Tin thế giới sáng thứ Tư

Nhật Bản và Pháp đàm phán không chính thức về hợp tác quân sự

Minh Anh

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, quân đội Pháp và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, tổ chức diễn tập quân sự chung tại khu vực tập trận Kirishima, Nhật Bản (5/2021) AP – Charly Triballeau

Đại sứ Pháp tại Nhật Bản, hôm 13/12/2021, thông báo Paris và Tokyo đã bắt đầu các cuộc đàm phán không chính thức về một thỏa thuận tăng cường khả năng phối hợp tác chiến và hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của hai nước

Theo trang mạng The Mainichi, trong giai đoạn đầu, đôi bên sẽ thảo luận về Thỏa Thuận Tiếp Cận Qua Lại, do việc Pháp có các đảo, lãnh thổ hải ngoại ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, khu vực mà Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng quân sự.  

Nếu Pháp bước vào đàm phán chính thức với Nhật Bản, đây sẽ là nước thứ ba sau Anh Quốc và Úc. Hiện nay, bộ Ngoại Giao Nhật Bản từ chối bình luận thông tin về các cuộc đàm phán đã được bắt đầu.  

Trong cuộc họp báo, đại sứ Pháp Philippe Setton tuyên bố:

Chúng tôi muốn thúc đẩy các chương trình hợp tác quân sự và phòng thủ (với Nhật Bản). Đó là lý do vì sao chúng tôi hy vọng, nếu có thể, đạt được Thỏa Thuận Tiếp Cận Qua Lại. Tôi nghĩ rằng điều này là quan trọng, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa hai nước”.  
Hồi tháng 5/2021, Lực lượng Phòng vệ bộ binh Nhật Bản (lục quân) lần đầu tiên đã có cuộc tập trận quy mô lớn với Mỹ và Pháp trên lãnh thổ Nhật Bản. Mục tiêu là nhằm ngăn cản hành động quân sự ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

Nga dọa triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu

Phan Minh

Thứ trưởng Ngoại Giao Nga và trưởng phái đoàn Sergei Ryabkov tham dự hội nghị Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ở Bắc Kinh. AP – Thomas Peter

Hôm 13/12/2021, Nga cho biết có thể buộc phải triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu để đối phó với kế hoạch tương tự của NATO.

Trả lời phỏng vấn hãng tin RIA news agency ngày 13/12/2021 và được Reuters trích dẫn, thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Ryabkov đã đưa ra lời đe dọa Nga phải hành động nếu phương Tây từ chối tham gia Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ở châu Âu trong bối cảnh quan hệ Nga – phương Tây đang ở mức tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào ba thập kỷ trước.

Vũ khí hạt nhân tầm trung – tức tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km (310 đến 3.400 dặm) – đã bị cấm ở châu Âu theo hiệp ước INF ký vào năm 1987 giữa lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Hiệp ước này từng được đánh giá là biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh. Cho đến năm 1991, hai bên đã phá hủy gần 2.700 tên lửa loại này.  

Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước vào năm 2019 sau khi cáo buộc Nga vi phạm. Trong khi đó, Nga cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO đang tiến gần hơn tới việc tái triển khai các tên lửa tầm trung.  

Về phía NATO, liên minh này khẳng định, Hoa Kỳ sẽ không triển khai thêm tên lửa ở châu Âu và sẵn sàng đối phó với Nga bằng vũ khí thông thường. Nhưng ông Ryabkov cho biết, Nga “không hề tin tưởng NATO”.  

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang về nhiều vấn đề trong đó có vấn đề Ukraina. 

Tại Indonesia, ngoại trưởng Mỹ lên án các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương

Trọng Nghĩa

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tham dự cuộc họp tại bộ Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư ở Jakarta, Indonesia ngày 14 tháng 12 năm 2021. REUTERS – POOL

Phát biểu vào hôm 14/12/2021 tại Jakarta, thủ đô Indonesia, chặng đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên từ ngày nhậm chức, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc, tố cáo các hành vi gây hấn nhắm vào các nước trong vùng châu Á – Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời cam kết bảo vệ các đối tác và một “trật tự dựa trên luật pháp”.

Trong bài nói chuyện tại Đại Học Indonesia ở Jakarta về chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, ngoại trưởng Antony Blinken đã nhấn mạnh rằng mọi quốc gia đều phải được quyền “lựa chọn con đường của riêng mình”, và Washington sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để bảo vệ một “trật tự dựa trên luật pháp” trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang bị những hành vi hung hăng (aggressive actions) của Trung Quốc đe dọa.

Theo ngoại trưởng Mỹ, hiện đang có “rất nhiều mối lo ngại – từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á và từ vùng sông Mekong đến các quần đảo Thái Bình Dương – về các hành động hung hăng của Bắc Kinh”.

Ông Blinken đã liệt kê những hành vi như:

Tuyên bố các vùng biển mở là của riêng họ, làm méo mó các thị trường mở thông qua trợ cấp cho các công ty nhà nước, từ chối xuất khẩu hoặc hủy bỏ các giao dịch đối với các quốc gia có chính sách mà họ không đồng ý, can dự vào những hoạt động đánh bắt cá phi pháp, không khai báo và không được điều hòa.”
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định: “Các quốc gia trong khu vực muốn hành vi này thay đổi – chúng tôi (tức là Hoa Kỳ) cũng vậy”. Ông nói thêm: “Chính vì thế mà chúng tôi đã quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi mà các hành động hung hăng của Bắc Kinh đe dọa sự lưu thông của hơn 3 tỷ đô la hàng thương mại mỗi năm”.

Khi khẳng định rằng Mỹ bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, ông Blinken nói rõ là mục đích của Washington không phải là “đánh ngã một nước nào” mà là “bảo vệ quyền của mọi quốc gia được chọn lựa hướng đi của riêng mình, mà không bị bức ép hay hù dọa”.

Theo hãng tin Pháp AFP, nhân chuyến công du Đông Nam Á của mình, ngoại trưởng Mỹ sẽ cố gắng nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, ngay cả khi chính quyền Mỹ phải đối mặt với vô số cuộc khủng hoảng khác, từ Iran đến Nga.

Việc chọn Indonesia làm chặng đầu tiên trong chuyến công du không phải là ngẫu nhiên, vì đây là cường quốc số một của khu vực Đông Nam Á, đồng thời quốc gia này sẽ làm chủ tịch luân phiên của nhóm G 20.

Sau Indonesia, ngoại trưởng Mỹ sẽ tiếp tục vòng công du qua Malaysia và Thái Lan.

Hạt nhân Iran : Đàm phán có nguy cơ thất bại, Mỹ chuẩn bị phương án thay thế

Minh Anh

Quốc kỳ Iran trước trụ sở Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Vienna, Áo ngày 23/5/2021. REUTERS – Leonhard Foeger

Đàm phán về hạt nhân Iran vẫn “dậm chân tại chỗ”. Phương Tây và Iran đổ lỗi cho nhau gây cản trở cuộc thương lượng. Trước nguy cơ đàm phán bị thất bại, Hoa Kỳ « tích cực » chuẩn bị các giải pháp thay thế với các đồng minh để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong buổi họp báo nhân chuyến thăm Jakarta, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, 14/12/2021, tuyên bố « sẽ là quá muộn, Iran vẫn chưa đi vào đàm phán thực thụ ». Nhắc lại những chỉ trích từ các đồng nhiệm châu Âu là Anh, Pháp và Đức, còn được gọi là E3, lãnh đạo ngoại giao Mỹ khẳng định « không có tiến bộ nhanh chóng, thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ trở thành chiếc vỏ rỗng » trong khi Iran đang có những bước tiến nhanh trong chương trình hạt nhân.

Vẫn theo ngoại trưởng Mỹ, « những gì chúng ta thấy được đến lúc này, chính là Iran đang đánh mất một thời gian quý giá khi bảo vệ những lập trường không tương thích với việc trở lại » thỏa thuận hạt nhân 2015. Nếu như ngoại giao cho đến giờ vẫn được xem là giải pháp tốt nhất, thì ngoại trưởng Blinken cũng cảnh báo sẽ « thảo luận tích cực với các đồng minh và đối tác những phương án thay thế. »

Trước những chỉ trích trên, trưởng đoàn đàm phán Iran, Ali Bagheri Kani, trên mạng xã hội Twitter cáo buộc phương Tây « cứ chăm chăm chỉ trích » thay vì chọn lựa « ngoại giao thật sự ». Hôm Chủ Nhật, phía Iran cho biết là đã có những tiến bộ, theo đó, “hai bên sắp đồng thuận về những vấn đề sẽ phải được đưa ra trong chương trình nghị sự”.

Nếu như Iran cho đấy là một tiến triển tích cực, thì phương Tây cáo buộc Iran đã có bước lùi so với hồi mùa xuân năm nay. Hoa Kỳ nghi ngờ Teheran tìm cách kéo dài thời gian để phát triển chương trình hạt nhân có thể đi đến chế tạo bom nguyên tử. 

Nam – Bắc Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc đồng ý “về nguyên tắc” chấm dứt chiến tranh

Minh Anh

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới thăm khu tưởng niệm chiến tranh Triều Tiên tại Canberra, Úc, ngày 13/12/2021. AP – Lukas Coch

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, hôm 13/12/2021, cho biết Seoul, Bình Nhưỡng, Washington và Bắc Kinh đã đồng ý « về mặt nguyên tắc » cho tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc xung đột này được kết thúc cách nay gần 70 năm bằng một hiệp định đình chiến mong manh.

Theo tờ The Guardian, tổng thống Hàn Quốc đã có phát biểu như trên trong một cuộc họp báo nhân chuyến thăm Úc bốn ngày, bắt đầu từ hôm qua. Tuy nhiên, ông Moon Jae In cũng cho biết thêm rằng phía Bình Nhưỡng xem việc Washington chấm dứt thái độ thù nghịch là điều kiện tiên quyết cho các cuộc thương lượng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên hay Mỹ và Bắc Triều Tiên « chưa thể ngồi vào bàn đàm phán về một tuyên bố chính thức », theo như phát biểu của tổng thống Moon trong cuộc họp báo với thủ tướng Úc.

Nguyên thủ Hàn Quốc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chấm dứt hiệp định đình chiến « không ổn định » được thiết lập từ gần 70 năm qua, cho phép cải thiện, thậm chí có bước đột phá trong các cuộc « đàm phán về phi hạt nhân hóa » và mang lại “hòa bình cho bán đảo Triều Tiên”.

The Guardian nhắc lại, tổng thống Moon xem việc cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên là điểm cốt lõi cho nhiệm kỳ của mình. Ông ra sức thúc đẩy một hiệp ước hòa bình trước khi nhiệm kỳ tổng thống 5 năm duy nhất kết thúc vào mùa xuân năm 2022. Theo các nguồn tin báo chí, đề xuất này của ông Moon được Trung Quốc ủng hộ, trong lúc Mỹ và Hàn Quốc đang trong giai đoạn cuối cùng của việc soạn thảo một tuyên bố.

Tuy nhiên, ý kiến này của nguyên thủ Hàn Quốc cũng gây chia rẽ trong nước, cho rằng tuyên bố này chẳng khác gì là một phần thưởng cho các hành vi khiêu khích của chế độ Bình Nhưỡng, đồng thời đe dọa sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc.

Related posts