Tin thế giới sáng thứ Ba

Điều tra của nghị sĩ Mỹ : Virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thủ phạm đại dịch Covid-19

Trọng Thành

image.png
Trong phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 07/02/2020. AP

« Có nhiều bằng chứng » cho thấy virus gây ra đại dịch Covid-19, khiến hơn 4,4 triệu người chết, rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Trên đây là kết luận báo cáo của một nhóm dân biểu đảng Cộng Hòa Mỹ, công bố hôm 02/08/2021.

Báo cáo khẳng định « đã đến lúc cần loại bỏ hoàn toàn giả thiết về chợ động vật ». Chợ động vật là xuất xứ của đại dịch vốn là một trong các giả thiết được ưu tiên cho đến nay.  Theo báo cáo của nhóm dân biểu đảng Cộng Hòa, hiện đã có nhiều bằng chứng đáng tin cậy về khả năng virus thoát ra từ phòng thí nghiệm của Viện Virus học thành phố Vũ Hán. Việc này « có khả năng xảy ra vào khoảng thời gian trước ngày 12/09/2019 ».

Hãng tin Reuters cho hay nghị sĩ đảng Cộng Hòa Mike McCaul, Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ, đã công bố các kết quả điều tra sơ bộ. Theo đó, « có nhiều bằng chứng » cho thấy các nhà khoa học của Viện Virus học thành phố Vũ Hán – với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia Hoa Kỳ và các quỹ của chính quyền Trung Quốc và Mỹ – đã tiến hành các thí nghiệm can thiệp gien virus corona, có thể lây nhiễm sang người, và các hoạt động can thiệp như vậy có thể đã bị che giấu.

Báo cáo cũng dẫn ra một thông tin mới và ít được nói đến, liên quan đến quy trình bảo đảm an toàn tại phòng thí nghiệm. Vào tháng 7/2019, tức bốn tháng trước khi đại dịch bùng phát, một đề nghị sửa chữa lớn hệ thống xử lý chất thải nguy hiểm, trị giá 1,5 triệu đô la Mỹ, đã được đưa ra.

Báo cáo của nhóm nghị sĩ Cộng Hòa khuyến nghị lưỡng đảng chính thức mở điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Hồi tháng 5/2021, tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ tăng tốc truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, và báo cáo kết quả sau 90 ngày. Theo một nguồn tin gần gũi với hồ sơ này, hiện tại cộng đồng tình báo Mỹ chưa đưa ra kết luận là virus đến từ động vật hay từ Viện Virus học Vũ Hán.

Giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đưa vào giai đoạn 2 của kế hoạch điều tra tìm nguồn gốc đại dịch. Ngày 17/07, WHO khẳng định « việc kiểm tra các phòng thí nghiệm và cơ quan nghiên cứu có liên quan đang hoạt động tại vùng mà những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/2019 » là điều cần thiết. Ngày 22/07, Bắc Kinh chính thức bác bỏ khả năng tham gia cuộc điều tra giai đoạn hai.

Đầu năm 2021, một phái đoàn của WHO lần đầu tiên điều tra về nguồn gốc đại dịch tại Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, Bắc Kinh đã tìm đủ cách để ngăn cản điều tra. Ngày 30/04/2021, một nhóm 30 nhà khoa học đã gửi thư ngỏ đến Tổ Chức Y Tế Thế Giới tố cáo việc phái đoàn chuyên gia điều tra hỗn hợp WHO – Trung Quốc không được Bắc Kinh cung cấp thông tin đầy đủ, và kêu gọi mở điều tra độc lập.


Pháp: Gần 53% dân số tiêm xong, áp lực đối với các bệnh viện vẫn không ngừng tăng

Thùy Dương

image.png
Nhân viên y tế chuẩn bị vac-xin Pfizer, tại một trung tâm tiêm phòng chủng ở Paris, Pháp, ngày 23/07/2021. REUTERS – SARAH MEYSSONNIER

Hiện nay, gần 53% dân số Pháp đã chích ngừa xong hoàn toàn, nhưng áp lực đối với các bệnh viện không ngừng gia tăng do biến thể Delta lây lan quá nhanh. Cơ quan Y tế Pháp tối hôm qua 01/08/2021 thông báo số bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại các bệnh viện đã lên đến gần 7.600 người, so với con số hơn 6.800 ca cách nay 1 tuần.

AFP hôm 02/08 cho biết chỉ trong vòng 24 giờ, đã có hơn 310 bệnh nhân phải nhập viện. Tổng số ca bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện hôm qua cũng đã lên đến gần 1.400 ca, so với con số gần 900 bệnh nhân trước đó 1 tuần. Riêng tại vùng Occitanie, miền nam nước Pháp, trong vòng 1 tháng, số ca nhập viện vì Covid-19 đã tăng hơn 10 lần.

Trả lời báo Ouest France hồi cuối tuần qua, bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran nhận định « tình hình bấp bênh và không chắc chắn » do không thể biết biến thể Delta sẽ tiến triển thế nào trong mùa hè này, tại Pháp cũng như ở các nước láng giềng. Ngay ở nước Pháp, cơ quan y tế cũng thấy tốc độ lây lan, tỉ lệ lây nhiễm giữa các vùng khác nhau.

Còn chủ tịch Hội đồng định hướng chiến lược tiêm chủng, giáo sư Alain Fischer, hôm nay 02/08 phát biểu trên đài RTL nhận định có thể đến đầu mùa thu, Pháp sẽ đạt miễn dịch cộng đồng, với 90% dân số trên 12 tuổi được chích ngừa Covid-19. Giáo sư Alain Fischer cũng cho biết những ngày qua chiến dịch tiêm chủng của Pháp tiến rất nhanh.

Mục tiêu của chính phủ Pháp là đến cuối tháng 08/2021 50 triệu người, tương đương với 85% số người trên 12 tuổi, tiêm xong ít nhất mũi đầu tiên. Tính đến hôm qua 01/08, con số này là 42,6 triệu.

Bắc Kinh cảnh báo: Nhật – Mỹ không được xâm phạm lợi ích của Trung Quốc

Trọng Thành

image.png
Cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nhật tại Bắc Kinh ngày 23/12/2019. AP – Noel Celis

Trung Quốc lo ngại trước việc Nhật Bản siết chặt hợp tác với Hoa Kỳ trong hàng loạt vấn đề, từ nhân quyền đến Đài Loan. Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản lên tiếng cảnh báo liên minh Tokyo – Washington không được xâm phạm lợi ích của Bắc Kinh.

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, tại một diễn đàn của Hiệp hội Học thuật Quốc tế về Cộng đồng Châu Á (International Academic Society for Asian Community), tổ chức tại Nhật ngày 30/07/2021, đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou) nhận định : « Thái độ tùy tiện của Nhật Bản trong các vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Hồng Kông nổi rõ trong những ngày gần đây, làm cản trở nghiêm trọng quan hệ Trung – Nhật ».
Đại sứ Trung Quốc yêu cầu « liên minh Nhật-Mỹ không được làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc », đồng thời bày tỏ hy vọng « Nhật Bản, với tư cách là quốc gia láng giềng gần gũi của Trung Quốc, sẽ giữ vững cam kết, thể hiện sự tôn trọng cơ bản đối với các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, ngừng làm tổn hại đến các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ».Cảnh báo của đại sứ Trung Quốc được đưa ra sau khi Nhật Bản thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn trong việc ủng hộ nỗ lực của Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các đồng minh truyền thống để kiềm chế Trung Quốc trong một loạt vấn đề, từ nhân quyền đến an ninh khu vực.

Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, « trong những tháng qua, một số quan chức cấp cao của Nhật Bản đã phá vỡ quan điểm trung lập truyền thống của Tokyo để thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan », hòn đảo độc lập trên thực tế mà Bắc Kinh coi như một tỉnh nổi loạn, và sẵn sàng thống nhất bằng vũ lực nếu cần. Ngày 13/07/2021, sách trắng quốc phòng thường niên của Nhật Bản lần đầu tiên khẳng định một Đài Loan « ổn định » là vấn đề an ninh quốc gia đối với Nhật.

Báo Anh Finantical Times hôm nay, 02/08, dẫn nguồn tin từ 6 sĩ quan gần gũi với hồ sơ này, cho hay các quan chức quân sự Hoa Kỳ và Nhật Bản đã bắt đầu bàn thảo kế hoạch đối phó với kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan, bao gồm một số tập trận chung.


Tập trận chung : Mỹ và Hàn Quốc do dự

Minh Anh

image.png
Binh sĩ Hàn Quốc đang chuẩn bị các phương tiện để tham gia tập trận ở Paju, Hàn Quốc, gần biên giới với Bắc Triều Triên, ngày 02/08/2021. AP – Ahn Young-joon

Hàn Quốc và Hoa Kỳ vẫn chưa quyết định cuộc tập trận mùa hè thường niên diễn ra khi nào và như thế nào. Nhưng chính quyền Seoul cam kết sẽ có một cách tiếp cận « khôn khéo » và « uyển chuyển » về những bài tập chung.

Bộ Quốc Phòng và Bộ Thống Nhất Hàn Quốc hôm nay, 02/08/2021, đã có những tuyên bố như trên, một ngày sau khi Kim Yo Jong, em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lên tiếng cảnh cáo rằng các cuộc tập trận phối hợp Mỹ – Hàn rất có thể sẽ làm phá hỏng các nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ Liên Triều.

Vẫn theo Kim Yo Jong, quan hệ Bắc – Nam Triều Tiên hiện nay đang trong một « thời điểm mang tính quyết định » sau khi các đường liên lạc xuyên biên giới bị cắt đứt từ lâu đã được nối lại hồi tuần trước.

Theo khẳng định của Boo Seung Chan, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng trong cuộc họp báo thường nhật, « Hoa Kỳ và Hàn Quốc đang tiến hành nhiều cuộc tham vấn chặt chẽ do còn phải xem xét nhiều tình huống có liên quan » như dịch bệnh, thế trận phòng thủ phối hợp, chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến trong thời chiến và các nỗ lực phi hạt nhân hóa.

Về phần mình, phát ngôn viên bộ Thống Nhất , bà Lee Jong Joo, nhấn mạnh « luôn có cách làm việc khôn khéo và linh hoạt trên cơ sở lập trường là sẽ không để các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn được sử dụng như là một cái cớ làm trầm trọng thêm những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. »

Hãng tin Yonhap nhắc lại, Bắc Triều Tiên thường xuyên tố cáo các cuộc tập trận chung mùa hè thường niên Mỹ – Hàn như là một đợt thao diễn xâm chiếm, trong khi Mỹ và các đồng minh luôn khẳng định những cuộc tập trận này đơn giản chỉ mang tính chất phòng thủ.


ASEAN họp bàn bổ nhiệm đặc sứ đến Miến Điện

Thùy Dương

image.png
Cuộc họp trực tiếp của lãnh đạo các nước ASEAN bàn về tình hình Miến Điện, được tổ chức tại trụ sở ban thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesian, ngày 24/04/2021. AP – Laily Rachev

Sáu tháng sau khi quân đội Miến Điện đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi và đẩy đất nước vào khủng hoảng, trong khuôn khổ Hội Nghị Ngoại Trưởng khối Đông Nam Á ASEAN trực tuyến, lãnh đạo ngoại giao của 10 thành viên hôm nay 02/08/2021 đã thảo luận về tình hình Miến Điện, đặc biệt về việc bổ nhiệm một đặc sứ đến quốc gia này nhằm chấm dứt bạo lực và thúc đẩy đối thoại giữa tập đoàn quân sự cầm quyền và phe đối lập.

Trang Nikkei Asia cho biết cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN kéo dài khoảng 5 tiếng thay vì 2 tiếng như dự kiến ban đầu.

Theo ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi, cuộc thảo luận diễn ra “rất cởi mở” nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy có tiến triển rõ ràng trong việc tìm được một giải pháp cho vấn đề Miến Điện. Indonesia kêu gọi Miến Điện và ASEAN tiến tới chấp thuận một đặc sứ của khối tại Miến Điện.

Các nhà ngoại giao cho Reuters biết có nhiều khả năng thứ trưởng Ngoại Giao Brunei Erywan Yusof, sẽ được bổ nhiệm vào vị trí này.

Phiên họp của ASEAN diễn ra sau khi quân đội Miến Điện hôm qua tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời và tướng Min Aung Hlaing tự xưng là thủ tướng.

Từ Bangkok, thông tín viên khu vực Carole Isoux cho biết thêm chi tiết :

« Mười nước ASEAN trong ngày hôm nay phải khẳng định danh tính của vị đặc sứ này. Hai ứng viên được nhiều sự ủng hộ là Erywan Yusof, thứ trưởng Ngoại Giao Brunei, người được cộng đồng quốc tế ủng hộ và Virasakdi Futrakul của Thái Lan, người được các tướng lĩnh Miến Điện ưa thích hơn.

Đó là bởi vì có hai cách tiếp cận trái ngược nhau trong nội bộ ASEAN. Một bên là những người ủng hộ cuộc đối đầu thẳng thừng với các tướng lĩnh Miến Điện và tổ chức các cuộc họp với phe đối lập chính trị Miến Điện. Đó là trường hợp của các nước Indonesia, Singapore hay Malaysia. Chính thủ tướng Malaysia Muhidyin Yasin đã có những lời lẽ rất cứng rắn với tập đoàn quân sự Miến Điện. Còn bên kia là những người ủng hộ cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn. Đó là trường hợp của các nước láng giềng ngay sát Miến Điện, trước tiên là Thái Lan, sau đó là Cam Bốt và Việt Nam.

Thái Lan là một trường hợp đặc biệt do các tướng lĩnh lên nắm quyền qua một cuộc đảo chính hồi năm 2014, nhưng sau đó được hợp pháp hóa qua các lá phiếu bầu cử nhờ có các cuộc cải cách. Do vậy, Thái Lan có thể đại diện cho một mô hình khả thi cho các tướng lĩnh Miến Điện. ASEAN vẫn gắn với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, nhất là vì những lý do lịch sử gắn với quá khứ thuộc địa của khu vực. Vì thế, tiến trình ngoại giao sẽ lâu và thận trọng ».

Pfizer và Moderna tăng giá: Nhà nước yếu thế trước các hãng dược

Minh Anh

image.png
Cung thấp hơn cầu trong tình trạng độc quyền : Vac-xin Pfizer và Moderna sẽ đắt hơn. AP – Charles Krupa

Financial Times ngày 01/08/2021 cho biết giá bán một liều các loại vac-xin Pfizer và Moderna được giao cho Liên Hiệp Châu Âu sẽ lần lượt tăng 26% và 13%. Theo nhận định nhà kinh tế học về sức khỏe cộng đồng Nathalie Coutinet, sự việc cho thấy thế mạnh độc quyền của các hãng dược lớn trên thế giới đã vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà nước.

Cụ thể, giá bán một liều Pfizer tăng từ 15,5 lên thành 19,5 euro và của Moderna làtừ 19 lên thành 21,5 euro, theo như tiết lộ của tờ Financial Times. Trên đài phát thanh RFI, ông Clément Beaune khẳng định điều này chẳng có gì là gây sốc cả và đã được ghi rõ trong hợp đồng.

Thế nhưng, trong một báo cáo công bố ngày 29/07/2021, tổ chức phi chính phủ Oxfam phối hợp với liên minh People’s Vaccine Alliance, lên án các hãng dược lớn lợi dụng tình hình dịch bệnh và thế độc quyền nâng khống mức giá bán quá mức. Theo tính toán của những tổ chức này, thì dường như các hãng Pfizer và Moderna « thu lợi thêm hơn 41 tỷ đô la, cao hơn mức giá thành sản xuất ước tính cho các loại vac-xin ngừa Covid-19 ».

Làm sao giải thích cho việc tăng giá bán các liều vac-xin vào giữa lúc các nước đang phải vật vã đối phó với dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát mạnh vì biến thể Delta ? Truyền thông Pháp đưa ra một số lý giải như sau :
Thứ nhất, trên thế giới hiện chỉ có hai loại vac-xin ARN thông tin là Moderna và Pfizer được cho là có hiệu quả hơn so với các loại vac-xin đối thủ cạnh tranh khác. Đây cũng là hai loại vac-xin được sử dụng rộng rãi nhất tại Pháp và nhiều nước giầu có khác tại châu Âu.

Thứ hai, nhu cầu về hai loại vac-xin này có thể sẽ còn tăng lên do các biện pháp tiêm chủng bắt buộc và tình hình bùng phát biến thể Delta, buộc Pháp và nhiều nước Liên Âu phải tính đến việc phải tiêm thêm một liều thứ ba.

Cuối cùng là lợi thế cạnh tranh. Pfizer và Moderna tận dụng được tình trạng nhiều nước châu Âu lần lượt từ bỏ vac-xin AstraZeneca và Johnson&Johnson, được cho là kém hiệu quả hơn và có những tác dụng phụ gây lo ngại.

Trước nguy cơ cầu vượt cung này, giá cả thuốc men và vac-xin phòng trị bệnh một lần nữa lại do các hãng dược quyết định. Nhà kinh tế học về sức khỏe cộng đồng, bà Nathalie Coutinet, trả lời phỏng vấn đài RFI ngày 29/07/2021, chỉ trích những hãng dược này một lần nữa áp đặt thế độc quyền đối với người bệnh.

Theo nhà nghiên cứu này, « chỉ khi nào thế giới có được một loại vac-xin để thay thế, đáng tin cậy, như sắp tới đây có thể có Sanofi, thì mới có hy vọng làm hạ giá thành hay chí ít kềm hãm bớt mức tăng giá bán ». Vẫn theo kinh tế gia này, sự việc cho thấy rõ « các chính phủ đã mất quyền kiểm soát đối với các hãng dược ».

Giờ đây, đang ngay giữa mùa dịch, các cuộc đàm phán không mấy gì dễ dãi. Bà Nathalie Coutinet nhắc lại rằng trong hoàn cảnh này, Liên Hiệp Châu Âu chỉ có hai giải pháp : Hoặc nhóm họp lại mua với số lượng lớn để dễ bề thương lượng giá cả như những gì đã được thực hiện trong đợt đầu chiến dịch tiêm chủng.

Hoặc dỡ bỏ quyền sở hữu bằng sáng chế – như vậy các nước có thể tự sản xuất, gia tăng sản lượng và có thể sẽ làm hạ giá thành. Thế nhưng, đây lại là một vấn đề nhậy cảm khó thực hiện và khó đạt được một đồng thuận. Bởi một lẽ rất đơn giản, nước nào cũng phải bảo vệ ngành dược của mình, mỗi nước có một hãng dược riêng : Pháp có Sanofi, Mỹ có Pfizer…

Bản thân những hãng dược này cũng tiến hành các cuộc vận động hành lang bên cạnh các chính phủ, Liên Hiệp Châu Âu nhằm bảo vệ thế độc quyền bằng sáng chế. Tại Mỹ, « bất kể ông Biden có nói gì, còn có một ý muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cho dù có nhiều loại vac-xin phát triển được là nhờ vào nguồn ngân quỹ của nhà nước », theo như lưu ý của nữ kinh tế gia.

Tóm lại, sinh mạng của bệnh nhân một lần nữa nằm trong tay các hãng dược lớn !

Related posts