John Mac Ghlionn
Khi đọc từ “công nghệ”, thì hình ảnh nào sẽ xuất hiện trong tâm trí quý vị?
Điện thoại thông minh, siêu máy điện toán, công cụ tìm kiếm hỏa tốc, xe hơi tự vận hành, v.v.
Điều quan trọng cần nhớ là công nghệ chỉ đơn giản là ứng dụng của kiến thức khoa học được sử dụng cho các mục đích thực tế. Đó là một định nghĩa khá phổ quát, nghĩa là công nghệ có dạng thức rất đa dạng.
Lấy công nghệ hạt giống (seed technology) làm ví dụ, như trong tất cả các bằng sáng chế, thương hiệu, ứng dụng, bí mật kinh doanh và các tài sản trí tuệ khác liên quan đến các sản phẩm hạt giống. Đây là một công cụ căn bản để bảo đảm an toàn thực phẩm cho một quốc gia.
Hiện tại, ở Trung Quốc đang có sự chênh lệch giữa cung và cầu về ngũ cốc. Chiếm gần 20% dân số thế giới nhưng chỉ có 7% diện tích đất canh tác so với toàn thế giới, Trung Quốc đang tìm đến khoa học để thúc đẩy việc sản xuất hạt giống. Trong một nỗ lực tuyệt vọng để ngăn người dân khỏi bị đói ăn, Trung Cộng sẽ nỗ lực hết sức thúc đẩy sản xuất cây trồng, ngay cả khi điều này bao gồm việc đánh cắp thông tin khoa học từ các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ.
Người nông dân Jack
Vào giữa tháng 10, Jack Ma, người gần đây rất ít xuất hiện trước công chúng, đã đến Tây Ban Nha để thực hiện một chuyến nghiên cứu kỹ thuật nông nghiệp. Chuyến đi này diễn ra ngay sau khi Alibaba, công ty mà ông Ma là người đồng sáng lập, đã cam kết đầu tư mạnh vào công nghệ liên quan đến nông nghiệp và phương thức canh tác.
Một tuần sau chuyến khám phá Tây Ban Nha, ông Ma đã đến Hà Lan. Tại sao lại như vậy? Đến thăm các cơ sở nghiên cứu chuyên nghiên cứu về công nghệ nông nghiệp và khoa học hạt giống. Một nguồn tin tiết lộ rằng ông Ma đã quyết định thực hiện một chuyến đi riêng tư.
Tuy nhiên, chúng ta có lý do để nghĩ khác. Không nên quên rằng, Alibaba có mối quan hệ rất chặt chẽ với Trung Cộng. Chỉ vài tháng trước, ông Ma đã biến mất một cách bí ẩn. Chắc hẳn ông ấy quá yêu thích bộ môn hội họa, đến nỗi đã chọn cách lặn vào trong bóng tối. Đương nhiên là mọi người đều biết lý do ông Ma biến mất. Ông ấy đã chỉ trích Trung Cộng.
Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, cùng lúc với việc Bắc Kinh đang ráo riết theo đuổi mọi thứ liên quan đến nông nghiệp, ông Ma lại đang đi vòng quanh Âu Châu, tham dự các hội thảo và thăm các viện nghiên cứu nông nghiệp. Có lẽ ông ấy đã được cử ra ngoại quốc để quay về báo cáo chăng?
Ông Ma có vẻ rất nồng hậu và niềm nở, một doanh nhân hiểu biết, rất thích giao thiệp. Ông ấy là một người bình dân. Phong cách của ông hoàn toàn trái ngược với chính sách ngoại giao chiến lang gắn liền với Trung Cộng. Nếu có người có thể đạt được một thỏa thuận, đó chính là Jack Ma.
Khủng hoảng cây trồng của Trung Quốc
Như Reuters đã đưa tin trước đây, 40% diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã bị hủy hoại do mức độ ô nhiễm ngày càng tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Để có đủ cây trồng, Bắc Kinh đang vung tiền [để giải quyết] vấn đề — một con số khổng lồ.
“Kế hoạch Phát triển Nông nghiệp và Khu vực Nông thôn Kỹ thuật số từ 2019 đến 2025” của Trung Cộng đang tìm cách hồi sinh đất nước thông qua phát triển nông nghiệp và tiến bộ khoa học. Một trong những biện pháp mà họ dự định thúc đẩy ngành nông nghiệp quốc gia là thông qua việc tích cực thu mua lại. Như nhà nghiên cứu Andrea Durkin đã lưu ý, việc thu mua lại đã trở thành “cách nhanh nhất để Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ hạt giống được phát minh ở các quốc gia khác.”
Năm 2016, ChemChina, một công ty hóa chất nông nghiệp do Trung Cộng hậu thuẫn, đã mua lại Syngenta – một tập đoàn khổng lồ của Thụy Sĩ, nhà cung cấp kiến thức và công nghệ nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Năm 2019, ông Johnny Chi, chủ tịch của COFCO International – công ty ngũ cốc, các loại hạt có dầu và thực phẩm lớn nhất của Trung Quốc – hứa hẹn đầu tư mạnh vào nông nghiệp Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này hiện được xem là đối tác chủ yếu trong việc bảo đảm an ninh lương thực của Trung Quốc.
Trong năm nay, nhà bán lẻ trực tuyến Pinduoduo của Trung Quốc, một trong những nền tảng công nghệ tập trung vào nông nghiệp lớn nhất ở Á Châu, đã công bố kế hoạch đầu tư vào công nghệ nông nghiệp ở ngoại quốc. Công ty này dường như đang đáp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh.
Hoa Kỳ cũng không đứng ngoài các vụ đầu tư của Trung Quốc. Công ty Smithfield Foods có trụ sở tại Smithfield, Virginia là một trong những nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Công ty cũng thuộc sở hữu của Công ty Trung Quốc WH Group (một lần nữa, có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh). Tất nhiên, bên cạnh các thương vụ thu mua lại và [hình thành] liên minh, chính quyền Trung Quốc còn thực hiện các hành vi gián điệp kinh tế, kể cả việc đánh cắp bí mật thương mại.
Các hành động này của Trung Cộng là một mối đe dọa thực sự đối với Hoa Kỳ. Đầu tháng 11, một nhân viên tình báo Trung Quốc đã bị bồi thẩm đoàn liên bang ở Cincinnati kết tội. Theo Bộ Tư pháp, người đàn ông nói trên là Yanjun Xu, “bị kết án với nhiều tội danh, kể cả việc âm mưu và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ làm gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại.”
Vì Bắc Kinh đang ra sức để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng cây trồng, nên họ đặt hy vọng vào các hoạt động gián điệp kinh tế tiếp theo. Dù sao thì Hoa Kỳ cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học, kể cả khoa học hạt giống và nông nghiệp.
Theo Giám đốc FBI Christopher Wray, “mối đe dọa lâu dài nhất đối với các thông tin và sở hữu trí tuệ quốc gia, cũng như sức sống kinh tế của Hoa Kỳ, là mối đe dọa phản gián và gián điệp kinh tế từ Trung Quốc. Đó là mối đe dọa đối với an ninh kinh tế của Hoa Kỳ — và đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.” Trung Cộng đang nỗ lực đánh cắp thông tin “về tất cả mọi thứ, từ thiết bị quân sự đến tuabin gió cho đến hạt giống lúa và bắp.”
Nông nghiệp Mỹ, như ông Durkin đã đề cập ở trên, là một mục tiêu mềm cụ thể cho hành vi đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, “cho dù là thông qua quyền truy cập vào các nghiên cứu bảo mật của một công ty, tuồn dữ liệu thông tin của các trường đại học hoặc cơ sở nghiên cứu của chính phủ ra bên ngoài, hay đơn giản chỉ là đang bươi tìm hạt giống trên cánh đồng.”
Với việc lĩnh vực nông nghiệp của Trung Quốc đang bị đình trệ, [người ta] suy đoán rằng việc bươi [tìm hạt giống này] vẫn sẽ tiếp tục. Có lẽ, sau khi kết thúc công việc ở Âu Châu, Jack Ma sẽ đến Hoa Kỳ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Doanh Doanh biên dịch