khi việc hợp tác được lên kế hoạch, các kết quả cần được kiểm soát chặt.
Việc hợp tác trong các lĩnh vực này rất ít có khả năng sẽ đảo ngược một cách đáng kể chiều hướng xấu đi trong các quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, thành công trong các hợp tác này, đi kèm với giải quyết một số vấn đề được nêu ra bên trên, ít nhất cũng có thể hãm lại xu hướng tuột dốc.
Ghi chú
(*) Người đặt câu hỏi là bà Mercy Kuo, phó chủ tịch công ty tư vấn Pamir Consulting, chuyên về chính trị – an ninh quốc tế, các nguy cơ địa chính trị.
(**) Theo đồng tác giả « Kế hoạch Trung Quốc », Hội đồng Phối hợp về Trung Quốc xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Coordinating Council on China) sẽ là cơ sở giúp cho việc hoạch định các chính sách chung của Hoa Kỳ với Châu Âu về Trung Quốc với các đồng minh, đối tác châu Á.