Du Uyên
Dầu là người Sài Gòn thâm căn cố đế hay người mới nhập cư, có lẽ đã không ít lần mệt mỏi với những tiếng ồn của Sài Gòn, tuy lúc bình thường thì cũng yêu thương, quý mến “chúng” (những tiếng ồn) lắm.
Ăn sáng, cà phê xong về làm lặt vặt, ngồi chưa nóng đít là đã nghe tiếng của mấy cô bán chè, bán đậu hủ nước dừa, bán kem, kẹo kéo… tiếng quảng cáo keo dính chuột, tiếng loa “bánh mì Sài Gòn – 5 ngàn một ổ – đặc ruột thơm bơ” của mấy chú đạp xe, tiếng đập trộm đồ (mà người ta bỏ hơ hỏng ngoài cửa) của mấy bà mua ve chai, tiếng con nít, tiếng chó, tiếng xe honda, xe hơi… rải tràn khắp hẻm. Ai hên (hoặc xui) nữa, ở trúng xóm có nhiều người “đam mê văn nghệ” còn được khuyến mãi tiếng nhạc vàng, nhạc đỏ kình nhau của hai/ba/bốn vị hàng xóm hông bằng mặt cũng không thích bằng… “gu” nhạc, coi như đi luôn những bữa trưa/chiều cuối tuần đầy thơ mộng (đã định sẵn trong đầu).
Hay ở trúng “khu ẩm thực”, tối lên đèn là người người lên đồ cùng xông tới dưới chân nhà bạn, cụng ly, bàn chuyện rôm rả… Hôm nào lòng bạn vui thì bạn thấy họ ăn uống vui chơi hẹn hò sao thấy vui quá chừng, muốn lên đồ chạy xuống góp vui ghê! Hôm nào quạu, tới ngày phụ nữ, tới deadline mà bí ý tưởng, tới cái gì đó hoặc đơn giản hết tiền tiêu… thì bạn lại thấy hối hận vì ở đây, sao ăn thôi mà cũng ồn ào quá vậy? Ông bà cha má không dạy là ăn không nói, ngủ không ngáy hay sao? Uống thôi đừng cụng ly được không? Trời ơi sao lại hôn nhau trước mặt người ế hả?
Mà nhân loài luôn phức tạp, mất đi rồi mới thấy yêu quý những điều nhỏ nhặt nhất. Từ hồi Sài Gòn bị phong tỏa bởi dịch bệnh, người người nhà nhà lên mạng than thở thèm tiếng ồn, thèm đứng chịu trận giữa trời nắng mấy chục phút vì kẹt xe (còn hơn ngồi trong mát mà nghe bà xã cằn nhằn), thèm ăn đồ vỉa hè – mấy thứ luôn bị cho là không hợp vệ sinh an toàn – chứ ăn cơm nhà tuy có an toàn đường bụng nhưng trái tim cứ thấp thỏm hoài. Vì đầu bếp hay biến tấu món ăn theo công thức lạ…
Hôm rồi, người bạn tôi thở dài qua điện thoại, nói nhớ tiếng nhắc tắt đèn xi-nhan, gạt chân chống của tha nhân, nhớ tiếng tôi ngồi kế tay lái chỉ đường cho nó, dầu sau mỗi lần tôi chỉ đường xong thì hên lắm hai đứa mới không cãi nhau vì đi lạc.
Một người bạn khác của tôi, nhà ngay vòng xoay Lăng Cha Cả than thở với tôi là nhung nhớ tiếng tri hô… cướp… cướp giữa rừng người kẹt xe trước nhà nó. Rồi nó thở dài ra chiều yêu nước thương dân, hỏi “Dạo này dịch dã, đường vắng bóng ăn trộm, không biết họ sống sao? Có đủ “sở hụi” hay không?”
Hồi xưa, ông Trịnh Công Sơn có biên “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”, giờ tôi thấy nhân loài bị “nhốt” trong nhà lâu quá cũng trở nên “từ bi bất ngờ” không ít. Chẳng những người bạn tôi ở trên, mùa dịch này có nhiều người bỗng lo cho những con người ngoài rìa xã hội ghê. Có anh họa sĩ kia đăng liền mấy bài tỏ vẻ quan tâm cho đời sống những con… nghiện và những người làm nghề… phạm pháp trong mùa dịch. Ảnh thắc mắc là những người nghiện sẽ sống và “phê pha” thế nào khi toàn dân bị cấm ra đường? Chốt chặn khắp nơi… Quan trọng là người ta một là chết vì bệnh vì dịch, hai là làm ăn thất bát, tiền đâu mua ma túy, tiền đâu để bị con nghiện ăn trộm, ăn cắp nữa…
Còn đây là ví dụ cho những người phạm pháp mà không “thành đạt”: Hôm rồi có một bạn trẻ nhắn tin cho một fanpage lớn để nhờ trang này truyền tin cho người đã trót ghé nhà bạn ăn trộm đêm qua, không phải là tiếc món đồ bị trộm, mà chỉ để nhắn nhủ rằng cả nhà bạn đã nhiễm cúm Vũ Hán, đang điều trị, nên bạn ăn trộm kia hãy bảo trọng, tranh thủ đi kiểm tra coi có lây hay không, kẻo đi trộm nhà khác lây cho người ta hoặc bệnh nặng rồi không còn sức trộm nữa.
Nói lo cho những người phạm pháp chứ có lẽ, người ta sẽ lo cho mình nhiều hơn. Vì sau dịch thường thì lượng người tốt trở thành người xấu tăng lên, mà người xấu sẵn vẫn đông như cũ, từ đó mà xã hội trở nên bất an hơn, tệ nạn hoành hành nặng nề hơn…
Ðiều tôi học được trong mùa dịch này là những thứ tốt đẹp, những khoảnh khắc đáng nhớ, những con người đáng trân trọng mà mất đi rồi thì coi như mất biệt – khó trở lại lắm. Ðơn giản như bà chủ quán phở ngon nức tiếng kế nhà tôi. Bà vừa than thở: qua dịch này coi như “đứt vốn”, bà định về quê làm cái gánh phở ở trước sân nhà, bán cho bà con trong xóm, không trụ ở Sài Gòn nữa, có chết thì chết dưới quê cũng… an tâm hơn.
Tuy không hiểu là chết rồi thì sao còn quan trọng ở đâu nữa mà an tâm (vì tôi không có quê xa như bà), nhưng nghe mà buồn lắm, thứ nhất bà là một hàng xóm tốt, ít nhất thì bà chưa tung tin đồn nào sai trái về tôi, thứ hai là phở và con trai của bà đều rất… ngon. Nếu biết bữa đó là ngày cuối cùng bà bán phở, tôi đã ăn luôn hai tô một lần, không cần giữ kẽ với con trai của bà rồi. Dầu gì qua dịch ảnh cũng về quê cắm câu, mà tôi làm dâu miền Nam chưa biết được không? Nói gì “theo chàng về dinh” xứ Bắc xa xôi.
“Nhân văn” như vậy mà không nhà báo trong nước nào lên bài xào đi xào lại để ca ngợi, cứ thi nhau đăng mấy bài trùng lặp theo lối mòn tuyên giáo cũ rích (như cùng hình ảnh một người phụ nữ chích vaccine nhưng mỗi tờ báo chú thích tên khác nhau, chỉ để khuyến khích dân chích vaccine Tàu), khiến dân tình vừa chia sẻ vừa “khẩu nghiệp” quá trời.
Tuy bạn bè tôi là nhà báo trong nước rất nhiều, nhưng tôi cũng phải cảm thấy làm nhà báo trong nước dạo gần đây bị coi là một nghề “không thiết yếu” cho lắm, ít nhất trong mùa dịch này. Vì mỗi khi nhà báo lên bài là đa số các độc giả có chính kiến đều không tin, nhiều người âm thầm hoặc công khai khuyên nhau hãy nghĩ và làm ngược lại lời báo nói, nhất là những tin về “lệnh phong tỏa”. Còn những “tin mật”, tin không chính thống bị tuồn ra, đa số lại được “trọng dụng” (dầu không ai biết mấy cái tin hầu như sẽ chính xác đó là do ai tuồn?).
Dịch bệnh lấy đi của thị dân những tiếng ồn bình dị, có khó chịu thì lâu lâu cũng thấy thương… trả lại cho dân những tiếng kèn xe cấp cứu dồn dập. Lấy đi vốn liếng/cuộc sống thường nhật vốn đã vất vả của người nghèo, trả lại những tiếng than khóc không những vì kiệt quệ, thiếu thốn mà còn vì dịch bệnh và lẻ loi. Trước dịch bệnh, hơn 2/3 dân số trở nên “bình đẳng”, bây giờ thì chúng ta có thể nghe tiếng kêu than từ các chủ doanh nghiệp đến chủ quán cóc, “chủ” của mấy cọc vé số… tất cả đều đau đớn như nhau. Ngoài ra, dịch còn lấy đi của người dân không ít lòng tin vào nhà báo lẫn nhà nước nữa, đó là điều tôi đọc được từ các bình luận, video của người dân trên mạng xã hội.
Nhưng có lẽ, dầu là âm thanh gì, vui tươi hay đau đớn, tôn vinh hay bất bình – từ phía dân đen cũng đều bị kẹt lại bên ngoài bức tường của những biệt phủ rồi? Nên mỗi ngày, những quyết định, kiến nghị vô cảm cứ tuôn ra như suối trên tivi, báo chí – không cần biết dân có làm được không? Hay làm rồi thì dân có vui hơn không?
Quan ơi, muốn biết đời vui hay buồn phải thò tai qua khỏi bức tường biệt phủ mới nghe thấu được, chứ không thể như ông nội trong bài văn một học sinh cấp 2: Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả chỉ trùm mền ngủ trong phòng, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi: cơm chín chưa bây?