Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cạnh tranh để giành ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, hai bên đều đặt mục tiêu vào một quốc gia từ trước đến nay từ chối can dự vào các vấn đề ngoại giao: Indonesia…..
Căng thẳng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tiếp tục nóng lên, và sự bành trướng của ĐCSTQ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đã thu hút sự chú ý của các chính trị gia, và quan chức quốc phòng trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngày 31/5/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đến thăm Indonesia, và trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của chính quyền Biden có chuyến thăm chính thức đến Indonesia. Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia đã thảo luận về các biện pháp mới tiềm năng, nhằm khôi phục quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Indonesia, và giải quyết các thách thức trong khu vực.
Trong tuần trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tony Blinken đã đến thăm Ấn Độ, và nhấn mạnh hợp tác với Ấn Độ để bảo vệ các giá trị dân chủ, và bảo đảm quyền tự do và cởi mở của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã có bài phát biểu tại Singapore vào thứ Ba tuần trước (27/7) tập trung vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm hàng triệu liều vắc-xin do Washington tài trợ cho khu vực. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và các đối tác đang phải đối mặt với những thách thức chung từ ĐCSTQ.
Một số quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương, chẳng hạn như Lào và Campuchia, có xu hướng nghiêng về ĐCSTQ, trong khi những quốc gia khác như Ấn Độ có xu hướng đoàn kết với Hoa Kỳ để chống lại ĐCSTQ.
Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cạnh tranh để giành ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, hai bên đều đặt mục tiêu vào một quốc gia từ trước đến nay từ chối can dự vào các vấn đề ngoại giao: Indonesia.
Indonesia có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng
Đông Nam Á là “ngã tư” nối liền Châu Á và Châu Đại Dương, câu thông Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Indonesia là điểm mấu chốt của “ngã tư” này. Là quốc gia có vùng biển lớn nhất nằm giữa hai đại dương và hai châu lục, lợi thế địa lý giao thông vận tải của Indonesia được xếp vào hàng đầu thế giới, với các giá trị độc đáo về kinh tế, chính trị và văn hóa.
Với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, và là quốc gia đông dân thứ ba ở châu Á. Nó bao gồm hơn 17.000 hòn đảo trải dài trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có vị trí chiến lược trên eo biển Malacca quan trọng, và tuyến đường biển truyền thống đi thông đến Úc. Nếu muốn bảo đảm tự do thông suốt của đường hàng hải trên Ấn Độ Dương, Biển Đông và eo biển Đài Loan, thì Indonesia và ASEAN là hai liên minh không thể thiếu.
Ông Michael Green, Phó chủ tịch cấp cao về Châu Á và Nhật Bản, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho hay: “Trong những thách thức địa chính trị trong tương lai, Indonesia đang ở một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng”.
Mặc dù Indonesia vẫn giữ thái độ trung lập trong hầu hết các vấn đề, nhưng nước này đang tìm cách hiện đại hóa quân đội quy mô lớn. Quân đội Indonesia có quy mô lớn và năng lực tác chiến tương đối mạnh. Quân đội Indonesia đã thành công trong việc ngăn chặn các phần tử khủng bố Hồi giáo khi mà chỉ dựa vào chính mình.
Trung Quốc muốn dùng Indonesia làm quốc gia trọng tâm trên biển cho sáng kiến “Vành đai và Con đường”
TQ đang cố gắng lôi kéo Indonesia để trở thành quốc gia trọng tâm trên biển của sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Năm 2013, sáng kiến ”Con đường tơ lụa trên biển” của TQ lần đầu tiên được công bố tại Quốc hội Indonesia. Các phương tiện truyền thông của TQ cũng thường xuyên đăng các bài báo thừa nhận rằng, Indonesia có vị trí rất quan trọng trong việc cùng xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển,” trong thế kỷ 21.
Năm 2014, sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhậm chức, và đề xuất khái niệm xây dựng Indonesia thành “Trục Hàng hải Toàn cầu”, Trung Quốc đã khuyến khích Indonesia kết nối sâu sắc khái niệm, “Trục Hàng hải Toàn cầu” với “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đối với Indonesia không chỉ là biến Indonesia trở thành trọng tâm chiến lược của ĐCSTQ ở Đông Nam Á, mà còn sử dụng Indonesia để lôi kéo ASEAN về phía mình, và hình thành một tình huống chiến lược không có lợi cho Hoa Kỳ.
Indonesia cũng đã giữ liên lạc với Bắc Kinh. Hải quân Trung Quốc đã tham gia trục vớt tàu ngầm Indonesia bị chìm ở biển Java hồi đầu năm, Bắc Kinh cũng đã gửi hàng chục triệu liều vắc-xin COVID-19 tới Indonesia, nhưng số ca mắc và tử vong ở Indonesia vẫn đang tăng lên.
Chuyên gia: Cạnh tranh khu vực khiến tầm quan trọng của Indonesia ngày càng tăng
Sau các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, Indonesia ngày càng nhận thức được mối đe dọa do Bắc Kinh gây ra và giá trị của “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà Hoa Kỳ và các đồng minh ủng hộ.
Tác giả của Diễn đàn Đông Á, Alexander R Arifianto, trong bài viết đăng tải ngày 28/6 nói rằng, Indonesia vẫn luôn theo đuổi chính sách đối ngoại “tự do và tích cực”, nhấn mạnh tính trung lập và không kết thành đồng minh kể từ khi giành độc lập năm 1945 đến nay. Mặc dù Indonesia ứng phó với các cường quốc theo cách này, nhưng kể từ khi Washington chính thức công nhận nền độc lập của Indonesia vào năm 1949, Indonesia đã duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp với Hoa Kỳ.
Bài báo cho rằng, chính quyền ông Biden cần tiếp tục tiếp xúc với Indonesia trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh hơn nữa, trong lĩnh vực quân sự và phi quân sự. Hai bên cần tăng cường chương trình trao đổi sĩ quan, và tăng thêm cơ hội cho các sĩ quan Indonesia mở rộng thế giới quan của họ.
Washington cần bảo đảm với Jakarta rằng họ coi trọng sự thống nhất của Indonesia, trong khi thúc giục Indonesia có lập trường cứng rắn hơn trong ASEAN, như đã bày tỏ thái độ trong cuộc khủng hoảng Myanmar. Việc bảo đảm Indonesia và ASEAN vẫn vững mạnh – để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á – là lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ.