Thanh Hà
Dùng đòn kinh tế uy hiếp các đối tác thương mại, Trung Quốc đi sai một nước cờ. Liên Âu rút tỉa được bài học nào từ kinh nghiệm của Úc ? Chuyên gia Đông Bắc Á Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp Antoine Bondaz phân tích về những giới hạn trong chính sách của Bắc Kinh dùng sức mạnh thương mại để thuần phục đối phương.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung từ 2018 phần nào làm lu mờ chiến tranh mậu dịch mà Bắc Kinh đã khai hỏa nhắm vào một đồng minh thân thiết của Washington là nước Úc. Gần đây nhất Trung Quốc đang cân nhắc mở thêm một mặt trận mới với Canberra nhắm tới một tử huyệt của nền kinh tế trong vùng Thái Bình Dương này là các khoáng sản sắt. Sở dĩ Bắc Kinh còn đang cân nhắc được- thua trên hồ sơ này, do lệ thuộc đến 60 % vào sắt nhập tức Úc. Về phía Úc, thiệt hại cũng sẽ vô cùng to lớn: hàng năm Canberra xuất khẩu đến 80 tỷ đô la Úc, các loại khoáng sản sắt sang Trung Quốc và Úc không thể nhanh chóng tìm ra được những khách hàng khác để lấp vào chỗ trống mà Trung Quốc sẽ để lại.
Những hiềm khích chồng chất
Trả lời đài RFI Việt ngữ, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS của Pháp trước hết nhắc lại hiềm khích sâu xa khiến quan hệ thương mại giữa Canberra với đối tác thương mại quan trọng nhất, là Trung Quốc, xuống cấp tột đột từ khoảng 2017/2018:
Antoine Bondaz: “Quan hệ thương mại giữa Úc và Trung Quốc đã xấu đi từ nhiều năm nay và giai đoạn đầu năm 2020 là một bước ngoặt khi mà Bắc Kinh bắt đầu dùng đòn kinh tế uy hiếp đối phương (đại sứ Trung Quốc tại Canberra chính thức nêu lên 14 đòi hỏi với phía Úc). Trung Quốc khai thác thương mại và kinh tế như những công cụ để làm thay đổi chính sách đối ngoại và an ninh của Canberra.
Cụ thể hơn, Bắc Kinh ban hành một số biện pháp như là đánh thuế vào hàng Úc bán sang thị trường Trung Quốc. Hậu quả kèm theo rất rõ ràng. Trước đây, hơn 50 % rượu vang xuất khẩu của Úc bán sang Trung Quốc, tỷ lệ này rơi xuống còn có 1 % vào tháng Giêng 2021. Dù vậy đây là một vấn đề đã nẩy sinh từ khá lâu nay. Chính xác hơn là kể từ khi Úc ý thức được rằng giao thương với Trung Quốc dẫn đến một số rủi ro. Vào khoảng 2017-2018 chính phủ ban hành một số đạo luật nhằm hạn chế mức độ can thiệp của nước ngoài vào đời sống chính trị tại Úc, tiếp theo đó là luật cấm các đảng phái chính trị nhận tài trợ từ phía các tổ chức nước ngoài. Bắc Kinh là mục tiêu chính Canberra nhắm tới. Tiếp theo đó Úc loại tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc khỏi các nhà thầu trang bị mạng 5G”.
Trong bài viết mang tựa đề Kinh nghiệm của Úc trước các biện pháp trừng phạt Trung Quốc : bài học nào cho châu Âu ?, Antoine Bondaz đi sâu hơn vào chi tiết : trong giai đoạn 2000-2015, 80 % các nguồn tài trợ nước ngoài cấp cho các đảng phái chính trị tại Úc, là « tiền của Trung Quốc ». Từ sau luật ngăn chận ảnh hưởng của nước ngoài vào các hoạt động chính trị tại Úc năm 2018, căng thẳng giữa Bắc Kinh với Canberra tiếp diễn trên các hồ sơ từ Tân Cương đến Hồng Kông. Một điều mà Trung Quốc khó có thể tha thứ cho Úc là Canberra, đầu 2020, đã tiên phong đòi Tổ Chức Y Tế Thế điều tra về nguồn gốc virus corona gây ra đại dịch toàn cầu.
Trừng phạt có chọn lựa
Dù vậy thực tế không thể chối cãi là : « Tổng kim ngạch mậu dịch của Úc với Trung Quốc cao gấp 9 lần so với một đối tác thương mại quan trọng khác của Canberra là Mỹ ». Úc cũng là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có lợi trong giao thương với Trung Quốc. Thặng dư mậu dịch của Úc với Trung Quốc năm ngoái lên tới 55 tỷ đô la Mỹ. Bất chấp các biện pháp trừng phạt đã được từng bước ban hành, năm 2019 trước khi dịch Covid-19 bùng phát, gần 40 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc hướng về thị trường Trung Quốc.
Do vậy các biện pháp trừng phạt gây nhiều tổn thất cho cả đôi bên.
Antoine Bondaz “Có hai khía cạnh, tùy theo là nhìn từ phía Trung Quốc hay Úc. Các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh ban hành nhắm vào một số sản phẩn thiết yếu đối với bản thân kinh tế Trung Quốc như là than đá chẳng hạn. Ngừng nhập khẩu than của Úc đặt chính Trung Quốc vào tình trạng khan hiếm năng lượng mà chúng ta đã quan sát thấy trong những tháng gần đây. Cỗ máy sản xuất của Trung Quốc bị thiệt hại trực tiếp. Cùng lúc, Trung Quốc phải tăng công suất tại công trường khai thác than đá trên lãnh thổ. Còn nhìn từ phía Úc, đương nhiên kim ngạch xuất khẩu bị tác động. May mắn thay là trong thời gian qua, Canberra đã rất nhanh chóng tìm ra được những thị trường mới để phần nào thế vào chỗ trống Bắc Kinh để lại. Úc khai thác mạnh hơn các thị trường như là Nhật Bản, Đông Nam Á hay là Hàn Quốc và nhờ vậy tác động tiêu cực từ chính sách trừng phạt do Bắc Kinh ban hành được « pha loãng » hơn.
Trung Quốc còn một đòn lợi hại chưa sử dụng đến đó là khả năng trừng phạt khoán sản của Úc xuất khẩu sang Trung Quốc. Một khi Bắc Kinh sử dụng đến biện pháp này, đây sẽ là một vố đau bởi vì Canberra khó có thể tìm được ngay một khách hàng nào để thay thế bởi vì không mấy ai có khả năng mua vào nhiều khoáng sản của Úc như là Trung Quốc”.
Tuy nhiên cũng ông Bondaz cho biết thêm là các đòn trừng phạt của Trung Quốc « có tính toán » thí dụ như từ đầu năm 2019 Bắc Kinh cấm nhập khẩu than đá của Úc, Canberra thất thu khoảng ba tỷ đô la một năm khi để mất khách hàng quan trọng này. Trung Quốc cũng đã chọn giải pháp tăng thuế nhập khẩu hơn 200 % đánh vào rượu vang của Úc khiến các nhà sản xuất tại sứ sở của các chú Kangouru lao đao. Nhưng riêng một số lĩnh vực mang tính sống còn với cỗ máy sản xuất của Trung Quốc, như là khoáng sản sắt chẳng hạn, bộ Thương Mại dường như đã tạm quên cho đến thời gian rất gần đây.
Khi thương mại trở thành một vũ khí
Câu hỏi kế tiếp liệu rằng, sau nhiều năm từng bước bắt chẹt nước Úc, Trung Quốc có đạt được những mục tiêu mong muốn hay không ? Trong mắt nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp thì câu trả lời là không vì nhiều lý do.
Antoine Bondaz: “Thoạt đầu đây không phải là một vấn đề thương mại, nhưng rồi cuộc đọ sức đã lan sang đến vế mậu dịch do Bắc Kinh dùng biện pháp o ép kinh tế, coi đây như một công cụ, nếu không muốn nói là một vũ khí, để phục vụ những mục tiêu chính trị. Dù vậy đây là một phương pháp hoàn toàn phản tác dụng.
Thứ nhất, Canberra vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn với Bắc Kinh và thậm chí là đã tăng cường liên minh với các nền dân chủ khác trên thế giới, để cưỡng lại những áp lực của Trung Quốc. Điểm thứ nhì là chúng ta đã thấy, trong quá khứ, Trung Quốc đã từng ban hành các biện pháp phong tỏa kinh tế Hàn Quốc hồi năm 2016-2017 để trừng phạt Seoul lắp đặt hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ. Kinh tế Hàn Quốc vẫn bình yên và không bị ảnh hưởng gì từ những đòn trừng phạt đó của Bắc Kinh. Cuối cùng, dùng kinh tế và thương mại để uy hiếp các đối phương, chẳng những đã không đem lại kết quả mong muốn mà còn đẩy những quốc gia trong tầm ngắm của Bắc Kinh xa rời hơi nữa với Trung Quốc, độc lập hơn với công xưởng sản xuất của thế giới. Điều này đã được kiểm chứng qua trường hợp của Hàn Quốc, của Úc và giờ đây là kể cả với Liên Hiệp Châu Âu. Hiện tại Bruxelles đang chuẩn bị một loạt các công cụ để cưỡng lại những thủ đoạn dùng kinh tế, thương mại hay đầu tư để uy hiếp đối phương.
Thật ra các biện pháp này nhắm đến cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Bởi vì dù là những đồng minh thân thiết, nhưng Mỹ đến nay vẫn dùng nguyên tắc ngoài lãnh thổ để trừng phạt châu Âu. Còn với Trung Quốc thì đã quá rõ ràng : sau việc Bắc Kinh đòi trừng phạt Litva, một thành viên của Liên Âu đã mở quan hệ ngoại giao với Đài Loan, hơn bao giờ hết, chính sách đối phó với Trung Quốc lại càng mang tính thời sự hơn”.
Bắc Kinh đi sai một nước cờ?
Riêng với nước Úc, giới quan sát đồng loạt nhận định rằng chính các đòn uy hiếp của Trung Quốc về nhiều mặt là mầm mống để liên minh quân sự AUKUS – Úc, Anh và Mỹ ra đời. Chiến thuật o ép các đối tác thương mại và kinh tế của Bắc Kinh càng là keo sơn gắn kết Úc với ba đối tác là Mỹ, Nhật và Ấn Độ của Bộ Tứ QUAD.
Trước Úc, năm 2010 Trung Quốc đã bắt ngành xuất khẩu cá hồi của Na Uy trả giá đắt sau việc Hàn Lậm Viện tại Oslo trao tặng giải Nobel Hòa Bình cho nhà đấu tranh vì nhân quyền Lưu Hiểu Ba. Hàn Quốc cũng đã bị Bắc Kinh thách thức vì quyết định xây dựng hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD. Gần đây hơn đảng Cộng Sản Trung Quốc trút cơn thịnh nộ lên chính quyền Litva, một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, để phản đối Vilnius thiết lập bang giao với chính quyền Đài Loan. Giọng điệu của Bắc Kinh « càng lúc càng gay gắt » như Antoine Bondaz ghi nhận.
Trung Quốc không chỉ đàn áp những tiếng nói bất đồng trong nước, không chỉ uy hiếp những cá nhân hay doanh nghiệp nước ngoài giao thương với Hoa lục mà còn trực tiếp đe dọa thẳng đến một « Nhà nước ». Trong lúc Bắc Kinh tăng tốc cỗ máy uy hiếp đó thì Liên Hiệp Châu Âu vẫn lúng túng đi tìm giải pháp « tốt nhất » để đối phó với áp lực của Trung Quốc. Có điều như Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp nhấn mạnh, “Trung Quốc không phải là một siêu cường với sức mạnh vô song để không một ai có thể cưỡng lại nổi”.