Đông Phương
Các phiên dịch viên người Afghanistan do quân đội Anh tuyển dụng nói rằng, do quá trình tái định cư của chính phủ Anh luôn bị trì hoãn, họ sợ rằng mình sẽ bị chặt đầu khi Taliban tái vùng dậy. Sau đó, các Bộ trưởng của Anh cho biết sẽ đích thân phụ trách kế hoạch giải cứu này để đẩy nhanh quá trình tái định cư cho cựu nhân viên người Afghanistan. Mỹ cũng đang điều máy bay để di dời các nhân viên người Afghanistan từng làm việc cho họ.
Tờ Daily Mail đưa tin ngày 31/7, sau khi bị chỉ trích dữ dội, chính phủ Anh đã ra lệnh yêu cầu “tăng gấp đôi” tốc độ xử lý kế hoạch giải cứu, và xem xét lại toàn diện các trường hợp bị từ chối.
Số lượng viên chức Anh hiện đang làm việc tại Afghanistan để đánh giá đơn xin tị nạn là khoảng 1.500 người. Các cựu nhân viên Afghanistan của Anh đang phải đối mặt với án chặt đầu của Taliban.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc tái định cư cho họ – những người phiên dịch đã giúp đỡ quân đội Anh trong hai thập kỷ chiến tranh vừa qua.
Thông dịch viên nằm trong danh sách sát hại hàng loạt
Taliban không phủ nhận rằng họ đã đưa các phiên dịch viên người Afghanistan vào danh sách giết hại hàng loạt. Taliban coi họ như những kẻ phản bội vì họ đã hợp tác với liên quân trong cuộc xung đột tàn bạo kéo dài 20 năm ở Afghanistan, dẫn đến cái chết của hơn 70.000 dân thường.
Kể từ khi quân đội Anh và các đồng minh phương Tây rút lui, Taliban đã mở rộng lãnh thổ và kiểm soát ít nhất một nửa đất nước. Các chuyên gia lo ngại rằng chính phủ quốc gia Afghanistan có thể sụp đổ trong vòng sáu tháng.
“Chuyến bay nhân từ” của Hoa Kỳ
Hoa Kỳ bắt đầu điều máy bay đưa các phiên dịch viên về Mỹ trong khi các tay súng Taliban tiếp tục tàn phá không thương tiếc đất nước này. Vào ngày 30/7, “Chuyến bay nhân từ” chở 221 người Afghanistan, bao gồm cả trẻ em và trẻ sơ sinh, đã hạ cánh xuống Virginia, Hoa Kỳ.
Đây là một phần của “Chiến dịch Đồng minh tị nạn” (Operation Allies Refuge), sẽ có tới 50.000 cựu nhân viên Afghanistan làm cho Hoa Kỳ và gia đình của họ được rời đi.
Vào tối ngày 30/7, lãnh đạo Đảng Lao động Anh, Ngài Keir Starmer, đã hối thúc chính phủ Anh sửa đổi “Chính sách Hỗ trợ và Tái định cư người Afghanistan” (ARAP) và áp dụng cách làm của Mỹ.
Hoa Kỳ sẵn sàng vận chuyển các trường hợp đang chờ kết quả xin tị nạn, bao gồm các phiên dịch viên và thành viên gia đình của họ. Nhưng thông thường, các phiên dịch viên của Anh phải đợi ở Afghanistan cho đến khi đơn xin tị nạn của họ được chấp thuận. Sau đó, họ mới được phép đến Anh.
Tuy nhiên, về số lượng người được giải cứu, Vương quốc Anh đang dẫn trước Hoa Kỳ, hơn 2.200 người Afghanistan đã được chuyển đến Vương quốc Anh và khoảng 400 người đã đến trong tuần vừa qua. Một quan chức cấp cao của Anh cho biết: “Chúng tôi đi trước người Mỹ nhiều năm”.
Nhưng Ngài Starmer nói: “Các phiên dịch viên Afghanistan rất quan trọng đối với chúng ta và chúng ta có trách nhiệm đạo đức chăm sóc họ. Tôi hy vọng chính phủ của chúng ta có thể làm được giống như Hoa Kỳ, chúng ta làm được như vậy càng sớm càng tốt”.
Hàng nghìn phiên dịch viên Afghanistan đang trong nguy hiểm
Liên minh Sulha, một nhóm phong trào dịch thuật Afghanistan, ước tính rằng quân đội Anh đã tuyển dụng hơn 3.000 phiên dịch viên và 4.000 nhân viên khác, có nghĩa là nhiều người ở Afghanistan vẫn có nguy cơ bị tấn công.
Chỉ vài giờ sau, có nguồn tin chỉ ra rằng Vương quốc Anh có thể sẵn sàng “mạo hiểm” để đưa người phiên dịch đến Anh trong khi chờ xem xét trường hợp của họ. Nhưng tin tức này chưa được chính thức xác nhận. Trước đó, tờ Daily Mail đã đặc tả hoàn cảnh của các thông dịch viên qua một phóng sự từng đoạt giải thưởng tên là “Sự phản bội của người dũng cảm”.
Vào ngày 30/7, ông Tom Tugendhat, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ từng phục vụ ở Afghanistan, cho biết: “Chúng ta cần cơ cấu và hệ thống quan liêu theo kịp. Một số phiên dịch viên đã bị chấm dứt hợp đồng vì lý do kỷ luật [mà điều này cản trở việc tái định cư của họ]. Nhưng những vấn đề [kỷ luật] này có đáng [để họ] bị kết án tử hình không? Bất cứ ai bị Taliban tìm ra đều sẽ bị giết, và gia đình của họ cũng sẽ bị giết”.
Bộ Quốc phòng Anh lên tiếng
Vào tối ngày 30/7, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Không một tính mạng nào đáng bị đe dọa bởi vì họ hỗ trợ cho chính phủ Anh ở Afghanistan. Chính sách tái định cư Afghanistan của chúng tôi là một trong những chính sách hào phóng nhất trên thế giới. Chính sách này đã hỗ trợ hơn 2.300 cựu nhân viên người Afghanistan và gia đình của họ bắt đầu cuộc sống mới ở Vương quốc Anh. Có 1.000 người đã đến Anh trong vài tuần qua. Khi chúng tôi tiếp tục đẩy nhanh tốc độ di dời, hàng trăm người khác sẽ lần lượt đến”.
Những người phiên dịch sống trong sợ hãi
Việc Taliban đang tiến tới kiểm soát nhiều khu vực của Afghanistan hơn khiến những người phiên dịch càng lo sợ. Họ cũng đang thúc giục chính phủ Anh mở rộng và đẩy nhanh kế hoạch tái định cư.
Vào tháng 5 vừa qua, ông Sohail Pardis, một phiên dịch viên người Afghanistan từng làm việc với binh lính Mỹ trong 16 tháng, đã bị quân Taliban chặt đầu tại một trạm kiểm soát đường bộ ở ngoại ô thủ đô Kabul của nước này.
Ông Eddie Idrees, một người bạn của ông Pardis và là một cựu phiên dịch viên của lực lượng đặc biệt, nói với The Daily Telegraph: “Cho đến nay, tôi đã mất 17 người bạn, tất cả đều đã bị Taliban giết hại. Pardis rất lạc quan, anh ấy cho rằng bản thân sẽ sớm được rời đi, và anh ấy nghĩ mình sẽ không bị bỏ rơi”.
Vào ngày 31/7, lực lượng Afghanistan và Taliban lại đụng độ ở ngoại ô Herat – thành phố lớn thứ ba của đất nước này. Một ngày trước đó, một nơi đóng quân của Liên Hợp Quốc ở thành phố này đã bị tấn công và một cảnh sát bảo vệ đã thiệt mạng.
Idrees cho biết, hiện giờ ông biết có 4 người phiên dịch đang lẩn trốn ở các tỉnh và phải thay đổi địa điểm liên tục, một số còn mang theo gia đình. Ông nói thêm: “Hàng nghìn thông dịch viên đã bị giết. Mỗi một người phiên dịch trong chúng tôi đều quen biết những người [phiên dịch] đã bị Taliban giết”.
Lo lắng sẽ là đối tượng bị chặt đầu tiếp theo
Các phiên dịch viên hiện đang làm việc với quân đội Anh ở Afghanistan và hiện đang ẩn náu ở Kabul nói với Sunday Telegraph rằng, họ lo lắng họ sẽ là người tiếp theo.
Một phiên dịch viên 34 tuổi cho biết, theo “Chính sách Hỗ trợ và Tái định cư người Afghanistan”, đơn xin tị nạn của ông đã bị từ chối hai lần. “Rõ ràng là mọi người đều biết rằng Taliban sẽ giết những ai làm việc cho Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) hoặc NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), ngay cả khi họ chỉ làm trong một ngày. Điều này rất rõ ràng, bởi vì Taliban không có lòng trắc ẩn với bất kỳ ai”.
Người này nói thêm rằng, ông “lo lắng” bản thân sẽ bị chặt đầu như Sohail Pardis.
Cả gia đình bị liên lụy
Một phiên dịch khác 38 tuổi được quân đội Anh thuê làm phiên dịch cho đội tuần tra của tỉnh Helmand từ năm 2006 đến năm 2014. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm việc với các nhân viên người Anh tại Học viện Quân sự Sandhurst ở Kabul.
Ông nói: “Bạn không bao giờ biết liệu bạn có thể sống sót trở về đồn hay không. Khi đó, tôi đang tuần tra và chúng tôi bị phục kích. Đầu tiên, một thiết bị nổ thô sơ đã giết chết hai binh sĩ Anh đi cùng với tôi. Sau đó, kẻ thù bắt đầu bắn chúng tôi và tôi đã nhảy vào một cái rãnh”.
Các binh lính Taliban đã đến nhà của ông ở tỉnh Paktia, Afghanistan, tra tấn anh em trai của ông và gửi thư đe dọa giết chết ông.
Ông cho biết: “Bây giờ bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra với tôi. Thậm chí ở Kabul còn có nguy cơ rất cao, bởi vì ở đây Taliban có gián điệp và những kẻ thâm nhập, và sẽ có những vụ giết người theo mục tiêu. Tôi sợ mỗi một người tiếp xúc với tôi, tôi nghĩ họ có thể giết tôi”. Gần đây ông đã cho con cái nghỉ học vì lo lắng rằng chúng sẽ bị bắt cóc, một trong số chúng mới 5 tuổi.
Thông dịch viên: Chính phủ Anh làm việc không thỏa đáng
Một thông dịch viên từng làm việc với quân đội Anh ở tỉnh Helmand cho biết: “Taliban để lại cho tôi lời nhắn rằng chúng tôi không quên ông – gián điệp Anh, chúng tôi sẽ sớm tìm ra ông và chặt đầu ông”.
Phiên dịch viên này nói rằng, ông và gia đình đã được thông báo vào tháng 1 rằng họ đủ điều kiện để chuyển đến Vương quốc Anh, nhưng ông vẫn chưa nhận được giấy thông hành. Sau khi đến Đại sứ quán Anh tại Kabul vào đầu tháng 7, ông được thông báo rằng hồ sơ kiểm tra an ninh của ông vừa được gửi đến Bộ Nội vụ Anh.
Ông nói thêm: “Ở Afghanistan, chúng tôi có một chuyện cười thế này, quá trình nộp đơn [xin tị nạn] giống như món salad của Afghanistan, mọi thứ được trộn lẫn và vứt bừa bãi khắp nơi. Một số người được tái định cư vài tuần sau khi đủ điều kiện, và những người như tôi vẫn đang phải chờ đợi sau 7 tháng. Tôi cho rằng họ không đánh giá đơn xin một cách thỏa đáng”.
“Bản thân tôi thích làm việc cho người Anh, và có nhiều kỷ niệm đẹp với họ. Tôi nghĩ người Anh công bằng, nhưng chính phủ Anh thì khác. Họ đã không đối xử công bằng với chúng tôi”.
Đáp lại, 40 cựu sĩ quan quân đội cấp cao từng phục vụ tại Afghanistan cảnh báo Thủ tướng Johnson. Họ nói rằng, nếu bất kỳ phiên dịch viên nào làm việc cho Anh bị sát hại, nước Anh sẽ phải đối mặt với “sự xấu hổ”. Họ “quan tâm sâu sắc” tới sự an toàn của các cựu nhân viên người Afghanistan. Bức thư gửi ông Johnson viết: “Nếu bất kỳ cựu thông dịch viên nào của chúng ta bị Taliban giết sau khi chúng ta rút quân, thì sự xấu hổ này sẽ đổ lên đầu đất nước chúng ta”.
Đông Phương