Vụ bắt giam nhà báo Phạm Chí Dũng vào ngày 21.11.2019 đã gây ra những nhận định, phỏng đoán hay suy diễn trái chiều.
Là chủ tịch sáng lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’ vào năm 2014, việc ông Dũng bị bắt đã được hầu hết các tổ chức theo dõi nhân quyền lên tiếng phản đối.
Ông Dũng lại là người am tường các mối quan hệ nội bộ của giới lãnh đạo chóp bụ cộng sản cùng mạng lưới sâu sau với các bài viết ăm ắp thông tin “tay trong”, vụ bắt giữ được hầu hết những người quan tâm thời cuộc chú ý.
Trong bài viết “Vì sao bắt Phạm Chí Dũng” tung ra ngày 23.11.2019, blogger Bùi Thanh Hiếu, dưới bút hiệu “Người Buôn Gió” nêu ra 5 luồng dư luận về vụ bắt giữ này, theo đó ông Dũng bị bắt là để:
- Đánh lạc hướng câu chuyện ở Hương Cảng.
- Vì chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Mỹ
- Vì sắp tới Việt Nam phải chấp nhận thành lập công đoàn độc lập.
- Ông Dũng thuộc phe nào đó, bị thanh trừng.
- Để ngăn chặn bình luận gây ảnh hưởng đến đại hội 13
Tác giả lọai bỏ ba điều, cho rằng chỉ điều 2 và điều 5 có cơ sở. Lý do là cách bình luận của ông Phạm Chí Dũng có vẻ trung dung, không nghiêng theo phe nào cả, Hồng Kông chẳng phải là chuyện cấp thiết của Việt Nam, còn công đòan độc lập là chuyện xa với.
Theo tác giả thì việc bắt ông Phạm Chí Dũng là “tín hiệu” của CSVN với Mỹ, ngụ ý rằng
Mỹ chỉ nên giúp Việt Nam về quân sự để chống Trung Quốc, đừng đòi hỏi Việt Nam ở vấn đề nhân quyền.
Tuy nhiên đây cũng là suy diễn.
Để hiểu rõ vấn đề này trong bối cảnh cuộc đấu đá quyền lực đang diễn ra thầm lặng nhưng cực kỳ gay gắt vì thời điểm đại hội đảng cũng không còn xa lắm, chúng ta cần trả lời câu hỏi đầu tiên: Ông Phạm Chí Dũng là ai?
Cựu trợ lý của Trương Tấn Sang?
Ông Phạm Chí Dũng thu hút sự chú ý lần đầu tiên vào tháng Bảy năm 2012 khi ông bị bắt với tin đồn là “Nguyễn Tấn Dũng cảnh cáo Trương Tấn Sang”, vì ông là “người của Sang” và bị bắt giữa thời điểm mà cuộc tranh hùng Dũng – Sang đang gay gắt
Lúc đó ông Dũng bị bắt với tội danh “viết tài liệu lật đổ” và “phá hoại nội bộ”. Thông tin cho biết ông là cán bộ Thành ủy TPHCM, từng là trợ lý của Trương Tấn Sang.
Ông Dũng bị bắt ngày 17.7.2012 thì chỉ ba ngày sau báo mạng Tầm nhìn, một diễn đàn khá uy tín và mang tính học thuật với nhiền bài thẳng thắn đả kích Nguyễn Tấn Dũng bị đóng cửa.
Diễn biến này cùng thông tin trên dễ dẫn đến kết luận rằng đây là đòn trả thù của Nguyễn Tấn Dũng.
Sau đó, đến ngày 20.7.2012 báo Tuổi Trẻ thông tin một ‘cán bộ nhà nước’ tên Phạm Chí Dũng bị bắt khẩn cấp vào ngày 17.7.2012 vì tội “biên soạn tài liệu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và “có quan hệ với Lê Công Định”.
Tuy nhiên sau đó bản tin này bị gỡ xuống, nội dung bị chữa lại, chỉ đơn giản thông báo ông Dũng là một cán bộ nhà nước tại Sài Gòn và ông ta “đã bị Cơ quan Công an bắt giam với cáo buộc làm lộ bí mật”: “Theo nguồn tin, sau khi các đối tượng Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung bị bắt và truy tố về hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân [2009], các tổ chức phản động tại nước ngoài vẫn tiếp tục các hoạt động chống phá chính quyền Việt Nam. Sau một thời gian điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ, cơ quan an ninh điều tra xác định ông Dũng là người cung cấp các tài liệu bí mật ra nước ngoài và nhận hàng ngàn USD.”
Phải chăng là có sự giằng co giữa hai thế lực nên tội danh của ông Dũng mới được “hạ tầng” từ “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” sang “lộ bí mật”?
Lúc đó có tin lề trái cho hay ông Dũng từng là trợ lý của Trương Tấn Sang từ năm 1993-1995, lúc ông Sang là chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố.
Tuy nhiên theo tác giả Vũ Đông Hà trên blog Dân Làm Báo thì ông Dũng đảm nhận nhiều vị trí công tác cả công khai lẫn bí mật. Về công khai Phạm Chí Dũng từng là cán bộ Ban Dân vận nhưng vai trò kín là cán bộ Ban An ninh nội chính thành ủy. Trong vai trò này, ông Dũng thường báo cáo tình hình và tháp tùng Trương Tấn Sang chứ không phải là trợ lý.
Nhưng dù là trợ lý hay không, tay chân của Trương Tấn Sang hay không, như sẽ thấy ở phần dưới, vụ bắt giữ ông Chí Dũng là đòn trả thù của Nguyễn Tấn Dũng.
Vậy thì ông Dũng là ai? Một nguời cộng sản bừng tỉnh?
Ông Phạm Chí Dũng sinh năm 1966 trong một gia đình cộng sản gộc gốc tỉnh Đồng Tháp, cha là Phạm Văn Hùng, sinh năm 1931, từng là thành ủy viên, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM. Bản thân ông Dũng đã là đảng viên cộng sản suối 20 năm, từ 1993 đến năm 2013, là năm ông tuyên bố bỏ đảng!
Ông Dũng xuất thân từ Học viện Kỹ thuật Quân sự, một niềm mơ ước của con cháu các gia đình cộng sản trong các thập niên 1970 – 1980, tuy nhiên sau khi tốt nghiệp ông Dũng được đưa về làm việc tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy.
Ông Dũng viết báo và viết văn, với nhiều bút danh khác nhau như Việt Thắng, Viết Lê Quân, Thường Sơn. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn TPHCM, đã xuất bản một số tác phẩm, với các tập truyện ngắn “Những bông hoa hoang dã” (1993), “Tự thú” (1994), “Những chiếc bồn tắm định mệnh” (2005); và tiểu thuyết “Cuộc phiêu lưu của linh hồn cầm cố” (2005), “Ngài nghị sĩ” (2006) và tập chính luận “Tự sự chứng Khoán – Những gam màu ám ảnh”, NXB Thông tấn 2007.
Tháng 7 năm 2012 ông bị bắt với cáo buộc “âm mưu lật đổ” nhưng sau tội danh này bị hạ thành “làm lộ bí mật. Nhưng rồi 6 tháng sau thì vụ án bị đình chỉ và ông Dũng được trả từ do,
Sau đó, ngày 5.12.2013 ông ông Dũng làm đơn xin ra khỏi đảng với lý do: “Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân”.
Tháng Hai năm 2014 ông Dũng được tổ chức theo dõi nhân quyền UN Watch mời sang Geneva để tham dự cuộc điều trần gọi là “kiểm điểm nhân quyền” vào ngày 5.2.2014, tuy nhiên đã bị công an chặn tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3.5.2014, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris, lần đầu tiên đã công bố danh sách “100 anh hùng thông tin 2014”, gồm các nhà báo và blogger ở 65 quốc gia trên thế giới. Ông Dũng là một trong số ba người Việt Nam được vinh danh,
Đến ngày 4.7. 2014, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam ra mắt, với Phạm Chí Dũng là chủ tịch, các Phó Chủ tịch khác là Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, nha báo Nguyễn Tường Thụy và nhà thơ Bùi Minh Quốc.
Lần đầu bị bắt
Ông Dũng thường viết với hai bút danh: trong nước ký tên Việt Thắng và Viết Lê Quân trên các báo Doanh nhân Sài Gòn, Tuần Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam và Tầm nhìn. Đa số các bài viết này tấn công vào “nhóm lợi ích” chung quanh Nguyễn Tấn Dũng bao gồm:
- Nguyễn Văn Bình, lúc đó là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
- Vương Đình Huệ, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính
- Bùi Quang Vinh, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Đinh La Thăng, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải
Ngoài ra ông Dũng, dưới bút danh Viết Lê Quân, cũng chĩa vào các thế lực tư bản đỏ như Nguyễn Đức Kiên, Trầm Bê, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Thanh Phượng (con gái Nguyễn Tấn Dũng).
Ngoài ra, ông Dũng còn viết trên các trang web của BBC hay RFI với bút hiệu Thường Sơn, tại đây ngòi bút phê phán của ông tỏ ra mạnh bạo hơn.
Nhà báo tự do Vũ Đông Hà cho biết:
“Viết Lê Quân (VLQ) viết ở nhiều lãnh vực khác nhau nhưng được biết đến nhiều nhất là những bài thuộc về lãnh vực kinh tế và hoạt động của các tập đoàn. Những đối tượng VLQ nhắm đến nhiều nhất là EVN, Petrolimex và Ngân hàng nhà nước. Bộ phận được chiếu tướng thường xuyên là Bộ Tài chánh và Bộ Công thương. Không nói rõ ra nhưng phảng phất ở đâu cũng có bóng dáng ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong bài Quyết định 24 của Chính phủ – chỗ dựa dẫm của EVN (4) tự nhan đề cũng đã nói lên được toàn cảnh những nhân vật đứng đằng sau sự lộng hành của EVN. VLQ viết: “Không thể nói Chính phủ là “vô can” trong chuyện tăng giá điện. Cái cớ lớn nhất mà Bộ Công thương và EVN vẫn thường nại ra là Quyết định số 24, được Thủ tướng ban hành vào tháng 2/2011 về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.” Theo ông, chính Bộ Công thương với Vũ Huy Hoàng là “người đỡ đầu” của “cậu ấm” EVN. Bố già đỡ đầu này lại chống gậy thủ tướng “EVN tăng giá điện là theo quy định của Chính phủ”.
Cũng theo VLQ thì “không thể nói Chính phủ là “vô can” trong chuyện tăng giá điện. Cho tới nay, cái cớ lớn nhất mà Bộ Công thương và EVN vẫn thường nại ra là Quyết định số 24, được Thủ tướng ban hành vào tháng 2/2011 về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Theo đó, khoảng cách tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 3 tháng. Nếu giá điện tăng trong phạm vi 5%, EVN chỉ cần thông báo tới Bộ Công thương, Bộ Tài chính. Cấp cao nhất là Thủ tướng Chính phủ chỉ can thiệp phê duyệt khi giá điện được đề xuất tăng trên 5%.”
Thế là cậu ấm EVN cứ mà tà tà tăng giá điện miễn sao dưới 5% trong vòng 3 tháng. Dân có than thì lôi đầu ông Thủ tướng đứng đầu chính phủ ra mà tố bởi cái quyết định 24 nuông chìu cậu ấm EVN mà ông ta đã ký. Và VLQ kết luận:
“Người dân sẽ cần phải mổ xẻ nguồn gốc vấn nạn xã hội này ở địa chỉ nào – EVN, Bộ Công thương, hay cao hơn nữa là Quyết định 24 của Chính phủ, một văn bản dù bất hợp lý nhưng dường như vẫn được duy trì một cách hữu ý, bởi một thái độ không thể nói là nhằm “loại trừ quyền lợi của các nhóm lợi ích”?
Bài viết này cũng như nhiều bài viết khác của VLQ được đăng bởi Tamnhin.net, trang mạng đã bị ra lệnh đóng cửa vào ngày 20 tháng 7, ba ngày sau khi Phạm Chí Dũng bị bắt. (5)
[…]
Và có lúc Viết Lê Quân đã đụng sâu vào nguồn gốc của mọi vấn đề với bài báo: “DNNN ở Trung Quốc và Việt Nam: Đồng sàng dị mộng – Ai “đang bán rẻ đất nước mình””?
Ngoài ra những bài báo khác ký tên Viết Lê Quân đã cho thấy ông đã là cái gai của chính phủ đương nhiệm:
- Cái kết cho “công ty mua bán nợ quốc gia”
- Ai gánh nợ cho các tập đoàn?
- “Đổi đời” casino: Quảng Ninh có trở thành…?
- Quá độ cho tự do báo chí
- Phép thử dân chủ mang tên Ô Khảm
- Câu hỏi sau vụ chống cưỡng chế ở Hải Phòng
Tháng 7 năm 2011 BBC đăng bài “Nhóm lợi ích: Cần một cuộc đại phẫu”, ghi tác giả là “Thường Sơn – Nhà báo tự do ở Sài Gòn.”
Như đã nói ở trên, Thường Sơn chính là Phạm Chí Dũng và tác giả đề cập đến toàn những vấn đề mà Nguyễn Tấn Dũng muốn cho chìm xuồng:
“Đối tượng của cuộc giải phẫu là Vinashin với vụ thua lỗ 4.4 tỷ USD – 4.5% GDP Việt Nam; là Petrolimex với ‘tác động của đợt tăng giá xăng dầu các loại ngày 29/3/2011 đã làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 1.6%’; là ‘cậu ấm hư hỏng EVN’, ‘đã trở thành quán quân về đầu tư ngoài ngành, đổ tiền vào các thị trường chứng khoán và bất động sản. Lại tiếp tục thách thức dư luận với đề nghị tăng giá điện thêm 13%. Chưa tính đến khả năng đề nghị này được thông qua, từ năm 2007 đến nay, giá điện đã tăng khoảng 50%, góp phần làm cho các doanh nghiệp sản xuất lâm vào tình trạng khốn đốn…’; là bộ trưởng mới của Bộ Tài chính Vương Đình Huệ… (18). Tất cả đều đầu mình chân tay của cái xác Nguyễn Tấn Dũng đang cần cuộc đại phẫu.”
Trong một bài khác trên RFA Thường Sơn đã mang nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình ra mổ xe mỗ: “Ngân hàng nhà nước: Động cơ nào sau công cụ lãi suất?”:
“Quyết định của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về trao quyền “tự chủ” cho Ngân hàng nhà nước đối với một vấn đề như mức giảm lãi suất, vốn có tác động rất lớn đến hoạt động của nền kinh tế và đời sống dân sinh, là đáng ngạc nhiên.
Trên bình diện công luận, đây là lần đầu tiên từ khi được bổ nhiệm vào chức vụ thống đốc Ngân hàng nhà nước vào đầu tháng 8/2011, ông Nguyễn Văn Bình được thủ tướng ưu ái đến thế. Điều này xét ra cũng gần như chưa có tiền lệ.
Thậm chí, vai trò của ông Bình còn vượt hơn cả một số bộ trưởng có thâm niên chức vụ từ trước ông. Điều đó cho thấy hiện nay ông Bình là một trong những trợ thủ đắc lực nhất của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
* Nhóm lợi ích trong chiến dịch lãi suất và vàng:
– Từ tháng 9/2011, dư luận trong người dân và trên nhiều tờ báo ở Việt Nam đã bắt đầu đề cập ngày càng nhiều và càng bức xúc về hiện tượng có một nhóm lợi ích nào đó trong việc giữ giá vàng treo cao để “xả hàng”. Một trong những doanh nghiệp được nói đến và bị nghi ngờ nhiều nhất là công ty vàng bạc SJC. Công ty này về danh nghĩa thuộc Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nhưng lại chịu sự chỉ đạo và điều hành rất chặt chẽ từ phía Ngân hàng nhà nước.
– Những nghi ngờ về mối quan hệ thân thiết giữa ông Nguyễn Văn Bình và “tập đoàn độc quyền”’ SJC đã càng trở nên rõ rệt hơn theo thời gian. Không ít lần báo chí Việt Nam đã đề cập đến việc SJC có được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ cơ chế ưu ái mà Ngân hàng nhà nước đã dành cho công ty này.”
Bài viết này đã làm nền tảng cho những bài viết khác về quan hệ của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Bình và những tập đoàn độc quyền. Việc lộng hành của những “nhóm lợi ích” không chỉ nằm trong ô dù cục cưng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Văn Bình. Nó còn tràn lan khắp nơi và điển hình là trong lãnh vực ODA. Thường Sơn gọi đó là nạn ăn cắp vặt:
– ODA là một loại sân chơi bòn rút dành riêng cho giới quan chức tại một số cấp chính quyền trung ương và địa phương phụ trách lĩnh vực này. PMU18 là một minh họa điển hình
– PCI – Đại lộ Đông Tây ở TP.HCM năm 2008. Chỉ đến khi đó, dư luận thế giới mới hiểu rõ chân tướng thực của những kẻ như Huỳnh Ngọc Sĩ và hình bóng ẩn giấu của một ủy viên Bộ Chính trị là như thế nào,
Trong số hơn 49 tỷ đồng mà dự án ODA chuyển cho phía Việt Nam, có đến hơn 11 tỷ đã “bốc hơi”, chiếm đến 23% trong 3 dự án viện trợ của Đan Mạch…
Như vậy Phạm Chí Dũng đề cập đến toàn những vấn đề mà Nguyễn Tấn Dũng muốn cho chìm xuồng như Vinashin, vấn đề nhạy cảm nhưquan hệ của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Bình và tập đoàn độc quyền.
Giới thạo tin cho hay đây chính là những điểm khiến phe Nguyễn Tấn Dũng muốn chụp mũ “làm lộ bí mật nhà nước” lên đầu Phạm Chí Dũng.
Tuy nhiên, sau sáu tháng điều tra, ngày 13.3.2013 Công an TP HCM ký quyết định “đình chỉ vụ án”.
Lúc này ông Dũng hăm doạ sẽ “khiếu nại và có thể khởi kiện báo Tuổi Trẻ”. Phát biểu với BBC ông Dũng cho biết tin của báo Tuổi Trẻ là “hoàn toàn sai sự thật, gây ảnh hưởng rất nặng nề về dư luận, pháp lý đối với tôi và uy tín của gia đình tôi”.
Như vậy ông Phạm Chí Dũng không phải là hạng tầm thường, phải có quan hệ đặc biệt nào đó nên phe Nguyễn Tấn Dũng đã đầu hàng sau 6 tháng điều tra.
Bốn năm sau, ngày 10.1.2017 bộ máy đảng tại Sài Gòn đã dùng điện thoại để triệu tập ba của ông Dũng là cựu thành uỷ viên Phạm Văn Hùng đến trụ sở thành uỷ để “làm việc” mà thực chất là đe doạ, đấu tố cha vì “tội” của con. Tại đây họ đã doạ sẽ truy tố con ông và truy tố Hội Nhà báo Độc lập.
Ông Dũng kể lại câu chuyện này trên đài VOA: “Gia đình tôi đánh giá cách mời của họ là một sự trịch thượng và vô lễ vì họ chỉ cho người thông báo qua điện thoại. Trong buổi làm việc đó có cả quan chức của Đảng như Ban Nội chính Thành Uỷ, Ban Tuyên giáo Thành Uỷ, và Văn phòng Thành Uỷ. Họ có ý kiến mà tôi nghe ba tôi thuật lại rằng họ nói tôi viết bài xuyên tạc, viết bài sai sự thật. Thậm chí có ý kiến cho rằng đã đủ yếu tố để khởi tố tôi về vụ thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.”
Tuy nhiên ông Dũng cho rằng Thành ủy cảm thấy những bài báo của ông đã đụng chạm đến sân sau của Thành ủy, trong đó có một bài viết trên VOA đề cập đến ông cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải.
Bài viết trên của ông Dũng cho VOA vào tháng 12, 2016 có đoạn: “Có dư luận cho biết công an đã nắm rõ được hành vi gây thất thoát của ông Trần Phương Bình tại DongA Bank, nhưng không dám bắt vào năm 2015 là vì DongA Bank là một ngân hàng của Thành ủy TP HCM được bí thư thành ủy khi đó là ông Lê Thanh Hải che chắn. Luồng dư luận này cũng cho rằng việc ông Trần Phương Bình bị bắt vào thời điểm cuối năm 2016, khi ông Lê Thanh Hải đã nghỉ, là một đòn đánh vào ông Hải và khối tài sản khổng lồ tích góp qua nhiều năm của ông này”.
Theo ông Dũng, chính quyền muốn chặn những bài viết tiếp theo của ông về Tp. Hồ Chí Minh hay cụ thể hơn là các bài liên quan đến ông Lê Thanh Hải:
“Ngay trong một bài báo mà họ đặc biệt nhấn mạnh, bài liên quan đến ông Trần Phương Bình, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á ở Tp. HCM bị bắt. Trong bài đó trong dẫn nguồn dư luận đánh giá rằng ông Trần Phương Bình có mối quan hệ có lẽ được che chắn bởi ông Lê Thanh Hải thành thử không bị bắt vào năm 2015. Cũng không loại trừ khả năng là ông Lê Thanh Hải có nhờ riêng ông Tất Thành Cang để ông Tất Thành Cang tổ chức một cuộc họp như vừa rồi, lấy danh nghĩa của thành ủy để đặt ra những vấn đề liên quan đến ông Lê Thanh Hải.”
Bây giờ, ngày 21.11.2019 ông Dũng bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Thành phố HCM truy tố và bắt giam về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật hình sự năm 2015.
Cần nhớ rằng mới đây, để chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ 13, CSVN đã lập đi lập lại rằng cần phải “ngăn chặn những thông tin bất lợi cho đại hội đảng, những thông tin về nội bộ, thông tin về các lãnh đạo đảng”.
Trên khía cạnh này thì trong giới bình luận chính trị ông Phạm Chí Dũng là người nổi lên như một ngôi sao sáng, viết đều nhất, với thông tin sáng giá nhất qua một blog thường xuyên trên đài VOA. Gần đây nhất, ông Dũng đã đánh giá rằng Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ phải rời ngôi vị, để cho thế lực khác vươn lên.
Hẳn nhiên Nguyễn Phú Trọng không muốn nghe chuyện này và rộng hơn là không muối người dân trong và ngoài nước bàn đến tình hình nội bộ đảng, thể hiện qua việc ký công văn chỉ đạo Bộ công an phải ngăn chặn những thông tin xấu về đại hội đảng 13.
Không chỉ đề cập đến nội tình nhân sự đảng nhiệm kỳ 13, ông Dũng còn nói về tương lai mờ tối của Nguyễn Phú Trọng, ông ta không bị bắt mới là chuyện lạ!
Lê Trọng Hiệp