Thêm 248 ca nhiễm COVID-19 trong ngày
Bộ Y tế tối 22/6 ghi nhận 97 ca dương tính nCoV, gồm 88 ca trong nước và 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Như vậy trong ngày 22/6, Việt Nam ghi nhận thêm 248 ca nhiễm, gồm 12 ca nhập cảnh và 236 ca ghi nhận trong nước. Trong số này, 217 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
97 ca mới tối nay từ số 13631-13727. Trong đó 88 ca gồm tại: TP HCM (63), Bắc Giang (12), Bắc Ninh (6), Hưng Yên (2), Nghệ An (1), Hà Nội (1). Trong số này, 84 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 5.488, TP.HCM 1.922, Bắc Ninh 1.545, Hà Nội 466 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 95 ca, 53 ca ở Bệnh viện K), Hưng Yên 41, Nghệ An 34.
Hôm nay đánh dấu ngày thứ 57 bùng phát đợt dịch thứ 4. Tổng số ca nhiễm tính từ ngày 27/4 chiếm 76,76% số ca nhiễm từ khi dịch xuất hiện vào đầu năm 2020 (bao gồm cả trong nước và nhập cảnh). Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 10.440, ghi nhận ở 43 tỉnh thành.
5 ngày, 2 người tử vong sau tiêm vắc-xin COVID-19
Chiều 22/6, Sở Y tế công bố một nam giáo viên sinh năm 1995 ở huyện Đông Anh, sau tiêm vắc-xin AstraZeneca hơn một ngày thì co giật, tử vong sau đó.
VnExpress dẫn báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội chiều 22/6 cho biết, anh này đến điểm tiêm tại Trạm Y tế xã Nam Hồng vào sáng 20/6. Anh được khám sàng lọc trước tiêm và đủ điều kiện tiêm chủng, không có tiền sử bệnh lý. Anh được chỉ định tiêm vắc-xin do AstraZeneca sản xuất.
Tối 21/6, Trạm Y tế Bắc Hồng nhận được thông báo của người nhà cho biết anh xuất hiện co giật. Sau 15 phút, khi nhận được thông báo, Đội cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã có mặt tại nhà người bệnh và tiến hành cấp cứu tích cực; đồng thời đề nghị Trung tâm cấp cứu 115 hỗ trợ. Sau 30 phút được cấp cứu, tình trạng người bệnh tiến triển xấu như toàn thân tím tái, mạch cảnh không bắt được, huyết áp không đo được, đồng tử giãn từ 5 đến 6mm… Người bệnh đã được chuyển ngay đến Bệnh viện đa khoa Đông Anh. Tuy nhiên, đêm 21/6, người bệnh tử vong.
Trước đó, báo Lao Động đưa tin, ngày 19/6, ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận cho biết, cơ quan chức năng đang làm rõ nguyên nhân tử vong của ông P. là cán bộ một công ty nhà nước (sinh năm 1966, ngụ huyện Hàm Thuận Bắc).
Ông Hồng cho biết, ông P. được tiêm vắc-xin Astrazeneca ngừa COVID-19 vào trưa ngày 18/6 tại Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, gia đình bệnh nhân cho hay, sau khi tiêm vắc-xin ông P. không có triệu chứng bất thường. Ông P. vẫn ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt bình thường. Đến trưa 19/6, ông P. ăn cơm xong thì có dấu hiệu mệt và được đưa đến Trung tâm Y tế Hàm Thuận Bắc. Nạn nhân đã tử vong sau đó.
Kiến nghị cấp phép khẩn cho vắc-xin Việt Nano Covax
Trao đổi với báo Tuoitre ngày 22/6, đại diện Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (gọi tắt Nanogen, Khu công nghệ cao TP.HCM) cho biết đơn vị vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng xin cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax.
Nano Covax là loại vắc xin do Nanogen nghiên cứu vừa kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được Hội đồng đạo đức Bộ Y tế đánh giá tốt và đã thông qua đề cương nghiên cứu, triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên quy mô 13.000 người.
Đại diện Nanogen cho biết dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc xin Nano Covax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vắc xin khác trên thế giới là không hề thua kém và có phần cao hơn. Dù vậy, giá bán dự kiến hiện đang thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều.
Đến nay công suất sản xuất của nhà máy ước đạt 8-12 triệu liều/tháng. Nanogen cũng đang hoàn thiện, mở rộng hệ thống kho lạnh với sức chứa 10 triệu liều cũng như đội ngũ xe lạnh (2-8°C) vận hành đạt chuẩn quốc tế.
Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, công ty dự kiến cung cấp đủ 50 triệu liều đến tháng 12-2021 và 100 triệu liều vào năm 2022.
Với các điều kiện nêu trên, Nanogen kiến nghị Chính phủ để vắc xin Nano Covax sớm được cấp phép khẩn cấp có điều kiện, tương tự như các loại vắc xin của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Công ty cũng khẳng định sẽ quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất cung cấp đủ vắc xin để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý 2-2022.
Theo thông tin từ Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), tính đến sáng 22-6, các đơn vị nghiên cứu đã hoàn thành thử nghiệm 1.000 mũi tiêm đầu tiên, liều 25mcg (liều duy nhất, tỉ lệ tiêm 6:1, tức 6 người tiêm vắc xin, 1 người tiêm giả dược). Sau tiêm, các tình nguyện viên có sức khỏe ổn định.
Thanh niên 32 tuổi chết trong khu cách ly tại Đồng Tháp
Tuoitre – Ngày 22/6, ông Đoàn Tấn Bửu – phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp xác nhận một trường hợp tử vong trong khi đang cách ly tập trung vào sáng cùng ngày.
Cụ thể, anh C. (32 tuổi, ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) từng đánh bắt cá thuê ở Cà Mau và Malaysia, đã đi đến một số tỉnh trước khi về nhà ở xã Phú Điền và được đưa đi cách ly vào ngày 8/6 tại khu cách ly tập trung Trường trung cấp Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Khi được đưa đi cách ly, người này có thân nhiệt bình thường, đau họng trên nền tảng cơ thể suy kiệt.
Ngày 9/6, người này than mệt, không ăn uống được, tình trạng sức khỏe có diễn tiến xấu nên đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự để tiếp tục cách ly và điều trị. Cũng trong ngày này, kết quả xét nghiệm PCR cho thấy người này âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tại đây, bệnh viện chẩn đoán người này bị lao, suy kiệt và điều trị 4 ngày. Đến ngày 14/6, khi thấy tình hình khá ổn định, người này đã được chuyển về lại khu cách ly tập trung để tiếp tục cách ly và uống thuốc điều trị lao theo đúng phác đồ.
Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân tiếp tục suy kiệt, ăn uống kém. Đến 6h sáng 22/6, khi nhân viên y tế đo thân nhiệt thì phát hiện bệnh nhân đã tử vong.
Ông Bửu cho biết thêm kết quả giám định pháp y xác định người này tử vong do suy hô hấp, suy tim trên nền lao phổi.
Hiện ngành y tế tỉnh Đồng Tháp đã tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm PCR lần 2 đối với trường hợp này, đồng thời các cơ quan chức năng đang triển khai khâm liệm, đưa đi hỏa táng và sẽ bàn giao tro cốt về gia đình bệnh nhân.
Tiền điện khắp nơi tăng vọt: ‘Đang 700 trăm nghìn lên 2.2 triệu xót ví quá’
Liên tục nắng nóng xảy ra trên diện rộng khiến nhiều gia đình tá hỏa khi biết giá tiền điện tháng 5-6 tăng gấp 3-4 lần. Nhiều người cho biết, họ cảm thấy “xót xa” khi thanh toán tiền điện với mức chi trả cao hơn thông thường rất nhiều.
Vietnamnet đưa tin, thời tiết nắng nóng kéo dài kỷ lục suốt hơn 1 tháng qua dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng rất cao trong mỗi gia đình. Nhu cầu sử dụng điện cho việc làm mát, nhất là việc sử dụng quạt, điều hòa nhiệt độ suốt ngày đêm của các hộ gia đình khiến tiền điện tăng chóng mặt.
Theo nhiều hộ gia đình ở Hà Nội, mức tiêu thụ điện của tháng 5/2021 của họ cao hơn khoảng 30-50% so với mức tiêu thụ điện của tháng 4/2021.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thơ ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, nhà chị có 5 người gồm bà nội, vợ chồng chị và hai con nhỏ. Trong nhà chị có 3 điều hòa lắp ở hai phòng ngủ, một phòng khách. Ngoài ra, nhà chị Thơ có tủ lạnh, máy giặt nhưng không phải ngày nào cũng giặt và hai tivi, một quạt trần hầu như mở suốt ngày. Nhưng điều hòa hầu như ngày nắng nóng nào cũng mở cũng suốt đêm.
“Bình thường, nếu những tháng không bật điều hòa, mùa đông cũng như mùa hè, tiền điện nhà mình chỉ tầm 500.000-700.000 đồng là cao nhất. Những tháng nắng nóng cao điểm cũng công suất như vậy, chỉ riêng điều hòa tối nào cũng bật từ 8h tối đến 4h sáng mà tiền điện giờ tăng cao gấp 2-3 lần”, chị Thơ kể.
Cụ thể, chị Thơ nói tiền điện tháng 4/2021 của nhà chị là 700.000 đồng. Nhưng sang đến tháng 5/2021, tiền điện lên tới 2,2 triệu đồng, cao gấp hơn 3 lần.
“Hôm trước đóng tiền điện, mẹ chồng mình kêu oai oái vì tiếc tiền. Do bà sống tiết kiệm nên thấy tiền điện cao như vậy tốn kém quá. Bà cứ đòi tách thành hai công tơ điện nhưng vợ chồng mình còn lười chưa lắp. Nhà mình dùng điện tốn là bởi lúc nào cũng có người ở nhà”, chị Thơ giải thích.
Bà nội trợ này cho hay, điện tăng giá nên gia đình chị cũng xác định những tháng nắng nóng, mức tiêu thụ điện nhiều do dùng quạt, máy lạnh liên tục. Song, vợ chồng chị chỉ xác định tiền điện hết tầm 1,5 triệu. Nào ngờ, tiền điện tăng vượt quá cả dự kiến.
“Đóng 2,2 triệu tiền điện/tháng vợ chồng mình xót ví quá. Bởi thế, cả hai bảo nhau sử dụng điện mùa hè phải tiết kiệm nhất để có thể giảm hóa đơn tiền điện tầm 1,5 triệu/tháng. Mong tháng 6 này tiền điện đừng quá con số dự kiến trên. Không tiền điện tăng cao thế này, nếu không đi làm lĩnh lương chỉ để trả tiền điện mất”, người phụ nữ này cho hay.
Nhà nhà đều tăng
Chị Thuỳ Linh cùng em trai (Thanh Xuân, Hà Nội), sống trong căn hộ 50m2 thường sử dụng khoảng 150 kWh điện mỗi tháng. Như vậy, với cách tính giá điện từ bậc 3 (101-200 kWh) trở xuống, số tiền chị trả khoảng 300.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, chị làm việc online từ xa, em trai nghỉ học ở nhà khiến chỉ số giá điện tăng cao. Tháng 6, chỉ số điện gia đình chị Linh dùng tăng 2 lần, lên tới gần 300 kWh. Tổng tiền điện thanh toán lên 740.000 đồng.
“Thời tiết Hà Nội đang vào giai đoạn nắng nóng nhất trong năm nên nhu cầu dùng điều hòa tăng cao. Hơn nữa, tôi và em trai cũng ở nhà thường xuyên nên sử dụng điện cũng nhiều hơn”, chị nói.
Thực tế, những ngày này, nhiều người dân bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 5 (chốt trong khoảng 15/5 đến 15/6). Điểm chung là hóa đơn tiền điện tháng vừa qua tăng cao, gấp 2-4 lần so với tháng trước đó.
Gia đình chị Linh (Gia Lâm, Hà Nội) gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ. Chị cho biết trung bình mỗi tháng, tiền điện nhà chị khoảng 1,3 triệu đồng, nhưng tháng vừa rồi chị nhận hóa đơn điện tới gần 3 triệu đồng. “Vì mình sinh em bé ở nhà cả ngày nên dùng điều hòa thường xuyên, tiền điện sinh hoạt cứ thế tăng đều đều hơn trước”, chị nói.
Tá hỏa khi nhận hóa đơn điện
Theo Zing, nhiều hộ gia đình ở miền Trung cũng ghi nhận tình trạng tiền điện tăng mạnh. Chị Hoài ở Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết nhà chị có 3 người gồm vợ chồng chị và một con nhỏ. Những tháng bình thường, mùa đông cũng như mùa hè, tiền điện nhà chị khoảng 600.000-700.000 đồng/tháng.
“Tháng 5- 6 nắng nóng cao điểm lại trùng với thời gian nghỉ hè nên nhà tôi dùng điện sinh hoạt nhiều, bật thêm điều hòa từ 20h tối đến 4h nên tiền điện vừa đóng lên tới 1,5 triệu đồng, cao gấp hơn 2 lần so với bình thường”, chị nói.
Tá hỏa khi nhận hóa đơn điện tháng 6 với tổng số tiền lên tới hơn 1,4 triệu đồng, gấp 3-4 lần so với mức bình quân hàng tháng, chị Phượng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, tháng trước tiền điện của chị chỉ khoảng 400.000 đồng. “Sống một mình, đi làm cả ngày chỉ dùng điều hòa vào buổi tối nhưng không hiểu sao tháng trước chỉ 145 kWh điện nhưng tháng này số công tơ nhảy lên tận 543 kWh”, chị nói.
“Vẫn biết mùa nắng nóng dùng điều hòa, tiêu thụ điện nhiều hơn nhưng không ngờ lại tăng cao đến như vậy”, chị Phượng thở dài.