Tiêm phòng Covid-19 : Từ khuyến khích đến bắt buộc, mỗi nước một cách làm

Anh Vũ

image.png
Tại một điểm tiêm chủng phòng Covid-19 ở Karachi, Pakistan, ngày 28/04/2021. REUTERS – AKHTAR SOOMRO

Trong suốt cuộc khủng hoảng y tế hiện nay trên thế giới, các nước hành động theo cách khác nhau cho dù tất cả đều có chung một mục tiêu là ngăn chặn đại dịch. Nhưng để đối phó với biến thể Delta, nguyên nhân khiến dịch Covid-19 bùng lên trở lại ở nhiều vùng trên địa cầu, thì bắt buộc tiêm chủng có vẻ như là một giải pháp đang thắng thế.

Dù đó là cách làm ở Hungary hay ở Pakistan, chính quyền những nước này đều muốn tăng tốc để sớm có được miễn dịch cộng đồng với 90% dân được tiêm chủng. Trong khi trên thế giới 4 tỷ liều vac-xin đã được chích, các quốc gia đã làm thế nào để thúc đẩy nhịp độ tiêm phòng Covid-19 ?  

Bắt buộc tiêm chủng đối với người trưởng thành
Mới duy nhất chỉ có 3 quốc gia áp đặt tiêm chủng bắt buộc đối với người trưởng thành. Tại Tadjikistan, chính phủ ra sắc lênh buộc tất cả các công dân từ 18 tuổi phải đi tiêm chủng ngừa Covid. Đây lại là nước triển khai chậm chạp chiến dịch tiêm chủng.Chỉ có 5% dân số được tiêm ít nhất một liều vac-xin, theo số liệu công bố ngày 25/07/2021 trên trang cơ sở dữ liệu thế giới OurWorldinData.

Ngay cả Turkmenistan, một trong số hiếm hoi quốc gia trên thế giới công bố không có ca nhiễm Covid-19 nào, hôm 07/07 vừa qua thông báo bắt buộc tiêm chủng với « tất cả những người trên 18 tuổi không thuộc diện chống chỉ định y học ».
Còn tại Vatican, ngay từ hôm 08/02 năm nay, Tòa thánh đã có văn bản coi tiêm vac-xin cho tất cả những người sống và làm việc tại đó là cấp thiết. Chỉ thị nói rõ việc từ chối tiêm chủng là gây nguy hiểm cho người khác. Giới chức Vatican cho biết sẽ có hình thức phạt đến mức sa thải đối với những ai cố tình không tuân thủ chỉ thị.

Bắt buộc đối với một số đối tượng
Đó là trường hợp ở Pháp. Những nhân viên bệnh viện, viện dưỡng lão, nhà già, cũng như những người tình nguyện, nhân viên tiếp xúc với người cao tuổi, đến ngày 15/09 tới đây đều phải tiêm phòng Covid. Đây là sự chuyển biến căn bản của chính phủ Pháp sau khi nhiều lần tuyên bố không muốn bắt buộc tiêm chủng.

Tại Ý, chính quyền cũng quyết định siết chặt việc tiêm phòng. Sắc lệnh ngày 25/05 bắt buộc các bác sĩ, nhân viên y tế phải tiêm phòng nếu không sẽ không được tiếp xúc với người khác trong công việc. Lệnh áp đặt tiêm chủng này đến nay đã bị 300 nhân viên chăm sóc y tế kiện. Tuy nhiên chính phủ Ý vẫn muốn đi xa hơn nữa. Trên kênh truyền hình Rai, ông Sergio Abrignani, thành viên ủy ban khoa học cố vấn cho chính phủ về chống dịch Covid, cho biết ông ủng hộ tiêm chủng bắt buộc đối với mọi người.

Về phần mình, Hy Lạp quyết định bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên của các nhà dưỡng lão, chậm nhất là ngày 16/08 và đối với các điều dưỡng viên y tế là ngày 01/09.

Tại Vương Quốc Anh, từ hôm 16/06, chính phủ đã thông báo sẽ áp đặt tiêm chủng bắt buộc đối với các nhân viên của nhà dưỡng lão kể cả nhân sự không thuộc ngành y.  

Tại Nga, đô trưởng Matxcơva ngày 16/06 đã ra lệnh tiêm chủng bắt buộc đối với những nhân viên thuộc khu vực dịch vụ của thành phố. Sau đó nhiều địa phương khác, trong đó có Saint-Petersburg, đã áp dụng những biện pháp tương tự. Việc tổng thống Vladimir Putin kêu gọi công dân Nga đi tiêm vac-xin ngừa Covid cho thấy chiến dịch tiêm chủng của Nga, dù triển khai sớm nhưng đã thất bại. Đến ngày 27/07, mới chỉ có 25% dân Nga được tiêm liều vac-xin đầu tiên.

Kazakhstan cũng chọn cách làm kiên quyết. Chính quyền nước này đã ra lệnh từ ngày 01/07 bắt buộc tiêm chủng phần lớn các nhân viên có công việc phải tiếp xúc với người khác.

Các viên chức không tiêm phòng được yêu cầu nghỉ phép. Đó là cách làm của Fidji. Quốc đảo này quyết định bắt buộc tiêm chủng các nhân viên trong khu vực công cũng như tư nhân.  

Những nhân viên đến ngày 15/08 chưa tiêm mũi vac-xin đầu tiên được yêu cầu lấy ngày nghỉ phép và họ có thể sẽ bị sa thải nếu như đến trước ngày 1/11 vẫn chưa  tiêm đủ 2 liều vac-xin ngừa Covid. Trong khu vực tư nhân, các nhân viên đến đến này 01/08 phải được tiêm liều vac-xin thứ nhất.

Còn tại Guinée xích đạo, tiêm phòng đã bắt buộc từ ngày 20/07 đối với một số ngành nghề như quân nhân, nhân viên y tế hay giáo viên.

Tại  Hungary, thủ tướng Viktor Orban tỏ ra cứng rắn. Trong lúc vấn đề xử lý khủng hoảng dịch của chính phủ  bị chỉ trích gay gắt trong nước, ông buộc phải tìm cách thúc đẩy dân chúng đi tiêm phòng. Hôm 16/07, thủ tướng Hungary thông báo sẽ phải bắt buộc tiêm chủng các đối tượng là nhân viên chăm sóc y tế, tuy nhiên ông chưa cho biết cụ thể thời điểm áp dụng.  

Ngay tại Mỹ, chính quyền thành phố San Francisco từ cuối tháng 6 đã cho biết yêu cầu khoảng 35 nghìn nhân viên chính quyền phải đi tiêm phòng nếu không sẽ bị phạt tới mức có thể bị sa thải.  

Tiêm chủng không bắt buộc nhưng dồn ép tới mức phải đi tiêm

Tại một số nước, bắt buộc tiêm phòng Covid 19 không phải là quy định chính thức nhưng các biện pháp hạn chế với những người không tiêm phòng khiến cho việc tiêm chủng trở thành gần như bắt buộc.  

Như tại Hoa Kỳ, Nhà Trắng hôm 29/07 thông báo tất cả các nhân viên chính quyền liên bang sẽ phải hoặc tiêm phòng, hoặc phải đeo khẩu trang liên tục và thường xuyên làm xét nghiệm, một hoặc hai lần trong tuần. Những người này còn sẽ bị hạn chế di chuyển trong công việc. Chính quyền liên bang Mỹ có 4 triệu nhân viên. Trước đó, thành phố New York cũng đã thông báo các nhân viên bệnh viện công của thành phố từ ngày 02/08 phải tiêm phòng, hoặc phải là xét nghiệm hàng tuần.

Ả Rập Xê Út, từ hôm 18/05 đã thông báo xác nhận tiêm phòng Covid sẽ là bắt buộc đối với những người ra vào các công sở cũng như cơ sở tư nhân, bao gồm từ các trường học đến tụ điểm giải trí hay giao thông công cộng. Trong khu vực công và tư, chỉ có các nhân viên đã tiêm phòng mới được đến nơi làm việc.  Ngoài ra, sau khi đã đóng biên giới suốt 17 tháng vì đại dịch,  Vương Quốc này hôm 30/7 thông báo sẽ mở cửa đối với nhưng du khách ngoại quốc đã tiêm ngừa Covid.

Tại Pakistan, từ 01/07, tỉnh Baloutchistan đã cấm những người không tiêm phòng tiếp cận các dịch vụ công công như công viên, trung tâm thương mại, giao thông công cộng. Theo một nguồn tin chính thức của địa phương này, đã có 70 người trong lực lượng dân quân bán vũ trang giúp cảnh sát trong công việc giữ gìn trật tự, đã bị cho nghỉ việc vì từ chối không tiêm phòng Covid-19. Ngoài ra những công chức tỉnh Sind, nếu từ chối tiêm phòng sẽ không được trả lương. Còn tại tỉnh Penjab, chính quyền dọa cắt điện thoại những người từ chối chích vac-xin ngừa Covid.

(Tổng hợp từ các báo Pháp)

Related posts