Frank Yue
Một quan chức an ninh đứng đầu của Trung Quốc đang tranh cử vào Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Tuy nhiên, việc ứng cử của ông đã vấp phải sự phản đối trên toàn cầu từ các nhà lập pháp và các nhóm nhân quyền.
Ông Hồ Bân Sâm (Hu Binchen), Phó Tổng Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc, sẽ cạnh tranh với hai ứng cử viên khác cho hai ghế của khu vực Á Châu trong Ủy ban Điều hành gồm 13 thành viên của Interpol tại kỳ họp Đại Hội Đồng lần thứ 89, được tổ chức từ ngày 23/11 đến ngày 25/11 tại Istanbul.
Tổng cộng 50 nhà lập pháp – đến từ 20 quốc gia và là thành viên của Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) – đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc ứng cử của ông Hồ trong một bức thư chung đề ngày 15/11 gửi tới các quốc gia thành viên Interpol. Họ cáo buộc Trung Quốc liên tục lạm dụng hệ thống Thông Báo Đỏ của Interpol để đàn áp những người bất đồng chính kiến lưu vong. Các nhà lập pháp cho biết Đại Hội Đồng Interpol có thể bật “đèn xanh” cho Trung Quốc tiếp tục lạm dụng tổ chức thế giới này và đẩy những người bất đồng chính kiến ở hải ngoại, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, vào “nguy hiểm thậm chí còn nghiêm trọng hơn”.
Các nhà chỉ trích IPAC đã dẫn chứng trường hợp của nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ Idris Hasan (hay còn gọi là Yidiresi Aishan) làm ví dụ. Sau một Thông Báo Đỏ của Interpol do Trung Quốc đệ trình, ông Hasan đã bị giam giữ tại Maroc hồi tháng Bảy sau khi đến nước này từ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông đã sinh sống từ năm 2012. Ông Hasan mang quốc tịch Trung Quốc và có giấy phép cư trú của Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi tháng Tám, Interpol đã hủy bỏ thông báo đỏ sau khi tiến hành xem xét vụ việc.
Ông Dolkun Isa, chủ tịch Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới, từng có một Thông Báo Đỏ yêu cầu bắt giữ ông trong 20 năm cho đến năm 2018. Trong khoảng thời gian đó, ông đã bị giam giữ và đã có thể bị dẫn độ về Trung Quốc ở ít nhất 5 quốc gia mà ông đến, trong đó có Hoa Kỳ, Nam Hàn, và Ý.
Hôm 15/11, 40 đại diện của các nhóm nhân quyền đã bày tỏ mối lo ngại tương tự trong một bản kháng nghị đối với nỗ lực tranh cử của ông Hồ. Vì các nhà hoạt động lưu vong phải đối mặt với nguy hiểm do sự đàn áp của Bắc Kinh, những người ký tên lo ngại rằng cuộc tranh cử của ông Hồ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự an toàn của các nhà hoạt động nhân quyền sống bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả những người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ ở hải ngoại.
Bà Phùng Ngọc Lan (Gloria Fung), chủ tịch của Canada-Hong Kong Link, đã lưu ý về lịch sử đàn áp thường dân trên diện rộng của ông Hồ trong một cuộc phỏng vấn hôm 16/11 với The Epoch Times. Bà cho biết ông Hồ là người tổ chức chịu trách nhiệm về cả hệ thống Thiên Võng (Skynet) và chiến dịch Săn Cáo (Fox Hunt), vốn sử dụng công nghệ tiên tiến để giám sát chặt chẽ xã hội công dân của Trung Quốc, trong đó có Hồng Kông.
“Bây giờ chúng ta có thể đoán trước rằng nếu một ứng cử viên có lý lịch như vậy thay mặt cho Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] được bầu vào Ủy ban Điều hành Interpol, thì dữ liệu lớn trong cộng đồng quốc tế, bao gồm cả những thông tin mang tính nhạy cảm cao, cũng sẽ rơi vào tay ĐCSTQ,” bà Phùng nói.
Bà cũng coi cuộc tranh cử của ông Hồ là một mối đe dọa lớn đối với các nhóm nhân quyền chỉ trích ĐCSTQ ở hải ngoại.
“Quý vị không bao giờ có thể biết được khi nào ĐCSTQ sẽ biết những bí mật hoặc dữ liệu của chúng ta hay họ sẽ đưa ra hành động gì để bắt giữ hàng ngàn người bất đồng chính kiến bên ngoài Trung Quốc,” bà Phùng nói.
Theo các nhà hoạt động lưu vong, ông Hồ từng là Phó Tổng Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc từ năm 2014. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã đóng vai trò chủ chốt trong việc củng cố mối bang giao của Trung Quốc với các nước đã trục xuất người Duy Ngô Nhĩ tới Trung Quốc trong những năm gần đây, trong đó có Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Campuchia.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
An Nhiên biên dịch