Hà Phương
Trong rất nhiều thập kỷ qua, giữa Nhật Bản và các nước luôn có một vấn đề tranh cãi không dứt. Đó là việc có nên đánh bắt và ăn thịt cá voi hay không. Vậy thực hư vấn đề này ra sao? Vì sao Nhật Bản không phải là nước săn bắt cá voi nhiều nhất, nhưng lại bị phản đối nhiều nhất? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Lược sử đánh bắt cá voi trên thế giới
Cá voi được săn bắt vào khoảng 3.000 năm TCN bởi các cộng đồng ven biển bằng các phương thức thô sơ, và là một phần bản sắc văn hóa của họ. Trong phần lớn lịch sử loài người, việc săn bắt cá voi có rất ít tác động đến quần thể cá voi nói chung, bởi số lượng đánh bắt không nhiều và thịt cá voi chỉ là một trong rất nhiều nguồn thực phẩm khác.
Ngoài mục đích chính là dùng thịt cá voi làm thực phẩm và mỡ làm dầu đốt mang tính thương mại cao, các bộ phận khác của cá voi cũng rất hữu dụng, như: tấm sừng dùng làm vật dụng lợp mái nhà, xương để chế tạo công cụ/đồ trang trí, nội tạng để ủ phân,…
Mãi cho đến thế kỷ 16, việc đánh bắt cá voi dần trở thành một ngành công nghiệp với các con tàu siêu to, đem lại lợi ích kinh tế cao cho các nước vùng duyên hải tại khu vực Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,.v.v.
Dọc theo các tuyến đường di cư của cá voi, tại nhiều vùng biển, mật độ cá voi đặc biệt dày đặc, và trở thành mục tiêu cho các tàu đánh cá. Cuối những năm 1930, có đến hơn 50.000 con cá voi bị giết mỗi năm. Ngành công nghiệp này phát triển cực kỳ hưng thịnh cho đến nửa đầu thế kỷ 20.
Năm 1986, Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) với 89 nước thành viên, buộc phải ra sắc lệnh “cấm đánh bắt cá voi với mục đích thương mại”, vì hầu hết các nguồn cá voi đang cạn kiệt và một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Mặc cho hầu hết các nước chấp hành quy định này, một số quốc gia như Nhật Bản, Iceland, Na Uy… vẫn phản đối, và duy trì hoạt động đánh bắt cá voi dưới nhiều hình thức.
Vì sao Nhật Bản không phải là nước săn bắt cá voi nhiều nhất, nhưng lại bị phản đối nhiều nhất?
Theo báo cáo của IWC, số lượng cá voi bị đánh bắt từ năm 2010 – 2014 như sau:
Phần viền đỏ trên biểu đồ là các nước đánh bắt cá voi với mục đích thương mại (gồm có: Na Uy, Hàn Quốc, Nhật Bản và Iceland) và phần viền xám bên phải là các nước đánh bắt để phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân bản địa.
Từ biểu đồ này có thể thấy, số lượng cá voi mà Nhật Bản đánh bắt chỉ chiếm khoảng 10% tổng số, thấp hơn nhiều so với một số nước khác. Nhưng câu hỏi đặt ra là: “Vì sao Nhật Bản lại là nước gánh chịu sự chỉ trích mạnh mẽ nhất của cộng đồng thế giới về việc đánh bắt và tiêu thụ thịt cá voi?”
Nguyên nhân có thể vì 5 lý do sau:
- Một số nước được cho phép săn bắt cá voi vì sinh tồn, Nhật Bản thì không
Theo lệnh cấm của IWC, chỉ có hai hoạt động đánh bắt cá voi được phép duy trì, đó là: đánh bắt vì mục đích nghiên cứu khoa học và mục đích sinh tồn của người dân bản địa.
Do vậy, các cộng đồng bản địa tại Mỹ, Canada, Greenland, Nga… vẫn tiếp tục duy trì tập tục săn bắt cá voi để phục vụ nhu cầu sống thiết yếu, khi nguồn cung thức ăn ở vùng cực này khá khan hiếm. Nên dù săn bắt một số lượng lớn, họ vẫn không bị xem là vi phạm.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia săn bắt cá voi vì mục đích khoa học. Và chỉ có Na Uy, Iceland không chấp hành lệnh cấm mà vẫn duy trì việc săn bắt cá voi vì mục đích thương mại, vì họ cho rằng sản lượng cá voi của nước họ vẫn dồi dào, phù hợp cho việc đánh bắt để duy trì hệ sinh thái.
- Sự thiếu trung thực của Nhật trong vỏ bọc ‘vì mục đích khoa học’
Nhật Bản tuy trên bề mặt là tuân thủ lệnh cấm của IWC, và xin phép đánh bắt cá voi với mục đích nghiên cứu khoa học, với số lượng chỉ khoảng 300 con/năm. Nhưng nhiều bằng chứng của các Hiệp hội Bảo tồn Biển và Tổ chức Hòa bình Xanh đã cho thấy đây chỉ là “vỏ bọc” cho hoạt động tiếp tục đánh bắt cá voi với mục đích thương mại một cách trái phép của Nhật Bản.
Họ nói “để nghiên cứu” nhưng đánh bắt cá voi bằng các con tàu lớn, có tính sát thương cao, “mẫu vật nghiên cứu” lại khá lớn, và thịt lại được bày bán tràn lan ngoài chợ!!
Na Uy, Iceland cũng đánh bắt vì mục đích thương mại, nhưng họ thẳng thắn thừa nhận điều đó hoặc rút khỏi IWC. Vì thế, sự thiếu trung thực này của Nhật Bản khiến cộng đồng quốc tế cảm thấy “khó chịu” như thể bị qua mặt.
Nhật Bản là nước tiêu thụ cá voi thương mại lớn nhất thế giới
Nhật Bản là nước có truyền thống ăn thịt cá voi từ rất lâu đời. Đặc biệt, trong giai đoạn kinh tế đất nước kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới thứ II, thịt cá voi đã trở thành một món ăn không thể thiếu và gần như xuất hiện trong mỗi bữa ăn gia đình của người Nhật, khi những loại thịt khác trở nên rất khan hiếm, chỉ có thịt cá voi là dồi dào.
Thậm chí, một thế hệ trẻ em Nhật Bản đã lớn lên cùng với quy định bắt buộc phải có thịt cá voi trong bữa trưa ở trường để cải thiện dinh dưỡng.
Nhiều năm gần đây, khi kinh tế Nhật dần phát triển, nguồn thực phẩm trở nên đa dạng hơn với nhiều sự lựa chọn như thịt heo, thịt bò, thịt gà… Và lúc này, thế hệ sau của Nhật Bản cũng không còn sử dụng cá voi như nguồn thực phẩm chính nữa.
Trước năm 1986, trung bình người Nhật tiêu thụ 2,3 kg thịt cá voi/người/năm. Hiện nay, nhu cầu sử dụng thịt cá voi của dân Nhật giảm nhiều, chỉ còn khoảng 40 gam/người.
Dù vậy, so với các nước khác, thì nhu cầu này của Nhật vẫn là khá cao. Vì thế mà hầu hết sản lượng cá voi đánh bắt được của Na Uy, Iceland đều được xuất bán sang Nhật.
Với quan điểm “không có cầu thì không có cung” và “cá voi là loài thông minh và giàu tình cảm”, các nhà bảo vệ động vật và môi trường trên thế giới ra sức lên án tập tục ăn thịt cá voi của người dân Nhật, và kêu gọi Nhật ngừng ngay việc ăn thịt cá voi cũng là điều có thể lý giải được.
- Sự ra đời của bộ phim ‘Vùng Vịnh’
Việc phản đối này càng gia tăng và trở thành một làn sóng mạnh mẽ trên toàn thế giới bởi sự ra đời của một bộ phim tài liệu mang tên “Vùng Vịnh” (The Cove) vào năm 2009, do cựu phóng viên ảnh của National Geographic – Louie Psihoyos – làm đạo diễn. Bộ phim nói lên thực trạng đánh bắt cá heo và cá voi tại thị trấn Taiji, tỉnh Wakayama, Nhật Bản – nơi có lịch sử săn bắt cá heo và cá voi từ thế kỷ thứ 17.
Bộ phim gây được tiếng vang lớn trên thế giới, đem lại cho đoàn làm phim 25 giải thưởng danh giá, trong đó có giải Oscar thứ 82 cho hạng mục “Phim tài liệu xuất sắc nhất” năm 2010.
Nhưng nó cũng làm dấy lên cuộc tranh cãi không dứt giữa những người ủng hộ và phản đối việc săn bắt cá voi. Đối với người dân Nhật Bản, đặc biệt là ngư dân vùng Taiji, những thước phim này đem đến cái nhìn phiến diện cho thế giới về tập tục săn bắt cá heo, cá voi có từ lâu đời ở Nhật. Họ cho rằng bộ phim là “chống Nhật”, là theo “chủ nghĩa đế quốc văn hóa” – áp đặt văn hóa nước mạnh lên nước yếu. Họ tẩy chay dữ dội, yêu cầu các rạp ngừng phát hành bộ phim.
Bên phản đối thì cho rằng: hành vi săn bắt và ăn thịt cá voi của Nhật Bản là tàn ác, và đem đến nguy cơ tuyệt chủng cho một số loài cá voi thuộc giống loài quý hiếm. Họ yêu cầu Nhật Bản nên bãi bỏ tập tục này để bảo tồn số lượng của loài động vật này.
Để đáp trả, năm 2015, nữ đạo diễn phim tài liệu người Nhật – Koike Yagi – đã cho ra mắt bộ phim “Behind the Cove: the Quiet Japanese speak out” (tạm dịch: “Phía sau Vùng Vịnh: sự lên tiếng của những người Nhật thầm lặng”). Bộ phim mang đến cho các khán giả trên thế giới góc nhìn khác về tập tục săn bắt cá voi đã có từ lâu đời ở Nhật như một biểu tượng của văn hóa tín ngưỡng. Đồng thời, phơi bày một số sự thật bị bóp giới truyền thông.
- Nhật Bản là nước phản ứng mạnh nhất với lệnh cấm
Săn bắt cá voi là vấn đề căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa Nhật với các nước, và Nhật không hề tỏ ra nhượng bộ trước sức ép quốc tế.
Tháng 9/2018, Nhật chủ trì Hội nghị cấp cao của IWC tại Brazil và cố gắng tìm cách thông qua văn kiện nhằm cho phép ấn định quota đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại đối với một số loài cá voi có số lượng phong phú.
Đề xuất này đã bị các nước muốn bảo vệ cá voi kịch liệt phản đối. Tiên phong là Úc, kế đến đến là Liên minh châu Âu và Mỹ. Ba tháng sau, Nhật tuyên bố rút khỏi IWC vì cho rằng IWC đã không thực hiện đúng nhiệm vụ “thúc đẩy săn bắt bền vững”, mà đã chuyển sang “chống săn bắt cá voi và ủng hộ bảo tồn”.
Rời khỏi IWC, Nhật Bản mất quyền đánh bắt dưới danh nghĩa khoa học trên vùng biển quốc tế, chỉ có thể săn bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Một mặt nào đó, nó giúp họ tiết kiệm được một khoảng tiền vì các tàu đánh bắt không còn phải đi đến tận Nam Cực xa xôi nữa.
Dù Nhật không phải là nước duy nhất rời khỏi IWC sau lệnh cấm, nhưng do kết hợp những lý do trên, nên việc ăn thịt cá voi của Nhật Bản lại vấp phải việc lên án mạnh mẽ đến vậy.
Quan điểm của người Nhật hiện nay về ăn thịt cá voi
Đứng trước lệnh cấm của IWC và sự phản đối của cộng đồng quốc tế về việc tiêu thụ thịt cá voi, người dân Nhật nghĩ gì?
Thịt cá voi không còn được chuộng
Dù cá voi từng là nguồn thực phẩm quan trọng với người Nhật sau Chiến tranh Thế giới thứ II, nhưng suốt 30 năm sống dưới lệnh cấm săn bắt cá voi, và sự phát triển kinh tế giúp người dân dễ dàng lựa chọn nguồn thịt thay thế hơn, thì có vẻ như thịt cá voi không còn hấp dẫn với đại đa số người dân nữa.
Ngày nay, khẩu vị của người Nhật cũng đã thay đổi. Dù thịt cá voi vẫn được bày bán trong các siêu thị và đồ hộp, nhưng người trẻ bây giờ không có hứng thú với món ăn này, và thậm chí nhiều người lớn tuổi cũng không muốn thử lại món cá từng gắn bó với họ một thời nữa.
Theo giáo sư Kazuhiko Kobayashi – đồng tác giả cuốn “Chuyển đổi chế độ ăn uống của Nhật Bản và những tác động của nó” cũng cho rằng: “Giờ đây, cá voi đã mất vị trí trong số các loại thịt động vật, nó chỉ còn là món ăn gây tò mò cho một số người Nhật”.
Một cuộc khảo sát năm 2006 do Tổ chức Hòa bình Xanh ủy quyền cho thấy: 95% người Nhật rất hiếm hoặc chưa từng ăn thịt cá voi. Và lượng thịt cá voi đông lạnh thừa tồn kho ở Nhật Bản đã tăng gấp đôi lên 4.600 tấn từ năm 2002 đến 2012.
Theo thống kê chính thức của chính phủ Nhật Bản, hiện có khoảng 300 người làm việc trực tiếp trong ngành săn bắt cá voi, và thịt của loài cá này chỉ chiếm 0,1% tổng lượng thịt tiêu thụ của Nhật Bản (số liệu năm 2016). Ước tính 4.000 đến 5.000 tấn thịt cá voi được tiêu thụ mỗi năm ở quốc gia này, tương ứng với 40 gram cho mỗi người dân Nhật – khoảng một nửa quả táo.
Mong muốn giữ lại nghề săn bắt cá voi như một phần di sản
Theo người Nhật, săn bắt cá voi thương mại không có ý nghĩa kinh tế. Tuy nhiên, đó là một phần di sản của họ.
Những người bảo thủ cho rằng cá voi chính là món ăn mang đậm nét văn hóa Nhật Bản, bởi vì tổ tiên người Nhật đã có tập tục săn bắt và ăn thịt cá voi từ lâu đời. Đặc biệt là những người tầng lớp trước vốn đã trải qua những năm tháng mà thịt cá voi là thực đơn chính trong các bữa ăn hàng ngày.
Họ vẫn muốn giữ lại truyền thống ăn thịt cá voi như là một cách bảo vệ nét văn hóa từ xa xưa của người Nhật. Họ cho rằng việc cấm săn bắt cá voi trong khi vẫn vô tư giết hại những loài vật khác là không mang tính logic.
‘Bạn ăn bò và heo, vậy tại sao chúng tôi không thể ăn cá voi?’
Đối với nhiều nước, cá voi được coi là loài động vật thông minh, thân thiện và giàu tình cảm với con người. Ở một số quốc gia như Việt Nam, cá voi thậm chí còn được xem là vị Thần Nam Hải và được ngư dân tôn thờ. Còn đối với người Nhật, cá voi chỉ đơn giản là thức ăn.
Nhiều người Nhật cho rằng sự phản đối của phương Tây chính là: “Họ đang cố gắng ép buộc các giá trị của họ lên chúng tôi”.
“Động vật hoang dã là để xem và chiêm ngưỡng, và bạn chỉ nên ăn những động vật như bò và heo được nuôi. Nhưng, Úc giết 3-4 triệu con chuột túi mỗi năm, và ở Mỹ, họ bắt 5,6 triệu con hươu hoang dã”, một người Nhật chia sẻ.
“Bạn hãy thử tưởng tượng người Anh sẽ phản ứng như thế nào, nếu những người theo đạo Hindu cố gắng cấm ăn những con bò mà họ coi là những vị Thánh của họ?”
Nhiều ngư dân cho rằng, người phương Tây ăn thịt bò, thịt heo thì người Nhật ăn thịt cá voi. Vì vậy, không có lý do gì người Nhật lại phải hứng chịu sự chỉ trích này, trong khi một số nước khác cũng đang đánh bắt cá voi.
Để giải thích về việc kháng cự lại lệnh cấm của IWC, giới chức Nhật Bản cũng cho rằng: “Cấm săn bắt cá voi trước khi cấm giết các động vật khác là hơi mâu thuẫn về mặt logic. Nếu lập luận của bạn là về bảo tồn, thì cá ngừ vây xanh, một phần quan trọng hơn trong chế độ ăn uống của người Nhật, cũng đang bị đe dọa nhiều hơn.
Nếu lập luận của bạn là săn bắt cá voi là tàn nhẫn, thì việc nuôi trong nhà máy cũng vậy. Nếu lập luận của bạn là cá voi thông minh, thì heo cũng vậy”.
Lời kết
Những phân tích trên giúp chúng ta hiểu phần nào về lịch sử săn bắt cá voi, nguyên nhân vì sao Nhật Bản bị chỉ trích và quan điểm của người dân Nhật Bản trong việc này.
Thật khó để nói ai đúng ai sai, vì mỗi người đều đứng trên một quan điểm riêng. Nhưng chúng tôi tin rằng việc săn bắt và ăn món gì không quan trọng bằng ý thức tôn trọng đối với các loài vật khác, không nên xem con người là loài đứng đầu chuỗi thức ăn mà tàn phá thiên nhiên một cách vô trách nhiệm.
Mẹ thiên nhiên sẽ vẫn có đủ tài nguyên cho tất cả chúng ta, nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng nên “biết đủ”. Khi đó, những lo sợ khai thác quá mức hay phản đối, bất đồng ý kiến về ai ăn gì, làm gì cũng sẽ trở nên không cần thiết nữa.
Hà Phương